Tổ chức và hoạt độngcủa Hội nhiệm kỳ 1997 – 2002

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức, hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ việt nam 1976 2002 001 (Trang 77 - 137)

Công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn, đã và đang tạo ra thế và lực mới cho đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) quyết định đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Đó là nhiệm vụ vô cùng to lớn, là sự nghiệp của toàn dân. Bước vào giai đoạn phát triển mới vấn đề phụ nữ cần được nhìn nhận đầy đủ và sâu sắc hơn. Phụ nữ Việt nam hơn bao giờ hết đang có những thuận lợi rất cơ bản để dành những thành tựu mới. Trong tình hình đó Đại hội đại biểu Phụ nữ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1997-2002) đã diễn ra từ ngày 19-20/5/1997 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành TW Hội gồm 126 uỷ viên; Đoàn Chủ tịch gồm 19 uỷ viên. Bà Trương Mỹ Hoa tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Đến năm 1998, Bà Trương Mỹ Hoa chuyển sang làm Phó chủ tịch Quốc hội thì Bà Hà Thị Khiết là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Chủ đề của Đại hội là "Đoàn kết, đổi mới vì bình đẳng phát triển và hoà bình, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

Đại hội đã thông qua nhiệm vụ của Hội LHPNVN nhiệm kỳ 1997 - 2002: Động viên phụ nữ tự lực, tự cường học tập nâng cao hiểu biết về giới, về luật pháp, chính sách và trình độ mọi mặt.Tham gia tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Tham gia xây dựng và kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, đời sống của

phụ nữ, trẻ em nhằm tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện bình đẳng và phát triển; Hướng dẫn, giúp đỡ phụ nữ hiểu biết về nuôi dạy con, giữ gìn giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tổ chức cuộc sống gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; Xây dựng củng cố các cấp Hội vững mạnh, đào tạo bồi dưỡng cán bộ Hội, giới thiệu phụ nữ có đức, có tài tham gia vào các cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính quyền các cấp...; Đoàn kết, hợp tác rộng rãi với phụ nữ các nước, các tổ chức và cá nhân tiến bộ, trong khu vực và trên thế giới vì bình đẳng phát triển và hoà bình.

Đại hội cũng đề ra 5 chương trình hoạt động trọng tâm, kế thừa và phát triển 5 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ VII nhưng được bổ sung với nội dung mới nhằm cụ thể hoá nhiệm vụ của Hội LHPNVN nhiệm kỳ 1997-2002: Giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ; Vận động phụ nữ nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập; Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Nghiên cứu và kiểm tra giám sát.

2.3.1. Tổ chức Hội

Đây là thời kỳ TW Hội tập trung rất lớn đến công tác kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan TW Hội LHPNVN.

Bộ máy tổ chức cơ quan TW Hội sau một thời gian hoạt động đã khẳng định được mô hình mới, sự cần thiết bỏ cấp lãnh đạo trung gian là Ban Thư ký bằng sự tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành tập trung của Đoàn Chủ tịch. Đoàn Chủ tịch đã cử bộ phận thường trực gồm có Chủ tịch và các Phó Chủ tịch .

Thương trực Đoàn chủ tịch có nhiệm vụ thay mặt Đoàn chủ tịch điều hành công việc giữa 2 kỳ họp Đoàn Chủ tịch; xử lý các công việc hàng ngày, chuẩn bị các vấn đề trình Đoàn Chủ tịch quyết định; quản lý cơ quan chuyên trách TW Hội LHPNVN.

Ban Tôn giáo - Dân tộc được tách từ bộ phận Tôn giáo-Dân tộc của Ban Tổng hợp theo Quyết định số 379/ QĐ – ĐCT, ngày 26/12/1997 của Đoàn Chủ tịch TW Hội. Ban có chức năng: Tham mưu giúp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch TW

Hội LHPNVN trong định hướng lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ các dân tộc thiểu số, tôn giáo trong cả nước; giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chính sách luật pháp của Đảng, Nhà nước đối với phụ nữ dân tộc - tôn giáo.

Nhiệm vụ của Ban được quy định gắn liền với các hoạt động của đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ tôn giáo. Bên cạnh nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện các chủ trương chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ các dân tộc thiểu số và phụ nữ tôn giáo, Ban đã chú trọng hơn công tác phối hợp chỉ đạo xây dựng củng cố tổ chức Hội, tập hợp phụ nữ phát triển hội viên, xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt, cốt cán có chất lượng trong phụ nữ dân tộc, tôn giáo. Quan tâm hơn đến các hoạt động hỗ trợ cấp Hội địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội tại các địa bàn dân tộc-tôn giáo.

Ban Quản lý dự án và phát triển được thành lập ngày 26/12/1997 với chức năng: Nghiên cứu, vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tham mưu giúp cho Đoàn Chủ tịch và các ban chuyên môn trong việc khai thác, xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các dự án phát triển do nước ngoài tài trợ nhằm phục vụ có hiệu quả các chương trình công tác của Hội vì mục tiêu bình đẳng, phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Ban tồn tại chưa hết nhiệm kỳ, giải thể Ban Quản lý dự án và Phát triển ngày 1/6/2000, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý dự án sang Ban Quốc tế.

