Biến đổi chức năng gia đình

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Tỉnh Hưng Yên hiện nay (Trang 40 - 47)

1.2. Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

1.2.3. Biến đổi chức năng gia đình

a - Chức năng tái sản xuất ra con người

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì vậy, đang diễn ra nhiều sự thay đổi của gia đình trong đó có chức năng của gia đình.

Xã hội Việt Nam không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu nguồn cung cấp sức lao động và thiếu nơi tái tạo ra sức lao động mới. Vì

vậy, chức năng tái sản xuất ra con người của gia đình Việt Nam trước sau vẫn là một chức năng cơ bản và không thể thay thế. Nhưng ngày nay chức năng này có những biến đổi bất thường so với trước đây. Trong quá khứ cũng như ngày nay, mục đích của hôn nhân là sinh con đẻ cái, để có người nối dõi, có người để nương tựa lúc tuổi già. Do vậy, đại đa số mọi gia đình đều muốn đông con nhiều cháu. Nếu như gia đình Việt Nam truyền thống quan niệm nhà có phúc là nhà có lắm con, nhiều cháu, thêm người là thêm lộc, “mỗi con mỗi lộc”, “nhiều con nhiều của” thì quan niệm này ngày nay đã có sự thay đổi. Các gia đình không muốn sinh nhiều con, cùng với chính sách kế hoạch hóa gia đình nên mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con để có điều kiện nuôi dạy con cái, đồng thời để có thời gian tham gia công tác xã hội và chăm lo cho sự nghiệp, cũng như phát triển kinh tế.

Ở nước ta, nhu cầu sinh con là yếu tố có ý nghĩa quyết định sự tồn tại của mọi gia đình. Thời gian qua, cuộc vận động dân số- kế hoạch hóa gia đình đã đạt được nhiều kết quả. Số con trung bình thực tế của các gia đình là 2,23 con năm 2004 xuống còn 1,99 con năm 2011 [47, tr. 33]. Như một quy luật chung đối với các nước và các vùng, phụ nữ có văn hóa cao thường sinh ít con, các cặp vợ chồng ở thành thị không sinh nhiều con như ở nông thôn và càng ngày tuổi sinh con đầu lòng của người mẹ cũng cao hơn do kết hôn muộn. Số con sinh ra bình quân của một phụ nữ đã giảm rõ rệt và kết quả đó đã góp phần đáng kể vào thành công của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, bảo vệ sức khỏe cả bà mẹ và trẻ em và quan trọng hơn là tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng gia đình hạnh phúc bằng việc thực hiện quy mô gia đình ít con.

Mặc dù có rất nhiều tiến bộ trong vấn đề sinh con, nhưng tâm lý muốn có con trai để “nối dõi tông đường”, mong “có nếp có tẻ” cũng như để đáp ứng nhu cầu lao động nặng nhọc trong nhiều gia đình nông thôn vẫn là một trong vấn đề xã hội hiện nay ở nước ta.

Bảng 4: Lý do phải có con trai chia theo thành thị - nông thôn (%) Lí do Vùng địa lí

Thành thị Nông thôn Chung

Nương tựa tuổi già 47,7 56,0 54,2

Có người nối dõi 88,3 85,0 85,7

Để có người làm việc lớn 21,3 24,1 23,4

Để có người thừa kế tài sản 9,7 7,5 8,0

Để có sức lao động 9,6 7,4 7,9

Để mọi người khỏi chê cười 4,8 6,8 6,4

Nguồn:[7, tr. 93-94]

Như vậy, nguyện vọng nhất thiết phải sinh con trai cho thấy tâm lý quý con trai hơn con gái vẫn còn khá nặng nề trong các cộng đồng dân cư. Nguồn gốc của tâm lý này xuất phát từ quan niệm truyền thống về vai trò của con trai trong gia đình Việt Nam: thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ già, trụ cột về kinh tế.

Tuy thực trạng trên còn khá phổ biến trong xã hội Việt Nam, song, có một số ít đôi vợ chồng trẻ lấy nhau nhưng không muốn sinh con để được tự do thoả mái, không vướng bận.

