Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân là một tổ chức sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Viện được thành lập theo Quyết định số 18/CT, ngày 21/01/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở sát nhập một số đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Quốc gia (nay là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), bao gồm: Viện 481 (chuyển từ Bộ quốc phòng về Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia), Trung tâm Chiếu xạ, Ban Triển khai kỹ thuật, Phòng Điện nguyên tử, Phòng Vật lý lý thuyết, Ban Kỹ thuật hạt nhân và An toàn bức xạ.
Chức năng, nhiệm vụ của Viện được quy định theo Quyết định số 42/QĐ, ngày 23/3/1991 của Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và được sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp lý tiếp theo: Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 66/QĐTCCB, ngày 12/7/1995, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 213/QĐ-NLNT, ngày 5/8/1999, Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân ban hành kèm theo Quyết định số 737/QĐ- NLNT ngày 28/7/2005 của Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Việnthực hiện chức năng nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân, có các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Nghiên cứu cơ bản về vật lý hạt nhân, vật lý năng lượng cao và các lĩnh vực liên quan;
- Nghiên cứu và triển khai về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;
- Hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, kiểm soát an toàn bức xạ và hạt nhân;
- Thực hiện quan trắc phóng xạ môi trường trong mạng lưới quốc gia, kiểm chuẩn các thiết bị bức xạ và thiết bị đo liều bức xạ theo phân cấp của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật liên quan vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội, đời sống;
- Thực hiện dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ hạt nhân và công nghệ liên quan cho các ngành kinh tế, xã hội;
- Tham gia đào tạo và hợp tác liên kết đào tạo sau đại học và các loại hình đào tạo khác về chuyên ngành khoa học và công nghệ hạt nhân và các lĩnh vực liên quan theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ quan trong và ngoài nước về các lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật;
- Xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho sự phát triển của Viện và ngành;
- Quản lý tổ chức, nhân sự của Viện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Theo Giấy chứng nhận hoạt động khoa học công nghệ, Viện có chức năng, nhiệm vụ như sau:
- Nghiên cứu chuẩn bị các điều kiện cho việc đưa điện nguyên tử vào Việt Nam;
- Nghiên cứu kỹ thuật tin học và ứng dụng đáp ứng nhu cầu của ngành hạt nhân.
- Nghiên cứu các vấn đề an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân và an toàn môi trường;
- Đào tạo cán bộ về kỹ thuật hạt nhân, về tin học và thực hiện các dịch vụ khoa học – công nghệ khác trong lĩnh vực tin học.
Trong thời kỳ đầu mới thành lập, tổ chức của Viện bao gồm các phòng chức năng và đơn vị nghiên cứu – triển khai sau đây:
1. Phòng Hành chính –Tổ chức (1991) 2. Phòng Tổng hợp kế hoạch (1991) 3. Trung tâm Chiếu xạ (1986)
4. Trung tâm Kỹ thuật An toàn bức xạ và Vật lý hạt nhân (1991) 5. Phòng Tin học ứng dụng (1992)
6. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân (1993) 7. Phòng Năng lượng hạt nhân
8. Phòng Vật lý lý thuyết
Những năm tiếp theo, tổ chức của Viện nhiều lần được điều chỉnh về cơ cấu, quy mô và tên gọi cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển và quy hoạch chung của ngành:
- Tháng 6/1995: Phòng Năng lượng hạt nhân được nâng cấp thành Trung tâm Năng lượng hạt nhân. Đây là bước đi quan trọng về tổ chức nhằm thúc đẩy việc triển khai các nhiệm vụ do Nhà nước giao từng bước đưa điện hạt nhân vào Việt Nam.
- Tháng 01/1998: Phòng tin học ứng dụng nâng cấp thành Trung tâm máy tính sau khi được Viện Nghiên cứu Hoá Lý (RIKENNhật Bản) viện trợ hệ máy tính đủ khả năng kết nối thành mạng LAN và truy cập Internet. Nhiệm vụ của Trung tâm được mở rộng, kết hợp việc nghiên cứu thiết kế, ứng dụng các phần mềm tính toán với quản lý, vận hành mạng.