Hai phòng trực thuộc Ban được thành lập trong nhiệm kỳ gồm: Phòng Tư vấn pháp luật thuộc Ban Gia đình đời sống có chức năng tham mưu cho lãnh đạo trong việc thực hiện chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ và lợi ích hợp pháp của phụ nữ; tư vấn, giúp đỡ phụ nữ ứng xử đúng pháp luật trong việc thực hiện, bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của mình; Phòng Thông tin - Tư liệu - Lưu trữ - Thư việnthuộc Văn phòng TW Hội LHPNVN có nhiệm vụ chính là khai thác, cập nhật và xử lý thông tin tư liệu, số liệu thống kê và lưu trữ tài liệu liên quan phản ánh quá trình hoạt động của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ; tổ chức tốt việc phục vụ khai thác thông tin tư liệu và tài liệu lưu trữ theo quy định hiện hành của nhà nước và của cơ quan.

Ban Tuyên giáo - Gia đình đời sống tách thành Ban tuyên giáo và Ban gia đình đời sống. Mỗi ban đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể mang đặc trưng riêng, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và nhiệm vụ mới, ngày càng chuyên sâu hơn. Ban Tuyên giáo có chức năng tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch theo dõi, đánh giá tình hình tư tưởng và nhận thức của các tầng lớp phụ nữ để có các chủ trương và biện pháp đúng trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ; Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các hoạt động về tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho phụ nữ; Nâng cao năng lực, bồi dưỡng các kỹ năng về tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp Hội phụ nữ. Ban Gia đình đời sống có chức năng tham mưu đề xuất với Đoàn Chủ tịch và phối hợp với các ngành trong việc nghiên cứu xây dựng chính sách, luật pháp và chỉ đạo phong trào phụ nữ ở những lĩnh vực liên quan đến đời sống gia đình và xã hội nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Quỹ Tình thương (TYM) tách từ Ban Gia đình - Đời sống thành đơn vị trực thuộc Đoàn Chủ tịch vào ngày 12/1/1998 có chức năng: Tham mưu, đề xuất với Đoàn Chủ tịch và phối hợp với các ngành liên quan như Tài chính, Ngân hàng trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình Quỹ Tình thương.

Nhiệm kỳ này Trạm T60 của TW Hội được chuyển thành Văn phòng đại diện của TW Hội ở phía Nam vào năm 1998 với nhiệm vụ chính là tổng hợp, tham mưu giúp cho Đoàn Chủ tịch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá phong trào phụ nữ các tỉnh-thành thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ trở vào.

Văn phòng TW được tái thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Tổng hợp và Văn phòng TW Hội với nhiệm vụ chính là tham mưu tổng hợp, giúp việc Ban Chấp hành, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào phụ nữ toàn quốc; giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch trong công tác quản lý điều hành và tổ chức thực hiện các chủ trương công tác của lãnh đạo cơ quan về tất cả các vấn đề tài chính, quản trị, hành chính của cơ quan TW Hội LHPNVN.

Trường Cán bộ Phụ nữ TW Hội LHPN Việt Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Cán bộ Phụ nữ TW I và Trường Cán bộ Phụ nữ TW II. Nhiệm vụ

của trường cơ bản không thay đổi so với nhiệm kỳ trước, chỉ mở rộng đối tượng và hình thức đào tạo do có nhiệm vụ quốc tế là đào tạo cán bộ Hội cho nước bạn theo Hiệp ước đã ký kết của Quốc gia. Phân hiệu Trường cán bộ phụ nữ TW được thành lập trên cơ sở trường Cán bộ Phụ nữ TW II trước đó.

Như vậy, đến Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII (5/1997), bộ máy tổ chức cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam có 11 ban và 6 đơn vị trực thuộc (nhiệm kỳ trước 16 ban, đơn vị trực thuộc).

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của cả nhiệm kỳ 1997-2002, bộ máy tổ chức của cơ quan TW Hội đã có nhiều sự thay đổi. Đến cuối nhiệm kỳ bộ máy tổ chức cơ quan TW Hội có thêm 5 Ban, 2 phòng (Phòng tư vấn pháp luật và Phòng thông tin- tư liệu- lưu trữ- thư viện), Ban tuyên giáo – gia đình đời sống tách thành 2 Ban : Ban Tuyên giáo và Ban gia đình xã hội, Quỹ Tình thương từ Ban gia đình đời sống thành đơn vị trực thuộc Đoàn chủ tịch, sáp nhập 2 Ban, sáp nhập 2 trường; đổi tên Trạm T60 và Trường Cán bộ Phụ nữ TW II, giải thể 1 Ban. Bộ máy tổ chức TW Hội khoá VIII đã phát triển thành 19 Ban, đơn vị.

