7. Kết cấu của luận văn
2.2. Quan niệm của Augustino về mối quan hệ giữa đức tin và lý trí
Augustino được coi là một trong những tên tuổi lớn nhất của giáo phụ học trung cổ. Ông cố gắng dung hòa đức tin Kito giáo và tư tưởng của chủ nghĩa Plato mới, sự hiểu biết về Thiên Chúa theo Thánh Kinh và theo học thuyết Plato mới. Thực chất học thuyết của Augustino chính là kết hợp chủ nghĩa Plato mới với triết học Kito giáo, nhằm mục đích biện luận cho những giáo lý tôn giáo. Ông đưa ra luận điểm nền tảng: “tin để hiểu”. Bởi theo ông, là người ai cũng phải tin vào một điều gì đó. Lúc còn trẻ thơ, tôi tin vào cha mẹ tôi, ở trường tôi tin trước hết vào lời thày; khi trưởng thành trong cuộc sống, tôi trao gửi niềm tin vào cái gì đó thiêng liêng. Đối với Augustino, “Đức tin Công giáo dạy rằng chỉ duy có Thiên Chúa là bản tính phi nguyên lý, nghĩa là sự thiện tối cao và bất biến… tiếp đến, đức tin dạy rằng, từ sự thiện tối cao bất biến này, vũ trụ và mọi sự tốt lành đã được sáng tạo, vì chúng đã tạo dựng từ hư không và do chúng biến dịch… Như vậy hoàn toàn không một bản tính nào mà lại không phải hoặc là chính Thiên Chúa hoặc do Người sáng tạo, đến nỗi
không một hữu thể nào, xét theo bản tính mà lại không tốt lành” [69, tr. 43]. Theo đó thì đối với con người, đức tin là điều kiện tiên quyết, nhưng chưa phải là điều kiện đủ của nhận thức. Con người không chỉ tin mà còn phải suy nghĩ về những gì mình tin. Tin còn đòi hỏi sự hiểu biết. Nhưng dù lý trí con người có hoàn hảo đến đâu vẫn không thể thâu tóm thế giới vô hình, phạm vi thể hiện của nó hẹp hơn đức tin. Cái gì tôi hiểu thì tôi mới tin nhưng không phải cái gì tôi tin thì tôi hiểu. Lý trí không kiểm soát hành vi của ý chí. Ông đã chia đối tượng của đức tin ra ba nhóm: những khách thể hiển nhiên không cần sự xét đoán của lý trí; những khách thể mà để tin cần phải có luận cứ chứng minh và những khách thể cần phải tin. Đối với tôn giáo, cụ thể là Kito giáo, tin là cơ sở của nhận thức: “Tin vào Thiên Chúa cần đi trước nhận thức. Tin giúp con người hiểu sâu sắc hơn. Không tin không hiểu” [16, tr. 80]. Và theo Augustino, chân lý khoa học cũng là một kiểu đức tin đặc biệt, nhưng ở đó đức tin không kiểm soát lý trí mà lý trí kiểm soát đức tin. Chân lý, thước đo của nó là sự tự ý thức của con người, bởi dù cho nghi ngờ thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng phải tin rằng chúng ta đang tồn tại, đang vận động, đang suy nghĩ, đang mong muốn, đang hình dung, đang nghi ngờ. Con người không cần tìm kiếm chân lý đâu xa, nó có sẵn, nằm trong mỗi chúng ta - chính tâm hồn con người. Ở đó có sẵn một chân lý tối cao, nảy sinh mọi chân lý khác: Thượng đế. Thượng đế là cái sáng tạo ra tất cả, là tuyệt đối. Augustino tin tưởng vào chân lý tuyệt đối, vĩnh hằng và kiến thức bản năng mà Chúa đưa vào trí tuệ của nhân loại. Nhưng kiến thức quan trọng nhất là kiến thức về Chúa, về kế hoạch cứu rỗi nhân loại của Người.
Theo Augustino, nhờ có lòng tin, con người nhận biết Thiên Chúa, nhờ có lý trí con người am tường được Đấng Anh Minh là nguyên nhân mọi sự. Đối với người chưa có lòng tin thì học biết về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, tìm kiếm Người trong những quy luật của thực tại. Trong thực tế đã có nhiều
người gặp được Chúa khi đang mải mê chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ. Đối với người đã có lòng tin vào Thiên Chúa thì tìm hiểu thêm để kiểm chứng lòng tin của mình, nhận biết về Người một cách sâu xa hơn và tin tưởng chắc chắn hơn. Lý trí và đức tin không tách biệt nhau, không làm cho con người mất khả năng nhận biết mình, nhận biết thế giới xung quanh, và quan trọng là nhận biết Đấng đã làm cho thế giới có trật tự là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn mỹ.
