Khát vọng giang hồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lý tưởng và hiện thực trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám (Trang 34)

Chƣơng 2 : Nhà thơ chân quê và khát vọng giang hồ

2.2. Khát vọng giang hồ

Như trên đã trình bày, Thơ mới ra đời trong cơn biến thiên của lịch sử. Trong thời đại ấy, các nhà Thơ mới đã không tìm thấy một thực tại như mình mong muốn, nên dễ chán nản và muốn thoát ly. Cảnh đời tù túng, chật hẹp, thiếu chân trời, thiếu ước mơ dễ nảy sinh tâm lý xê dịch. Và đây chính là thú vui, là “căn bệnh” của nhiều thi sĩ thời kỳ này. Dường như ai cũng khao khát, sục sôi lên đường. Phải xê dịch, phải thay đổi, phải làm mới mình để thoát khỏi sự nhàm chán, tù túng, sự bâng khuâng vô định giữa dòng đời. Mỗi người đều ra đi với nỗi lòng và tâm thế riêng. Hoàng Tấn, một người bạn của Nguyễn Bính nhớ lại: “Cuộc sống trở nên nghẹt thở. Thiếu quê hương, thiếu chân trời, bơ vơ đứng giữa ngã ba đường…đó là tâm trạng chung của các văn nghệ sĩ hồi đó. Phải đi! Phải lên đường! Phải tự lừa dối mình bằng những mĩ từ, phải thi vị hóa cuộc sống vốn chẳng tốt lành gì. Để tạm quên đi những những khổ đau trước mắt, những dằn vặt hàng ngày vì miếng cơm manh áo, phải giang hồ…” [48;156-157].

Còn nhớ, một Nguyễn Tuân tài hoa, lãng tử với những chuyến đi mang tính chất triết lý hấp dẫn. Chán ghét cuộc sống ngột ngạt, bế tắc của người dân một nước thuộc địa, Nguyễn Tuân chủ trương phơi mình ra nơi đường trường gió bụi, và coi việc đi là một hình thức tốt đẹp nhất của sự thoát ly khỏi cuộc sống hàng ngày chán ngắt, tủn mủn. Những sáng tác của Nguyễn Tuân trước cách mạng Tháng Tám như Vang bóng một thời, Một chuyến đi

(1938), Tùy bút I, Tùy bút II, Thiếu quê hương,… đã thể hiện rõ ràng và nhất quán tư tưởng xê dịch của ông.

Nguyễn Bính nằm trong số đông các thi sĩ coi giang hồ là chuyện tất yếu phải làm để thoát khỏi tâm trạng tù túng, thỏa mãn chí phiêu bồng, hoặc

tìm cái mới lạ cho cảm hứng sáng tác. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy cho rằng cái chất giang hồ của Nguyễn Bính không có niềm tự hào của một gã “Giang hồ mê chơi quên quê hương”, nó chỉ là một sự trôi dạt vô định?

Mùa xuân năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Bính rời quê ngoại thôn Vân, bắt đầu dấn thân vào cuộc đời phiêu bạt. Hà Nội là nơi đầu tiên mà Nguyễn Bính dừng chân, nhưng ông sống ở đây không lâu lắm. Thực tế, trong hành trình “tha hương” của mình, Nguyễn Bính đã đến nhiều miền đất khác nhau, mỗi nơi đều để lại trong mắt bạn bè nhiều tình cảm: yêu mến, thương cảm, sẻ chia. Hình ảnh chàng thi sĩ với hai bàn tay trắng, không bằng cấp, lưng vốn là mấy bài thơ, một bộ quần áo cũ nát đã trở nên quen thuộc với bạn bè. Lúc đầu, Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, thậm chí còn lập một xóm thơ, được gọi là Áo bào gốc liễu. Sau này Nguyễn Bính kết thân với Tô Hoài, Vũ Hoàng Chương,… Nhưng bạn thân thì một lẽ, lại còn những người bạn qua loa, xã giao. Vì lẽ đó mà nơi thì lạnh nhạt, hờ hững như khách qua đường, nơi thì xót xa, thương cảm tận đáy lòng. Nguyễn Bính sống bằng việc làm thơ, nên chật vật, nghèo nàn, mong manh và rất cô đơn.

