Quan niệm của Tertullien về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa đức tin và lý trí trong triết học tây âu trung cổ luận văn ths triết hoc 60 22 90 (Trang 42 - 46)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Quan niệm của Tertullien về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí

Sống vào thời kỳ chế độ chiếm hữu nô lệ đang suy vong, với

Tertullien, lời lẽ tốt đẹp về lý trí trở nên lạc lõng trước những nỗi lo toan đời

thường. Giống như những người dân nghèo, ông mong muốn tìm thấy sự an ủi, che chở trong một thế giới tốt đẹp hơn. Trong hoàn cảnh đó, lý trí là yếu tố quá xa xỉ và sự sùng bái lý trí dần dần được thay thế bằng sự sùng bái đức tin. Đối với ông, đạo Kito là một hệ thống luật pháp thiêng liêng được chấp nhận toàn bộ dựa trên đức tin. Kiến thức của con người không có giá trị đối với tôn giáo, bởi khi Đức Kito xuất hiện cùng các sách Phúc âm thì con người không cần tò mò gì nữa. Theo Tertullien, “hiểu biết của con người đối với Chúa chỉ là điều ngu xuẩn và tín điều nào trong đức tin càng mâu thuẫn với lý trí thì giá trị trong việc chấp nhận tín điều ấy càng lớn” [14, tr. 257]. Nhằm khẳng định vị thế của đức tin, Tertullien đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Tôi tin, vì điều đó là phi lý”. Ông đã đối lập đức tin với khoa học về đức tin. Ông đề ra nhiệm vụ của những người ngoan đạo là nghe, hiểu, bênh vực, chứng minh chân lý đã có sẵn chứ không phải tìm kiếm chân lý, giữa triết học và tín ngưỡng Kito giáo họ phải chọn một trong hai. Ông hình dung Chúa như bản thể tinh thần, song lại có diện mạo, có tính vật thể bởi theo ông, chúng ta không thể hình dung một cái gì đó đang hiện hữu nếu nó thiếu tính vật thể, thiếu cái tạo nên dáng vẻ, kích thước. Tertullien nhận thấy rất rõ sự phi lý trong quan niệm của mình khi cho rằng Chúa là tinh thần thuần tuý nhưng lại gán cho nó những đặc tính vật thể. Nhưng ông giải thích: Đối với Chúa, mọi cái tưởng chừng phi lý vẫn xảy ra, chính phi lý mới là lẽ nhiệm màu duy nhất ta biết về Chúa: “Người nào mà chúng ta tôn thờ thì đó là vị

Chúa duy nhất, là Thượng đế. Thượng đế là không thể nhìn thấy, mặc dù Ngài ở khắp mọi nơi; là không thể cảm thấy mặc dù bằng sự ban thưởng của mình, Ngài đã hiện hình trong chúng ta; không thể hiểu được, mặc dù lý trí con người biết được về Ngài. Chính điều đó chứng minh sự tồn tại của Thượng đế và sự vĩ đại của Ngài” [83, tr. 217]. Do đó, mặc khải về Chúa là một công việc nhiệm màu, đòi hỏi sự linh cảm thiêng liêng, không thể đo lường hay nắm bắt một cách đơn giản. Luận điểm của Tertullien khẳng định tin là tin vào cái không thể có đối với người bình thường, đó mới chính là sức mạnh của đức tin. Do đó, ông kêu gọi các tín đồ Kito giáo chấp nhận nỗi đau tạm thời để chờ đợi sự phục sinh ở thế giới bên kia. Điều đó là đáng tin cậy vì điều đó là không thể, nhưng những gì không thể chỉ liên quan đến lý trí, còn đức tin thì ngược lại, “tôi tin, vì đó là điều phi lý”. Trong tác phẩm thần học “Có gì chung giữa Hàn Lâm Viện và nhà thờ”, ông viết: “Người con của Chúa trời bị đóng đinh bằng cây thánh giá vì nhục nhã mà không xấu hổ, người con của chúa trời đã chết, điều đó cần phải tin vì nó hoàn toàn vô lý. Và sự sống lại của Chúa Jesus sau khi chết, điều đó là tin tưởng bởi vì nó không thể có” [83, tr. 217].