Trước đây, không có sự tách rời giữa chức năng sinh đẻ của gia đình với sự thỏa mãn tình dục của đôi vợ chồng. Ngày nay, khi kinh tế phát triển, tiến bộ khoa học được áp dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực nên người phụ nữ hiện đại không còn bị bóc lột một cách vô lý như “một cái máy đẻ” thụ động. Và ngay cả đàn ông cũng không còn muốn hôn nhân chỉ đem lại cho họ một đàn con, mà họ còn muốn trong cuộc sống vợ chồng sẽ đạt được sự hòa hợp về tình dục đầy đủ. Đứa con sẽ là sợi dây gắn kết vợ chồng và tình dục trong hôn nhân cũng là một nhân tố tạo nên sự vững chắc của gia đình. Do vậy, với những thành tựu của y học, sinh học cũng như các khoa học, công nghệ, các cặp vợ chồng đã dùng biện pháp tránh thai, người ta đã tách được chức năng sinh đẻ ra khỏi nhu cầu

đáp ứng về tình dục và có thể kế hoạch hóa việc sinh con một cách hiệu quả mà vấn đề tình dục không bị ảnh hưởng.

b - Chức năng kinh tế

Công cuộc đổi mới đất nước đã làm cho chức năng kinh tế gia đình có những biến đổi tích cực. Việc thực hiện cơ chế kinh tế mới đã tạo điều kiện cho các gia đình phát huy tính năng động vốn có của mình để vừa giải quyết những vấn đề mang tính gia đình, vừa mang tính xã hội. Các quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quyền sử dụng ruộng đất lâu dài, quyền tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế gia đình được tôn trọng đã thực sự giúp cho các gia đình phát huy được các nguồn lực để phát triển kinh tế. Các gia đình đã chủ động, tự lực cánh sinh, biết nắm bắt thời cơ để vươn lên.

Trong nền kinh tế truyền thống, kinh tế hộ gia đình có vai trò to lớn; quyết định. Thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta gần như đã xóa bỏ kinh tế hộ gia đình, lấy hợp tác xã làm đơn vị kinh tế. Đến nay, khi đã trao quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ nông dân thì hình thức tổ chức sản xuất hộ gia đình đang là phổ biến: đồng thời, hình thành các mô hình hợp tác xã kiểu mới và cánh đồng to lớn trên cơ sở mối quan hệ qua đình song song. Với việc khuyến khích phát triển các ngành nghề, đang có sự bùng nổ các cơ sở kinh doanh tư nhân nhỏ, lấy hộ gia đình làm nền tảng để cung cấp lao động và vốn. Điều đó chứng tỏ rằng, gia đình vẫn là đơn vị sản xuất quan trọng của xã hội. Tất nhiên, kinh tế hộ gia đình không còn mang tính độc canh, khép kín như trước đây mà là một hộ sản xuất, một tổ hợp hoặc một trong những mắt khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Đó là một đơn vị sản xuất đa dạng, năng động với nhiều ngành nghề và nhiều nguồn thu nhập khác nhau. Mặc dù vậy, nhóm hộ gia đình có thu nhập chính từ lương, buôn bán, dịch vụ và nghề truyền thống có mức sống cao hơn nhóm có thu nhập từ làm ruộng và chăn nuôi. ở nông thôn, đang có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu

ngành nghề và cơ cấu lao động, một bộ phận đáng kể lao động nông nghiệp chuyển dần sang công nghiệp, nghề truyền thống hoặc dịch vụ. Hiện nay, có một bộ phận lao động không nhỏ từ nông thôn ra thành phố làm thuê, buôn bán để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chức năng kinh tế của gia đình được thể hiện ở hai dạng cơ bản. Dạng hoạt đông trực tiếp tạo ra tiền mặt như thu nhập từ lương, dịch vụ, làm thuê và dạng hoạt động gián tiếp là tạo ra sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của gia đình và xã hội như trồng trọt và chăn nuôi. Chính điều đó mà vai trò của phụ nữ không ngừng trong phát triển kinh tế gia đình. Phụ nữ là người đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, họ trở thành người lao động trực tiếp ở nhiều lĩnh vực sản xuất, nhất là trồng trọt và chăn nuôi. Họ cũng là những người trực tiếp tham gia các hoạt động dịch vụ góp phần tạo nên nguồn thu tiền mặt cho các gia đình. Cùng với chồng, người vợ cũng trở thành người tạo ra các nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. ở nông thôn, khi người chồng lao động để thu nhập bằng tiền cho gia đình thì người vợ trở thành lao động trực tiếp trong gia đình. Ở thành phố, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ cũng như tham gia trong các công sở. Như vậy, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, phụ nữ đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong xã hội nói chung và trong chức năng kinh tế nói riêng.

