Chương 1 : Khái quát về Kinh thánh
1.2. Tư tưởng và nội dung triết học của Kinh Thánh
1.2.1. Tư tưởng cơ bản của Kinh Thánh
Như đã trình bày, Kinh Thánh của Ki-tô giáo gồm hai bộ Cựu Ước và Tân Ước đều gắn liền với tư tưởng trung tâm là “di huấn”, tức là lời giao ước của Thiên Chúa đã ký kết với loài người. Tư tưởng then chốt của “lời giao ước” đó gắn liền với các đặc điểm về ngôn ngữ khái niệm của Kinh Thánh. Ví như, danh
từ “Emunah” tiếng Do-thái có nghĩa là “niềm tin”, trước hết là lòng chung thuỷ. Trong Kinh Thánh, niềm tin không hẳn là ý kiến, lối suy nghĩ, chấp nhận những quan niệm xác định với tư cách những quan niệm chân thực, mà chủ yếu là thái độ sẵn sàng đón nhận những điều giao ước với Chúa, từ đó những quan niệm phù hợp với chúng sẽ được suy ra. Tấm gương về lòng chung thuỷ đối với Kinh Thánh là lòng chung thuỷ của bản thân Chúa, bởi “Chúa giữ gìn lời ước chung thuỷ của mình”. Trong Tân Ước, nhân chứng chung thuỷ được coi là hiện thân của Đức Ki-tô. Ki-tô giáo đặc biệt đề cao nhân đức đối thần, đó là cái thiện trong đời sống siêu nhiên, tức là mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Theo đó, con người lấy Thiên Chúa làm đối tượng hướng tới và chọn cách cư xử sao cho được hưởng ơn phúc đời đời. Kinh Thánh xác định có ba nhân đức đối thần cơ bản, là đức tin, đức cậy và đức mến. Đó là sự tin tưởng vô điều kiện vào Thiên Chúa, hy vọng vào hạnh phúc có được do Thiên Chúa đem lại và kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Đổi lại, Thiên Chúa đã yêu thương con người như một người cha (1 Tm 2,3), [38, tr.2085], như người mục tử đối với đàn chiên (Mt 9,36), [38, tr.1604] hoặc khi thì như anh em, bạn hữu (Ga 15,14-15), [38, tr.1851]. Nhưng cao hơn cả và nhiều hơn cả, Kinh Thánh ví mối quan hệ giữa Đức Ki-tô và dân Chúa như quan hệ vợ - chồng. Nói cách khác, lòng chung thuỷ là biểu tượng thể hiện sự gần gũi của “lời ước” với “hôn nhân”. Trong Cựu Ước, mô tả “lời ước” giữa Chúa và dân Do-thái như một cuộc hôn nhân không thể chia lìa của Chúa với người vợ (tức dân Chúa chọn) dù không xứng đáng được yêu. Những ẩn dụ về hôn nhân thường được sử dụng để mô tả sự kiện giao ước: “Chú rể vui mừng gặp cô dâu giống như Chúa vui mừng gặp chúng con”. Chỉ đặt trong văn cảnh như vậy mới cho phép chúng ta hiểu về Thánh ca cùng với tất cả những hình ảnh trữ tình của nó như sự mô tả “lời ước” bằng biểu tượng. Được thừa nhận trong Do-thái giáo, sự lĩnh hội như vậy cho phép đưa Cựu Ước vào pháp điển Kinh Thánh và sự chú giải thần bí về nó, kể cả trong Ki-tô giáo. Trong Tân Ước, hình ảnh “chú rể” được dành cho Chúa Ki-tô, như Phúc Âm của Mát-thêu và Lu-ca, còn bữa tiệc cưới là ngày khải huyền như Phúc Âm của Mát-thêu. Thánh Phao-lô đã phê phán các tín hữu ở Cô-rin-tô là những
người đáng lẽ ra phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu chân thành và thuần khiết, chứ không dành cho ai khác: “Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Ki-tô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2 Cr 11,2), [38, tr.2017]. Tác giả Khải huyền tỏ ra vui vẻ trước “hôn lễ” giữa Thiên Chúa và Giáo Hội. Hôn lễ ấy tượng trưng cho sự viên thành của vạn vật trong ngày tận thế: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Thiên Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng” (Kh 19,7-8), [38, tr.2189]. “Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru- sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21,2-3), [38, tr.2192-2193]. Không phải ngẫu nhiên mà phép mầu đầu tiên được Chúa Ki-tô thực hiện trước dân chúng lại diễn ra tại tiệc cưới miền Ca-na.
