Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lý tưởng và hiện thực trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám (Trang 41 - 48)

Chƣơng 2 : Nhà thơ chân quê và khát vọng giang hồ

2.3. Thời gian, không gian nghệ thuật với nhiều tương phản

2.3.1. Thời gian nghệ thuật

Thơ mới ra đời đi liền với sự biến chuyển về thế giới quan, nhân sinh quan. Sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân kéo theo nhận thức sâu sắc về thời gian hữu hạn của đời người. Các nhà thơ mới đều nhắc đến thời gian như một sức mạnh vô hình, ám ảnh, kéo theo sự tàn phai, mất mát. Bởi thể cho nên hầu như ai cũng làm thơ, dùng thơ….để níu kéo thời gian. Trong Thơ mới, thời gian không tính với công thức “ngàn năm”, “vạn năm”, “nghìn thu” theo thơ cổ, mà chủ yếu là tính bằng thời gian tâm trạng, không gian đời tư với nỗi niềm cô đơn.

Khi tìm hiểu và phân tích yếu tố thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính trước cách mạng Tháng Tám, chúng tôi chia làm hai phần: Thời gian thôn quê và Thời gian thành thị.

2.3.1.1. Thời gian thôn quê

Chốn làng quê Việt Nam thanh bình, người nông dân có khi hàng năm trời không đi đâu ra khỏi lũy tre xanh. Thời gian quay vòng, đơn điệu, ít biến động. Và những khung cảnh thân thuộc mái đình, giếng nước, gốc đa cứ như

tạc vào nhận thức, dáng điệu, giọng nói của mỗi người. Nó tồn tại trong thời gian nông nghiệp – thời gian của thiên nhiên, không phải là thời gian biến cố nên cũng không cần thiết phải đo đếm một cách chính xác, cụ thể.

Trong các sáng tác về thôn quê, thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính là thời gian tâm tưởng, cách đo đếm thời gian cũng mang tính ước lệ, ước chừng không chính xác. Khi nghiên cứu thi pháp ca dao, Nguyễn Xuân Kính cũng cho rằng: “Tính chất công thức, ước lệ là đặc điểm nổi bật trong việc tác giả dân gian miêu tả thời gian. Ngay cả khi người bình dân đưa ra những con số có vẻ cụ thể thì thời gian ở đây cũng không phải là đại lượng chính xác:

“Tìm em đã tám hôm nay

Hôm qua là tám, hôm nay là mười” [16;171].

Khảo sát các tập thơ của Nguyễn Bính trước cách mạng, chúng ta dễ dàng nhận thấy tần số xuất hiện khá nhiều của những từ chỉ thời gian như:

bao giờ (8 lần), từ ngày (4 lần), từ nay (3 lần), năm xưa (3 lần), ngày xưa (7 lần), đêm ấy (3 lần). Ngoài ra còn phải kể đến các trạng từ thời gian như: thuở ấy, thời xưa, dạo ấy, từ độ, bữa ấy, hôm nọ, chiều chiều, một đêm,…. Tất cả đều rất chung chung, không xác định, bởi Nguyễn Bính dùng cách cảm nhận yếu tố thời gian của người dân quê, và có lẽ, cũng là hợp với việc thể hiện tâm tư, tình cảm của Nguyễn Bính.

Những từ ngữ chỉ thời gian này thường nằm ở vị trí đầu câu, đảm nhiệm vai trò trạng ngữ. Thời gian được khắc sâu trong miền kỳ ức, gắn với những kỷ niệm đẹp, của những mối tình trong trẻo thời thơ ấu:

Năm xưa chở chiếc đò này Cho cô sang bãi tước đay chiều chiều

(Giấc mơ anh lái đò)

Từ ngày anh khóa vẫn còn hàn vi

(Quan Trạng)

Chiều chiều hai đứa sang thăm chị Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu

(Hoa với rượu)

Thời gian ước lệ đưa ta về những miền đất xa xôi, đẹp đẽ chỉ có trong những giấc mơ, trong truyện cổ tích:

Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm Kén nhân tài mở Điệp lang khoa

(Truyện cổ tích)

Thời gian mơ ước, thời gian chờ đợi, thời gian ở thì tương lai nhưng không rõ ràng, không xác định cụ thể. Đó là thời gian có tính phiếm chỉ, vô định:

Bao giờ em mới gặp anh đây?

Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ

(Mưa xuân)

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

(Tương tư)

Nhà mới bao giờ chị chữa xong?

Bao giờ cho thợ chén “hồi công”?

Bao giờ chị dọn sang bên đó

(Xây lại cuộc đời)

Thời gian yêu đương của những mối tình quê cũng được tính bằng khoảng thời gian không xác định, và có lẽ, với cảm nhận thời gian hầu như “không chính xác” và “không cần chính xác” của người dân thôn quê, thì cách tính này xem chừng không quá khó hiểu:

Ngày qua ngày lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

(Tương tư)

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn

(Mưa xuân)

Và thời gian chờ đợi được đo đếm như thế này thì quả thực là đặc biệt, chỉ xuất hiện ở thôn quê và chỉ trong thơ Nguyễn Bính mới có:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu

Chờ em chừng giập miềng giầu em sang

(Chờ nhau)

Thời gian hẹn ước, tâm tình không được xác định cụ thể, mà chỉ áng chừng, khi nhà nhà đã đỏ đèn. Và thời gian chờ đợi tương ứng với thời gian làm “giập miếng giầu”? Đây là một quy ước thời gian của riêng người dân quê. Thời gian được tính bằng hành động quen thuộc, vừa rất chung chung, lại vừa rất cụ thể, chỉ có thể hiểu bằng trực cảm mà thôi. Mối tình quê, vì thế, cũng rất nên thơ, rất dịu dàng và đáng yêu!

Nói như vậy không có nghĩa là thời gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính trước cách mạng chỉ có những công thức ước lệ, mơ hồ, không xác định cụ thể. Bên cạnh đó, qua việc khảo sát, chúng tôi nhận thấy thời gian trong thơ Nguyễn Bính cũng được xác định cụ thể bằng những từ ngữ như: hôm nay

(4 lần), sáng mai (5 lần), ngày mai (5 lần), chiều nay (3 lần), từ nay (3 lần),

tối nay, hôm qua,…

Thời gian hiện lên cụ thể và da diết với hình ảnh người mẹ già ngày tiễn con đi lấy chồng:

Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc Đêm đêm mình mẹ lại đưa thoi

Trong niềm xót thương người chị phải từ biệt gia đình, từ biệt tuổi thơ, từ biệt mối tình đầu để về nhà chồng:

Hôm nay xác pháo đầy đường Ngày mai khói pháo còn vương khắp nhà

Đêm qua là trắng ba đêm

Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn

(Lỡ bước sang ngang) Trong nỗi buồn thương người hàng xóm - mối tương tư của mình đã qua đời:

Hôm nay mưa đã tạnh rồi

Tơ không hong nữa bướm lười không sang

Đêm qua nàng đã chết rồi Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi yêu nàng

(Người hàng xóm)

Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, kiểu thời gian cụ thể và xác định này được xuất hiện nhiều trong những vần thơ tha hương, và ở đó, nó thể hiện đầy đủ, rõ nét hơn tâm trạng của thi nhân, của người khách giang hồ. Còn đối với những vần thơ về làng quê, thời gian lý tưởng là chủ đạo, phản ánh cách nhìn, cách cảm và cả những tâm trạng của người dân quê, của chủ thể trữ tình.

2.3.1.2. Thời gian thành thị

Như trên đã nói, thời gian nghệ thuật trong những vần thơ tha hương, nói về cuộc sống thị thành của Nguyễn Bính có sự khác biệt về cơ bản, thậm chí là đối lập so với thời gian nghệ thuật thơ “thôn quê”. Không dùng kiểu ước lệ, tượng trưng, chung chung, thời gian nghệ thuật “thơ thành thị” được xác định cụ thể, định lượng rõ ràng, gắn với những sự kiện cụ thể: đêm nay, đêm kia, tối qua, sớm nay, chiều nay, xuân nay,…

Tìm thấy làm sao bóng một người

Vừa mới hôm nào còn thèn thẹn Tay cầm sáp đỏ đặt lên môi

Chắc hẳn những đêm như đêm qua

Chắc hẳn những đêm như đêm kia

(Viếng hồn trinh nữ)