Hành trình giang hồ của Nguyễn Bính bắt đầu bằng tâm thế của một người thi sĩ ôm giấc mộng đẹp. Sự ra đi đồng nghĩa với những hứa hẹn, những ảo tưởng về một tương lai đầy đủ, đẹp đẽ:

Rồi men tráng lệ châu thành ấy Từ đấy in thêm bóng một người Bóng một nhà thơ đầy nguyện vọng Giàu lòng tin tưởng bước tương lai

(Lá thư về Bắc)

Chính vì thế, quyết định rời xa làng quê yêu dấu, gắn bó với tuổi thơ đời mình xem chừng là điều dễ hiểu:

Tôi đi dan díu với kinh thành

(Hoa với rượu)

Những tưởng với mong ước và quyết tâm ấy, nhà thơ sẽ vượt qua được sự tù túng, chật hẹp, bỏ lại niềm bâng khuâng của hiện tại để đi đến một tương lai rộng mở, có đường hướng rõ ràng. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên tiếp xúc với cuộc sống thành thị, người “nhà quê” đã cảm thấy băn khoăn, lo lắng về cuộc sống phía trước của mình. Và thấy mình trở nên xa lạ, cô đơn, bơ vơ đến tội nghiệp:

“Một buổi sớm mai đến Sài Gòn Thân em chẳng khác con chim non Bơ vơ trong xứ người xa lạ

Rộn những phồn hoa, em chạnh buồn

(Lá thư về Bắc)

Quả thực, một tâm hồn đậm chất “quê kiểng” như Nguyễn Bính, chỉ thân quen với giếng nước, sân đình, với khung cửi, thoi đưa, với hoa xoan, cánh bướm, thì chốn kinh kì, phồn hoa đô thị có vẻ như quá xô bồ, ồn ã, không phù hợp chút nào. Bởi khi ấy, nền văn minh công nghiệp đã bắt đầu nhen nhóm và phát triển. Những đô thị hiện đại được mọc lên. Cuộc sống thị dân từng bước trở nên hiện đại. Và thực tế cho thấy cuộc “thoát ly” của Nguyễn Bính không hề dễ dàng, ngược lại, nhiều chua chát, đắng cay, nhiều day dứt, bẽ bàng. Những điều ấy cứ bám riết lấy nhà thơ như một định mệnh. Nguyễn Bính lại ra đi. Sự đi như một mong ước giải tỏa và niềm hy vọng điều gì đó tốt đẹp hơn. Nhưng càng đi càng bế tắc, càng đi càng tuyệt vọng, càng thấm thía nỗi cô đơn, mất phương hướng: “Sớm mai xuôi ngược về đâu nhỉ - Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi?” (Không đề). Càng vồ vập với cuộc sống thành thị thì lại càng bơ vơ lạc lõng giữa thành thị. Tâm trạng này được

Nguyễn Bính cực tả trong bài Hành phương Nam, với những cơn say triền miên, như một cách để lãng quên:

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ Uống say mà gọi thế nhân ơi”

Trái lại với hình ảnh đẹp đẽ ngày ra đi, trong bài thơ Giời mưa ở Huế, chúng ta thấy hình ảnh một thi sĩ “hành khất giang hồ” thật đáng thương. Túi thì rỗng, nợ nần thì chồng chất, quần áo thì luộm thuộm. Chỉ có thơ, mà lại đọc suông cả ngày. Đọc mãi cũng thành chán. Nhà văn Tô Hoài, một trong những người đã từng có chuyến đi giang hồ với Nguyễn Bính, cũng thú nhận về cái lối “giang hồ vặt” của mình. Mỗi bữa ăn thì phải dầy mặt đi chạy vạy chằng bửa. Nhưng trong thơ thì vẫn có màu phiêu đãng, thênh thang. “Những bế tắc, bệnh hoạn bẩn thỉu đã thành tên là thơ say, thơ trăng, thơ tiên, thơ sầu mộng, thơ điên, thơ em gái. Thật tên là thơ xin ăn, vì thèm, vì đói, đủ kiểu”.

Thế mới biết, những cái gì đẹp đẽ trong thơ cũng chỉ là mộng tưởng, là ảo ảnh mà thôi. Trong niềm sầu tủi ấy, nhà thơ cảm nhận rất rõ sự biến đổi, tha hóa trong tâm hồn mình, và trước hết là trên gương mặt mình:

Xót xa một buổi soi gương cũ Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền

(Sao chẳng về đây)

Trong bài thơ Những bóng người trên sân ga, nhà thơ đã cho chúng ta thấy nhiều gương mặt cuộc đời. Ấy là hai cô bé sụt sùi buổi tiễn đưa, là đôi lứa yêu nhau trước ngả chia ly, là đôi bạn cũ bịn rịn không rời, là đôi vợ chồng tha thiết nghĩa tình, là người mẹ già lưng còng tiễn con đi trấn ải. Nhưng đọng lại trong tâm trí ta là hình ảnh một “người đi” không xác định, lạc lõng, bơ vơ, không ai đưa tiễn:

Có lần tôi thấy một người đi Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì

Chân bước hững hờ theo bóng lẻ Một mình làm cả cuộc phân ly

(Những bóng người trên sân ga)

Càng dấn sâu vào đời sống thị thành, Nguyễn Bính càng thấy buồn chán, cô đơn. Nhà thơ nhận thấy thực tại cuộc sống quá đắng cay, chua chát, tất cả những mộng tưởng, ước mơ đã tan tành theo mây khói. Nhà thơ vẫn luôn khát khao gắn bó với cuộc đời, nhưng qua nhiều năm, vẫn không tìm thấy sự giao cảm, hòa hợp ở chốn thị thành. Cảm giác cô đơn vì thế trở thành thường trực. Nguyễn Bính đã tự coi mình là người lạ, là khách, du khách

Nhà nghiên cứu Đoàn Đức Phương cho rằng: “Khi ấy cái tôi của nhà thơ vừa là một sản phẩm đô thị, vừa là một thực thể độc lập, tách biệt với chính cuộc sống đô thị” [37;40].

