Mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội với đoàn kết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng sự đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.2. Mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội với đoàn kết và dân chủ

1.2.1. Mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội với đoàn kết

Khái niệm “đoàn kết” theo Từ điển Tiếng Việt do Trung tâm từ điển

học và Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1994 là “kết thành một khối

thống nhất, cùng hành động vì mục đích chung”. Theo Từ điển tiếng Việt

căn bản do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm

1998, đoàn kết “là thống nhất ý chí, không mâu thuẫn, không chống đối nhau”. Từ đó có thể hiểu đoàn kết trên những nội dung sau:

+ Thống nhất ý chí, tức là cùng chung một ý chí, không mâu thuẫn, chống đối nhau.

+ Mục đích của thống nhất ý chí là kết thành một khối, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm đạt được một mục tiêu chung như chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc, xây dựng đất nước.

Về bản chất, khái niệm đoàn kết và đồng thuận xã hội có những điểm tương đồng nhưng không đồng nhất. Cả hai khái niệm này đều nói về vấn đề tập hợp lực lượng, về sự thống nhất. Ở đây chúng ta cần chỉ rõ những điểm khác biệt để từ đó hiểu được vì sao Đảng ta lại đưa ra chủ trương xây dựng sự đồng thuận xã hội.

Thứ nhất, đoàn kết có chủ thể và đối tượng để thực hiện mục đích

hành động. Đó là sự tập hợp, cố kết, tổ chức các giai cấp, các tầng lớp thành một khối để tăng cường sức mạnh của cộng đồng, của xã hội với một mục đích rõ ràng. Đoàn kết dựa trên cơ sở của đồng thuận. Có thể các giai cấp, tầng lớp trong xã hội có sự đồng thuận, nhưng nếu không được tổ chức lại thì không thể đoàn kết một cách chặt chẽ. Cũng có thể các giai tầng trong xã hội chưa thực sự đồng tình, nhất trí với nhau nhưng vì một mục đích nào đó phải tập hợp lại. Chủ thể đứng ra tập hợp là một tổ chức nào đó đại diện cho lợi ích của đa số trong xã hội. Đối tượng tập hợp là toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, dân tộc, giới tính. Mục đích tập hợp là để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể nào đó, có thể là chống ngoại xâm, hay thiên tai… Phương thức tập hợp là vận động các giai cấp, tầng lớp vào các tổ chức để tạo nên nguồn sức mạnh và thực hiện theo sự phân công của tổ chức.

Nói đến đồng thuận là nói tới sự đồng tình, nhất trí dựa trên những điểm tương đồng chứ chưa nói đến sự cố kết với nhau vì một mục tiêu cụ thể. Đoàn kết chú trọng nhiều vào hành động, còn đồng thuận thì trước hết là sự nhất trí trong nhận thức để dẫn tới sự nhất trí trong hành động.

Thứ hai, để có thể đoàn kết, kết thành một khối thống nhất, đòi hỏi

những tiền đề chặt chẽ không chỉ là ý chí, lý trí, tình cảm mà còn hy sinh cả lợi ích. Còn đồng thuận xã hội là sự đồng tình nhất trí của đa số trong xã hội, phối hợp hành động trên cơ sở những giá trị chung nào đó. Đoàn kết đòi hỏi phải hy sinh lợi ích riêng, bộ phận để thực hiện mục tiêu chung. Đồng thuận xã hội không đặt ra vấn đề hy sinh lợi ích riêng, mà yêu cầu trong lúc bảo vệ lợi ích riêng, thực hiện những cam kết chung, những lợi ích chung. Do vậy, đồng thuận xã hội là yêu cầu dễ đạt được hơn.

Yêu cầu hy sinh lợi bộ phận, lợi ích riêng để kết thành một khối thống nhất trong bối cảnh nền kinh tế nhiều thành phần, có nhiều giai cấp, tầng lớp, bộ phận với hệ thống lợi ích, tư tưởng, lối sống, tín ngưỡng, dân tộc khác nhau là khó có thể đạt được. Nhưng chỉ cần có những điểm tương đồng, chỉ cần sự đồng tình, nhất trí về một vấn đề nào đó trong khi vẫn theo đuổi những lợi ích bộ phận, lợi ích riêng, vừa đảm bảo lợi ích bộ phận, vừa đảm bảo lợi ích chung thì vẫn có thể đồng thuận. Vì vậy, xây dựng sự đồng thuận xã hội có tính khả thi hơn trong điều kiện nước ta hiện nay. Các giai cấp, các lực lượng dù còn có sự khác biệt, các tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, chức năng riêng nhưng vẫn có thể đạt được sự đồng tình, nhất trí ở chừng mực nhất định trên cơ sở những giá trị chung. Với đồng thuận xã hội, lợi ích cơ bản của mọi giai cấp, tầng lớp được tôn trọng, bảo vệ mà vẫn đặt trong mục tiêu chung. Do đó, nếu đoàn kết và đồng thuận được coi là một phương thức phối hợp hành động, thì đồng thuận xã hội mềm dẻo hơn, khả thi hơn, tuy nhiên tính hướng đích lỏng lẻo hơn so với đoàn kết.

