Tổ chức và hoạt độngcủa Hội nhiệm kỳ 1987-1992

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức, hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ việt nam 1976 2002 001 (Trang 47 - 62)

2.1.1. Tổ chức Hội

Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VI

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) rút ra bài học «lấy dân làm gốc» và đưa ra đường lối đổi mới đất nước toàn diện, thừa nhận sự tồn tại của nền kinh tế nhiều thành phần, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa..., nhằm khai thác mọi tiềm năng của đất nước, giải phóng năng lực sản xuất, tăng nhanh sản phẩm xã hội, thực hiện ổn định tình hình kinh tế – xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời, mở cửa và tăng cường quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.

Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI diễn ra trong 2 ngày 19, 20/5/1987 trong không khí đổi mới toàn diện đó, tại Hà Nội. Tham dự đại hội có ông Trường Chinh – Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Tâm - Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Văn Đồng – Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và 1.138 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu hội viên và 28 triệu phụ nữ trong cả nước. Đại hội bầu 98 ủy viên Ban chấp hành TW Hội, 15 ủy viên Đoàn Chủ tịch, 8 ủy viên Ban Thư ký. Bà Nguyễn Thị Định được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, 5 Phó Chủ tịch gồm: Nguyễn Thị Thân, Trương Mỹ Hoa, Trần Thị Thanh Thanh, Ngô Bá Thành, Hoàng Xuân Sính. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị tổng kết, đánh giá hoạt động, phong trào phụ nữ trong nhiệm kỳ V, dự thảo Điều lệ Hội, phương hướng, nhiệm vụ trong trào phụ nữ và Hội phụ nữ những năm 1987 – 1992.

8 nhiệm vụ của Hội LHPNVN trong nhiệm kỳ là: «đoàn kết, giáo dục, động viên phụ nữ tham gia phong trào «Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc», góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn; hướng dẫn phụ nữ tổ chức tổ chức

cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt ; tham gia xây dựng và giám sát kiểm tra việc thực hiện những luật pháp chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em ; nâng cao chất lượng cán bộ Hội, củng cố cơ sở Hội, đổi mới phương thức công tác ; tham gia phong trào phụ nữ thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.» [87, tr.29]

6 nhiệm vụ cụ thể được Đại hội đề ra gồm : tăng cường giáo dục xây dựng người phụ nữ mới xã hội chủ nghĩa, động viên phụ nữ tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 6 của Đảng ; chăm lo quyền lợi phụ nữ, trẻ em ; hướng dẫn giúp đỡ phụ nữ xây dựng gia đình văn hóa mới; tăng cường đoàn kết với phụ nữ thế giới đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội ; củng cố tổ chức cơ sở, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đổi mới phương thức hoạt động của Hội.

Tổ chức bộ máy Trung ương Hội thời kỳ này giống nhiệm kỳ Đại hội V (1982-1987) gồm Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký được duy trì với chức năng, nhiệm vụ không thay đổi. Bộ máy giúp việc cho Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký có một số thay đổi: Ban Gia đình đời sống đổi thành Ban Quyền lợi đời sống năm 1987, Ban Nghiên cứu đổi thành Ban Nghiên cứu Phụ vận năm 1987, Ủy ban Quốc gia về thập kỷ của phụ nữ Việt Nam đổi thành Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ Việt Nam năm 1993.

Nhằm tinh gọn bộ máy và giảm bớt sự chồng chéo về nhiệm vụ và chức năng của các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, Ban Tuyên giáo Gia đình đời sống được thành lập theo Quyết định số 96/QĐ, ngày 08/11/1990 của Ban Thư ký TW Hội, trên cơ sở sáp nhập Ban Tuyên huấn và Ban Quyền lợi đời sống (đổi tên 1987, tên cũ là Ban Gia đình đời sống). Chức năng, nhiệm vụ của ban mới là chức năng, nhiệm vụ của hai ban cũ hợp lại. Ban có nhiệm vụ chính: theo dõi, nắm tình hình tư tưởng và đời sống, nguyện vọng của các đối tượng phụ nữ để có cơ sở tham mưu, đề xuất những chủ trương và nội dung hoạt động phù hợp với công tác Hội; tuyên truyền, giới thiệu, phối hợp hướng dẫn, kiểm tra các vấn đề liên quan đến đời sống gia đình, quyền lợi phúc lợi của phụ nữ và trẻ em. Với chức năng nghiên cứu đề xuất chủ trương và hướng dẫn tổ chức những hoạt động về công tác tuyên truyền