Theo Tertullien, chú giải Kinh Thánh chỉ là trò thông thái rởm, chỉ có người dị giáo mới dùng bởi nội dung Kinh Thánh là chân lý hiển nhiên, không cần bàn cãi, và nếu như có gì đó vượt quá tầm hiểu biết của con người thì điều đó chứng tỏ nhận thức của con người có giới hạn.

Trong tư tưởng về tự do hay về sự phân chia xã hội, quan niệm của Tertullien cũng mang đậm dấu ấn của đức tin. Ông phân chia xã hội thành hai “phe”: phe quỷ và phe thần. Trong đó, phe quỷ là thế giới trần tục, chú trọng những giá trị vật chất luôn biến đổi, đi dần đến chỗ tiêu vong. Còn phe thần là nhà thờ, cộng đồng Kito giáo, đề cao những giá trị tinh thần, hướng đến nước Chúa đầy ánh sáng và hạnh phúc [16, tr. 58]. Từ quan niệm trên,

chúng ta có thể nhận ra mâu thuẫn trong tư tưởng của Tertullien: mặc dù ông phủ nhận vai trò của lý trí, của triết học Hy Lạp cổ đại nhưng trong cách phân chia thế giới, dường như ông vẫn chịu ảnh hưởng của Plato. Đây là tình trạng chung trong học thuyết của rất nhiều nhà triết học Tây Âu trung cổ: dù họ cố gắng đề cao đức tin hay lý trí thì cũng không thể loại bỏ, tách rời yếu tố còn lại.

Kế thừa tư tưởng trong Kinh Thánh, Tertullien cho rằng Chúa tạo ra

luật, luật ấy ban cho con người quyền tự do, nếu ai toan tính vượt qua quyền

lực của Chúa, người ấy sẽ mất tự do. Con người có đức hạnh vì biết lựa chọn cái chân - cái thiện, biết lựa chọn nên được tự do, vì được tự do nên được gần Chúa và được ban nhiều ân sủng.

Khác với một số nhà hộ giáo, như Justin, thường nhấn mạnh những điểm gặp gỡ giữa triết lý Hy Lạp và Kito giáo, tìm ra những chỗ Kito giáo có thể hoà nhập với các giá trị văn hoá, Tertullien chủ trương một đường lối không thoả hiệp, không khoan nhượng, đề cao ranh giới, thậm chí mâu thuẫn giữa hai bên. Thực tế, Tertullien cũng nhiều lần lấy lại những lập luận của các tác giả hộ giáo Hy Lạp, nhưng so với hộ giáo Hy Lạp, bản Hộ giáo của ông nổi bật lên nhờ tài hùng biện và lối sắp đặt mạch lạc các chủ đề.

Tertullien khẳng định Thiên Chúa đã sáng tạo ra vũ trụ này nhờ ngôi lời, lý trí và sức mạnh của Người; các nhà hiền triết cũng nhận biết Logos, nghĩa là ngôn ngữ và lý trí là đấng tạo nên vạn vật. Zénon định nghĩa Người là Đấng sáng tạo đã xếp đặt và làm nên mọi sự, Người cũng được gọi là định mệnh, là Thiên Chúa, là linh hồn của Jupiter, là tính tất nhiên trong vạn vật. Tiếp thu những tư tưởng trên, Tertullien khẳng định rằng bản tính đặc biệt của ngôi lời, của lý trí và của sức mạnh nhờ đó Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật là một thần khí có lời nói khi Thiên Chúa truyền lệnh, có lý trí khi Người an bài xếp đặt, đầy sức mạnh khi Người thực hiện. Khi mặt trời phát ra một tia

