Tác động xã hội từ chuyên mục “Nói hay đừng”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách hài chính luận của nhà báo lý sinh sự (khảo sát trên báo lao động năm 2012 – 2013) (Trang 59 - 65)

Trong bối cảnh của nền văn học và báo chí ở nước ta hiện nay, việc xác định một quan niệm đúng đắn về thể loại tiểu phẩm không chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu lý luận mà còn bởi những tác động tích cực đối với thực tiễn sáng tạo tác phẩm, gắn liền với sự phát triển của báo chí truyền thông trong hoàn cảnh lịch sử - xã hội đặc biệt.

Sẽ là không đầy đủ và không công bằng khi nói đến những đặc điểm của nền văn học và báo chí đổi mới ở Việt Nam mà lại không nhắc đến tiểu phẩm - một thể loại được ví như “con dao mổ” sắc bén nhằm trích vào những ung nhọt của cuộc sống. Nhìn tiến trình vận động phát triển của tiểu phẩm trong văn học và báo chí Việt Nam gần một thế kỷ qua, có thể thấy tiểu phẩm hài chính luận là một thể loại văn học có khả năng thích ứng với đời sống báo chí một cách nhạy bén. Là loại văn học đặc biệt hoạt động trong môi trường báo chí, ở một mức độ nào đó, tiểu phẩm cũng có thể đáp ứng yêu cầu tuyên truyền thời sự của báo chí. Tất nhiên, thời sự có nhiều cấp độ và tiểu phẩm không thể đáp ứng được yêu cầu thời sự cấp bách hàng ngày hàng giờ (như

tin, ghi nhanh hay tường thuật...). Nó chỉ có thể phản ánh những vấn đề thời sự theo từng giai đoạn, từng chủ đề hoặc thời điểm nào đó.

Tiểu phẩm hài chính luận được coi là một trong những thể loại văn học đặc biệt đó, gồm những đặc điểm nổi bật: hình thức ngắn gọn, nội dung có tính chiến đấu cao, năng động và linh hoạt do bám sát những con người, sự việc, vấn đề, tình huống có thật trong đời sống. Tiểu phẩm hài chính luận thường sử dụng bút pháp châm biếm, đả kích. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện đại, hình thức biểu hiện của tiểu phẩm hài chính luận đã trở nên đa dạng hơn. Nó có thể xuất hiện trên báo chí dưới cả ba dạng: văn xuôi, đối thoại, văn vần và những hình thức kết hợp, giao thoa giữa các dạng này. Trong số đó, dạng tiểu phẩm đối thoại thường có dung lượng ngắn, giúp tác giả tạo ra một nội dung hài thông qua hình thức đối thoại với các cặp nhân vật nhiều khi chỉ mang tính chất giả định (giống như gã đài phường và tác giả - bác Lý Sinh Sự). Như vậy, cùng với việc phản ánh những sự thật tiêu biểu, tác phẩm tiểu phẩm hài chính luận còn được sáng tạo trên cơ sở của thủ pháp hư cấu nghệ thuật. Trong trường hợp một tiểu phẩm hài chính luận lấy các sự việc, sự kiện có thật ra để phản ánh, bàn luận thì về mục đích, nó không chỉ dừng lại ở mức độ thông tin xác thực (vốn là đặc điểm quan trọng nhất của tác phẩm báo chí) mà đạt tới một hiệu quả cao hơn - đó là sử dụng lối tiếp cận độc đáo để tạo ra tiếng cười châm biếm, phê phán, giúp cho công chúng có thể hiểu về sự việc sâu rộng hơn, bản chất hơn, hình ảnh hơn… Điểm nổi bật của phương diện nội dung trong tiểu phẩm hài chính luận là ở tiếng cười thẩm mỹ được tạo ra bởi hàng loạt những thủ pháp khá linh hoạt.

Mặc dù nền báo chí Việt Nam xuất hiện chậm hơn so với các nước phương Tây nhưng ngay từ những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, nhiều tiểu phẩm in trên báo đã gây được những tác động xã hội mạnh mẽ. Một số nhà văn, nhà báo sử dụng thể loại này một cách có hiệu quả để châm biếm, giễu

cợt những điều xấu xa, những biểu hiện giả dối, lừa bịp và sự trì trệ, lạc hậu trong đời sống.

