Nguồn: Báo cáo Techmart của Cục Thông tin KH&CN QG
Số liệu thống kê trong 9 năm (2003 - 20012) cho thấy Techmart đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình tạo lập và phát triển thị trường công nghệ. Việc tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị là để thực hiện nhiệm vụ tạo lập và phát triển thị trường KH&CN trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương VI (khoá IX) về KH&CN; đẩy mạnh việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất và kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức KH&CN và các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, thoả thuận hợp tác và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hoá tri thức công nghệ; là nơi gắn kết giữa “cung” và “cầu”
công nghệ. Bên cung công nghệ sẽ có cơ hội hiểu rõ nhu cầu, xác định khách hàng tiềm năng, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chủ động phát triển giải pháp công nghệ mới,..Bên cầu công nghệ sẽ có điều kiện để đánh giá đúng năng lực nhà cung cấp, đặt hàng, tạo liên kết và đối tác bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của mình.
Trong hơn mười năm qua (2003-2013), các Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) được tổ chức định kỳ ở quy mô quốc tế, quốc gia, vùng. Hoạt động này thực sự đã tạo môi trường gắn kết nhà khoa học, nhà quản lý với nhà sản xuất, kinh doanh và được xã hội đánh giá là một trong những hình thức hoạt động có hiệu quả để thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN.
Tóm lại, hoạt động trên thị trường công nghệ hiện nay đang hướng tới mục tiêu khai thác tối đa các hàng hóa công nghệ là thành quả KH&CN do các tổ chức nghiên cứu KH&CN tạo ra và thúc đẩy lưu thông hàng hóa này trên thị trường công nghệ, quan trọng hơn cả là đáp ứng nhu cầu về đổi mới công nghệ ngày càng tăng của khu vực doanh nghiệp.
2.3. Phân tích những khó khăn của chợ công nghệ và thiết bị
2.3.1. Những khó khăn của bên cung công nghệ
Trong hoạt động kinh doanh, ứng dụng và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp các tổ chức khoa học và công nghệ có vai trò hết sức to lớn. Bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân, các tổ chức này còn góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đồng thời đó cũng là cơ sở cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia.
Với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay thì việc phát triển doanh nghiệp gắn liền với đổi mới công nghệ là xu hướng tất yếu. Trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng.
Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách KH&CN, nhiều sản phẩm được của các viện, trường đại học đưa ra chào bán
chưa cập nhật được công nghệ mới và chưa đáp ứng được nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy khả năng đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước chỉ ở mức 30-40%. Riêng tại Tp Hồ Chí Minh, theo nghiên cứu, nguồn gốc cung ứng thiết bị cho các doanh nghiệp thuộc các ngành thực phẩm, dệt may, nhựa -cao su, điện -điện tử, tin học - tự động hoá chủ yếu vẫn từ nước ngoài (70%). Mặt khác, theo đánh giá của chuyên gia và số liệu thống kê, tỷ lệ thương mại hoá các sản phẩm nghiên cứu khoa học ở Tp. Hồ Chí Minh là khoảng 15-20%, như vậy có thể thấy tỷ lệ này của cả nước chắc chắn còn thấp hơn. Việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu hay là đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn được coi là khâu cuối cùng trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nếu khâu cuối cùng này không được thực hiện thì hoạt động nghiên cứu và triển khai không có ý nghĩa thực tiễn. Trên thực tế, việc thương mại hoá các kết quả nghiên cứu còn gặp không ít khó khăn, các kết quả nghiên cứu chưa thực sự phục vụ thiết thực cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và nhà quản lý. Về phía các doanh nghiệp, do thiếu thông tin về khả năng chế tạo của các nhà khoa học trong nước, thiếu sự tin cậy đối với các kết quả nghiên cứu chưa được thử nghiệm nên chưa mạnh dạn tìm mua những thiết bị, công nghệ được sản xuất trong nước mà thường chọn phương án nhập khẩu thiết bị, công nghệ nước ngoài, tuy giá cao nhưng ít rủi ro. Về phía nhà khoa học, do thiếu điều kiện để triển khai các ý tưởng khoa học, triển khai thực nghiệm, hoàn thiện công nghệ từ các đề tài nghiên cứu và thiếu kinh phí để triển khai, thiếu thông tin về nhu cầu của doanh nghiệp, nên hoạt động nghiên cứu chưa sát với nhu cầu của thực tế sản xuất, chưa tạo được lòng tin đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu chưa hoặc chậm được thương mại hoá.
Trong các kỳ Techmart, bên cung chủ yếu là các tổ chức KH&CN (viện, trường, trung tâm nghiên cứu, Chương trình KH&CN cấp Nhà nước, cấp Bộ và địa phương) chiếm tỷ lệ là 46,3%. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng vừa là bên cầu vừa là bên cung, họ chiếm tỷ lệ cũng khá cao 43,1%, hàng hóa của họ chủ yếu là thiết bị. Ngoài ra, Hội và cá nhân chiếm tỷ lệ 9,6%. Đó là những nhà sáng kiến, cải tiến quần chúng (công nhân, nông dân, thợ thủ công...) đã tạo ra nhiều sản
phẩm KH&CN xuất phát từ quá trình đúc kết kinh nghiệm của chính họ và nhu cầu thực tiễn đòi hỏi.