2.3.2. Hoạt động chính của Hội

Hoạt động của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ này tập trung thực hiện hai phong trào: «Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc», «Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình» và 5 chương trình đã được đề ra tại Đại hội lần thứ VIII của Hội ở mức độ cao hơn. Trong đó, hai phong trào được lồng ghép, chỉ đạo theo các chương trình trọng tâm.

Chương trình giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ

Với mục tiêu nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực, bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho phụ nữ, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho xã hội đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nội dung chính của chương trình tập trung tăng tỉ lệ nữ trong các cấp học và tỉ lệ nữ được đào tạo sau đại học, hoàn thành xoá nạn mù chữ cho 100% cán bộ hội cơ sở ở miền núi và 100% cán bộ hội cơ sở ở miền xuôi được phổ cập giáo dục tiểu học.

Hoạt động giáo dục bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, lý luận được tổ chức rầm rộ, sôi nổi vào các dịp lễ lớn của dân tộc, đất nước về tuyên truyền đường lối, chính sách mới của Đảng có liên quan đến công tác phụ nữ. Các hoạt động tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của phụ nữ, các Nghị quyết TW 5, 6, 7 khoá VII, Đại hội Đảng bộ các cấp được thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi nói chuyện, lớp tập huấn ngắn ngày được tổ chức từ TW đến cơ sở. Hàng năm, Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức được hàng trăm buổi học tập chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các Nghị quyết TW, hàng nghìn hội thi được tổ chức nhằm động viên, tuyên dương những gương điển hình phụ nữ tiên tiến với hàng trăm nghìn lượt cán bộ hội và đông đảo phụ nữ các ngành, các cấp tham gia.

Các cấp hội tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, Uỷ ban vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp các trang thiết bị kiến thức giới và phát triển, tổ chức các buổi toạ đàm nói chuyện về giới, bình đẳng giới. Đối tượng tuyên truyền, giáo dục không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà phát triển mạnh sang nam giới. Chỉ tính riêng năm 2000, các cấp hội đã mở 21.962 lớp bồi dưỡng kiến thức về giới cho gần 400.000 cán bộ hội, gần 1,7 triệu phụ nữ và hơn 300.000 nam giới.

Xác định tại một số địa phương còn cán bộ hội và nhiều phụ nữ mù chữ, các cấp hội đặc biệt chú trọng tập trung cho công tác xoá mù chữ. Để có cơ sở đề ra biện pháp thiết thực nhằm thực hiện mục tiêu xoá mù chữ cho cán bộ chủ chốt cơ sở hội, các tỉnh hội đã tiến hành khảo sát, lên danh sách cụ thể số Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội cơ sở hiện còn mù chữ và xây dựng kế hoạch cụ thể giải quyết vấn đề. Theo đó, năm 1998 được xác định là năm ưu tiên xoá mù chữ cho đội ngũ Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở. Ngoài chương trình phối kết hợp với Bộ đội biên phòng phát triển tốt, một số tỉnh miền núi đã ký kết liên tịch với ngành Giáo dục để mở lớp xoá mù chữ, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và miền núi thực hiện Dự án «Phát triển dân tộc thiểu số» trong đó có công tác xoá mù chữ cho phụ nữ ở các tỉnh Lai Châu, Hoà Bình, Lào Cai, An Giang, Vĩnh Phúc… Thông qua sự phối kết hợp giữa Hội phụ nữ các cấp hội với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Bộ đội Biên phòng, các tài liệu về giáo dục xoá mù chữ được phát hành tới 100% tỉnh,thành hội (năm 2000). Mô hình «tăng thu

nhập, xóa mù chữ» được nghiên cứu, nhân ra diện rộng và phát huy tác dụng tốt. Năm 2000, các cấp hội đã góp phần hoàn thành xóa nạn mù chữ cho hơn 31.000 người, trong đó có gần 16.000 phụ nữ thuộc 808 chi bộ hội cơ sở và 53 chủ tịch, phó chủ tịch hội cơ sở; hoàn thành chương trình sau xóa mù chữ cho hơn 20.000 người trong đó gần 6.000 phụ nữ ở 838 chi hội phụ nữ cơ sở và 95 chủ tịch, phó chủ tịch.[11, tr.45]

Chương trình vận động phụ nữ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập

Chương trình nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tiềm năng trí tuệ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các hoạt động tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ đặc biệt là phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo, tàn tật, phụ nữ vùng cao, vùng sâu nhằm xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống và làm giàu hợp pháp.

Công tác khai thác vốn từ các nguồn vốn trong, ngoài nước được các cấp hội tiến hành chủ động, có kinh nghiệm. Tính đến tháng 11 năm 1999, tổng số vốn cho phụ nữ vay là 1.650 tỉ đồng, doanh số cho phụ nữ vay từ các nguồn là 4.536 tỉ đồng với hơn 6 triệu lượt phụ nữ được vay (51% là phụ nữ nghèo). Nguồn vốn phát huy từ nội lực của phụ nữ (phụ nữ tiết kiệm, quỹ hội, ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo...)

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức, hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ việt nam 1976 2002 001 (Trang 77 - 137)