- Tháng 11/1999: Thành lập Trung tâm Nghiên cứu cơ bản và Tính toán trên cơ sở sát nhập 2 đơn vị: Phòng Vật lý lý thuyết và Trung tâm Máy tính
với mục đích tăng cường hiệu quả sử dụng hệ máy tính được viện trợ trong hoạt động nghiên cứu và giảm các đầu mối trực thuộc. Điều lệ Tổ chức và hạt động của Viện ban hành tháng 7/1995 đã đổi tên Trung tâm Kỹ thuật An toàn bức xạ và Vật lý hạt nhân thành Trung tâm Kỹ thuật An toàn bức xạ. Nhiệm vụ nghiên cứu vật lý và các phương pháp hạt nhân được giao cho Trung tâm ứng dụng kỹ thuật thực hiện.
- Đến tháng 8/1999, Trung tâm Kỹ thuật An toàn bức xạ được đổi tên thành Trung tâm Kỹ thuật An toàn bức xạ và môi trường. Khi đó cùng với nhiệm vụ đảm bảo an toàn bức xạ, vấn đề sử dụng các phương pháp hạt nhân để nghiên cứu bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh triển khai tại đơn vị.
- Tháng 6/2007, Trung tâm gia tốc và Điện tử đã ra đời trên cơ sở tách Phòng Điện tử hạt nhân (khi đó đang trực thuộc Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân) thành một đơn vị trực thuộc Viện. Đây là một bước đi kịp thời nhằm nắm bắt xu thế phát triển nhanh chóng ứng dụng kỹ thuật gia tốc trong các ngành kinh tế kỹ thuật.Trung tâm có nhiệm vụ phối hợp triển khai Dự án máy gia tốc Cyclotron 30 Mev của Bệnh viện TW quân đội 108, thực hiện việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị gia tốc trong y tế, từng bước tiến tới làm chủ công nghệ máy gia tốc, đồng thời tiếp tục phát huy thế mạnh truyền thống trong nghiên cứu, thiết kế chế tạo các thiết bị đo lường bức xạ ứng dụng trong nghiên cứu và đời sống kinh tế xã hội.
- Ngày 03/01/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ban hành “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020”. Tiếp theo, ngày 23/7/2007 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược trên. Đây là những bước đi quan trọng trong việc phát triển chương trình điện hạt nhân ở Việt nam. Một trong những nhiệm vụ của kế hoạch tổng thể là phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo an toàn hạt nhân. Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân được lựa chọn để xây dựng thành một cơ sở nghiên cứu và triển khai (R&D) có đủ năng lực thẩm định, phân
tích đánh giá an toàn hạt nhân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên, tháng 9/2007, Trung tâm An toàn hạt nhân đã được thành lập.
- Theo định hướng quy hoạch của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân từng bước sẽ xây dựng thành đơn vị chủ yếu thực hiện chức năng hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân, các bộ phận liên quan đến ứng dụng kỹ thuật hạt nhân sẽ tách thành những đơn vị độc lập, thực hiện quản lý theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên. Với chủ trương trên, tháng 10/2007, Trung tâm Chiếu xạ được tách ra thành một đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và đổi tên thành Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
- Tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân theo cơ chế quản lý tự chủ chịu trách nhiệm theo khoản 3 điều 4 của Nghị định 115/115/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
- Ngày 25/11/2009, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ra Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nhằm cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Nhằm nâng cao năng lực trong lĩnh vực hạt nhân, phục vụ cho mục tiêu quốc gia, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã đổi tênTrung tâm Nghiên cứu cơ bản và tính toán thành Trung tâm Vật lý hạt nhân, Trung tâm An toàn bức xạ và Môi trường được tách thành 2 đơn vị mới là Trung tâm An toàn bức xạ và Trung tâm Quan trắc phóng xạ và đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã biểu quyết dừng thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận do điều kiện kinh tế. Điều này ảnh hưởng đến phương hướng hoạt động của Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân, cũng như cơ cấu, tổ chức của Viện.
