3.4 Những giải pháp để nâng cao chất lƣợng phóng sự trên báo in hiện nay
3.4.1 Bám sát hiện thực cuộc sống trong sáng tạo tác phẩm
Đây là yêu cầu đầu tiên khi viết phóng sự. Nó là cơ sở cho sự sáng tạo của tác giả. Để có một phóng sự đúng không khó, nhưng viết được một phóng sự hay, ấn tượng độc giả thì đó là một thách thức không hề dễ dàng gì đối với người viết
phóng sự. Nhà báo Hữu Thọ đã từng nói: “Người làm báo mà tách rời cuộc sống thì
xem như không thể làm nghề báo. Ai làm báo lại không muốn viết hay, và không muốn trở thành nhà báo được bạn đọc tin cậy. Ngay cả khi mới vào nghề thì người nào cũng nên có ước vọng là mình sẽ trở thành một người viết hay và là ngòi bút đáng tin cậy. Trong cuộc đời làm báo của tôi, tôi không thấy nhà báo nào viết hay và đáng tin cậy mà lại chỉ ngồi ở bàn giấy, sống quan cách, không lăn lội trong cuộc sống, không hiểu biết sâu sắc cuộc sống và không có trình độ sắc sảo, đúng đắn phân tích cuộc sống. Trong lịch sử báo chí, nhìn lại các bậc đàn anh của chúng ta trong làng báo, chúng ta bắt gặp những nhà báo nổi tiếng, viết hay, chụp ảnh giỏi và trở thành những nhà báo rất tin cậy và họ đều là những nhà báo đã lăn vào
cuộc sống, có mặt ở những nơi khó khăn, nguy hiểm. Không thấy những ngoại lệ”
[16, tr.301-302].
Trong vô vàn những sự kiện, vấn đề diễn ra trong cuộc sống đòi hỏi nhà báo phải có con mắt tinh đời để biết cách lựa chọn được những sự kiện nào nên viết, những vấn đề nào có thể phát triển thành một thiên phóng sự thật sự cuốn hút sự quan tâm của độc giả. Tác giả cũng cần cân nhắc lựa chọn cho mình cách thức thể hiện phù hợp, lúc này ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Quá trình thực hiện một
tác phẩm báo chí nói chung, tác phẩm phóng sự nói riêng là quá trình sáng tạo, trong quá trình ấy, nhà báo không chỉ không được phép lặp lại người khác mà còn
không được phép lặp lại chính mình, bởi sự tẻ nhạt, sáo mòn chính là những “kẻ
thù” có khả năng đào thải nhà báo nhanh nhất và dễ nhất.
Quá trình khảo sát các tác phẩm phóng sự trên các báo Tiền Phong, Thanh
Niên, Tuổi trẻ TPHCM, tác giả luận văn nhận thấy: Các báo không chỉ quan tâm
đến mảng đề tài theo tôn chỉ mục đích của tờ báo, Ban biên tập các báo cũng luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức. Đặc biệt, việc mở rộng các vấn đề mà báo đề cập ngày càng bám sát hiện thực cuộc sống hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của độc giả.
Yêu cầu bám sát hiện thực cuộc sống trong sáng tạo tác phẩm báo chí nói chung và tác phẩm phóng sự nói riêng chính là động lực giúp các nhà báo không ngừng làm mới mình qua các đề tài phản ánh. Để có được những đề tài hay, độc đáo nhưng không xa lạ với công chúng, nhà báo phải đi vào thực tế. Không có một phóng sự hay nếu như nhà báo chỉ ngồi ở nhà và tưởng tượng ra. Chỉ có đi, khám phá và sáng tạo thì nhà báo mới có thể cho ra những sản phẩm tâm huyết, có giá trị.
Phóng sự từ trước đến nay luôn là “địa hạt” cho sự sáng tạo, không có chỗ cho sự
lặp lại, cũng không cho phép nhà báo được lặp lại chính mình. Và cuộc sống chính là nguồn đề tài vô tận cho sự sáng tạo của mỗi nhà báo.