Khái niệm văn bản pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ứng dụng phương pháp hình thức hóa trong việc thẩm định tính logic của các mệnh đề trong các văn bản pháp luật (Trang 39 - 42)

7. Kết cấu

1.2. Một số vấn đề lý luận về văn bản pháp luật

1.2.1. Khái niệm văn bản pháp luật

Pháp luật được thực hiện qua hình thức bên trong và bên ngoài. Hình thức bên trong của pháp luật là các quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận có tính bắt buộc chung, thể hiện ý chí nhà nước, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Quy phạm pháp luật có các đặc điểm cơ bản:

Thể hiện ý chí của nhà nước. Quy phạm pháp luật thể hiện ý chí của lực lượng cầm quyền trong xã hội. Về nội dung, mỗi quy phạm pháp luật thường thể hiện sự cho phép hoặc bắt buộc đối với hành vi của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Nói cách khác, quy phạm pháp luật xác định quyền và nghĩa vụ pháp lý của các cá nhân và tổ chức khi tham gia quan hệ xã hội được nó điều chỉnh.

Tính phổ biến (bắt buộc chung). Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự có tính

bắt buộc đối với mọi cá nhân, tổ chức ở vào điều kiện, hoàn cảnh đã được dự kiến trước. Quy phạm pháp luật có thể được áp dụng nhiều lần trong cuộc sống cho đến khi bị thay đổi hoặc hủy bỏ.

Chặt chẽ về hình thức. Các quy phạm pháp luật được ban hành bởi các chủ thể có thẩm quyền nhất định và theo những trình tự, thủ tục nhất định.

Việc thực hiện các quy phạm pháp luật được nhà nước đảm bảo thực hiện.

Quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện. Các quy phạm pháp luật được ghi nhận dưới hình thức chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật, theo thể thức, trình tự mà pháp luật cho phép. Đồng thời nhà nước cũng thiết lập một hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền đảm bảo cho các quy phạm pháp luật được thực hiện thống nhất, nghiêm chỉnh.

Những đặc điểm trên sẽ giúp chúng ta phân biệt được giữa quy phạm pháp luật với các quy phạm xã hội khác như quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo, nội quy, quy chế của cơ quan, xí nghiệp.

Hình thức bên ngoài gồm có ba nguồn cơ bản là tập quán pháp, tiền lệ pháp và văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó

Tập quán pháp: là hình thức nhà nước thừa nhận một số tập quán đã lưu truyền trong xã hội, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, nâng chúng thành những quy tắc xử sự chung được nhà nước đảm bảo thực hiện. Đây là hình thức pháp luật xuất hiện sớm nhất và được sử dụng nhiều trong các nhà nước chủ nô và nhà nước phong kiến. Trong nhà nước tư sản hình thức này vẫn được sử dụng nhiều, nhất là ở các nhà nước có chế độ quân chủ. Các hình thức thừa nhận tập quán pháp: tuyên bố thừa nhận một tập quán nhất định; thừa nhận dưới dạng những nguyên tắc chung; thừa nhận bằng cách im lặng để tập quán điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định.

Tiền lệ pháp: là hình thức nhà nước thừa nhận các quyết định của các cơ quan hành chính hoặc xét xử giải quyết những vụ việc cụ thể để áp dụng đối với các vụ việc tương tự nảy sinh về sau. Hình thức này được sử dụng nhiều trong các nhà nước chủ nô, được sử dụng rộng rãi trong các nhà nước phong kiến và hiện nay vẫn chiếm vị trí quan trọng trong pháp luật tư sản, nhất là ở Anh, Mỹ. Tiền lệ pháp hình thành không phải do hoạt động của cơ quan lập pháp mà xuất hiện từ hoạt động của cơ quan hành pháp và tư pháp. Vì vậy, hình thức này dễ tạo ra sự tùy tiện, không phù hợp với nguyên tắc pháp chế đòi hỏi phải tôn trọng

nguyên tắc tối cao của luật và phải phân định rõ chức năng, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật.

Văn bản quy phạm pháp luật. Đây là hình thức pháp luật tiến bộ nhất. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được nhà nước đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Trong đó, văn bản quy phạm pháp luật là nguồn pháp luật quan trọng nhất, cốt yếu nhất của luật pháp quốc gia.

Văn bản pháp luật là phương tiện chủ yếu, có tác động trực tiếp và sâu sắc đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Văn bản pháp luật là hình thức thể hiện ý chí chủ thể có thẩm quyền, dưới dạng ngôn ngữ viết, được ban hành theo hình thức, thủ tục do pháp luật quy định, nhằm đạt được những mục tiêu quản lý đã đặt ra.

Trong lý luận và thực tiễn hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau về văn bản pháp luật, có quan điểm cho rằng văn bản pháp luật là một khái niệm đồng nghĩa với khái niệm văn bản quy phạm pháp luật hoặc là khái niệm bao hàm các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật; bao hàm các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chủ đạo và văn bản cá biệt hoặc rộng hơn nữa, theo quan điểm được trình bày trong luận văn này, văn bản pháp luật bao gồm ba nhóm, đó là: văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật và văn bản hành chính.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo trình tự thủ tục luật định, trong đó có chứa đựng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, làm khuôn mẫu cho xử sự của các chủ thể, được áp dụng nhiều lần cho nhiều chủ thể pháp luật trong một khoảng thời gian và không gian nhất định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo trật tự nhất định mà nhà nước muốn xác lập

Văn bản áp dụng pháp luật là văn bản pháp lý cá biệt, mang tính quyền lực nhà nước do cơ quan, quan chức, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ

chức xã hội được nhà nước trao quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định trên cơ sở áp dụng các quy phạm pháp luật đối với những quan hệ cụ thể, cá biệt nhằm thiết lập quyền và nghĩa vụ cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức nhất định hoặc xác định trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Văn bản áp dụng pháp luật có đặc điểm: 1) Do cơ quan nhà nước, quan chức, công chức nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức xã hội được nhà nước giao quyền áp dụng pháp luật, ban hành theo thủ tục, trình tự luật định; 2) Mang tính cá biệt, chỉ hướng tới một cá nhân, cơ quan, tổ chức cá biệt cụ thể; 3) Được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế nhà nước; 4) Dựa trên cơ sở pháp lý là văn bản quy phạm pháp luật thực địa.

Văn bản hành chính có chứa đựng các quy tắc chung mang tính pháp lý hoặc những mệnh lệnh cá biệt, được ban hành để tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật.

Đối với nhà nước xã hội chủ nghĩa, văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa quan trọng và quyết định. Vì: Một mặt, mọi pháp luật của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đều nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mọi quy tắc xử sự, mọi quyền và nghĩa vụ của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội và của công dân chỉ mang tính chất pháp lý khi chúng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mặt khác, văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý của pháp chế xã họi chủ nghĩa. Muốn xây dựng, hoàn thiện, cải tiến, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa thì nhất thiết phải bảo đảm tốt những điều kiện cần thiết để xây dựng có hiệu quả và có chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Ứng dụng phương pháp hình thức hóa trong việc thẩm định tính logic của các mệnh đề trong các văn bản pháp luật (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)