Tác động đến quan hệ ASEAN-Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc indonesia và tác động đến khu vực đông nam á (2005 2015) (Trang 59 - 62)

Quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc đã có một quá trình phát triển mau lẹ. Khởi đầu từ khi Trung Quốc tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 24 vào tháng 7/1991 tại Kuala Lumpur, Malaysia, 25 năm qua, quan hệ này đã gặt hái được một số kết quả. Trung Quốc là Đối tác đối thoại đầu tiên của ASEAN tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC). Tháng 10/2003, ASEAN và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 7 tại Bali, Indonesia. Sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực, tháng 9/2012, Trung Quốc đã cử Đại sứ thường trú đầu tiên bên cạnh ASEAN và thành phần phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại ASEAN, đặt tại Jakarta, Indonesia. ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị - an ninh thông qua nhiều cơ chế khác nhau, như ASEAN+1, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng mở rộng (ADMM+)… Quan hệ kinh tế và thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua, đặc biệt

là sau khi ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002 để thiết lập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA). Hiệp định ACFTA có hiệu lực từ 1/1/2010 và được thực thi đầy đủ từ 1/1/2015. Từ năm 2009, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN; ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc từ năm 2011. Thương mại hai chiều ASEAN-Trung Quốc đã tăng từ 39,5 tỉ USD (năm 2000) lên tới 366,5 tỉ USD (năm 2014) và đạt 450 tỉ USD năm 2015. ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông tháng 11/2002 tại Phnom Pênh. Sau đó 10 năm, ngày 21/7/2011, tại Bali, Indonesia, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất bản Hướng dẫn thực thi DOC. Đây là những văn bản quan trọng, nhận thức chung quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thúc đẩy và cùng nhau xây dựng một môi trường hòa bình, hữu nghị ở Biển Đông. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18 ngày 21/11/2015, ASEAN và Trung Quốc tái khẳng định cam kết bảo đảm thực thi đầy đủ và có hiệu quả DOC.

Trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, ASEAN là một trong những đối tượng quan trọng nhất. Việc duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với ASEAN góp phần tạo lập môi trường hòa bình, ổn định cho Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, ngăn chặn ảnh hưởng của Mỹ, Nhật Bản và các nước khác đối với một vùng đệm quan trọng của Trung Quốc. Báo cáo Đại hội XVII Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2007 nhấn mạnh phương châm: “tiếp tục quán triệt phương châm ngoại giao thân thiện và làm bạn với láng giềng, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác thực sự với láng giềng, tích cực triển khai hợp tác khu vực, cùng tạo ra môi trường khu vực hòa bình ổn định, bình đẳng cùng có lợi và hợp tác cùng có lợi”.

ASEAN cũng coi Trung Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của mình. Việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc cũng giúp ASEAN có được nhiều lợi ích trên các mặt kinh tế, chính trị. Về kinh tế, hợp tác kinh tế với Trung Quốc giúp nâng cao vị thế kinh tế của ASEAN, cải thiện khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế tác động tiêu cực của toàn cầu hoá, tăng sức nặng tiếng nói của

ASEAN trong các vấn đề kinh tế quốc tế. Hợp tác với Trung Quốc tạo cơ hội cho sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN, làm tăng sự bổ sung cho nguồn đầu tư và công nghệ cao cho ASEAN, tạo điều kiện cho tự do hoá thương mại, góp phần mở rộng thị trường cho hàng xuất khẩu của ASEAN. Những cơ hội phát triển kinh tế đối ngoại như vậy sẽ quay trở lại thúc đẩy một cách tích cực cho hợp tác kinh tế nội khối của ASEAN, giúp các nước ASEAN phát huy được lợi thế so sánh, tận dụng được hiệu quả từ sự phân công lao động khu vực. Về chính trị, hợp tác với Trung Quốc giúp củng cố và duy trì môi trường an ninh của ASEAN, thúc đẩy quá trình hình thành an ninh chung của khu vực, thúc đẩy sự gắn bó giữa an ninh quốc gia với an ninh khu vực. Cơ sở nhận thức an ninh chung đó một khi được xác lập sẽ làm giảm khả năng sử dụng quyền lực cứng trong quan hệ với nhau, kể cả từ phía các nước lớn trong khu vực. Về văn hoá- xã hội, hợp tác với Trung Quốc giúp ASEAN bổ sung và làm giàu tri thức văn hoá các dân tộc, cải thiện đời sống nhân dân như y tế hay giáo dục, làm tăng sự hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy sự thân thiện giữa nhân dân các nước và làm tăng vai trò của ngoại giao kênh II đối với ngoại giao kênh I, tác động tích cực cho quan hệ kinh tế và an ninh-chính trị.

Với thế mạnh về diện tích, dân số và quy mô nền kinh tế, Indonesia là nước có vai trò đặc biệt quan trọng, có thể coi là lãnh đạo và giữ vai trò trung tâm trong ASEAN. Trong quá trình phát triển của ASEAN, Indonesia đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế và văn hoá - xã hội như đóng góp vào việc xây dựng Hiến chương ASEAN, thành lập Viện Hoà bình và hoà giải ASEAN (AIPR), phong trào chống khủng bố, giải quyết tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, tiến trình cải cách tại Myanmar, xây dựng các cộng đồng trụ cột của ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… Những đóng góp ấy đã giúp ASEAN duy trì được vai trò và vị thế của Hiệp hội trong cấu trúc khu vực. Với những mâu thuẫn lợi ích quốc gia giữa các thành viên cũng như với các nước bên ngoài khu vực, Indonesia đã tích cực trong công tác hoà giải, vì sự ổn định của ASEAN, đưa ASEAN bước vào giai đoạn khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế [2].

Thông qua tăng cường quan hệ với Indonesia, Trung Quốc gián tiếp tăng cường quan hệ với ASEAN, tăng cường vai trò, ảnh hưởng đối với tổ chức này. Trong các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Indonesia đều cam kết làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực và tích cực thúc đẩy phát triển các quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Truyền thông Indonesia cũng rất tích cực tuyên truyền vai trò của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” của Trung Quốc như một cầu nối giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á [49]. Bên cạnh đó, trong vấn đề chủ quyền biển đảo, Indonesia không phải là một bên tranh chấp, đóng vai trò cầu nối trong việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước ASEAN ở Biển Đông. Tuy nhiên, Indonesia nhìn nhận vấn đề Biển Đông như là một thách thức đối với an ninh, tự do hàng hải, hàng không tại khu vực. Do vậy, Indonesia giữ một vai trò “trung lập tích cực”, tham gia tích cực vào giải quyết vấn đề Biển Đông.

Quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Indonesia trong 10 năm qua đã góp phần giúp quan hệ ASEAN - Trung Quốc có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc và hiện thực hoá Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)… Sự phát triển hợp tác giữa Trung Quốc và Indonesia, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, là một bộ phận trong bức tranh hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN. Có thể nói, quan hệ Trung Quốc - Indonesia và Trung Quốc - ASEAN trong giai đoạn này tương đối đồng dạng với nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ trung quốc indonesia và tác động đến khu vực đông nam á (2005 2015) (Trang 59 - 62)