Sinh Sự từ góc nhìn hài hƣớc
Nhiều năm cầm bút với khối lượng bài viết đồ sộ, nhà báo Lý Sinh Sự có những tác phẩm tốt, góp phần phản ánh, tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội một cách đầy sâu sắc, đặc biệt là ở chuyên mục “Nói hay đừng”. Trong mỗi tiểu phẩm, ông đều tận dụng tối đa số chữ ít ỏi nhằm thể hiện các chính kiến của mình. “Nói hay đừng” là cách ông lưu giữ lại những mốc lịch sử, những sự kiện diễn ra, những địa danh đã từng đi qua hay những người đã gặp. Tuy sử dụng văn phong hài hước, dí dỏm để bình luận nhưng tiểu phẩm của Lý Sinh Sự lại có sức sống bền lâu với thời gian, luôn thu hút độc giả ở mọi lĩnh vực. Dưới ngòi bút sắc sảo của tác giả, một xã hội thu nhỏ được tái hiện vào tác phẩm. Từ đó, người đọc có thể bắt gặp đủ hạng người, đủ mọi vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống như chính sách mới ban hành của Nhà nước, luật pháp, văn hóa, giáo dục, y tế… cho đến những vấn đề riêng của từng địa phương, từng đơn vị. Và trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, “Nói hay đừng” luôn là nơi nói hộ lòng dân nhằm chống lại điều tiêu cực, điều xấu gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Phan Quang từng nhận xét rằng, “cái gốc dài lâu, cái nguồn nuôi dưỡng tinh thần của Lý Sinh Sự, chính là ở những cái trớ trêu của đời thường, những chướng tai gai mắt trong xã hội, những thói hư tật xấu của con người..., chúng cứ tồn tại dài dài bất chấp thời gian không gian, còn con người thì còn chuyện trớ trêu?Có phải tại lũ trớ trêu tặc chúng biết tùy thời mà biến hóa tương tự con virus cúm gà, và do đó, như các nhà khoa học đầu ngành y quả quyết, nó càng biến thể càng khó lường càng nguy hại?Cũng có nghĩa là đề tài của Lý Sinh Sự chắc sẽ không bao giờ cạn kiệt. Nói gọn lại, tại cuộc đời không ngừng “sinh sự” làm cho “sự cứ phát sinh”, khiến ông trời phải sinh ra Lý Sinh Sự để cho tác giả mặc sức “lý sự” với anh bạn đài
phường? Cũng thêm được phút mua vui độc giả - vui bởi đọc Lý Sinh Sự môi ta khó nén nụ cười cho dù đôi khi cổ họng đắng như nhỡ ngậm phải quả bồ hòn”.
Kết quả này là cả một quá trình tìm tòi, thử nghiệm của chính tác giả. “Nói hay đừng” không còn là tính chất của thể loại phỏng vấn nguyên gốc, mà nó được xây dựng theo sự phát triển và thể nghiệm riêng. Lý Sinh Sự tạo ra đối tượng dưới 2 dạng vai người hỏi - người trả lời (bác Lý và gã đài phường), trong đó kết hợp các yếu tố về ngôn ngữ, phương pháp và tính chất hài hước châm biếm của thể loại tiểu phẩm. Lý Sinh Sự đã khéo léo kết hợp ưu thế của thể loại tiểu phẩm và hình thức phỏng vấn trong thể loại phỏng vấn. Hình thức của thể loại này là những câu hỏi, đáp do tác giả thực hiện đối với các nhân chứng xoay quanh một chủ đề cụ thể nào đó. Phỏng vấn phải gắn liền với việc phản ánh một sự kiện mới (có thể là đã xảy ra, đang xảy ra, sắp xảy ra) nhưng có nhiều ý nghĩa và có liên quan đến nhiều người. Nhiệm vụ của phỏng vấn là làm sáng tỏ những khía cạnh xung quanh sự kiện đó, cung cấp cho công chúng thông tin khách quan và trung thực để có thể điều chỉnh hành vi, nhận thức của mình. Ưu điểm của việc dùng hình thức phỏng vấn chính là tạo một không gian thoải mái, khách quan, không áp đặt. Việc sử dụng hình thức phỏng vấn đối thoại, đàm thoại cho phép tác giả thỏa sức sáng tạo, chọn lựa những vấn đề sự kiện “nóng” để bàn luận và đưa ra những ý kiến cá nhân của mình. Vẫn giữ những đặc điểm nổi trội của tiểu phẩm là tính hài, châm biếm, đả kích cùng với việc sử dụng các thủ pháp gây cười, nhưng nhìn tổng thể dùng hình thức phỏng vấn hài chính luận cũng dẫn đến những thay đổi nhằm dung hòa như về dung lượng tác phẩm (tiểu phẩm thường ngắn gọn, trong khi các bài phỏng vấn thường dàn trải, chiếm nhiều đất hơn trên báo), ngôn ngữ (kết hợp giữa tính chất hỏi đáp với ngôn ngữ tiểu phẩm) v.v… Lý Sinh Sự đã sử dụng đặc điểm
của thể loại phỏng vấn thuộc nhóm thể loại thông tấn và tiểu phẩm thuộc nhóm thể loại chính luận nghệ thuật.
Với những đặc trưng riêng độc đáo, chuyên mục “Nói hay đừng” đã chọn con đường “lật mặt trái của xã hội lên để phê phán”. Sự phê phán đó cũng chỉ nhằm mục đích cuối cùng là sự tiến bộ của xã hội. Mặt trái xã hội thì rất nhiều, cho nên để phản ánh vấn đề một cách toàn diện, chuyên mục phải nhìn nhận ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau. “Nói hay đừng” là bức tranh châm biếm nhiều mặt, nhiều chiều. Sự đa diện đó thể hiện rõ nét ở nhiều phạm vi hiện thực thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà chuyên mục phản ánh [46].