Viện KH&KTHN luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật - công nghệ hạt nhân. Viện đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án các cấp.
Những kết quả nổi bật Viện đã đạt được:
- Về điện hạt nhân:Kết quả của các đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC-09 và KX-09 do Viện KH&KTHN thực hiện là những nghiên cứu tiên phong về điện hạt nhân và trở thành cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo phục vụ cho Dự án tiền khả thi về điện hạt nhân ở Việt Nam;
- Về công nghệ bức xạ: Viện KH&KTHN là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện nghiên cứu trong lĩnh vực này. Các nghiên cứu phát triển công nghệ bức xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được đưa vào ứng dụng thực tế như chiếu xạ khử trùng y tế, mô ghép, bảo quản thực phẩm, sản xuất phân vi sinh, biến tính vật liệu, liều kế màng mỏng... Các kết quả trên là căn cứ khoa học và thực tiễn tin cậy để Viện năng lương nguyên tử Việt Nam quyết định xây dựng một cơ sở ứng dụng công nghệ bức xạ khác với quy mô thương mại ở thành phố Hồ chí Minh và hiện tại cơ sở đang hoạt động rất hiệu quả;
- Về an toàn bức xạ: Các đề tài, dự án về an toàn bức xạ góp phần tích cực cho việc thực hiện các Điều khoản về an toàn bức xạ quy định trong Luật năng lượng nguyên tử. Viện KH&KTHN là đơn vị chủ chốt trong cả nước về an toàn bức xạ và kiểm xạ môi trường, đo và chuẩn liều, chuẩn thiết bị bức xạ, thực hiện những công tác kỹ thuật về an toàn và kiểm soát bức xạ. Đã đăng ký được ba bộ tiêu chuẩn kiểm định thiết bị y tế phóng xạ. Trung tâm An toàn bức xạ và Môi trường của Viện được Nhà nước giao làm đơn vị kiểm định các máy X-quang chẩn đoán và máy xạ trị; kiểm tra, đánh giá an toàn bức xạ của các cơ sở bức xạ.
+ Từ năm 2000 đến nay, Viện đã tiến hành nghiên cứu cơ bản kết hợp với đào tạo tiến sĩ chuyên ngành vật lý hạt nhân nguyên tử và vật lý lý thuyết, thu được những kết quả nghiên cứu tiên tiến, đạt trình độ quốc tế. Viện KH&KTHN là một trong không nhiều Viện khoa học ở nước ta trung bình hàng năm có hơn 10 công trình đăng ở các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới như: Nuclear Phyics, Physical Review, Radiation Phyics and Chemitry...
+ Hai nhóm đề tài nghiên cứu cơ bản về lý thuyết phản ứng hạt nhân và vật lý tia vũ trụ là 2 hướng nghiên cứu trọng điểm của Chương trình khoa học cơ bản Nhà nước, được đánh giá đạt kết quả xuất sắc.
- Trong triển khai công nghệ và dịch vụ kỹ thuật:
+ Nhiều kết quả nghiên cứu của các đề tài của Viện trong những năm qua đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời nâng cao đời sống của cán bộ, viên chức trong đơn vị;
+ Thiết bị cảnh báo phóng xạ treo tường đã được chế tạo thành công tại Viện, đoạt giải thưởng Techmart toàn quốc nâm 2009 và được một số cơ sở bức xạ trong nước đặt hàng.
+ Các dịch vụ đo liều cá nhân cho các nhân viên bức xạ trong cả nước, chuẩn liều các thiết bị xạ trị, kiểm tra chất lựơng các thiét vị X-quang y tế, hiệu chuẩn các thiết bị ghi đo bức xạ, tư vấn thiết kế, kiểm tra, đánh giá an toàn bức xạ, phân tích mẫu môi trường, kiểm tra không huỷ thể được các đơn vị trong Viện triển khai rộng rãi và trở thành địa chỉ đáng tin cậy đối với nhiều cơ sở khách hàng;