7. Kết cấu của luận văn
3.1. Quan niệm của Anselm von Canterbury về mối quan hệ giữa đức tin và lý
đức tin và lý trí
Sau những bước đi dò dẫm thời kỳ các giáo phụ, triết học trung cổ đã tìm được hướng đi riêng cho mình và duy trì hướng đi ấy cho tới khi thời trung cổ suy tàn. Đó là sự thống nhất về mặt tư tưởng, sự gắn kết giữa đức tin và lý trí, trong đó tôn giáo là trật tự bền vững, có nội dung phong phú và được hiện thực nhờ sự trợ giúp của lý trí.
Trước khi triết học kinh viện đạt đến đỉnh cao ở thế kỷ XIII, thánh Anselm von Canterbury được coi là người đề cao lý trí và sử dụng suy tư triết học vào thần học một cách hài hòa hơn cả. Thánh Anselm khẳng định rằng lý trí và đức tin dẫn tới cùng một kết luận. Ông đi theo truyền thống Augustino vốn chủ trương dùng lý trí để hiểu nội dung của đức tin. Với công thức “đức tin tìm kiếm lý trí”, Anselm đã nhìn thấy một sự hòa điệu căn bản giữa nhận thức do đức tin và nhận thức do lý trí. Lý trí giúp đức tin thêm sáng tỏ, đức tin không những không hạ thấp lý trí mà còn hướng dẫn và cung cấp cho nó chất liệu để suy tư, giúp lý trí được mở rộng và kiện toàn hơn “tôi tin để được am hiểu”. “Tôi tin để được am hiểu” và “đức tin tìm kiếm lý trí” có nghĩa là
không phải để đi tới đức tin bằng suy nghĩ mà là phải tin rồi mới suy nghĩ để am hiểu điều mình tin. Anselm không tìm cách khám phá chân lý về Thiên Chúa chỉ bằng lý trí mà muốn sử dụng lý trí để hiểu điều mình tin. Thật vậy, trí khôn con người không thể thâm nhập vào sự sâu thẳm của Thiên Chúa mà đức tin lĩnh hội, nhưng đức tin tìm kiếm lý trí để “lý giải” những điều sâu thẳm đó.
Thánh Anselm được mệnh danh là cha đẻ của phái kinh viện. Ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Monologium - bàn luận về sự anh minh của Chúa trời và Proslogion - đề cập đến sự tồn tại, hữu thể của Chúa trời. Ông là thần học gia có ảnh hưởng sâu đậm trong lịch sử triết học phương Tây vì chủ ý của suy niệm thần học của ông là tìm cách chứng minh đức tin Kito giáo không có gì mâu thuẫn với lý trí tự nhiên. Bằng những lập luận lý tính, hoàn toàn không dựa vào thẩm quyền của mặc khải, ông muốn dẫn người đọc đi từ đức tin đến hiểu biết đức tin. Quan niệm của ông chịu ảnh hưởng bởi những tư tưởng lớn của Augustino. Các luận đề của đức tin trở thành duy lý, nội dung của chúng được cố kết logic trong mối liên hệ hữu cơ với nhau, trở thành một hệ thống.
Trong cuốn “Vì sao Thiên Chúa làm người”, Anselm đã trình bày cho người tin lẫn người không tin hiểu tại sao mối lăng nhục mà tội lỗi của người ta gây ra cho Thiên Chúa có thể được đền bù một cách thoả đáng bởi đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người hy sinh trong tư cách đại diện cho loài người. Anselm muốn cho người ta hiểu rõ đức tin Kito giáo bằng cách giúp người ta thấy rằng đức tin không có gì mâu thuẫn với lý trí. Cuốn “Vì sao Thiên Chúa làm người” được trình bày như một cuộc đối thoại giữa Anselm và Boso. Anselm cho rằng việc con người sau khi đã phạm tội và xúc phạm đến danh dự của Thiên Chúa lại vẫn được hưởng vinh phúc vĩnh cửu không thể xảy ra được, trừ khi để đền bù tội lỗi loài người, có ai đó trả cho Thiên Chúa một cái gì lớn hơn mọi sự hiện hữu ngoài Thiên Chúa. Đó là Đấng có
thể lấy từ chính mình mà dâng cho Thiên Chúa một cái gì vượt quá mọi sự ở dưới Thiên Chúa, bản thân Đấng đó bắt buộc phải lớn hơn mọi sự không phải là Thiên Chúa. Thế nhưng ngoài Thiên Chúa ra thì không có gì vượt quá mọi sự không phải là Thiên Chúa. Do đó việc đền bù này chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Nhưng việc đó cũng lại là bổn phận của con người, nếu không con người không phải là chủ thể của sự đền bù nên Đấng làm việc đó bắt buộc phải là một Thần – Nhân.
