Không gian thiên nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của William Somerset Maugham (Trang 70 - 73)

6. Bố cục luận văn

3.2. Nhân vật trong mối quan hệ không thời gian

3.2.1.1. Không gian thiên nhiên

Thiên nhiên xuất hiện rất thường xuyên và chiếm vị trí quan trọng trong truyện ngắn của W.S.Maugham. Thiên nhiên có tác dụng làm phông nền, bối cảnh cho sự xuất hiện, bộc lộ của nhân vật, cũng là nơi kí thác tâm tình của nhân vật. Trong truyện ngắn của mình, W.S. Maugham khéo léo đan cài khung cảnh thiên nhiên xen lẫn các hành vi của con người, khiến cho thiên nhiên không chỉ là cảnh vật ngoài con người mà nó thúc đẩy con người, đôi khi tác động ghê gớm đến cuộc sống của con người. Rất dễ để nhận thấy trong truyện ngắn của mình, W.S.Maugham đã tạo dựng được những khung cảnh thiên nhiên rất đẹp, rất nên thơ. Chúng tôi dẫn ra đây hai truyện ngắn mà ở đó thiên nhiên mang vẻ đẹp tuyệt mĩ nhưng lại tạo nên những hiệu ứng khác nhau đối với số phận nhân vật. Đó là thiên nhiên trong Sự sa ngã của Etuốt Banớt và thiên nhiên trong Kẻ hưởng lạc.

Trong Kẻ hưởng lạc, thiên nhiên đảo Capri (thuộc vịnh Naple, miền trung Italia) hiện lên như một nơi nghỉ dưỡng lí tưởng với vẻ đẹp khó cưỡng, “đó là một

nơi nên thơ nhất thế giới” [34, tr.262] với bãi tắm, vườn nho, vầng trăng và biển cả. Khung cảnh nơi đây với những hòn đá to sừng sững vươn lên mặt biển, với vẻ bao la, khoáng đạt đã làm đắm say lòng người. Và thực tế nó đã làm đắm say nhân vật Uynxơn trong tác phẩm: “Không phải rượu nó làm say tôi mà tại hình thù hòn đảo và đám người huyên náo kia, tại mặt trăng và biển cả, tại cây trúc đào trong vương khách sạn” [34, tr.273]. Vẻ đẹp của thiên nhiên trên hòn đảo đã khơi dậy ý muốn được nghỉ ngơi, được hưởng thụ của nhân vật khi anh ta đang giữa tuổi sung sức nhất của cuộc đời: “Suốt quãng thời gian đi làm, tôi cứ vương vấn mãi về bãi tắm nơi đây, về những vườn nho, những cuộc đi dạo trên đồi, về vầng trăng và biển cả (…) Chỉ có mỗi một điều làm tôi lo nghĩ: tôi chưa dám chắc là mình đúng khi không làm việc như mọi người” [34, tr.277] Cuối cùng vì quá yêu mến cảnh đẹp nơi này, vì muốn được hưởng thụ, anh ta đã quyết định nghỉ việc, dành số tiền để mua bảo hiểm sống trong hai mươi lăm năm, sau đó sẽ nguyện nhắm mắt xuôi tay trả giá cho sự hưởng thụ của mình. Nhưng qua thời gian, khi hết thời hạn bảo hiểm, anh ta đã bị chính thiên nhiên tươi đẹp làm nhụt ý chí, chẳng còn một quyết tâm nào, chẳng muốn kết liễu cuộc đời như đã định, cũng chẳng tiếp tục làm lụng, kiếm sống để nuôi thân. Cuối cùng, anh ta chết như một con thú.

