7. Kết cấu
1.2. Một số vấn đề lý luận về văn bản pháp luật
1.2.2. Những đặc điểm cơ bản của văn bản pháp luật
Với cách hiểu: văn bản pháp luật bao hàm cả văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính, văn bản pháp luật có những đặc điểm sau đây:
- Văn bản pháp luật được xác lập bằng ngôn ngữ viết
Ngôn ngữ viết có vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng văn bản pháp luật. Thứ nhất, nó giúp chủ thể ban hành văn bản pháp luật trình bày đầy đủ,
mạch lạc toàn bộ ý chí của mình về các vấn đề phát sinh trong quản lý nhà nước, giúp đối tượng thi hành biết được để thực hiện. Thứ hai, sử dụng ngôn ngữ viết rất tiện lợi cho việc chuyển tải, tiếp cận, khai thác, lưu trữ thông tin để phục vụ cho hoạt động quản lý.
- Văn bản pháp luật được ban hành bởi chủ thể có thẩm quyền do pháp luật
quy định
Về chủ thể ban hành văn bản pháp luật, pháp luật quy định rất nhiều chủ thể có quyền ban hành văn bản pháp luật, đó có thể là cơ quan quyền lực, hành chính, kiểm sát, xét xử; người đứng đầu và một số công chức khác của các cơ quan nhà nước; tổ chức xã hội hoặc cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý nhà nước đối với một số việc cụ thể.
Chỉ chủ thể do pháp luật quy định mới có quyền ban hành văn bản pháp luật. Nếu văn bản được ban hành bởi một cá nhân hay tổ chức mà pháp luật không quy định về thẩm quyền ban hành thì văn bản đó không có hiệu lực pháp luật.
- Văn bản pháp luật có nội dung là ý chí của chủ thể ban hành nhằm đạt được
mục tiêu quản lý
Nội dung văn bản pháp luật là ý chí của chủ thể ban hành. Ý chí đó được xác lập trên cơ sở pháp luật hiện hành và nhận thức chủ quan của cán bộ, công chức nhà nước về những yếu tố khách quan của đời sống xã hội, phù hợp với mục tiêu cụ thể của từng văn bản.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý, trong quá trình xác lập văn bản pháp luật, chủ thể có thẩm quyền có thể tham khảo tâm tư, nguyện vọng của những đối tượng liên quan trực tiếp tới nội dung văn bản, đặc biệt là của nhân dân lao động để vừa đạt được mục tiêu quản lý, vừa bảo đảm được các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
- Văn bản pháp luật có hình thức do pháp luật quy định
Hình thức văn bản pháp luật bao gồm hai yếu tố cấu thành là tên gọi và thể thức của văn bản.
Pháp luật hiện hành quy định rất nhiều loại văn bản pháp luật có tên gọi khác nhau, như: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư, bản án, công điện, công văn… Những quy định đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phân biệt các văn bản pháp luật khác nhau trong cùng hệ thống: phân biệt văn bản pháp luật với những văn bản khác của Nhà nước; xác định thứ bậc hiệu lực của từng văn bản, tạo điều kiện cần thiết cho việc ban hành, thực hiện hoặc xử lý văn bản khiếm khuyết; xác định vai trò của mỗi loại văn bản đối với từng loại công việc cụ thể phát sinh trong quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định về thể thức văn bản pháp luật, tức là quy định cách thức trình bày văn bản theo một kết cấu, khuôn mẫu nhất định, có tác dụng tạo sự liên kết chặt chẽ giữa hình thức với nội dung văn bản; bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động của hệ thống cơ quan nhà nước.
- Văn bản pháp luật được ban hành theo thủ tục do pháp luật quy định
Pháp luật quy định về thủ tục ban hành với mỗi loại văn bản pháp luật cụ thể. Trong mỗi thủ tục đó, có thể có những nét riêng biệt nhưng nhìn chung đều bao gồm những hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ có vai trò trợ giúp cho người soạn thảo đồng thời tạo cơ chế trong phối hợp, kiểm tra, giám sát của những cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động ban hành văn bản pháp nhằm hạn chế những khiểm khuyết trong hoạt động của Nhà nước.
-Thủ tục ban hành pháp luật được Nhà nước bảo đảm thực hiện
Để bảo đảm thực hiện các văn bản pháp luật trên thực tế, Nhà nước sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục và đặc biệt là biện pháp cưỡng chế. Nếu các cá nhân, tổ chức có liên quan không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung của văn bản pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước. Ngược lại, nếu những đối tượng liên quan thực hiện tốt thì có thể được Nhà nước khích lệ về tinh thần hoặc vật chất, như: tặng huân, huy chương, bằng khen, thưởng tiền…
Từ những phân tích trên, có thể xác định văn bản pháp luật là hình thức thể hiện ý chí của chủ thể có thẩm quyền, dưới dạng ngôn ngữ viết, được ban hành
theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm đạt được những mục tiêu quản lý đã đặt ra [Xem thêm 41]