7. Kết cấu của luận văn
1.2. Mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội với đoàn kết và dân chủ
1.2.2. Mối quan hệ giữa đồng thuận xã hội với dân chủ
Đồng thuận xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với dân chủ. Khi bàn về dân chủ, người ta thường dẫn lại quan điểm có tính kinh điển: Quyền lực thuộc về nhân dân, nhưng theo đà phát triển của xã hội, dân chủ ngày càng
được hiểu với nhiều chiều cạnh và càng đa nghĩa. Nếu như trước đây, nói đến dân chủ người ta thường nói tới luận đề “thiểu số phục tùng đa số”, tức là khẳng định quyền của đa số. Nguyên tắc dân chủ đa số này cũng là cơ sở để tập hợp lực lượng trong đoàn kết. Trong những điều kiện nhất định thiểu số phải phục tùng đa số, phải chấp nhận hy sinh. Ngày nay, khi đã phát triển lên ở trình độ cao, đòi hỏi không chỉ thực hiện ý chí, quyền, lợi ích của đa số mà còn vươn tới thực hiện ý chí, quyền và lợi ích cả tất cả. Nguyên tắc dân chủ đó chỉ có thể được thực hiện dựa trên nền tảng của đồng thuận.
Trong xã hội, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu biểu hiện về sở thích, lợi ích cụ thể khác nhau. Trong xã hội không bao giờ có một sự thuần nhất, đơn điệu, mà chỉ có sự thống nhất trong đa dạng. Nói đến dân chủ, không thể không nói sự thống nhất trong tính đa dạng. Nhờ sự thống nhất ý chí, các cá thể khác biệt tập hợp thành xã hội và tạo ra quyền lực công cộng. Đây chính là điều kiện quan trọng để tự do cá nhân được xã hội chấp nhận trong chừng mực có thể. Trong xã hội hiện đại, dân chủ không chỉ thừa nhận quyền của đa số mà còn thừa nhận cả quyền của thiểu số. Điều đó được thể hiện rõ trong mô hình dân chủ đồng thuận mà Arend Lifphart đã luận giải. Dân chủ chẳng những chấp nhận sự khác biệt, để là nền tảng cho sự phát triển mà cũng được hiểu như là môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ những bộ phận thiểu số trong xã hội, là sự khoan dung và chấp nhận lẫn nhau. C. Mác đã từng khẳng định: “Chỉ có chế độ dân chủ mới là sự thống nhất chân chính giữa cái phổ biến với cái đặc thù”[46, tr. 350]. Dân chủ chấp nhận tất cả các ý kiến khác nhau để dung hợp và tìm ra tiếng nói chung. Do vậy không nên hiểu một cách đơn giản là thiểu số phục tùng đa số.
Dân chủ chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua chế độ chính trị. Điều đó được thể hiện qua các nguyên tắc cai trị xã hội. Đó là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, quyền tự do tư tưởng, quyền của thiểu số; thống nhất trong tính đa dạng các khuynh hướng các khuynh hướng xã hội
về kinh tế, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, hòa giải, hợp tác, khoan dung, đối thoại trong đó giải quyết các xung đột... Những nguyên tắc đó thể hiện rất rõ tinh thần đồng thuận.
Từ sự phân tích những giá trị dân chủ ở những chiều cạnh khác nhau, có thể coi đồng thuận xã hội là một biểu hiện của dân chủ. Đồng thuận xã hội là phương thức tập hợp lực lượng trong xã hội dựa trên cơ sở tự do, bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng cái riêng của mỗi người. Xây dựng đồng thuận xã hội chính là nêu cao giá trị dân chủ, một phương thức thực thi dân chủ, một mô hình dân chủ.
Giữa dân chủ và đồng thuận có sự khác biệt. Xét theo nội hàm của nó, khái niệm dân chủ có phạm vi rộng hơn khái niệm đồng thuận xã hội. Đồng thuận xã hội biểu hiện một số giá trị của dân chủ. Có nhiều cách tiếp cận về dân chủ. Một trong số đó là coi dân chủ như là chế độ nhà nước. Theo V.I. Lênin, nói đến dân chủ là nói đến nhà nước, vì dân chủ là hình thái nhà nước, là chế độ nhà nước. Dân chủ muốn thực thi thì phải thông qua nhà nước. Nhà nước là một trong những công cụ hữu hiệu để đưa những giá trị của dân chủ thành hiện thực. Nếu không có nhà nước với hệ thống pháp luật thì dân chủ không thể trở thành hiện thực. Vì vậy chế độ dân chủ là một hình thái nhà nước. Chế độ dân chủ một mặt thi hành có tổ chức, có hệ thống sự cưỡng chế pháp luật đối với mọi công dân. Mặt khác nó thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân trong việc quản lý nhà nước.