Mặt khác, mọi người đều khát vọng hiểu biết, đối tượng của khát vọng ấy chính là chân lý. Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị vượt trội hơn mình, và từ đó, con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về đức tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với đức tin tôn giáo. Một lần nữa, sự hài hòa cơ bản của nhận thức triết lý với sự cảm thức của đức tin được củng cố. Đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được lý trí hiểu biết, phân tích; còn lý trí khi nghiên cứu cho đến cùng, phải chấp nhận điều đức tin trình bày.
Quan niệm về sự thống nhất giữa lý trí và đức tin cho phép Augustino sử dụng các phương pháp triết học để lý giải vấn đề chân lý, nhất là chân lý của đức tin. Trong những tác phẩm hồi trẻ, thánh Augustino còn cố gắng vượt qua đức tin thuần tuý của Tertullien, dành cho lý trí một vị thế danh dự trong tương quan với đức tin, song khi đã đứng tuổi, ông dứt khoát đứng về phía các giáo phụ chính thống, khẳng định vai trò độc quyền tư tưởng của Giáo hội đối với đời sống tinh thần của xã hội, lý trí phụng sự đức tin, khoa học phụng sự tôn giáo.
Lúc đầu, Augustino theo dị giáo, từ phái Mani đến chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa Khắc kỷ, chủ nghĩa Plato mới, và mãi đến năm 386 mới chuyển sang Kito giáo dưới sự tác động của các giáo phụ. Do hoàn cảnh được tiếp xúc với rất nhiều trường phái triết học, đặc biệt là với chủ nghĩa Plato mới, ông đã đặt ra cho mình nhiệm vụ: chứng minh những giá trị văn hóa Hy Lạp - La Mã cổ đại nói chung, triết học và khoa học nói riêng đã không còn thích hợp trong hoàn cảnh lịch sử mới. Theo ông, mọi nẻo đường của tư duy triết học và khoa học đều hướng đến một chân lý duy nhất, mà việc nhận thức nó đòi hỏi kết hợp lý trí và đức tin, trong đó đức tin đóng vai trò dẫn dắt, định hướng.
Với thiên tài tư tưởng của riêng mình, Augustino đã tố giác chủ trương nhị nguyên siêu hình của thuyết Mani cùng chủ trương phiếm thần duy vật của nó: “Mani khẳng định hai nguyên lý khác biệt nhau và đối lập nhau, nhưng cũng là vĩnh cửu và đồng vĩnh cửu, nghĩa là đã luôn luôn hiện hữu… Theo giáo thuyết của họ không chống lại nhau và lẫn lộn với nhau, sự thiện tự thanh tẩy khỏi sự ác thì bị kết án với tội ác đến muôn đời. Đây là những khẳng định của họ, họ bịa ra bao nhiêu là chuyện hoang đường… Họ nói rằng vị Thiên Chúa đã ban lề luật qua Mose và đã phán qua miệng các tiên tri Do Thái không phải là Thiên Chúa thật, nhưng là một trong số các ông Hoàng tử tối tăm. Còn về các sách Tân Ước, họ đọc nhưng như bị bóp méo đi đến nỗi họ chỉ chấp nhận những gì họ yêu thích và loại bỏ những gì không vừa ý: họ thích các nguỵ thư hơn là các sách thánh, như thể chúng chứa đựng tất cả các chân lý…” [Dẫn theo 69, tr. 125]. Augustino đả kích mạnh mẽ học thuyết này vì nó không tin vào Jesus Kito và không chấp nhận đức tin, mà muốn nhấn mạnh đến lý trí.
