Chương 2 Thực trạng giáo dục và đào tạo ở tỉnh Tuyên Quang
3.3. Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng
lượng và phân bố hợp lý giữa các vùng.
Trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng giáo dục, họ đảm nhận khâu trong công nghệ tái sản xuất tạo ra sức lao động kỹ thuật, tái sản xuất ra chất xám. Vì vậy, phải cấp bách xây dựng cho được đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, tập trung tâm lực vào sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.
Đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, sử dụng hợp lý và khai thác có hiệu quả tài năng của họ là khâu đột phá có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục. Do vậy, ngành giáo dục tỉnh cần tiếp tục phải thường xuyên đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên theo chức danh chuẩn, từ đó tiến hành bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, tự cập nhật kiến thức, phát huy năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của giáo viên.
Chất lượng giáo viên hiện nay trong toàn tỉnh hầu như đã được nâng lên đạt chuẩn, nhưng nếu không được thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo lại thì sớm muộn kiến thức sẽ bị mai một, không còn phù hợp, không thể bắt nhịp được với đòi hỏi trình độ của người học và yêu cầu chung của nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do vậy tỉnh cần đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chế độ động viên giáo viên đi học nâng cao trình độ
chuyên môn, đặc biệt cần có chính sách đãi ngộ thoả đáng, động viên giáo viên đi học học lên sau đại học, thạc sĩ… Ngoài ra, hàng năm, vào dịp nghỉ hè cần tổ chức thường xuyên hơn nữa những đợt “bồi dưỡng kiến thức hè” cho tất cả đội ngũ giáo viên trong tỉnh, như vậy để những giáo viên chưa có điều kiện đi học vẫn có điều kiện được thường xuyên bổ xung những kiến thức mới, những vấn đề cập nhật. Đồng thời cần tiến hành sàng lọc những giáo viên không đủ tiêu chuẩn để có biện pháp nâng số giáo viên này lên trình độ đạt chuẩn, không nên để xẩy ra tình trạng trình độ chênh lệch kiến thức giữa các giáo viên quá lớn, khoảng cách này cần phải được rút ngắn càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần xác lập vị trí cao quý của người thầy trong xã hội trên tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Bên cạnh đó cần tiến hành chuyển dịch thang giá trị nghề nghiệp sao cho có thể thu hút ngày càng nhiều người tài giỏi tham gia vào nghề dạy học. Chỉ như vậy mới có thể sản sinh ra lớp lớp những con người tài giỏi cho xã hội, đáp ứng yêu cầu chung của sự phát triển đất nước. Vì vậy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp quan trọng nhất để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trước hết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Không chỉ chú ý đến nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên, mà còn cần phải chú ý đến việc tăng số lượng giáo viên hàng năm. Nếu chất lượng giáo viên đã đạt chuẩn và có trình độ tương đối cao mà lại phải dạy nhiều, quá quy định thì kết quả giáo dục thu được sẽ không được đảm bảo, bởi nó sẽ làm giảm đi lòng say mê, nhiệt huyết trong quá trình truyền đạt kiến thức của người dạy tới người học, do cường độ làm việc lớn dẫn tới sự mệt mỏi, chán nản . Đây là công việc cần phải có thời gian và biện pháp, bước đi phù hợp, có thể nói đây là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, cho nên không thể giải quyết trong ngày một ngày hai được, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, sẽ dẫn tới hiện tượng số lượng có thể đủ, nhưng chất lượng lại rơi vào tình trạng bất ổn. Thà chậm nhưng chắc, còn hơn là giải quyết được nhu cầu trước mắt,
mà không tính đến hậu quả lâu dài, làm giảm vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.
Ở đây có thể sử dụng nhiều biện pháp như cần xây dựng chính sách riêng của tỉnh để thu hút, khuyến khích những học sinh phổ thông khá, giỏi thi và đỗ vào các trường Đại học Sư phạm trung ương và sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ quay trở về phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Hay như có thể chú ý nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho giáo viên, đảm bảo cho người thầy có thể cống hiến hết khả năng của mình cho sự nghiệp “trồng người”…
Một vấn đề nữa cần chú ý, đó là việc phân bổ giáo viên giữa các vùng. Hiện nay nơi thừa, nơi thiếu giáo viên vẫn còn xẩy ra trong toàn tỉnh. Với đặc thù là một tỉnh miền núi, Tuyên Quang có địa hình phức tạp, giao thông đi lại rất khó khăn. Hơn nữa, điều kiện kinh tế - xã hội ở khu vực này còn nhiều khó khăn, việc giáo viên tự nguyện lên đây công tác là rất ít, còn bộ phận phải đi theo diện trách nhiệm, nghĩa vụ thì sau khi hết thời gian nghĩa vụ thì họ cũng nhanh chóng chuyển đi, nên tình trạng giáo viên thiếu ở các cấp học vẫn diễn ra phổ biến. Do vậy ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cần có những biện pháp tích cực để mở rộng diện đào tạo giáo viên hơn nữa, đặc biệt khi tuyển cần chú ý đến hệ đào tạo theo đại chỉ, hoặc hệ cử tuyển, trực tiếp lấy những người đang cư trú tại những nơi còn thiếu giáo viên, đồng thời quan tâm đến đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số, để sau khi được đào tạo xong họ sẽ quay về phục vụ cho chính địa phương mình.