sáng, tia sáng đó là một phần của tổng thể, nhưng mặt trời sẽ hiện diện trong tia sáng, vì đó là tia sáng của mặt trời: bản tính thì không bị chia cắt mà chỉ có thể phát triển. Ngôi lời cũng vậy, Người là Thần khí bởi Thần khí, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, chẳng khác nào ánh sáng xuất phát từ ánh sáng. Nguồn mạch sự vật vẫn tồn tại y nguyên không suy suyển dù chúng ta có lấy đi những gì xuất phát từ đó. Cũng tương tự như vậy, đấng xuất phát từ Thiên Chúa là Thiên Chúa và là con Thiên Chúa, cả hai đều chỉ là một. Người là Thần khí bởi Thần khí, là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, khác biệt là trong đặc tính chứ không theo con số, trong thứ tự chứ không trong bản tính, chỉ xuất phát chứ không rời bỏ nguyên mẫu.

Khi những người ngoài Kito nghi ngờ sự tồn tại của Thiên Chúa, Tertullien đã đưa ra luận điểm: “Xin trả lời người Do Thái: các người cũng đã nhờ một người phàm, nhờ Mose mà học cách tôn thờ Thiên Chúa; xin trả lời người Hy Lạp: Orphée bên miền Thrace, Musée tại Athènes, Mélampe ở Argos, Throphonius trong xứ Béotie, khai tâm cho người ta đi vào các mầu nhiệm thiêng thánh. Tôi cũng xin trả lời các ông là những người nắm quyền bá chủ các dân các nước: Numa Pompilius, một người phàm đã bắt người Roma phải gánh lấy những mê tín rất nặng nề. Vậy xin cứ để cho Đức Kito diễn giải thiên tính là đặc điểm của Người; không phải như Numa, để dùng việc tôn kính vô số kể thần minh mà tìm cách thuần hoá một dân tộc thô sơ còn ăn lông ở lỗ và đưa họ đến đạo làm người, mà là để mở mắt cho những người nhiều trình độ nhưng lại bị chính nếp sống thành thị huyễn hoặc và giúp họ nhận biết chân lý. Vậy xin các ông cứ tìm hiểu xem Đức Kito có thật sự là Thiên Chúa không, xem đó có phải là một chân lý mà nếu người ta nhận biết, người ta sẽ được cải thiện và bắt buộc phải từ bỏ các thần giả, nhất là từ bỏ cái tôn giáo ẩn núp dưới những danh hiệu và hình tượng kẻ chết và dùng

nào là điềm thiêng dấu lạ nào là lời sấm để thuyết phục người ta tin vào tính chất thiêng liêng của mình” [Dẫn theo 52, tr. 116-117].

Trong các quan niệm của mình, nhìn chung, Tertullien tỏ thái độ ác cảm với triết học duy lý, ông muốn cách ly và bảo vệ đức tin, chống lại những điều trừu tượng, siêu hình. Tuy nhiên, đôi khi trong học thuyết của mình, ông lại tỏ ra am hiểu triết học Khắc kỷ và thích sử dụng triết thuyết này, một triết thuyết mà ông minh nhiên nhìn nhận là có những điểm tương đồng với luân lý của Kito giáo và hoàn toàn chia sẻ sự sùng bái lý trí của phái Khắc kỷ: lý trí tiên vàn là của Thiên Chúa. Nếu Justin quan tâm tìm kiếm sự đồng quy và đối thoại, thì Tertullien lại tha thiết với sự gìn giữ tính độc đáo của Kito giáo, tính “bất ngờ” của mặc khải. Do đó mà lập trường của ông khó được người nghe chấp nhận hơn nhưng không hề rơi vào chủ trương duy tín.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa đức tin và lý trí trong triết học tây âu trung cổ luận văn ths triết hoc 60 22 90 (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)