Ở Nguyễn Bính, chúng ta thấy hai người, một thì tha thiết gắn bó với làng quê, một thì khao khát mộng giang hồ. Chính hai con người này, bện dệt vào nhau, để tạo nên cái tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Bính.

Nói như vậy để thấy rằng, trong suốt hành trình giang hồ của mình, hình ảnh quê hương chính là người bạn đồng hành, tri âm, tri kỷ với nhà thơ. Hình bóng ấy luôn bên nhà thơ, những lúc vui (dù rằng rất ít ỏi), những lúc buồn, những lúc cô đơn, sầu tủi. Hình bóng ấy là một sức mạnh tinh thần giúp nhà thơ luôn đứng vững, không bị biến chất, không bị tha hóa nơi đô thị phồn hoa.

Một trong những bi kịch của cuộc đời Nguyễn Bính chính là niềm thiết tha yêu mến quê hương mà lại phải xa quê, luôn sống trong cảnh “thiếu quê hương”. Điều này có thể lý giải bằng “hành trình” từ Bắc vào Nam của nhà thơ hơn 20 năm trời – cũng là hơn 20 năm Nguyễn Bính nếm trải cảm giác “xuân tha hương”, và cảm giác khao khát ngày trở về quê hương luôn hiện hữu, dày xé tâm can nhà thơ. Và Nguyễn Bính hoàn toàn rơi vào tình trạng bế tắc. Trong xã hội đầy rẫy những cạm bẫy và bất công, dưới chế độ thực dân

nửa phong kiến, thời mà “Trọc phú ti toe bàn thế sự - Đĩ già tấp tểnh nói văn chương - Đã coi đồng bạc to hơn núi - Còn học đòi theo thói Mạnh Thường”, thi thật khó tìm thấy những lý tưởng cao đẹp để phục vụ cho những ước mơ.

Và thế là, trong những lúc bế tắc nhất, nhà thơ lại tha thiết nhớ cố hương, nhớ người thân, nhớ những kỷ niệm êm đềm, nhớ những mối tình quê trong sáng, tha thiết. Những hình ảnh ấy nằm trong liên tưởng đối sánh với hình ảnh của chốn thị thành. Nhớ về làng quê, gia đình, có lẽ, những nghĩ suy của nhà thơ mới trở lại được sự chân thật vốn có, dù có phần chua chát, xót xa. Bắt đầu là nỗi nhớ những mùi vị quen thuộc của làng quê:

Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu Ba bốn năm rồi năm sáu năm Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại Men nồng gạo nếp nước hoa cam

(Hoa với rượu)

Bài thơ Thư gửi thày mẹ được Nguyễn Bính viết trong dòng cảm xúc vừa yêu thương, day dứt, vừa ân hận, đớn đau của người con xa quê. Nỗi nhớ thương thày mẹ được dồn nén trong bao nhiêu năm bôn ba chốn thị thành, nay trở về quặn thắt lòng đứa con bé bỏng ngày nào đã từ giã làng quê ra đi. Không làm nên được cơ đồ gì, thậm chí còn rơi vào hoàn cảnh trắng tay, người con ấy tự ân hận, dày vò mình vì đã không đền đáp được công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Nỗi đau dường như chồng chất hơn khi đứa con tự nhận thấy mình là người con hư, không xứng đáng với tình yêu thương của thày mẹ, thậm chí còn mong thày mẹ coi mình như đồng kẽm bị đánh rơi ngang đường. Và trong dòng cảm xúc ấy, người con tha hương đưa ra mong muốn rất giản dị nhưng vô cùng tha thiết:

Thày ơi, đừng chặt vườn chè Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng…

Giữa phố phường chật hẹp, lấy đâu ra không gian để có vườn chè, vườn lê, để thấy hoa bưởi, hoa cam rụng? Chỉ còn trong dĩ vãng. Cái tôi trữ tình Nguyễn Bính đơn côi ngay cả trong tâm hồn mình. Những khi ấy, hình ảnh thôn Vân quê mẹ lại hiện lên thao thức:

Ơi thôn Vân! Hỡi thôn Vân! Phương nào kết giải mây Tần cho ta

Từ nay khi nhớ quê nhà

Thấy mây Tần tưởng đó là thôn Vân

(Anh về quê cũ) Nỗi nhớ chất chứa đầy vơi và biến thành nỗi khát khao trở về. Và Nguyễn Bính đã về quê trong tâm trạng của một người con suốt đời sống ân hận, day dứt và cả nỗi tủi hộ chưa làm được điều gì ở chốn kinh thành. Vậy nhưng đáng buồn thay:

Không còn ai ở lại nhà Hỏi còn ai nữa? để hoa đầy vườn

Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn Anh về quê cũ có buồn không anh?