giáo dục và gia đình, giới tính, đời sống phụ nữ trẻ em; động viên phụ nữ tự giác thực hiện nghĩa vụ, chính sách, luật pháp của Nhà nước và tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện những chính sách, luật pháp có liên quan đến vấn đề gia đình, đời sống phụ nữ và trẻ em, Ban Tuyên giáo Gia đình đời sống là bộ máy hỗ trợ đắc lực cho Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký trong công tác tuyên truyền, giáo dục phụ nữ về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước nói chung và của Hội nói riêng liên quan đến gia đình, phụ nữ, trẻ em.

Ban Nghiên cứu được đổi tên thành Ban Nghiên cứu phụ vận (1987), giữ nguyên chức năng, tập trung nhiều hơn cho công tác lý luận, quan tâm nhiều hơn đến tình hình, thay đổi của phụ nữ trong lao động sản xuất, trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, trong gia đình, trong nữ công nhân viên chức và phụ nữ khu vực tập thể trong tình hình kinh tế -xã hội mới; từ đó đề xuất với Đảng, Nhà nước về yêu cầu, nội dung, phương thức vận động phụ nữ trong chặng đầu thời kỳ đổi mới đất nước; cùng với các ban khác tham gia sơ kết, đề ra kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 44 và Nghị quyết 176a phù hợp với tình hình mới.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm thu thập, lưu giữ tài liệu, hiện vật về Hội và giáo dục truyền thống, tuyên truyền phòng trào phụ nữ, Hội Liên hiệp đã đề nghị được xây dựng, thành lập Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Theo đề nghị đó, ngày 10/01/1987, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ký quyết định cho phép Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội. Ngày 10/6/1987, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN ra Quyết định số 55/QĐ thành lập Bảo tàng phụ nữ Việt Nam. Bảo tàng có chức năng: nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật về lịch sử phát triển của phụ nữ Việt Nam qua các thời đại về: phong trào phụ nữ Việt Nam; văn hoá của phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng; hoạt động quốc tế của phụ nữ Việt Nam nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho phụ nữ và nhân dân; tuyên truyền đối ngoại phục vụ các đối tượng, khách tham quan có nhu cầu nghiên cứu tìm hiểu những vấn đề về phụ nữ Việt Nam và Hội LHPNVN.

Nhiệm kỳ này, Ban quản trị Tài chính giải thể (1987) và sáp nhập bộ phận quản trị, tài vụ và đội xe của Ban Quản trị tài chính sang Văn phòng Trung ương Hội.

Bộ máy cấp tỉnh, thành được kiện toàn và sắp xếp lại theo hướng tinh giảm biên chế, thu gọn đầu mối, nâng cao chất lượng sinh hoạt, giảm bớt khâu trung gian, quản lý cán bộ, sát cơ sở theo Quyết định số 34/QĐ-TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 02 của Trung ương Hội. Đến trước Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 8, có 28 tỉnh, thành tổ chức bộ máy gồm hai ban (Văn phòng và Phong trào), 3 tỉnh có bộ máy 3 ban, một số tỉnh có 4 ban. Cấp huyện, quận sau kiện toàn, đội ngũ cán bộ đã được tăng cường, bồi dưỡng để có đủ khả năng đảm nhận công tác trong tình hình mới. Sau sắp xếp, kiện toàn lại, tổng số biên chế của cả hệ thống hội từ Trung ương đến cơ sở đã giảm 20%, cấp tỉnh giảm 132, cấp huyện giảm 228 biên chế. Tuy nhiên, trong những năm 1988, 1989, công tác vận động phụ nữ gặp nhiều khó khăn, do những khó khăn chung của tình hình kinh tế - xã hội đất nước lúc đó, chế độ đãi ngộ nên đội ngũ cán bộ hội cũng như chị em phụ nữ không mặn mà với công tác hội, một phần do phương thức vận động chưa phù hợp, trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở còn thấp nên không thu hút được chị em.

