Những giá trị và hạn chế trong cải cách kinh tế xã hội, tài chính tiền tệ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng cải cách hồ quý ly và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 78 - 83)

Trong chính sách kinh tế

a. Những giá trị tích cực trong chính sách hạn điền

Trong kinh tế, Hồ Quý Ly đã chủ trương và thực hiện nhiều biện pháp canh tân nhằm tạo ra sự phát triển sản xuất rộng khắp trên cả nước, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện hạn chế, lại phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống xâm lược nên những chính sách đó chưa có điều kiện thực hiện, chưa tạo ra bước phát triển đáng kể cho đất nước.

Đáng chú ý nhất là chính sách hạn điền với tính hợp lý, cần thiết của nó. Đó cũng là điểm nổi bật trong những cải cách về kinh tế của Hồ Quý Ly. Trước sự bành trướng thế lực của vương hầu quý tộc nhà Trần và sự cướp đoạt ruộng đất của địa chủ quý tộc, nông dân ngày càng mất dần ruộng đất và nguy cơ biến thành nô lệ ngày càng tăng. Tình hình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống trị của Nhà nước quân chủ phong kiến, ảnh hưởng đến tình hình xã hội nói chung, nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển của sức sản xuất xã hội. Chính sách hạn điền là hợp lý

và cần thiết. Nếu chính sách này được thực hiện một cách triệt để thì tầng lớp quý tộc họ Trần, địa chủ quan lại và địa chủ bình dân (địa chủ không quan tước) đều bị suy giảm quyền lực ở mức độ nhất định, tầng lớp lao động được nâng đỡ, tình hình xã hội sẽ được cải thiện.

b. Những hạn chế trong chính sách hạn điền

Chính sách hạn điền của Hồ Quý Ly có những hạn chế rõ ràng mà nổi bật là tính là không triệt để. Theo chính sách này, Đại vương (trong đó có cá nhân Hồ Quý Ly) và Trưởng công chúa thì có quyền sở hữu ruộng đất vô giới hạn. Trong khi đây là một phần cần phải cải cách. Chính sách này cũng không cho biết số phần ruộng đất của tầng lớp quý tộc tôn thất (dưới Đại vương và Trưởng công chúa), các loại quý tộc quan liêu được giải quyết như thế nào. Chính sách đó đã có sự cào bằng đồng loạt, đi ngược lại với trật tự xã hội đương thời từ lâu đã đã tồn tại sự phân chia đẳng cấp rất nặng. Chính sách ấy không làm thỏa mãn các tầng lớp quý tộc thôn thất, quan lại, địa chủ bình dân và kể cả người nông dân. Cho nên, trong một thời gian ngắn, bước đầu thực hiện chính sách hạn điền, tầng lớp vương hầu, quý tộc giầu có thì bị tước mất ruộng đất; còn tầng lớp nô tỳ, nông dân nghèo thì chưa thấy được hưởng lợi lộc nào. Tâm lý oán hận, không tin tưởng, những hoạt động chống đối, không ủng hộ cải cách của các tầng lớp xã hội nảy sinh là không thể tránh khỏi.

Trong chính sách xã hội

a. Giá trị của chính sách hạn nô

Việc tầng lớp địa chủ quý tộc tập trung vào tay mình nhiều ruộng đất và cùng với nó là nô tỳ không những làm ảnh hưởng đến sức sản xuất xã hội mà còn ảnh hưởng đến thu nhập thuế khoá, lao dịch, binh dịch cho Nhà nước, do vậy việc

ban hành và thực hiện chính sách hạn nô là đúng đắn và cần thiết. Chính sách hạn nô có tác dụng:

Thứ nhất, chuyển một bộ phận nô tỳ của tư nhân thành nô tỳ của Nhà nước (quan nô), mà một số đó được sung làm điện tiền quân, tức là được giải phóng khỏi thân phận nô lệ.

Thứ hai, làm giảm bớt thế lực của tầng lớp quý tộc họ Trần và quý tộc quan lại.

Thứ ba, ngăn chặn xu hướng biến nông dân, lực lượng lao động chính của xã hội lúc bấy giờ, thành nô lệ.

Trong ba tác dụng kể trên thì tác dụng thứ ba là tác dụng có ý nghĩa nhất, bởi lẽ, nếu ngày càng có nhiều nông dân bị nô lệ hóa thì quan hệ kinh tế địa chủ - tá điền không có cơ hội phát triển.

