CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG TECHMART Ở VIỆT NAM
2.4. Các hoạt động của tổ chức trung gian và môi giới công nghệ
Hoạt động tư vấn, môi giới CGCN có ý nghĩa và vai trò to lớn đối với chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ giới hạn vai trò này. Ở các nước đang phát triển, các doanh nghiệp thường không có khả năng mua các công nghệ cần thiết là do các lý do như: vị thế thương lượng kém; năng lực KH&CN (vốn, hạ tầng và nhân lực KH&CN) kém; kỹ năng thương thuyết kém. Tư vấn chuyển giao công nghệ chỉ có thể hỗ trợ vào nâng cao khả năng thương thuyết và hầu như không có tác dụng đối với các cản trở khác.
Tổ chức trung gian và môi giới công nghệ
Hiện nay, nước ta có khoảng hơn 1.000 tổ chức tư vấn, trung gian, môi giới công nghệ và chuyển giao công nghệ. Hoạt động của các tổ chức này còn rất sơ khai, số lượng các đơn vị hoạt động mang tính chuyên nghiệp còn rất ít.
Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen thuê tư vấn trong các khâu của quy trình chuyển giao công nghệ, phần lớn chỉ là mua được máy móc thiết bị là xong. Thậm chí nhiều doanh nghiệp (nhà nước cũng như tư nhân) không muốn thuê tư vấn trong các quyết định đầu tư đổi mới công nghệ. Hoạt động của các tổ chức tư vấn trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực, tuy nhiên tỷ lệ tư vấn trong các hợp đồng mua bán, chuyển giao công nghệ vẫn còn chưa đáng kể.
Kinh tế thị trường không thể thiếu được môi giới. Một khi thị trường công nghệ phát triển, nhu cầu về môi giới sẽ ngày càng lớn. Môi giới, trung gian giao dịch công nghệ được thực hiện bởi đội ngũ nhân tài thông hiểu công nghệ, hiểu thị trường, hiểu kinh doanh, hiểu tài chính và pháp luật, có thể cung cấp dịch vụ ở các mức độ khác nhau cho giao dịch công nghệ nhằm tránh được những rủi ro trong quá trình giao dịch, đồng thời xúc tiến cho hai bên mua - bán công nghệ có thể thoả thuận được với nhau để đi tới thành công trong giao dịch và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, đội ngũ thực hiện môi giới giao dịch và chuyển giao công nghệ không có nhiều, chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, công tác xúc tiến phát triển thị trường công nghệ (Techmart) còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể là:
CNTB đưa đến Techmart giới thiệu chào bán (bên cung), phần lớn chưa được chuẩn bị mang tính hàng hoá nên ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá và hoạt động dịch vụ tư vấn, hỗ trợ quá trình kết nối giao dịch chào bán và tìm mua các loại CNTB chưa tương xứng với mức yêu cầu.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và địa điểm tổ chức chưa được đầu tư, phần lớn phải đi thuê với chi phí cao.
* Kết luận chương 2
Chương 2 của Luận Văn đề cập đến bối cảnh hoạt động của Techmart trong khuôn khổ chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển thị trường công nghệ . Thị trường công nghệ là một trong các yếu tố cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường, chính sự phát triển thị trường công nghệ là một trong những công cụ cho sự phát triển kinh tế nước nhà trong quá trình hội nhập Việt Nam với thế giới. Ngoài sự phát triển lớn mạnh không ngừng về tổ chức, quy mô và phạm vi hoạt động, chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế. Chưa có sự gắn kết nghiên cứu với ứng dụng thực tế. Các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu thì chủ nhiệm đề tài phải tự tìm kiếm nơi áp dụng kết quả nghiên cứu. Thực tế này đã làm cho kết quả nghiên cứu không được ứng dụng nhiều, không được sản xuất kiểm chứng kết quả nghiên cứu. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tìm kiếm công nghệ thích hợp để giải quyết các vấn đề của sản xuất.
Ngoài ra, những khó khăn của bên cung và bên cầu công nghệ cũng làm cản trở hoạt động của chợ công nghệ và thiết bị. Cụ thể, năng lực tiếp thị của bên cung công nghệ còn thấp, kỹ năng nghiệp vụ xúc tiến tiếp thị bán hàng rất hạn chế. Bên cầu chưa thật sự tin tưởng vào công nghệ và thiết bị trong nước và năng lực đánh giá tính thích hợp công nghệ của bên cầu còn yếu. Hơn nữa, Nhà nước còn thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc chuyển giao công nghệ tại chợ công nghệ và thiết bị. Vì vậy, việc đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên là hết sức cần thiết để phát triển thị trường công nghệ ở nước ta.
CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG VÀ PHÁT TRIỂN TECHMART Ở NƯỚC TA