6. Bố cục luận văn
3.2. Nhân vật trong mối quan hệ không thời gian
3.2.2. Nhân vật trong thời gian nghệ thuật
Cũng giống như không gian, thời gian trong tác phẩm văn học là một khía cạnh của thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật, có vai trò to lớn trong việc tái tạo thực tại, tổ chức nên nội dung và hình thức tác phẩm. Nó vừa là khách thể (đối tượng phản ánh), vừa là chủ thể (được cảm nhận một cách chủ quan), vừa là phương tiện phản ánh (mã nghệ thuật). Thời gian trong tác phẩm văn học được khúc xạ qua cảm quan và ý tưởng nghệ thuật của người sáng tác, trở thành tín hiệu nghệ thuật sống động và giàu ý nghĩa. Khác với thời gian hiện thực khách quan, thời gian nghệ thuật cho phép sử dụng các kiểu cảm thụ thời gian mang tính chủ quan. Thời gian có thể đằng đẵng nhưng cũng có thể vùn vụt trôi qua tùy vào cảm nhận của con người. Tác phẩm nghệ thuật biến sự cảm thụ thời gian mang tính chủ quan như thế thành một phương thức phản ánh hiện thực.
Tuy nhiên, không phải mọi dấu hiệu thời gian trong văn học đều mang tính nghệ thuật. Theo Trần Đình Sử: “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều dài thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Thời gian nghệ thuật được sáng tạo nên mang tính chủ quan, gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể kéo dài hay rút ngắn với thời gian thực tế. Nó có thể đảo ngược hay vượt tới tương lai. Nó có thể dừng lại. Thời gian nghệ thuật là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của tác giả bằng phương tiện nghệ thuật nhằm làm cho người đọc cảm nhận được: Hoặc hồi hộp đợi chờ, hoặc thanh thản vô tư, hoặc đắm chìm vào
quá khứ” [48,tr.84]. Thời gian nghệ thuật là hình thức mang tính quan niệm “là một trong những phạm trù quan trọng nhất của thi pháp học, bởi vì nó thể hiện thực chất sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Thời gian thể hiện ý thức sáng tạo, chủ động, tự do, chủ quan của nghệ thuật” [48, tr.84].
Theo cách phân loại của Từ điển thuật ngữ văn học, thời gian trong tác phẩm
văn học có hai lớp cơ bản như sau: Thời gian trần thuật là “thời gian vận động theo trật tự tuyến tính của người kể, sự kể. Nó có thể sắp xếp lại trật tự thời gian của sự việc vào trật tự trước sau của nó, có thể đem cái xảy ra sau kể trước và ngược lại, đem cái xảy ra trước kể sau” [17, tr.65]. Thời gian được trần thuật là “thời gian sự kiện được nói tới” [17, tr.66]. Thời gian được trần thuật bao gồm thời gian sự kiện và thời gian nhân vật.
Khảo sát truyện ngắn của W.S.Maugham, chúng tôi nhận thấy thời gian được kết cấu rất đa dạng, đó là thời gian tuyến tính trong: Mưa, Người coi giáo đường, Kẻ
hưởng lạc, Bệnh viện; thời gian gián đoạn trong Giên, thời gian hồi cố trong Chuỗi
hạt, Ba lời khuyên sáng suốt, thời gian đồng hiện trong: Một người có lương tâm,
Chàng Đỏ, P. và O., Bức thư, Bữa ăn trưa năm ấy. Trong bản thân từng truyện, độ
dài thời gian sự kiện diễn ra dài, ngắn khác nhau, chẳng hạn: sự kiện trong truyện
Mưa chỉ kéo dài khoảng nửa tháng, truyện Chuỗi hạt diễn ra trong vài tháng, Sự sa
ngã của Etuốt Ba nớt trong ba năm, ngược lại, câu chuyện Chàng Đỏ diễn ra trong
khoảng thời gian rất dài: hai mươi năm, đủ cho những biến đổi, phai tàn đến mức không thể nhận ra được của con người… Trong các kiểu kết cấu thời gian nghệ thuật mà W.S. Maugham xây dựng, hai kiểu kết cấu: thời gian tuyến tính và thời gian đồng hiện đáng chú ý hơn cả.