Augustino đã đặt ra câu hỏi: Làm sao giải thích được việc Kito giáo lan rộng khắp nơi? Ông đã lý giải vấn đề này bằng những điều không thể tin được trong Kito giáo. Điều không thể tin được đầu tiên là việc tin rằng thân thể của
Đức Jesus, dù là xác phàm đã được rước lên trời. Điều không tin được thứ hai là cả thế giới đã tin điều không thể tin được đầu tiên. Trong hai điều không thể tin được này, chúng ta thấy một điều đã thành sự, đó là thế giới sẽ tin một điều không thể tin được. Điều không tin được thứ ba là việc Đức Jesus Kito đã phục sinh trong xác phàm và với chính xác phàm này Người đã lên trời. Đó là những điều không thể tin được nhưng thế giới đã tin, và nếu xét xem bằng cách nào mà thế giới đã tin thì việc này càng khó tin hơn nữa. Đức Jesus Kito đã sai một nhóm nhỏ những người vô học, dân đánh cá hoàn toàn mù mịt về văn chương chữ nghĩa, trong tay chỉ có lưới đức tin, vậy mà mẻ lưới của họ có vô số cá đủ các loại, trong đó có cả triết gia, dù giống này rất khó bắt [52, tr. 125]. Nếu đó là những điều không thể tin được thì do đâu mà người ta vẫn tin? Thế giới đã tin nhóm nhỏ những con người vô danh, vô học đó bởi vì chứng nhân càng thấp hèn bao nhiêu thì oai phong Thiên Chúa càng toả sáng bấy nhiêu. Sức thuyết phục của họ không phải ở lời nói mà là ở phép lạ: những người chỉ biết nói một thứ tiếng, cùng lắm là hai, thế mà có thể rao giảng bằng các thứ tiếng; một người què từ lúc sinh ra đời, chỉ cần một lời nói của họ nhân danh Đức Jesus Kito là có thể đi lại bình thường; khăn vải mà họ đụng tới có thể chữa lành bệnh nhân, thậm chí bóng của họ cũng chữa lành vô số những con người mắc đủ thứ bệnh…
Mối quan hệ giữa đức tin và lý trí, giữa Kinh Thánh và triết học Hy Lạp
cổ đại được thể hiện rõ nhất trong quan niệm của Augustino về tồn tại. Tồn tại,
theo cách hiểu của Augustino bao gồm các đặc tính và các cấp độ cơ bản:
+ Tính vĩnh cửu, bất biến, không chịu sự chi phối của thời gian, không bị hủy diệt.
+ Tính đơn giản, không phân chia.
+ Mô thức thuần túy. Thiên Chúa là tồn tại hoàn hảo nhất, tồn tại tối cao, thực thể tối cao, mô thức tối cao, điều lợi tối cao [16, tr. 85].
“Tồn tại” của Augustino có gì đó tương đồng nhưng lại rất khác biệt với “ý niệm” của Plato cũng như “đơn nhất” của Plotin. Giống nhau vì chúng đều là những cái bản chất, vĩnh cửu, bất biến. Nhưng đối với Plotin, mọi cái đều xuất phát từ đơn nhất rồi lại quay trở về với đơn nhất thông qua con đường dẫn xuất; còn đối với Augustino, Thiên Chúa đã là tồn tại thực sự, các sự vật khả biến dường như không tồn tại, nếu còn tồn tại ở mức độ nào đó thì những tồn tại ấy phải lệ thuộc vào tồn tại bất biến kia - Thiên Chúa.
Khi bàn về mối quan hệ giữa thời gian và vĩnh cửu, theo Aristote, thời gian không vĩnh cửu vì thời gian xuất hiện cùng vũ trụ, mà vũ trụ lại được sáng tạo bởi Thiên Chúa. Còn thánh Augustino không trả lời câu hỏi trên mà đưa ra cách lý giải riêng của mình về tương quan giữa thời gian và vĩnh cửu, về thước đo và bản chất của thời gian.
Lý giải thứ nhất thừa nhận Thiên Chúa như một hữu thể bất biến, vĩnh cửu, còn thời gian trong quá trình Chúa sáng tạo ra thế giới và đo lường sự sáng tạo ấy theo trình tự trước sau nên cũng chịu chung số phận với thế giới. Là cội nguồn của thời gian, Chúa không phải trải qua “trước kia” và “sau khi”, vì trong thế giới, những ý tưởng của Thiên Chúa hiện ra tất cả một lần và mãi mãi. Cũng sẽ vô nghĩa nếu hỏi cái gì hiện hữu khi thế giới chưa hình thành, bởi “Chúa là đấng làm nên thời gian, cho nên nếu có một thời gian nào trước khi Chúa tạo dựng trời và đất thì làm sao nói được Chúa ở? Vì chính thời gian đó do Chúa làm nên và không thời gian nào có thể đi qua trước khi Chúa làm nên thời gian… Các năm của Chúa ví như một ngày và ngày của Chúa không thay đổi hằng ngày mà là một hôm nay, vì ngày hôm nay của Chúa không nhường chỗ cho ngày mai, cũng chẳng kế tiếp ngày hôm qua, ngày hôm nay của Chúa là vĩnh cửu… Chúa đã làm nên mọi thời gian và Chúa có trước thời gian” [4, tr. 676-677].