Từ tình hình thực tế và yêu cầu bức bách phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Trung ương và các tỉnh, thành Hội xác định công tác đào tạo bồi dưỡng phải được tăng cường và duy trì thành hoạt động thường xuyên. Năm 1988, năm đầu tiên sau nhiều năm, Trung ương Hội đã tổ chức lớp bồi dưỡng về chức năng, nhiệm vụ và nội dung cơ bản của nghị quyết Đại hôi phụ nữ lần thứ VI, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành, đặc khu; tập trung tập huấn các chuyên đề về nghiệp vụ công tác hội cho các ban chuyên môn của các tỉnh, thành Hội. Các tỉnh, thành Hội tổ chức cũng tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ chuyên trách nhưng nhiều nơi còn tổ chức qua loa, không hiệu quả. Năm 1989, lần đầu tiên Trung ương Hội đầu tư nhân lực, tập trung kinh phí mở 6 lớp cho trên 800 cán bộ chủ chốt các tỉnh, thành, quận, huyện về chức năng, nhiệm của của Hội, về yêu cầu đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động cho cán bộ hội. Trường Lê Thị Riêng đã mở lớp ngắn hạn (3 tháng)

đào tạo cho 85 cán bộ chủ chốt của 18 tỉnh phía Nam, 28 tỉnh mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở từ tổ phó đến hội trưởng phụ nữ huyện.

Nghị quyết Đại hội phụ nữ lần thứ VI xác định: “Xây dựng củng cố cơ sở hội là khâu công tác trọng yếu để thực hiện chức năng nhiệm vụ và tạo nên sức mạnh của Hội”. [10, tr.21] Ngay từ đầu năm 1988, Trung ương Hội đã chỉ đạo tập trung củng cố cơ sở theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động theo chức năng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, nâng cao năng lực chủ động hoạt động của Ban Chấp hành và tổ phụ nữ. Trung ương Hội đã chỉ đạo 4 đoàn khảo sát toàn diện thực trạng tình hình cơ sở hội ở các địa phương. Qua khảo sát cho thấy tình hình tổ chức, hoạt động ở cơ sở chưa hợp lý, khoa học, hiệu quả. Do đó, công tác chỉ đạo điểm để củng cố tổ chức cơ sở hội được đặt thành vấn đề cấp thiết, trọng tâm trong năm 1989. Cán bộ các ban ở Trung ương đã tập trung chỉ đạo điểm ở 4 tỉnh: Hà Nội, Tây Ninh, Bắc Thái, Lạng Sơn; 23 tỉnh khác cũng tiến hành chỉ đạo điểm ở 233 tổ chức cơ sở hội, sau rút kinh nghiệm và thực hiện trên diện rộng. Theo đó, mô hình tổ chức của hội được tổ chức phù hợp với sự đa dạng của các thành phần xã hội, các tổ chức kinh tế, đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, nâng cao năng lực chủ động hoạt động của Ban Chấp hành và tổ phụ nữ. Mô hình tổ chức với quy mô nhỏ, tổ chức linh hoạt theo địa bàn dân cư, đơn vị sản xuất, theo ngành nghề, sở thích, lứa tuổi, tín ngưỡng… phù hợp với yêu cầu tập hợp phụ nữ trong tình hình mới: “Tổ phụ nữ tự nguyện”, “Tổ phụ nữ nòng cốt”, Tổ phụ nữ ngành nghề… tuy nhiên hiệu quả chưa cao.