Trong số những tác giả viết tiểu phẩm ở thập kỷ XX (có thể kể đến như Bùng Binh – Báo Thể thao hàng ngày, Hai Còm – Xây dựng, Ớt trùm – Đời sống và Pháp luật…), Lý Sinh Sự - tức nhà báo Trần Đức Chính - được coi là một trong những cây bút tiêu biểu nhất. Bằng vốn từ ngữ phong phú và cách cảm nhận vấn đề một cách nhạy bén, Lý Sinh Sự có phong thái viết báo độc đáo với văn phong hiện đại, nhưng cũng rất Việt Nam. Riêng về thể loại tiểu phẩm hài chính luận, ông xứng đáng được coi là người đứng đầu hàng ngũ những cây bút đầu thập niên cuối thế kỷ 20 cho đến tận bây giờ. Với cái nhìn hiện thực tỉnh táo, sự sâu sắc và lòng dũng cảm của một tài năng và nhân cách lớn, ông đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên kẻ xấu, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội cũng như thằng thắn chỉ ra những bất cập về chính sách mà Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua. Trí tuệ ở trong tiểu phẩm của Lý Sinh Sự buộc người đọc phải ngẫm nghĩ kỹ mới thấu hiểu hết tính chất bi - hài của tình huống, của những mâu thuẫn.

Trên cơ sở một nội dung có thật hoặc có thêm thắt, so sánh, Lý Sinh Sự đã tạo ra những hiện thực không bình thường nhằm tác động vào nhận thức, tình cảm của công chúng cũng như tạo ra phản xạ thẩm mỹ được biểu hiện trước hết bằng tiếng cười. Cũng không thể phủ nhận chính tiếng cười đã giúp cho tiểu phẩm hài chính luận của Lý Sinh Sự có tính chiến đấu đặc biệt mà rất ít thể loại văn học nào có được. Hiệu quả mà những tiếng cười ấy mang lại cho độc giả của báo Lao Động nói riêng và người đọc nói chung không chỉ đơn thuần là giải trí mà nó còn góp phần nâng cao, định hướng nhận thức cho công chúng cách nhìn đúng đắn trước một sự kiện, hiện tượng của đời sống xã hội Việt Nam hiện đại.

Tác giả Lý Sinh Sự không chỉ viết mỗi tiểu phẩm hài chính luận, tuy nhiên chính thể loại này được coi là “xương sống” trong sự nghiệp báo chí của ông. Chính ông đã góp phần nâng tiểu phẩm hài chính luận lên tầm cao mới, có địa vị ngang hàng với những thể loại khác đồng thời phát triển rộng rãi trong đời sống văn học và báo chí như ngày nay. Tùy vào từng loại đối tượng cụ thể mà Lý Sinh Sự có lối châm biếm, trào lộng thích hợp với vốn ngôn ngữ rất quần chúng. Từ những chuyện thời sự như hàng chục ngàn doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, hàng nghìn, hàng vạn người đi lao động “chui” ở nước ngoài; chuyện đi chợ đêm Đồng Xuân xem chương trình “xẩm tàu điện - văn hoá đường phố Hà thành”, hay chuyện công an Diễn Châu (Nghệ An) bắt quả tang một gia đình nông dân đang nuôi 2 con hổ như nuôi lợn trong chuồng sắt… đến rất nhiều điều lố lăng nực cười khác trong đời sống hàng ngày, ví dụ nạn mê tín dị đoan, nạn rượu lậu, thuốc phiện, nạn buôn bán văn chương… đều được tác giả vạch trần bản chất và phê phán một cách mạnh mẽ, không khoan nhượng thông qua ngòi bút châm biếm đầy sắc bén.

Vì thế có thể khẳng định rằng, chuyên mục “Nói hay đừng” của tác giả Lý Sinh Sự trên báo Lao Động đã trở thành một nét đặc trưng quan trọng cho nền văn học và báo chí đổi mới ở nước ta. Những đối kháng dân tộc không còn, nhưng cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn hối lộ, quan liêu vẫn còn gay gắt và ngày càng tinh vi phức tạp, đòi hỏi tiểu phẩm hài chính luận cần phải đa dạng, linh hoạt hơn. Tính chiến đấu với vũ khí châm biếm luôn là ưu thế của tiểu phẩm hài chính luận đã, đang và sẽ được tác giả Lý Sinh Sự phát huy tối đa.

Chuyên mục “Nói hay đừng” có hình thức độc đáo ở trong phong cách của chính tác giả với kết cấu bài viết chặt chẽ, gọn gàng, cách vào đề thường bằng lối trực tiếp. Tiểu phẩm của Lý Sinh Sự thường ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều tầng lớp ý nghĩa. Ngắn, thiết thực và kịp thời chính là một trong

những đặc điểm của báo chí hiện đại. Không phải bằng cách viết khô cứng, ông khéo léo đưa ra cách tiếp cận vấn đề, làm “mềm” thông tin để độc giả dễ hiểu thông qua ngôn ngữ dân gian thành thục, nhuần nhuyễn và có chọn lọc. Các tiểu phẩm luôn có sự mở rộng không ngừng của các tầng lớp, đôi khi lại là sự bỏ ngỏ hay đặt ra một câu hỏi khác đối với người đọc.

