Nhóm giải pháp tuyên truyền phổ biến những chuẩn mực đạo đức mới

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 87 - 90)

Cần có sự đầu tư thích đáng, có trọng điểm các hoạt động giáo dục tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức truyền thống và chuẩn mực đạo đức mới đi vào cuộc sống. Gia đình được ví như tế bào của xã hội. Một xã hội muốn phát triển bền vững thì tế bào của nó phải khỏe mạnh. Gia đình hạnh phúc tạo điều kiện cho xã hội phát triển, ngược lại khi xã hội phát triển sẽ tạo điều kiện cho xây dựng gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Chính vì lẽ đó, trong truyền thống và hiện nay vai trò của gia đình vẫn luôn được đề cao. Tuy nhiên, trong những năm qua công tác giáo dục chuẩn mực đạo đức gia đình cũng có những hạn chế bất cập nhất định. Do vậy để có

thể nâng cao vai trò của gia đình trong việc giáo dục và xây dựng các chuẩn mực đạo đức đối với con người Việt Nam hiện nay chúng ta cần:

Giáo dục các kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình đã được đúc kết trong truyền thống. Đây là những kỹ năng cần thiết cho việc giáo dục và truyền thụ các chuẩn mực đạo đức mới cho mỗi thành viên trong gia đình, đó là tình nghĩa vợ chồng, là quan hệ cha mẹ với con cái, con cháu với ông bà. Thông thường trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống như: ông bà, bố mẹ và con cái. Vì vậy, việc tuyên truyền giáo dục các chuẩn mực đạo đức mới cần có sự thay đổi linh hoạt cho phù hợp: ông bà cha mẹ là những người lớn tuổi đã có trình độ nhận thức nhất định, việc giáo dục con cháu có thể thông qua thông tin đại chúng, qua việc nhận thức các giá trị văn hóa, còn con cháu thì cùng với sự giáo dục tại gia đình còn là cả sự giáo dục tại trường học thông qua những bài học, những câu chuyện, trò chơi mang tính chất giáo dục.

Hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến các chuẩn mực đạo đức mới tại nhà trường mặc dù có sự thay đổi linh hoạt nhưng cần phải có sự cân đối giữa các môn khoa học xã hội và môn khoa học tự nhiên để việc tuyên truyền giáo dục các chuẩn mực đạo đức đạt kết quả.

Cần cải tiến phương pháp giảng dạy, thi cử các môn học. Có thể thấy một phần nguyên nhân học sinh, sinh viên nhàm chán học môn khoa học xã hội- nhân văn là do phương pháp giảng dạy các môn như: lịch sử, văn học…thường được giảng dạy thi cử theo nguyên tắc, theo phương pháp giảng bài học sinh ghi chép…làm cho học sinh, sinh viên không có sự chủ động trong việc tự học do đó gây tâm lý chán nản tẻ nhạt. Do vậy, việc giảng dạy cần kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn để kích thích tính tích cực của sinh viên thông qua các buổi thảo luận, các trò chơi trên lớp; trong thi cử cần có cách kiểm tra suy luận phát huy tính sáng tạo của sinh viên. Muốn cho học sinh, sinh viên có sự quan tâm học tập các môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn đòi hỏi người giảng phải gắn nội dung học tập với thực tiễn cuộc sống, bám sát những sự kiện diễn ra trong nước và quốc tế. Từ những sự kiện đó bằng con mắt khoa học, người dạy phải phân tích để người học hiểu đâu là đúng sai, phải trái. Cần phải có sự hiện đại hóa những kiến thức của các ngành khoa

học xã hội và nhân văn. Khi đề cập đến những vấn đề hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa cần phải để cho người học thấy được cả những thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, để từ đó người học có nhận thức đúng đắn tránh lạc quan quá mức hoặc bi quan tuyệt vọng. Cần làm cho người học thấy được giữa thời cơ và thách thức là đan xen nhau, khi ta vươn lên sẽ là thời cơ, nhưng nếu chúng ta chần chừ, thiếu phấn đấu quyết đoán thì đó là hạn chế.

Đối tượng giáo dục và tự giáo dục chuẩn mực đạo đức là tất cả mọi người. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm, lứa tuổi, nghề nghiệp, môi trường sống...mà có nội dung và hình thức giáo dục khác nhau cho phù hợp. Cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục chuẩn mực đạo đức cho thế hệ trẻ.

Phát huy vai trò của dư luận xã hội lành mạnh trong việc ủng hộ cái đúng, cái tốt, phê phán cái lạc hậu, lỗi thời của chuẩn mực đạo đức trong truyền thống. Nêu cao tấm gương giáo dục đạo đức trong lịch sử và trong điều kiện sống hiện nay nhất là làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Để hoạt động giáo dục chuẩn mực đạo đức đạt được hiệu quả chúng ta cần quan tâm: đến hình thức giáo dục đạo đức phải phù hợp với lứa tuổi và trình độ của mỗi người. Mỗi lứa tuổi có đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, đòi hỏi công tác giáo dục phải có phương pháp, cách thức khác nhau. Cần nhanh chóng đưa ra những chuẩn mực đạo đức phù hợp với mỗi ngành nghề, công việc, phổ biến trong toàn xã hội, cần có sự kết hợp các môi trường và sử dụng nhiều hình thức giáo dục đạo đức.

Đạo đức của con người hình thành là kết quả tổng hợp giáo dục đạo đức của gia đình, nhà trường và xã hội. Giáo dục là một nghệ thuật, là một khoa học, do vậy muốn cho giáo dục gia đình đạt hiệu quả cao, xã hội phải quan tâm trang bị những tri thức, những hiểu biết về tâm sinh lý lứa tuổi, về khoa học giới tính cho các bậc cha mẹ. Nếu như giáo dục đạo đức trong gia đình có tác dụng trực tiếp hình thành đạo đức cho mỗi con người thông qua hành động, cử chỉ, tấm gương đạo đức của cha mẹ,…thì giáo dục đạo đức trong nhà trường lại trang bị cơ sở khoa học giúp cho mỗi con người hiểu sâu hơn, có tri thức nhiều hơn về đạo đức xã hội, từ đó hình thành niềm tin, lý tưởng, tình cảm đạo đức của mỗi con người. Như vậy, nhà trường góp phần làm sâu sắc thêm những quan niệm đạo đức ở mỗi con người, tạo ra ý chí,

nghị lực cho mỗi người vượt qua mọi khó khăn phức tạp của cuộc sống. Để công tác xây dựng chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam có hiệu quả đòi hỏi cần có sự phối hợp, kết nối ba môi trường giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Xây dựng chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay (Trang 87 - 90)