Như vậy, thời gian và toàn bộ thế giới có khởi điểm từ hữu thể bất biến, vĩnh cửu – Thiên Chúa. Trong khi sáng tạo các sự vật, Thiên Chúa xác lập thước đo sự thay đổi của chúng - tức thời gian.
Lý giải thứ hai căn cứ trên mối quan hệ của các phạm trù thời gian như quá khứ, hiện tại, tương lai tương quan với tính vĩnh cửu của hữu thể tối cao. Theo Augustino, hữu thể là cái bây giờ, cái đang có, vì thế vấn đề thời gian chỉ có tính cách tương đối. Vậy có nên hỏi về sự hiện hữu của quá khứ và tương lai hay không, nếu như cái mà ta gọi là quá khứ đã không còn và cái mà ta gọi là tương lai thì vẫn chưa hiện hữu? Chỉ có cái thực tại mới thực sự hiện hữu, nếu hữu thể luôn là hiện tại mà không có quá khứ lẫn tương lai thì không còn là thời gian mà là vĩnh cửu. Nếu hiện tại là thời gian chỉ vì tương lai chuyển sang quá khứ thông qua hiện tại thì làm sao nói rằng nó có, mặc dù cơ sở hiện hữu của nó ở cái nó chưa có? Thời gian không tồn tại đích thực mà là hình thức hiện hữu của sự vật, được đo lường theo tương quan nhân quả, trước sau theo những diễn biến. Theo Augustino, “có ba thời gian: hiện tại của các sự quá khứ, hiện tại của các sự hiện tại, hiện tại của các sự tương lai. Ba cách thức đó, con thấy trong trí chúng con mà không thấy ở nơi nào khác. Hiện tại của các sự quá khứ là ký ức, hiện tại của các sự hiện tại là trực quan, hiện tại của các sự tương lai là mong chờ” [4, tr. 689]. Do tính nhanh chóng của dòng chảy thời gian mà ngay cả hiện tại cũng khó chặn đứng để có thể đo lường, ta chưa kịp đo thì hiện tại đã vụt thành quá khứ và tương lai lại hiện diện. Chúng ta không thể đo được thời gian của sự vật khả biến mà chỉ có thể đo được những ấn tượng do diễn biến của nó lưu lại trong tâm hồn. Trong mối quan hệ với Thiên Chúa, Chúa có trước thời gian, và không có thời gian nào, không có tạo vật nào, dù siêu thời gian đi nữa được tham dự sự vĩnh cửu của Chúa.
Vậy tại sao con người hữu hạn lại nhận thức được cái vô hạn, bất biến của Thiên Chúa? Theo Augustino, giống như Plato, nhận thức là hồi tưởng
thông qua ký ức. Ký ức là chân lý trong ta, là “bể chứa tri thức”. Chúng nằm sẵn trong chủ thể, chỉ cần tập trung tư tưởng, chúng sẽ bộc lộ ra: “Này con đã rảo qua khắp nơi trong ký ức để tìm kiếm Chúa ở ngoài nó. Vì từ ngày con học cho biết Chúa, con không tìm thấy sự gì về Chúa, mà không do ký ức nhớ ra, vì từ ngày đó, con không quên Chúa nữa. Vì ở đâu con tìm thấy chân lý là ở đấy con tìm thấy Chúa con, là chính chân lý, mà từ ngày con đã học biết, con không quên Chúa nữa” [Dẫn theo 69, tr. 48-49]. Quan điểm nhận thức này là tiền đề của học thuyết thần khải hay khải thị, một trong những đặc trưng của thánh Augustino, một phương án kết hợp trường phái Plato với thế giới quan Do Thái Kito giáo, khoa học với thần học. Trí tuệ phán quyết đúng về sự vật nhờ có ánh sáng của chân lý dẫn dắt - thứ ánh sáng không thể quan sát bằng mắt thường, không thể đặt trong tương quan không gian thời gian,