Viết báo không phải là để hài lòng tất cả công chúng, mà cái đích đến của báo chí là làm trong sạch xã hội thông qua việc chỉ ra những cái xấu, cái tiêu cực. Nét đặc sắc trong tiểu phẩm báo chí của Lý Sinh Sự là sự sắc bén, giàu tính thực tiễn dựa trên nền lý luận mới mẻ, uyển chuyển đồng thời gắn liền với số phận của nhân dân, đất nước. Xét về mặt tâm lý người đọc, cách thể hiện tiểu phẩm hài chính luận của Lý Sinh Sự sẽ giúp ta nhìn nhận những mặt xấu của bản thân và xã hội một cách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy thâm thúy, tiếp thu sự phê bình nhắc nhở một cách kín đáo, không tạo ra những phản ứng tiêu cực nhất thời nhưng có ý nghĩa tích cực về mặt lâu dài. Trọng tâm tiến công của nhà báo Lý Sinh Sự chính là cái xấu, mâu thuẫn nghịch lý giữa các lĩnh vực trong cuộc sống [41].

Trong thời đại thông tin ngày càng đa dạng như hiện nay, sự nhạy bén của người viết trong việc lựa chọn đề tài đóng vai trò khá quan trọng. Caren Xtorơ từng đánh giá: “Người đọc thời nay giàu kinh nghiệm mới, nhiều nguyện vọng, xúc động, liên tưởng nên nhạy cảm hơn, khó tính hơn. Bất cứ cái gì bằng phẳng nhàm mòn hoặc dối trá đều làm họ bất bình, đó là điều tự nhiên”. Vì thế, người viết phải có nhận thức đúng đắn, biểu hiện ở thái độ, quan điểm, chính kiến về các vấn đề mà mình đặt ra để từ đó xác định đúng đối tượng, tạo ra những hiệu quả xã hội tích cực.

Chính bởi vậy, trong sự nghiệp báo chí của Lý Sinh Sự, tiểu phẩm hài chính luận được đánh giá cao khi ông đã hoàn thành và thực hiện tốt chức năng báo chí của nó. Tiểu phẩm hài chính luận của tác giả có ảnh hưởng sâu

rộng trong quần chúng nhân dân, tác động tới các nhà làm chính sách, tác động tới ý thức của cả những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí v.v… Và qua đó, hiệu quả xã hội trong chuyên mục “Nói hay đừng” của Lý Sinh Sự là tính phản biện, tính công dân cao cũng như cách đặt vấn về dưới các khía cạnh khác nhau, nhiều diễn giải được thể hiện qua hình thức đối thoại tạo nên một không khí khách quan, thoải mái và tất nhiên, khán giả như được cuốn vào dòng hỏi đáp liên tục, thú vị và nhận ra những tầng lớp ý nghĩa sâu sắc ở bên trong.

Ở chuyên mục “Nói hay đừng”, chúng ta thường xuyên gặp những tiểu phẩm báo chí rất thú vị đủ để giữ nụ cười rất lâu cho độc giả sau khi đọc. Những bài báo vạch trần cái xấu, tiêu cực đầy ý nghĩa đã tạo nên được làn sóng phản hồi của công chúng. Trước hết công chúng bị thu hút bởi cách viết cá tính, góc nhìn đầy thông minh của tác giả, sau đó là sự đồng tình trong những phân tích, truy căn nguyên tận gốc vấn đề bằng những lý giải rất logic. Thêm nữa, lối viết thiên nhiều về cách nói hàm ngôn cũng là một trong những cách để Lý Sinh Sự tạo ra một nụ cười “trí tuệ”, nụ cười ẩn ý tiềm ẩn bên trong lời nói. Điều đó được thể hiện cụ thể ở sự hướng dẫn tư duy, thúc đẩy hành động, thay đổi hành vi đúng đắn, vì lợi ích của dân tộc, của cách mạng, của nhân dân. Đặc biệt hơn, tiểu phẩm hài chính luận của Lý Sinh Sự có một hiệu quả vô hình hiếm ai để ý tới. Ông viết tiểu phẩm với tấm lòng nhân hậu, dưới lăng kính nhìn cuộc sống tươi sáng, đầy tin cậy. Điều đó cứ dần thấm sâu và lắng đọng trong lòng người đọc, bồi đắp tính nhân văn trong tâm hồn con người.

Lý Sinh Sự cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ, phát huy và giữ gìn tiếng nói dân tộc trước “làn sóng sính nói tiếng nước ngoài” khi ông biết kết hợp vô cùng hiệu quả các hình thức ngôn ngữ dân gian, nhất là tiếng Việt

“chuẩn” có vai trò chủ đạo làm sắc thái văn phong trong tiểu phẩm thêm phần sinh động, hấp dẫn [45].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phong cách hài chính luận của nhà báo lý sinh sự (khảo sát trên báo lao động năm 2012 – 2013) (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)