Chương 2 Thực trạng giáo dục và đào tạo ở tỉnh Tuyên Quang
3.4. Đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo
Quản lý giáo dục và đào tạo là công tác tổ chức các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo; bao gồm những nội dung: chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách phát triển giáo dục; tổ chức và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục; hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung, kế hoạch, chương trình đào tạo, về quy chế thi cử, cấp văn bằng… Như vậy có thể thấy công tác quản lý
giáo dục và đào tạo là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nó như là “kim chỉ nam” cho hoạt động giáo dục đạt được mục tiêu đã đề ra.
Trong những năm vừa qua, công tác quản lý giáo dục ở tỉnh Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho sự nghiệp phát triển giáo dục thành công. Song bên cạnh đó, cũng phải thấy được công tác này hiện nay vẫn còn hạn chế, bất cập cần khắc phục như: chậm đưa ra các giải pháp mang tính đồng bộ; chức năng hoạt động, điều hành giáo dục chưa khoa học, thiếu nhạy bén…
Để thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong những năm tới công tác quản lý giáo dục cần phải được đổi mới, cụ thể là:
Trước hết cần phải rà soát lại đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Quản lý giáo dục là hoạt động đòi hỏi phải có tư duy khoa học cao, do vậy cần phải có những người chuyên trách được đào tạo, có năng lực quản lý thực sự; ngược lại những người chưa đủ trình độ phải được đưa đi đào tạo lại hoặc chuyển sang làm những công việc khác.
Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc đảm bảo thực hiện mục tiêu, kế hoạch, nội dung, phương pháp giáo dục, chương trình đào tạo, quy chế thi cử…, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích đang rất phổ biến hiện nay, để giáo dục và đào tạo thực sự phát huy vai trò của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ ba, tiến hành xắp xếp và củng cố hợp lý các đơn vị quản lý từ sở đến các trường, để làm sao nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của người làm công tác quản lý phải gắn kết với nhau. Đặc biệt đối với những huyện thuộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trong đội ngũ những người làm công tác quản lý cần lưu ý đến những người thuộc thành phần dân tộc thiểu số. Vì khi tiến
hành công việc quản lý giáo dục ở khu vực này thì họ sẽ là những người thực hiện có thể nói là tốt hơn so với người kinh hay người miền xuôi lên làm.
Khi tiến hành công tác quản lý giáo dục và đào tạo cần có sự thống nhất từ trên xuống dưới trong mọi hoạt động, về chuyên môn, về hoạt động quản lý, về sử dụng kinh phí giáo dục… Đồng thời, các cấp, ngành giáo dục ở cơ sở phải kịp thời tổng kết hoạt động thực tiễn, rút kinh nghiệm và báo cáo tình hình, đề xuất ý kiến với cấp trên để kịp thời bổ xung, điều chỉnh các chủ trương, kế hoạch cho phù hợp. Hiện nay Luật Giáo dục mới năm 2005 đã được ban hành, do vậy đã có một hành lang pháp lý, bảo đảm cho các hoạt động giáo dục ổn định cả quy mô, chất lượng, hiệu quả, góp phần đắc lực cho sự phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Vấn đề là khi thực hiện luật phải thực hiện một cách nghiêm túc trong tất cả các cấp, ngành trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy có thể thấy công tác quản lý giáo dục và đào tạo là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nó được coi là bộ phận điều hành toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo, nó có thể thúc đẩy việc phát huy hay không phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo đối với xã hội, là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân, mặc dù lực lượng những người làm công tác này không tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực. Do vậy, khi hoạch định đường lối, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo cần phải chú ý đến đội ngũ này để làm sao tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt chức năng của mình và đem hết khả năng của bản thân phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.