Đồng thuận xã hội với tư cách là một phương thức tập hợp lực lượng, phối hợp hành động chung có thể được xem xét trong tất cả hoạt động của con người, kể cả hoạt động chính trị - nhà nước, kinh tế - xã hội... và có thể xem xét được cách tiếp cận khác nhau từ một trạng thái xã hội, một nguyên tắc, một mô hình dân chủ. Tuy nhiên, luận văn không đi sâu vào từng cách tiếp cận riêng lẻ mà chỉ nêu lên như một khái niệm mang ý nghĩa tổng quát. Điểm lưu ý là trong những lĩnh vực mà nguyên tắc tập trung dân chủ còn hạn chế, hoặc là chưa vươn tới. Như vậy, nhìn tổng thể trong hệ thống
chính trị Việt Nam, xây dựng sự đồng thuận xã hội là sự bổ sung và kết hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ. Điều đó làm cho hệ thống chính trị hoạt động uyển chuyển hơn. Để tạo lập được sự đồng ý, nhất trí giữa các tầng lớp nhân dân đối với chế độ chính trị đương thời liên quan tới rất nhiều yếu tố mà một trong những yếu tố đó là xã hội công dân.
Để đạt được sự đồng thuận xã hội ở mức độ nhất định, vai trò của xã hội công dân là rất quan trọng. Chính xã hội công dân với những chức năng của mình như bảo vệ lợi ích của các giai cấp, các nhóm xã hội, giám sát phản biện xã hội, hòa giải xã hội, diễn đàn xã hội... sẽ góp phần tích cực tác động tới các công dân và nhà nước để xây dựng sự đồng thuận xã hội. Chính những tổ chức này tác động đến các công dân để họ nhận thức đúng về những hoạt động của nhà nước xét cho cùng là vì dân. Các tổ chức này cũng tác động đến nhà nước để nhà nước đảm bảo quyền lợi cho nhân dân tốt hơn.
Dân chủ và đồng thuận đều là những phương thức nhằm thực thi quyền lực chính trị, có sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau. Dân chủ được thực hiện sẽ tạo điều kiện tiền đề cho việc xây dựng đồng thuận xã hội. Những tiêu chí của dân chủ càng trở thành hiện thực thì càng tạo nên sự đồng thuận xã hội ở mức độ cao, hay nói cách khác, càng đạt được sự đồng ý, nhất trí của nhân dân. Nếu nhân dân được tôn trọng, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy thì không có lý do gì để nhân dân không đưa hết tâm huyết, năng lực của mình để xây dựng chế độ, đất nước. Ngược lại, khi nhân dân đã đồng tâm hiệp lực, tự nguyện thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đề ra thì Nhà nước càng tạo mọi điều kiện để đảm bảo và nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Vì thế, có thể nói xây dựng nền dân chủ tiến bộ cũng chính là tạo điều kiện để đạt được sự đồng thuận xã hội và đồng thuận xã hội càng đạt được mức độ cao cũng chính là tạo điều kiện cho dân chủ được thực thi. “Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận, ổn định và phát triển”[33, tr. 334].
Thế nhưng để có được dân chủ, nhà nước cùng với pháp luật có vai trò rất quan trọng. Và như vậy, rõ ràng phải thực hiện cưỡng chế, bắt buộc. Nhưng để để đạt được đồng thuận xã hội thì sự vận động, thuyết phục lại giữ vai trò quan trọng nhất. Vì thế, để xây dựng sự đồng thuận xã hội, cần phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
Tóm lại, đồng thuận xã hội có mối quan hệ mật thiết với dân chủ và đoàn kết. Trong mối quan hệ này, dân chủ là động lực, là điều kiện để xây dựng đồng thuận xã hội, còn đồng thuận xã hội là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết; đoàn kết tạo môi trường, điều kiện để thực hành dân chủ. Giải quyết tốt mối quan hệ này sẽ có vai trò quan trọng tạo thành một tổng hợp lực, tạo ra môi trường chính trị - xã hội ổn định, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.