Có lẽ, nơi phồn hoa đô thị với nhịp sống bon chen, hối hả đã khiến cho nhà thơ phải định lượng thời gian một cách chính xác hoặc tương đối chính xác. Ở đây, việc xác định thời gian theo kiểu “chừng giập bã giầu” của người thôn quê sẽ trở nên ngây thơ, lạc lõng. Và thời gian được đo đếm chính xác đến từng phút giây, từng phút:

Nàng hãy vui đi dẫu một ngày

Dẫu phần ba phút, góc tư giây

Dẫu trong thoáng mắt nhìn như chớp

Cũng đủ cho nàng quên đắng cay

(Cầu nguyện)

Suốt hành trình tha hương của mình, Nguyễn Bính không nguôi trăn trở mong nhớ quê hương và khát khao ngày trở về. Càng khát khao bao nhiêu, nhà thơ lại càng bị cái nghèo, cái đói, cái bơ vơ, cái sầu tủi chà đạp bấy nhiêu. Thời gian khi ấy, được tính chi li theo từng năm, từng tháng, từng tuần, từng ngày, từng giờ, từng đêm:

Chúng tôi hai đứa xa Hà Nội

Bốn thánghình như kém mấy ngày

Giời mưa ở Huế sao buồn thế! Cứ kéo dài ra đến mấy ngày

(Giời mưa ở Huế)

Tìm kế sinh nhai chẳng có về

Chín năm quên ngắm cảnh hoàng hôn (Sống lại)

Ở mãi kinh kì với bút nghiên

Đêm đêm quán trọ thức thi đèn

(Sao chẳng về đây)

Nhớ về quê hương, gia đình, hình ảnh thày mẹ hiện lên trong tâm trí nhà thơ rất đỗi thân thương và da diết. Ngày rời bỏ làng quê để đi xây đắp mộng giang hồ tưởng chừng đã rất xa xôi, nhưng bỗng chốc hiện về trước mặt, dày vò nhà thơ. Cảm nhận về thời gian được xác định một cách tương đối chính xác:

Con đi mười mấy năm trời

Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương Con đi năm ấy tháng tư

Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba

(Thư gửi thày mẹ)

Nay là hăm tám tết rồi đây (Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)

(Tết của mẹ tôi)

Hơn ai hết, người khách giang hồ cảm nhận thấy sự trôi chảy vô tình của thời gian. Mới thấy yêu, thấy quý và mong muốn níu kéo thời gian, bởi thời gian không thể quay trở lại, và thời gian cho người khác ấy nhận thấy những trải nghiệm cay đắng của cuộc đời. Những lúc sầu tủi, tâm hồn khát khao một lời an ủi, động viên thì xung quanh cũng chỉ là trống rỗng, cô đơn. Thời gian như kéo dài theo nỗi nhớ : “Anh ơi, từ độ ta xa cách - Anh có khi nào nhớ đến em?” (Lá thư về Bắc), hoặc thậm chí bị lãng quên, bỏ ngỏ:

Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay

(Viếng hồn trinh nữ) Quá khứ êm đẹp đã trôi qua tầm tay, cái còn lại chỉ còn trong nỗi nhớ, mộng tưởng. Tương lai thì bế tắc, mịt mờ, chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp. Đối với kẻ tha hương, quan trọng nhất lúc này, chỉ có thể là thời gian thực tại, thời gian hiện thực, là hôm nay, bây giờ, sớm nay,…

Hôm nay có một người du khách Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên

(Xóm Ngự Viên)

Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị Tôi đã về đây rất vội vàng

(Sao chẳng về đây)

Bây giờ cắt cỏ chăn trâu

Bây giờ em đã làm dâu nhà người

(Làm dâu)

Có thể nói, khác với thời gian “thôn quê”, là thời gian của mộng ước, của lý tưởng và chiều đi thời gian chủ yếu theo lối tuần tự, kết nối theo kiểu tuyến tính, thời gian thành thị hiện lên trong thơ Nguyễn Bính chính là thời gian của hiện thực, nó hiện diện kèm theo nỗi khắc khoải, day dứt của người khách giang hồ. Cái cảm thức về mặt thời gian được kéo dài, rút ngắn, đảo ngược, lúc gần, lúc xa, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc sự bế tắc, tuyệt vọng và ước mong níu kéo của nhân vật trữ tình. Nỗi khát khao ngày trở về là rất thực!

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) lý tưởng và hiện thực trong thơ nguyễn bính trước cách mạng tháng tám (Trang 41 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)