Chương 1 : Khái quát về Kinh thánh
1.3. Tiểu kết chương một
Kinh Thánh bao gồm Cựu Ước và Tân Ước là một trong những tác phẩm lớn với 73 quyển sách lớn nhỏ, có lịch sử hình thành lâu dài (1000 năm), do nhiều người (hàng trăm tác giả) thuộc nhiều thời đại tham gia, bằng nhiều thể loại, như trần thuật, truyện truyền kỳ, anh hùng ca, lịch sử, truyện tích, thi phú, ký sự, thư từ, khải huyền,… với nhiều thứ ngôn ngữ, từ các ngôn ngữ cổ, như Híp-ri (Hê-bơ-rơ), A-ram, Hy-lạp cho đến chữ La-tinh và hàng trăm ngôn ngữ khác, rất độc đáo và dầy đặc những biểu tượng. Đó là một tác phẩm nói về khoảng thời gian từ thuở hồng hoang cho tới ngày tận thế xuyên qua lịch sử của dân tộc Do-thái, trải rộng trong không gian, có liên hệ với khu vực địa lý bao trùm vùng Lưỡng Hà, Ai-cập, Địa Trung Hải, Tiểu á và I-ta-li-a. Quá trình san dịch, tuyển chọn cũng diễn ra hàng trăm năm và vô cùng phức tạp. Điều đó phần nào nói lên giá trị to lớn của tác phẩm này trên nhiều phương diện, trong đó tư tưởng nhân học xã hội được thể hiện khá rõ nét.
Nội dung xuyên suốt của Kinh Thánh là câu chuyện về lịch sử cứu độ với tư tưởng trung tâm là “di huấn” (giao ước) của Chúa với loài người và việc thực hiện di huấn đó. Việc xây dựng một tôn giáo độc thần với thuyết sáng thế, Kinh
Thánh đã tạo ra một bước ngoạt trong lĩnh vực triết học, khắc phục được những mâu thuẫn mà triết học cổ đại không giải quyết được, ít nhất là trên lĩnh vực tinh thần. Đó cũng là cơ sở cho thần học Ki-tô giáo xây dựng chủ nghĩa nhân văn lấy con người làm trung tâm với tội tổ tông. Sự chuyển trọng tâm từ nhận thức sang niềm tin đã mở ra một khả năng mới cho lĩnh vực tinh thần với những giá trị như niềm tin, hy vọng, tình yêu tạo nên những chiều kích mới trong thước đo giá trị nhân văn.
Chương 2. Những nội dung chủ yếu về nhân học xã hội Trong Kinh thánh