Như vậy, trong nhiều năm qua, vai trò kinh tế của gia đình đã có những biến đổi không chỉ đối với chức năng duy trì nòi giống mà còn cả chức năng kinh tế. Chức năng kinh tế của gia đình được vừa thể hiện vai trò của kinh tế hộ, vừa thể hiện vai trò của các thành viên trong gia đình. Nếu trước đây, các thành viên của gia đình chịu sự chi phối của người chủ gia đình thì trong cơ chế thị trường, các thành viên có sự độc lập của họ. Do thu nhập ngày càng tăng lên, các thành viên có thể tự trang trải cho sinh hoạt của họ kể cả việc thuê nhà ở, mua phương tiện đi lại hoặc

những tư liệu sinh hoạt đắt tiền nên họ ít phụ thuộc vào gia đình. Mặt khác, việc lao động xa đã không cho phép họ tự ràng buộc vào tổ chức đời sống gia đình.

c- Chức năng giáo dục gia đình

Không ai phủ nhận vị trí quan trọng của giáo dục gia đình, bởi đó là môi trường đầu tiên con người sinh ra và lớn lên. Trong nền kinh tế truyền thống, cuộc đời của mỗi người vừa gắn bó, vừa chịu sự chi phối thậm chí còn bị ràng buộc bởi lối sống của gia đình, bởi tính cách của các thành viên khác trong gia đình. Trong kinh tế thị trường, mỗi người tuy chịu ảnh hưởng của môi trường giáo dục gia đình ở tuổi trưởng thành, song, phần lớn cuộc đời lại chủ yếu chịu ảnh hưởng của xã hội. Những vấn đề của thị trường không chỉ ở ngoài xã hội mà nó mặc nhiên tồn tại ngay trong các gia đình. Hiệu quả của thu nhập, hiệu quả của các mối quan hệ vẫn là thước đo uy tín của từng thành viên. Mặt khác, do khoa học, công nghệ phát triển nhanh làm biến đổi sâu sắc đời sống vật chất và tinh thần của mọi người nên cả tâm lí cũng biến đổi nhanh. Hiện tượng lớp trẻ trưởng thành sớm, việc chúng có thể tạo nên thu nhập độc lập với cha mẹ, có lối sống, nếp sống khác với tuổi già đang có xu hướng tăng lên. Thông tin nhiều chiều, nhiều màu sắc, nhiều giá trị khác nhau đang được lớp trẻ tiếp thu một cách hào hứng cũng làm biến đổi chức năng giáo dục của gia đình.

d- Chức năng tổ chức đời sống gia đình

Chức năng tổ chức đời sống của gia đình có ý nghĩa quyết định đối với các thành viên trong gia đình truyền thống. Vì đó là nơi, mỗi thành viên của gia đình thư giãn sau một thời gian lao động mệt nhọc, là nơi để tái sản xuất sức lao động cho xã hội theo nghĩa vừa là nơi cung cấp nguồn lao động, vừa là nơi khôi phục, phát triển sức lao động cho xã hội. Bữa ăn trong gia đình truyền thống như một trong những tiêu chí tồn tại của một gia đình, có ý nghĩa đối với sức khoẻ của các thành viên thì

ngày nay đã khác. Do thời gian lao động khác nhau nên bữa ăn gia đình trong nền kinh tế thị trường không giống bữa ăn của gia đình truyền thống. Mỗi người phải tự lo ăn cho mình mà khó có thể có bữa cơm chung gia đình.

Như vậy, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, gia đình Việt Nam hiện nay có những thay đổi lớn lao do có sự chuyển biến từ mô hình truyền thống sang mô hình hiện đại. Những thay đổi lớn lao đó, một mặt, tạo ra những nhân tố tích cực, góp phần thúc đẩy gia đình và xã hội phát triển, phù hợp với thời đại, với nền kinh tế mới, mặt khác, nó tạo ra những thách thức không nhỏ cho gia đình nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, để gia đình làm tròn trách nhiệm là tế bào cơ sở của xã hội, là tổ ấm của mỗi thành viên, nơi đào tạo những thế hệ tương lai của đất nước thì việc quan tâm xây dựng một gia đình hiện đại mà vẫn kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi chúng ta.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự biến đổi của gia đình trong kinh tế trị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Tỉnh Hưng Yên hiện nay (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)