Thứ ba, đoàn kết và đồng thuận xã hội đều nói về vấn đề tập hợp lực

lượng, nhưng đồng thuận xã hội là sự tập hợp lực lượng dựa trên cơ sở nhận thức, tự nguyện, hiệp thương, thảo luận, chứ không thể áp đặt, cưỡng

bức và đồng thời tôn trọng quyền và lợi ích của các bên tham gia. Như vậy, với đồng thuận xã hội, giá trị dân chủ được đề cao, hay nói cách khác, đó là sự tôn trọng quyền và lợi ích của mỗi người, chưa đòi hỏi sự hy sinh của mỗi tổ chức trong lúc thực hiện những mục tiêu chung của xã hội. Trong khi đoàn kết, đôi khi đòi hỏi sự hy sinh lợi ích của cá nhân để phục vụ lợi ích chung.

Ở một góc độ khác, có thể quan niệm xây dựng đồng thuận xã hội là một nội dung mới của đoàn kết dân tộc. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cương lĩnh đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đề ra mục tiêu là phải tạo ra được sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu này phù hợp với thời kỳ trước đây, khi nền kinh tế miền Bắc chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể tồn tại và nhân dân đồng lòng, đồng sức để đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất đất nước. Ngày nay trong quá trình đổi mới, cùng với sự biến đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu giai cấp - xã hội cũng thay đổi, mục tiêu đó không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh đó, nếu đòi hỏi một sự thống nhất về chính trị (đường lối, quan điểm, chế độ, văn hóa chính trị…) thì phạm vi, đối tượng tập hợp sẽ rất hạn chế. Yêu cầu của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc hiện nay là tập trung được mọi lực lượng, đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp có thể đoàn kết được. Yêu cầu đó chỉ có thể đáp ứng được khi sự tập hợp lực lượng dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội.

Hiện nay, dù còn có những người chưa tán thành với Đảng, Nhà nước về một số vấn đề nào đó nhưng đã là người Việt Nam ai cũng mong muốn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là điểm tương đồng căn bản, là cơ sở cho việc xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta.

Tổ quốc đã thống nhất, mục tiêu đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta là đưa đất nước phát triển. Đó cũng là mục tiêu của bao thế hệ người Việt

Nam. Nếu trước đây, mỗi người Việt Nam phải chịu nỗi nhục mất nước thì nay phải chịu nỗi nhục nghèo khổ, chậm phát triển. Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đó cần phải dựa vào nội lực và tranh thủ sự giúp đỡ từ bên ngoài. Muốn vậy, yêu cầu đầu tiên là phải tập hợp được toàn bộ lực lượng dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội. Tập hợp lực lượng trên cơ sở đồng thuận xã hội vừa phù hợp với truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc; với tư tưởng nhân ái, bao dung của chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa phù hợp với thực tiễn đất nước giai đoạn hiện nay. Chủ trương xây dựng đồng thuận xã hội thực sự là sự tổng kết kinh nghiệm tập hợp lực lượng dân tộc trong quá khứ và truyền thống đại đoàn kết dân tộc trong những năm vừa qua (trong lịch sử và hiện tại).

Giữa đồng thuận xã hội đại đoàn kết có mối liên hệ mật thiết, chặt chẽ. Ở góc độ tập hợp lực lượng, khi xem xét mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội và đại đoàn kết có thể hiểu đại đoàn kết là mục tiêu cần đạt được, còn đồng thuận xã hội làm cơ sở cho đại đoàn kết. Muốn đoàn kết thành một khối thống nhất thì cần tạo được sự đồng tình, nhất trí chung… Nếu không tạo được sự đồng thuận thì sự gắn kết đó không bền vững, lâu dài. Đồng thuận tạo ra bầu không khí, tâm lý tích cực để phát triển cá nhân, liên kết xã hội cùng phấn đấu cho lợi ích chung trong đó có lợi ích và triển vọng phát triển cho mỗi người. Đồng thuận xã hội càng đạt được ở mức độ cao thì càng thuận lợi cho việc kết thành một khối thống nhất để thực hiện mục tiêu chung. Như vậy đồng thuận xã hội chính là cơ sở của đại đoàn kết, muốn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì phải xây dựng sự đồng thuận xã hội. Chủ trương xây dựng sự đồng thuận xã hội chính là nhằm mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) xây dựng sự đồng thuận xã hội ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)