Mặc dù Kinh Thánh bao gồm những văn bản được viết trong suốt hơn 1000 năm, song nó vẫn có một sự thống nhất nhất định về mặt nội dung. Những người biên soạn pháp điển Kinh Thánh đã chủ ý sắp xếp các văn bản như sao đó để Kinh Thánh được mở đầu bằng lời nói của sách Sáng thế: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), [38, tr.30] và kết thúc bằng câu nói trong sách
Khải huyền: “Lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!” (Kh 22,20), [38, tr.2196] để đưa độc giả đến trạng thái căng thẳng luôn dao động giữa sự bắt đầu và sự kết thúc của thánh sử, họ chỉ nhấn mạnh những gì hiện diện trong bản thân các văn bản. Để hiểu được tính độc đáo của Kinh Thánh so với các “sách thánh” khác của loài người, cần phải nhận thấy điều gì không có hay dường như không có trong Kinh Thánh. Vì chỉ có một Thiên Chúa, nên không có những cốt truyện thần thoại về lịch sử của Chúa, lịch sử sẽ bao hàm những quan hệ qua lại với các thần linh khác mà chỉ có duy nhất một cốt truyện, hơn nữa là cốt truyện xuyên suốt, đó là “giao ước” của Chúa với con người. Trong lịch sử tôn giáo nhân loại, không ít vấn đề được thần thoại hóa đến độ hư cấu ra vô số thế giới hay trò chơi gây ấn tượng về những khoảng thời gian lớn chưa từng thấy, như “chu kỳ B-rát- ma” trong ấn-độ giáo (864 triệu năm). Mặc dù người ta cố gắng tìm kiếm vũ trụ luận trong Kinh Thánh ở thời Trung cổ, song điều này đã dẫn tới những xung
đột giữa “lý tính” với “niềm tin” (vụ án Ga-li-lê) ở đầu thời Cận đại. Đề tài trung tâm của Kinh Thánh là “lịch sử cứu độ” (tiếng La-tinh: historia salutis), đó là một diễn trình lịch sử lâu dài, khởi nguồn từ Thiên Chúa sáng tạo ra vũ trũ, trời đất, muôn loài và con người đến ngày tận thế, sự phục sinh và lời phán xét cuối cùng. Theo quan điểm của thần học Ki-tô giáo, con người là sản phẩm tinh túy, hoàn mỹ nhất trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa nên Thiên Chúa đã ban cho họ lời giao ước, song do bản tính phàm tục của nó, con người luôn bị sa ngã, không tuân giữ lời giao ước của Chúa, làm nhiều điều tội lỗi. Mặc dù Thiên Chúa đã nhiều lần răn dạy, cho các tiên tri xuống giáo huấn, song con người vẫn không cải sửa mà còn làm nhiều điều lỗi nghịch với Thiên Chúa. Vì tình yêu thương con người, Thiên Chúa đã cho con một của mình là Đức Giê-su Ki-tô - Ngôi Hai Thiên Chúa xuống trần nhập thể làm người đi rao giảng lời Thiên Chúa, giáo huấn nhân loại và chịu chết trên thập tự để cứu chuộc tội lỗi thay cho nhân loại. Nhưng cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su Ki-tô với việc thiết lập phép Thánh Thể mới chỉ là điểm khởi đầu cho một lời giao ước mới, con đường mới trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Qua việc thiết lập Thánh thể, Chúa Giê-su đã trở thành Đấng trung gian cứu chuộc duy nhất cho nhân loại mà không cần đến một đấng thiên sai nào khác, điều đó làm cho công trình cứu chuộc của Thiên Chúa vẫn được tiếp diễn cho đến ngày tận thế, sự phục sinh và lời phán xét cuối cùng. Khi đó, công trình hay lịch sử cứu độ mới kết thúc bằng sự xuất hiện của trời mới, đất mới. Lịch sử cứu độ nói lên biến đổi của những sự kiện trong đời sống của các dân tộc và trong đời sống tinh thần mà đề tài “giao ước” thể hiện qua đó. Kinh Thánh không mô tả theo nghĩa đen của điều này, cũng như theo nghĩa siêu hình học – thần học, niềm tin vào Chúa trong Kinh Thánh không phải căn cứ trên những đặc điểm, phẩm chất của Chúa, mà căn cứ vào những việc làm của Chúa, đó là việc cứu thoát dân Do-thái khỏi cảnh làm nô lệ ở Ai-cập, là lời răn dạy của Chúa Giê-su Ki-tô, là cái chết và sự phục sinh của Chúa để cứu rỗi nhân loại.