Như vậy, trong Kẻ hưởng lạc, thiên nhiên đóng vai trò như một kẻ mời gọi,

thúc giục bản năng được hưởng thụ, được sống sung sướng, không phải suy nghĩ, không phải làm bất cứ điều gì của con người. Nhưng chính bởi thế, thiên nhiên lại đóng vai trò như phép thử ý chí và nghị lực khi con người được sống giữa chốn bồng lai. Trong câu chuyện, vẻ quyến rũ và cuộc sống yên bình, phẳng lặng như một ốc đảo tách khỏi thế giới của Capri đã làm nhụt ý chí của nhân vật, khiến nhân vật mất hết sự linh động và cuối cùng trở nên hèn yếu, nhu nhược: “ở nơi tù túng phẳng lặng này, nơi không có gì trên đời quấy đảo sự bình yên của ông, bản lĩnh của ông sẽ dần mất đi sức mạnh” [34, tr.284]. Qua đó, tác giả đã khái quát được một quy luật của cuộc sống: “ý chí cần phải có trở ngại để thực thi quyền lực của nó (…) nếu anh lúc nào cũng đi trên đường bằng thì những cơ cơ bắp càn để anh leo núi sẽ teo đi” [34, tr.285].

Trong khi đó, cũng là khung cảnh thiên nhiên rất tươi đẹp, nên thơ, song nó lại tạo hiệu ứng khác hẳn trong Sự sa ngã của Etuốt Banớt. Bối cảnh trong truyện là thiên nhiên trên đảo Tahiti thuộc phía nam Thái Bình Dương. Nơi đây, “bạn thấy sự tĩnh lặng bao la của Thái Bình Dương và ngoài xa hai mươi dặm, hư hư ảo ảo như kết cấu của trí tưởng tượng thi sĩ, bạn thấy vẻ đẹp quá sức tưởng tượng của hòn đảo có tên là Murea”. Vẻ đẹp của khung cảnh “hết thảy đều đáng yêu đến nỗi Etuốt Banớt đứng sững sờ” [34, tr.418]. Thiên nhiên khoáng đạt, vẻ bao la của biển cả, sự thanh bình yên ả đã toát lên sức quyến rũ lớn lao đối với Etuốt Banớt, đến nỗi nó tác động đến suy nghĩ, hành động của anh. Tại nơi này, trước vẻ quyến rũ của khung cảnh nên thơ, anh đã thay đổi quan niệm sống. Nếu trước kia anh chỉ có ao ước được có một công việc, rồi phấn đấu cả đời cho công việc đó thì giờ đây, ước nguyện của anh lớn lao hơn nhiều: “Cái đẹp, chân lí và lòng tốt” [34, tr.431]. Chính trên hoàn đảo này anh mới thực sự biết sống hòa mình vào tự nhiên, anh biết làm giàu có tâm hồn mình bằng sự hưởng thụ những vẻ đẹp của tạo hóa. Chính thiên nhiên nơi này đã giúp anh lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống: “chúng mình biết là một con người ít được lợi lộc gì, nếu anh ta giành được cả thế giới và đánh mất tâm hồn mình. Tớ nghĩ là tớ đã giành được tâm hồn của tớ” [34, tr.438]. Nhìn ở khía cạnh nào đó, thiên nhiên cũng đánh thức ở Etuốt Banớt khát vọng được hưởng thụ, nhưng khác với sự hưởng lạc hoàn toàn đến mức

không còn muốn làm gì như Uynxơn trong Kẻ hưởng lạc, Etuốt Banớt trong Sự sa ngã

của Etuốt Banớt biết hưởng thụ nhưng vẫn lao động kiếm sống: “Tớ kiếm đủ để giữ

cho phần xác và phần hồn hòa nhập cùng nhau” [34, tr.407]. Không hoàn toàn đánh đổ mọi thứ vì công việc, không bỏ hết mọi thứ để hưởng thụ, Etuốt Banớt đã đạt được sự cân bằng cho cuộc sống của mình, và do đó, thanh thản, an vui.

Như vậy, từ sự phân tích, đối sánh khung cảnh thiên nhiên trong hai tác phẩm nói trên, người đọc dễ dàng nhận thấy thiên nhiên không chỉ làm khung nền, bối cảnh cho sự xuất hiện của nhân vật mà còn tác động to lớn đến quan niệm sống, đến sự phát triển tâm lí, tính cách, số phận của nhân vật. Chính bởi vậy, xem xét tác phẩm của W.S.Maugham không tách rời tìm hiểu bối cảnh thiên nhiên, là nơi ẩn dấu những tín hiệu nghệ thuật bất ngờ của tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của William Somerset Maugham (Trang 70 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)