Dòng thời gian đứt gãy, đồng hiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh (qua so sánh với tiểu thuyết phía tây không có gì lạ của erich maria remarque và tiểu thuyết khói lửa của henri barbusse) (Trang 73 - 76)

2.4 .Thời gian nghê ̣ thuật

2.4.1. Dòng thời gian đứt gãy, đồng hiện

Nỗi buồn chiến tranh chứa đựng một khối thời gian mang tính ba chiều

và chẳng tuân thủ theo quy luật nào. Thời gian đứt gãy liên tục, nhân vật đang ở thời điểm hiện tại, nghĩ về quá khứ, liên tưởng tới tương lai. Thủ pháp để

nhân vật đồng hiện thời gian làm người đọc như bị ám ảnh khôn nguôi về quá khứ, buồn về hiện tại cùng với nhân vật. Mở đầu tác phẩm là thời điểm mùa khô đầu tiên sau chiến tranh. Bút pháp hiện thực của tác giả thu hút người đọc hướng gần về hiện tại: “Mùa khô đầu tiên đến với miền hậu cứ… Tháng chín, tháng mười, rồi tháng mười một nữa trôi qua. Thời tiết bấp bênh. Ngày nắng.

Đêm mưa. Mưa nhỏ thôi, nhưng mưa… Mưa… Núi non nhạt nhòa..” [42;tr.5].

Những ngày tháng đầu tiên sau chiến tranh, Kiên là người cựu chiến binh cùng đoàn đi tìm mộ đồng đội. Đến truông Gọi Hồn - nơi anh đã từng sống, chiến đấu với anh em, bây giờ gặp lại địa danh xưa chỉ còn mình anh trong khi bao đồng đội đã ngã xuống. Miên man nỗi buồn, Kiên nghe âm vang tiếng vọng của “thời nào đó”. Chuyện đột ngột đẩy lùi tọa độ thời gian trở về với mùa khô năm 1969, lúc tiểu đoàn của anh đóng tại đây. Bao cảnh tang thương đã diễn ra, những cái chết thương tâm rùng rợn, dòng sông đẫm máu. Nỗi ám ảnh về quá khứ như bám riết tâm hồn anh trong tháng ngày hòa bình. Dòng kí ức của Kiên trở về trong sự liên tưởng hôm nay và ngày ấy. Trở về năm 1969, Kiên lại quay lại thời điểm trước hòa bình một năm. Bảo Ninh xê dịch điểm nhìn từ hiện tại về quá khứ với những câu chứa đựng từ ngữ chỉ thời gian như: “Thời ấy… thực ra thì chỉ mới năm ngoái đó thôi”, “So với bây giờ chưa chắc có gì thay đổi”, “Hồi đó trinh sát chọn chỗ dựng lán ở ngay trên bờ con suối này”, “Hồi đó là chiến tranh còn bây giờ, trái lại, đã hòa bình rồi”. Khi liên tưởng về quá khứ, thế giới nội tâm nhân vật hiện lên đậm nét với những suy tư, trăn trở: “Đêm nay ai gọi hồn ai. Tiếng hú cất lên từ đâu đó trong rừng thẳm, âm u truyền dọc theo những gờ núi lạnh lẽo của truông Gọi Hồn.

Cô đơn. Lạc lõng.” [42;tr.13]. Ở đây Kiên nhận thấy hiện tại và quá khứ

không cách nhau xa về thời gian nhưng hoàn cảnh, thời thế đã khác xa. Trong Nỗi buồn chiến tranh, tính đứt gãy, xáo trộn không chỉ thể hiện ở quan hệ hiện tại - quá khứ, mà ngay cả trong quá khứ, dòng hồi tưởng cũng

không liền mạch, không thứ tự. Trong một đoạn văn ngắn cũng có thể tồn tại nhiều loại quá khứ. Người ta gọi đó là “quá khứ của quá khứ” hay quá khứ gần và quá khứ xa. Chẳng hạn từ trang 73 đến trang 78 xuất hiện hai loại quá khứ. Quá khứ gần là: “Năm ấy, Kiên nhớ Hà Nội xuất hiện một mùa xuân giả. Ban ngày nắng hửng trời quang, không gian thoáng đãng êm ả tựa như đã là

tháng năm rồi” [42;tr.73]. Sau đó, Kiên lại nhớ đến sự việc Phương đã bỏ đi

từ đầu mùa đông. Hai sự việc nhớ lại đó khá gần với hiện tại. Khoảng giữa của hai sự kiện đó lại là việc Kiên dắt một ả “Cà phê xanh” về nhà. Không ai khác đó chính là em gái đồng đội của anh. Kiên nhớ lại buổi chiều mùa hè sau chiến tranh, anh mang di vật đến cho gia đình của người đồng đội xấu số - Vĩnh. Anh đã gặp cô gái ấy trong cái xóm rác nghèo “đàn chó bẩn thỉu chạy rông. Ruồi muỗi chuột bọ, mùi hôi thối kinh hồn và những ngọn gió cực kì

tanh tưởi” [42;tr.77]. Kỉ niệm về Vĩnh và xóm rác nghèo là hiện thực đã xa,

được nhìn nhận từ một điểm nhìn quá khứ.

Kiểu quá khứ của quá khứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong tác phẩm tạo ra những lớp hiện thực chồng chéo và buộc người đọc phải căng mắt dõi theo cuộc sống của nhân vật trong từng trang. Nhân vật trở thành những mảnh vỡ, mảnh ghép tâm hồn. Các sự kiện bị chắp nối, xé vụn ra không theo một trình tự nào cả. Sự đứt gãy đột ngột, liên tục và xáo trộn đã đưa sự việc vốn cách xa nhau trong thực tế đến gần nhau hoặc trộn lẫn vào nhau. Người đọc cùng một lúc thấy chúng đều hiện ra trước mắt. Mối quan hệ giữa chúng tưởng như mơ hồ, phi logic nhưng lại trở nên rõ ràng, vững chắc. Kiên nhớ đến Đồi Mơ với mối tình vô danh rồi quay trở về thực tại với những con người ở khu phố nay đã đổi khác khiến anh nhớ đến Hạnh - người chị hàng xóm năm xưa với những xúc động ban đầu. Tiếp đó, thời gian lại trở về thực tại với một Hà Nội lạnh lẽo, da diết buồn khiến Kiên nhớ tới mùa xuân giả đẹp đẽ ở đây “năm ấy” để từ đó chuỗi nhớ về Phương lại xuất hiện…

Sự đứt gãy, xáo trộn với những mảng quá khứ - hiện tại đan xen đã tạo ra sự thay đổi trong kết cấu tiểu thuyết của tác phẩm ở thời kì này. Xây dựng kiểu thời gian ấy, tác giả muốn đặt quá khứ trong sự đối sánh với hiện tại. Nhân vật luôn phải sống trong nhập nhằng, chập chờn trên cái ranh giới quá khứ - hiện tại. Hướng về quá khứ là một cách thú nhận họ đang bất lực, hoang mang, cô độc trước cuộc sống hôm nay.

Như vậy, chiến tranh dù đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn ẩn chứa trong hiện tại. Quả là “Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng… Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành, đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về chiến tranh thì sẽ ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ

nguôi” [42, tr.231].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thi pháp tiểu thuyết nỗi buồn chiến tranh của bảo ninh (qua so sánh với tiểu thuyết phía tây không có gì lạ của erich maria remarque và tiểu thuyết khói lửa của henri barbusse) (Trang 73 - 76)