Nói chung, chính sách hạn nô của Hồ Quý Ly về mặt chính trị có tác động làm suy yếu, đi đến triệt hạ toàn bộ thế lực của tầng lớp quý tộc, đại thần chế độ cũ; về mặt xã hội có khả năng giải phóng tầng lớp nô tỳ về mặt kinh tế có thể xây dựng nên một lực lượng lao động mới đặt dưới sự điều động, quản lý trực tiếp của Nhà nước.

b. Mặt hạn chế trong chính sách hạn nô

Mặt hạn chế trong chính sách hạn nô cũng rõ ràng. Từ năm 1397, thực hiện chính sách hạn điền, Nhà nước có thêm được diện tích ruộng công đáng kể, trong khi đó trong tay các vương hầu, quý tộc lại dôi ra số gia nô không có đất để canh tác. Tình trạng mất thăng bằng giữa số lượng lao động trên diện tích đất bị thu hẹp kéo dài 4 năm đã được nhà Hồ kịp thời điều chỉnh bằng chính sách hạn nô ban hành năm 1401. Nếu chính sách hạn nô có mặt tích cực về lâu dài là tạo điều kiện ban đầu để tiến tới giải phóng tầng lớp gia nô thì trước mắt, việc tách rời họ với

chủ ít nhiều cũng gieo vào lòng tầng lớp dân nghèo khổ ấy một sự hoang mang, lo sợ, nhất là khi làm nô tỳ cho vương hầu, quý tộc họ còn có thể chọn lựa, có thể còn được ở gần quê hương, còn khi sung vào lực lượng quan nô của Nhà nước thì họ có thể bị điều động đến bất cứ nơi nào theo yêu cầu của Nhà nước, có thể phải đến làm việc ở những vùng đất xa xôi, có thể đến tận những vùng hoang vu mà triều đình mới chiếm được…

Thời ấy, mặc dù nhà Hồ đã có sự chuẩn bị cẩn thận cho các công trình di dân khai khẩn vùng đất mới, nhưng nhà Hồ cũng không sao ngăn chặn được luồng dư luận hoang mang trong dân chúng khi mà vào năm 1403 đã có chuyện không may sảy ra đối với những người di dân: “Những người này lúc đi đường biển gặp gió bão, bị chết đuối nhiều, lòng dân rất là náo động” [31, 731].

Một điểm rất đáng để ý về mặt tâm lý, đối với tầng lớp nô tỳ, không phải lúc đó họ có thể hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc giải phóng họ khỏi kiếp sống nô tỳ, vì thế họ phẩn ứng tiêu cực. Nhà tư tưởng J.J Rousseau đã từng viết: “Người nô lệ mất hết trong gông cùm, mất cả lòng mong muốn thoát khỏi vòng nô lệ; họ yêu thích kiếp tôi tớ của họ, giống như bộ hạ của Ulysse yêu thích sự ngu đần của chúng”.

Trong chính sách tài chính – tiền tệ

a. Giá trị tích cực trong chính sách phát hành tiền giấy“Thông bảo hội sao”

Việc phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao” để thay thế tiền đồng được đánh giá là chính sách cải cách táo bạo nhất trong tư tưởng cải cách của Hồ Quý Ly. Đó thực sự là một biện pháp tài chính tiền tệ rất mới mẻ thể hiện rất rõ bộ óc siêu việt và quyết tâm cải cách một cách kiên quyết, triệt để của ông. Ông có cái nhìn trước thiên hạ, bất chấp khó khăn, khắc phục mọi trở ngại để đảm bảo cho chính sách phải được thực hiện đến nơi đến chốn.

Tiền giấy là phương tiện trao đổi gọn nhẹ, dễ cất trữ, tiện việc di chuyển hơn tiền đồng. Đối với Nhà nước, việc phát hành tiền giấy một mặt nhằm giải quyết khó khăn về tình hình tài chính trong khi cần phải có nhiều tiền để chi cho các công trình quốc kế dân sinh như mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi, đê điều mà ngân khố quốc gia lại đang cạn kiệt; mặt khác là lấy ra được một lượng đồng đáng kể để dùng vào việc chế tạo vũ khí và các việc làm khác để chống giặc ngoại xâm.

Về điều này, học giả Đào Duy Anh đã nhận định: “Nhờ việc thu đổi tiền, Nhà nước có trong tay một khối lượng đồng khá lớn và đã sử dụng chúng vào việc chế tạo vũ khí phục vụ nhu cầu quốc phòng mà ở thời điểm ấy đang trở nên vô cùng cấp thiết” [1, tr.466].

b. Hạn chế trong chính sách phát hành tiền giấy “Thông bảo hội sao”

Hạn chế trong chính sách phát hành tiền giấy là ở chỗ chính sách này đã ra đời, triển khai thực hiện quá sớm so với tình hình phát triển kinh tế lúc bấy giờ. Bởi lẽ những tiền đề kinh tế - xã hội cần thiết cho việc sử dụng tiền giấy chưa xuất hiện một cách đầy đủ: kinh tế hàng hóa chưa phát triển tới mức trao đổi hàng hóa tiền tệ đặt ra yêu cầu cao về sự có mặt của tiền giấy; uy tín của chính quyền nhà Hồ cũng như uy tín của riêng cá nhân Hồ Quý Ly chưa đủ đảm bảo cho lòng tin của xã hội đặt vào giá trị của đồng tiền này. Việc phát hành tiền giấy chưa phải là biện pháp tài chính phù hợp đã gây ra những khó khăn nhất định cho đời sống của nhân dân, nhất là góp phần làm gia tăng sự khổ cực của dân nghèo vì thị trường xáo động, vật giá gia tăng không kiểm soát được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng cải cách hồ quý ly và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 78 - 83)