Có thể tách biệt "hạt nhân quan điểm" Kinh Thánh để phân biệt với các tác phẩm khoa học và các tác phẩm trần thuật đơn giản khác. Kinh Thánh được xây
dựng dựa trên quan điểm di huấn, đó là lời giáo huấn của Chúa dành cho con người. Người Do-thái giáo và Ki-tô giáo tin rằng sự sinh tồn của con người do
luật của Chúa quy định. Luật này được thiết lập không phải giữa con người với nhau, mà nó có tính chất thần thánh. Khi đưa ra lời giáo huấn cho con người, Thiên Chúa thiết lập một kiểu quan hệ đặc biệt giữa mình và con người, kiểu quan hệ này chứng tỏ thiện chí của Chúa muốn gánh vác lấy trách nhiệm. Đồng thời lời giáo huấn cũng nâng con người lên, làm cho con người tự do hướng tới Chúa. Điều đó cho thấy, Kinh Thánh được xem như là văn bản khích lệ của Chúa. Có nghĩa là, mặc dù Kinh Thánh do những con người cụ thể viết ra, nhưng những điều viết ra đó là do có sự linh ứng mạc khải của Thiên Chúa. Nói cách khác, chính Thiên Chúa đã hé lộ bức màn bí mật của mình cho con người biết được ý định của Chúa. Chúa tự cởi mở bản thân mình thông qua Kinh Thánh. Do bản chất siêu nhiên của Chúa nên con người không thể nhận thức về Người giống như các vật của thế giới cảm tính một cách trực tiếp, đầy đủ và toàn vẹn. Nhận thức trực tiếp và đầy đủ về Chúa là vượt quá khả năng của con người. Chúa tự cởi mở mình trong văn bản Kinh Thánh, tự vén bức màn bí mật của mình cho những người có đức tin. Do vậy, Kinh Thánh thể hiện là "Lời Chúa". Với tư cách như vậy, nó trở thành khách thể của niềm tin. Vì thế, không thể đọc và hiểu Kinh Thánh mà không có đức tin hay bằng một cái nhìn lạnh nhạt, xa lạ của những người đứng ngoài đức tin vào Thiên Chúa. Đọc Kinh Thánh đòi hỏi có một đức tin với khát vọng thấu hiểu nội dung thầm kín của nó. Điều này phân biệt rõ những tư tưởng Kinh Thánh với triết học giai đoạn trước đó. Chẳng hạn, các tác phẩm của P-la-tôn hướng vào trí tuệ của độc giả nhưng không đòi hỏi sự ráng hết những nỗ lực tinh thần và một thái độ tin tưởng đặc biệt đối với văn bản để thấu hiểu chúng. Khi được thấu hiểu đúng, căn cứ trên niềm tin, các tư tưởng Kinh Thánh sẽ bộc lộ một sức mạnh có khả năng làm thay đổi bộ mặt tinh thần của con người và của các cộng đồng người. Kinh nghiệm lịch sử trong việc truyền giáo, phổ biến Ki-tô giáo từ xưa đến nay đã chứng minh điều đó.
Như đã trình bày, các sách Phúc Âm trong Tân Ước, còn được gọi là Tin Lành hay Tin Mừng, hàm ý nói lên thông tin về sự hiện thân của Chúa Giê-su và sự phục sinh màu nhiệm của Người sau cái chết trên thập giá. Các sách Phúc Âm do các môn đệ của Chúa Giê-su hay những người có quan hệ trực tiếp với các môn đồ của Chúa Giê-su viết lại cuộc đời và những lời rao giảng của Chúa Giê-su trong quá trình truyền giáo. Học thuyết và các sự kiện cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô được ghi lại trong bốn cuốn sách Phúc Âm. Nội dung cơ bản của học thuyết Ki-tô giáo bao hàm chính trong Tân Ước. Tuy nhiên, Tân Ước có liên hệ mật thiết với Cựu Ước vốn là sách kinh của người Do-thái cổ. Trong quá trình truyền bá học thuyết của mình, Chúa Giê-su thường xuyên so sánh lời nói của mình với các chân lý đã được biết tới trong Cựu Ước. Qua đó, Người tách biệt tư tưởng của mình, làm cho nó trở nên rõ ràng và dễ hiểu hơn. Hình ảnh Chúa Giê-su kết hợp trong mình hai bản tính: Thiên Chúa và con người, là sự biểu hiện rõ nhất tính đặc thù của Ki-tô giáo với các tôn giáo khác.