Phát triển quan niệm về Thiên Chúa – Người của Origen, Anselm cho rằng chỉ có Đấng Thần – Nhân mới có thể đền bù thoả đáng cho tội lỗi của loài người, tuy nhiên cách lý giải của ông và Origen có sự khác nhau. Đối với Origen, ý tưởng về Thiên Chúa phải đi trước ý tưởng về thế giới. Origen khẳng định Chúa sáng tạo ra thế giới từ hư vô. Trong trật tự thế giới, trước tiên Chúa sáng tạo những bản thể tinh thần tự do, có năng lực lựa chọn. Những linh hồn được ban tặng sự tự do, một số đi chệch hướng, toan tính vượt trên quyền uy của Chúa Cha và sự răn dạy của Chúa Con. Để kìm giữ và trừng phạt những linh hồn đó, Chúa sáng tạo thêm vật chất. Chúa vượt lên trên thế giới vật chất, nằm ngoài ý thức con người. Chúa là tồn tại duy nhất, tự thân, toàn vẹn, là cái tuyệt đối đầu tiên, đơn nhất, không phân chia. Logos cũng vĩnh cửu như Chúa nhưng là đệ nhị nguyên nhân – Chúa Con, lệ thuộc vào đệ nhất nguyên nhân – Chúa Cha. Theo Origen, Logos là chính Thiên Chúa và đồng thời là một “ngôi vị”, không ngừng được sinh ra bởi Thiên Chúa. Là Con, Logos là hình ảnh trọn hảo của Cha, là cốt lõi của các ý tưởng và hiện thân của toàn bộ chân lý. Chúa Thánh Thần xuất phát từ Con, ở cấp thấp hơn Ngài và phụ thuộc vào Ngài – “ngôi vị” thứ ba. Ở đây, “lần đầu tiên chúng ta thấy nói về ba ngôi nơi bản thân Thiên Chúa, điểm khởi đầu của giáo thuyết đích thực về Chúa Ba Ngôi” [37, tr. 92]. Origen đã trở thành mô hình đầu tiên cho một nền thần học có tính khoa học. Toàn bộ công trình của ông
theo đuổi một mục tiêu chính: đem thế giới Hy Lạp vào Kito giáo. Bước ngoặt này diễn ra từ các nhà hộ giáo tiên khởi với cách hiểu có tính chất siêu hình học của họ về Logos, nhưng giờ đây đã trở nên rõ nét hơn. Dưới ảnh hưởng của văn minh Hy Lạp, cốt lõi của Kito giáo không còn là thập giá và sự sống lại của Đức Jesus mà giờ đây tâm điểm nghiêng về sự nhập thể, “hay rõ ràng hơn, vấn đề có tính cách tư biện về sự tiền tồn tại đời đời và sự nhập thể của Logos Thiên Chúa, và như vậy về sự khắc phục cái hố ngăn cách mang tính Plato giữa bên trên và bên dưới, giữa cái thế giới thật, lý tưởng trên trời và thế giới không thật, vật chất, trần tục” [37, tr. 107-108]. “Cái hố ngăn cách” đó sẽ được khắc phục bởi ai? Bởi Thiên Chúa – Người, con của Nữ trinh Maria.
Còn Anselm quan niệm hai bản tính toàn vẹn đó (Thần – Nhân) hiệp nhất thế nào cũng được, miễn sao cho Đấng này là người, Đấng kia là Thiên Chúa và không có việc cùng chung một Đấng duy nhất vừa là Thiên Chúa vừa là người, thì không thể có việc cả hai Đấng hoàn tất công việc bắt buộc phải hoàn tất. Quả thật, Thiên Chúa sẽ không hoàn tất vì đó không phải là bổn phận của Người mà con người cũng không hoàn tất vì con người không có khả năng. Do đó, để hoàn tất công việc bắt buộc phải hoàn tất, chủ thể phải vừa là Thiên Chúa hoàn toàn, vừa phải là người hoàn toàn; hai bản tính toàn vẹn này phải hội tụ trong một ngôi vị duy nhất giống như thể xác và linh hồn hội tụ trong một con người duy nhất.