Tiến tới Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VII, Trung ương Hội thành lập Ban Trù bị Đại hội, các tiểu ban giúp việc và tiến hành các đợt khảo sát nắm tình hình xây dựng văn kiện, hướng dẫn và chỉ đạo đại hội cơ sở, tập trung ở cấp quận huyện, tỉnh thành. Đến trước Đại hội VII, đã có 93% cấp cơ sở, 82% cấp huyện và 51/53 tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành xong Đại hội cơ sở và bầu Ban Chấp hành mới, bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên. Sau Đại hội các cấp, bộ máy tổ chức được củng cố, kiện toàn, sắp xếp lại, 42 tỉnh sắp xếp bộ máy gồm 2 ban, 3 tỉnh có bộ máy 3 ban và 7 tỉnh có bộ máy 4 ban, khắc phục tình trạng chồng chéo, tạo

điều kiện, khả năng tập trung cán bộ cho công tác chỉ đạo phong trào, chuyên môn hóa đội ngũ và nâng cao khả năng tổ chức vận động quần chúng của cán bộ Hội. Bộ máy cấp quận, huyện được rút gọn hơn, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ, khỏe, có năng lực, nhiệt tình công tác hội.

2.1.2. Hoạt động chính của Hội

Tham gia quản lý Nhà nước

Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI, khẳng định chức năng của Hội LHPNVN là “giáo dục, động viên phụ nữ tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc,, đại diện cho quyền bình đẳng, làm chủ tập thể của phụ nữ, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị văn hóa, xã hội của đất nước.” [87, tr.29] Tạo điều kiện cho sự chuyển hướng mạnh nội dung và phương thức hoạt động của Hội theo đúng chức năng Đại hội đã đề ra, cần một văn bản thể chế hóa cụ thể vai trò của Hội trong việc tham gia công việc Nhà nước. Hội cùng các cấp, ngành có liên quan tiến hành khảo sát thực tế ở các địa phương, trưng cầu dân ý các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, khả năng, cơ chế để Hội phụ nữ có điều kiện tham gia công việc quản lý Nhà nước. Nhân dịp 20/10/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 163/HĐBT, ngày 18/10/1988 về “quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước”. Quyết định nêu rõ: “Các Bộ, Ủy ban Nhà nước các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là các cấp chính quyền) khi xây dựng kế hoạch Nhà nước, hoặc có chủ trương giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em phải bàn với Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp. Trong quá trình thực hiện các chủ trương và kế hoạch nói trên, nếu có sự thay đổi bổ sung quan trọng cũng phải trao đổi với Hội liên hiệp phụ nữ”. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thể chế hóa vai trò, vị trí của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đại diện quyền làm chủ của phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước, thể chế hóa quan hệ hợp tác, phối hợp giữa các cấp chính quyền và các cấp Hội thành những quy định cụ thể.

Thực hiện Quyết định này là điều kiện để Hội LHPNVN phát huy vai trò, chức năng đại diện cho quyền làm chủ của phụ nữ, trẻ em. Hội LHPNVN xác định,

việc thực hiện Quyết định 163/HĐBT, phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cấp Hội để phối hợp với các cấp chính quyền để tham gia quản lý Nhà nước có hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội có Kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội thực hiện Quyết định; giáo dục tuyên truyền phổ biến rộng rãi Quyết định đến đông đảo cán bộ nữ các cấp hội và các cơ quan liên quan. Hội đã phân chia việc gì làm được trước, việc gì làm sau để hướng dẫn các cấp thực hiện. Trung ương Hội chỉ đạo điểm 3 địa phương là: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh làm trước và rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước. Việc triển khai ở 3 tỉnh đã tổ chức phổ biến kinh nghiệm tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPNVN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tổ chức, hoạt động của hội liên hiệp phụ nữ việt nam 1976 2002 001 (Trang 47 - 62)