(Anh về quê cũ) Và nhà thơ bày tỏ niềm ân hận, nuối tiếc những năm tháng đã qua:

Sao chẳng về đây, lỡ lạc loài Giữa nơi thành thị gió mưa phai Chết dần từng nấc, rồi mai mốt Chết cả mùa xuân, chết cả đời?

(Sao chẳng về đây)

Khi nói về thơ Nguyễn Bính, các nhà nghiên cứu hay dùng một số định danh quen thuộc như thi sĩ chân quê, thi sĩ của hồn quê, thi sĩ của đồng quê. Bởi trong thơ Nguyễn Bính, hình ảnh làng quê Việt Nam hiện lên thân

thương, hồn hậu, giản dị mà gắn bó như mối lương duyên trong lòng mỗi chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, phải thấy rằng, trong thơ Nguyễn Bính còn hiện lên cả một phần thành thị, với những ham mê, ảo tưởng lúc ban đầu, càng về sau càng lạc lõng, bơ vơ, thất vọng. Càng đi xa, đi lâu, tình yêu quê hương càng sâu đậm, trở thành nỗi ám ảnh, dày vò tâm hồn nhà thơ, tạo nên những cung bậc cảm xúc đan xen, giằng xé. Xét về bản chất, Nguyễn Bính vẫn giữ nếp “nhà quê” như xưa, không hề thay đổi. Mà cũng chẳng thay đổi được, vì đó là bản tính, là căn cốt của nhà thơ. Như nhà văn Tô Hoài nhận xét

“Khi nào anh cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây thiên lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công việc làm ăn vất vả sương nắng. Bởi đấy là cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả, mà cũng là nơi in đậm dấu vết đời mình” [35;22].

2.3. Thời gian, không gian nghệ thuật với nhiều tƣơng phản

2.3.1. Thời gian nghệ thuật

Thơ mới ra đời đi liền với sự biến chuyển về thế giới quan, nhân sinh quan. Sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân kéo theo nhận thức sâu sắc về thời gian hữu hạn của đời người. Các nhà thơ mới đều nhắc đến thời gian như một sức mạnh vô hình, ám ảnh, kéo theo sự tàn phai, mất mát. Bởi thể cho nên hầu như ai cũng làm thơ, dùng thơ….để níu kéo thời gian. Trong Thơ mới, thời gian không tính với công thức “ngàn năm”, “vạn năm”, “nghìn thu” theo thơ cổ, mà chủ yếu là tính bằng thời gian tâm trạng, không gian đời tư với nỗi niềm cô đơn.

Khi tìm hiểu và phân tích yếu tố thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính trước cách mạng Tháng Tám, chúng tôi chia làm hai phần: Thời gian thôn quê và Thời gian thành thị.

2.3.1.1. Thời gian thôn quê

Chốn làng quê Việt Nam thanh bình, người nông dân có khi hàng năm trời không đi đâu ra khỏi lũy tre xanh. Thời gian quay vòng, đơn điệu, ít biến động. Và những khung cảnh thân thuộc mái đình, giếng nước, gốc đa cứ như

tạc vào nhận thức, dáng điệu, giọng nói của mỗi người. Nó tồn tại trong thời gian nông nghiệp – thời gian của thiên nhiên, không phải là thời gian biến cố nên cũng không cần thiết phải đo đếm một cách chính xác, cụ thể.

Trong các sáng tác về thôn quê, thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính là thời gian tâm tưởng, cách đo đếm thời gian cũng mang tính ước lệ, ước chừng không chính xác. Khi nghiên cứu thi pháp ca dao, Nguyễn Xuân Kính cũng cho rằng: “Tính chất công thức, ước lệ là đặc điểm nổi bật trong việc tác giả dân gian miêu tả thời gian. Ngay cả khi người bình dân đưa ra những con số có vẻ cụ thể thì thời gian ở đây cũng không phải là đại lượng chính xác:

“Tìm em đã tám hôm nay

Hôm qua là tám, hôm nay là mười” [16;171].

Khảo sát các tập thơ của Nguyễn Bính trước cách mạng, chúng ta dễ dàng nhận thấy tần số xuất hiện khá nhiều của những từ chỉ thời gian như:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lý tưởng và hiện thực trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)