Nhằm luận chứng cho sự tồn tại thực của Thiên Chúa, Anselm đã tiếp thu tư tưởng của Aristotle, phái Plato mới và Kito giáo để hình thành một lý luận vấn đáp biện chứng. Theo ông, lý trí tự nó đã chứa đựng các ý niệm về bản thể tối cao có thể suy tưởng, có điều cái bản thể đó chỉ tồn tại đơn thuần trong tư tưởng của lý trí thì nó không phải là bản thể tối cao được, vì chúng ta vẫn có thể suy tưởng tới một bản thể nào đó cao hơn nó, cụ thể là cái bản thể
không chỉ tồn tại trong tư tưởng mà còn tồn tại cả trên thực tế. Ý niệm về bản thể tối cao đòi hỏi nó tồn tại không chỉ trong tư duy mà còn trong cả hiện thực. Quan niệm này của Anselm đã bị Gaunilon (người đương thời với Anselm) phản bác, theo Gaunilon người ta không thể dựa trên hiện hữu trong tư duy để kết luận về hiện hữu ngoài tư duy. Gaunilon đã lập luận như sau: nếu như tôi hình dung có một hòn đảo lý tưởng thì cũng không có nghĩa là có ngay hòn đảo đó. Để phản bác lại lập luận của Gaunilo, Anselm cho rằng một hòn đảo lý tưởng không bao hàm nội dung hiện thực của sự vật nhưng với ý niệm về Thượng đế thì không thể so sánh như vậy được, vì ở đây ta suy tư về sự tất yếu, phải có một bản thể hoàn mỹ nhất, tồn tại vĩnh cửu, trong khi hòn đảo mãi mãi chỉ là một tồn tại hữu hạn. Thượng đế chính là Đấng hoàn thiện nhất.
Thượng đế, với Anselm là Đấng hoàn mỹ nhất, không có khởi đầu, không có kết thúc, không thể phân chia được, đó là toàn bộ tồn tại vật chất và tồn tại tinh thần. Chỉ có ở Đấng tối cao này, bản chất và hiện tồn, tư duy và tồn tại cùng gắn kết với nhau. Đấng hoàn mỹ trong quan niệm của Anselm chính là ý niệm Thượng đế của Augustino với luận đề thiện hảo của một thiện hảo, giống như ý niệm Thiện của Plato. Trong một tác phẩm khác – Monologium, Anselm đã viện dẫn hai cách chứng minh sự tồn tại của Thượng đế điển hình của Plato: các thang bậc hoàn thiện và ý niệm về một tồn tại tối cao. Theo Anselm, tất cả những gì không hoàn thiện đều làm tiền đề cho cái hoàn thiện, bởi cái không hoàn thiện là một thực tại. Do đó, cái hoàn thiện là có thực, vì cái không hoàn thiện chỉ là sự sao chép lại cái hoàn thiện.
Việc chứng minh sự tồn tại của Thượng đế ở Anselm là cơ sở cho quan niệm của ông về chân lý. Chân lý, theo Anselm là sự đúng đắn của những sự vật đang tồn tại với tính cách là bản sao nguyên mẫu của chúng trong tư duy của Chúa trời. Chân lý chỉ có trong tư tưởng, là sản phẩm của tư tưởng và bao giờ cũng là những quan hệ mang tính tất yếu. Chẳng hạn, tư duy của con
người có mối quan hệ tất yếu với bản chất và sự thực tồn của Thượng đế, nên lẽ đương nhiên chúng ta tiếp cận được với cái chân lý tiên khởi, bởi cái chân lý mà chúng ta đang suy tư chỉ là sự mô phỏng lại, là bản sao của chân lý tiên khởi; chân lý tiên khởi chỉ có trong bản gốc – đó chính là Chúa trời. Anselm hoàn toàn theo tinh thần của Augustino: Augustino dưới ảnh hưởng của tư tưởng Plato quan niệm rằng chân lý tiên khởi, cái Thiện tiên khởi, cái bản gốc mới là hiện thực, bao quát toàn bộ tồn tại, hữu thể và nhận thức của con người [30, tr. 122].
Tóm lại, nội dung chủ yếu trong học thuyết của Anselm là quan niệm về Đấng Thần – Nhân. Khi lập luận chỉ có Đấng Thần – Nhân mới có thể đền bù thỏa đáng cho tội lỗi của loài người, mục đích của Anselm là trình bày Đức Kito như “một giáo lý có thể có cơ sở lý tính” [52, tr. 159]. Từ quan niệm về Đấng Thần – Nhân, ông luận chứng cho sự tồn tại của Thượng đế và đưa ra quan niệm về chân lý. Theo ông, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa là con người đã thiết lập các giao ước mới, xác nhận giao ước cũ nên sự tồn tại của Người cũng như các giao ước của Người là chân thật. Những luận chứng của Anselm về sự tồn tại của Thượng đế có ảnh hưởng lớn tới thời kỳ kinh viện trung cổ cũng như thời cận đại.