Những giá trị và hạn chế trong cải cách quốc phòng, an ninh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng cải cách hồ quý ly và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 83 - 89)

Trong cải cách quốc phòng

a. Những giá trị trong cải cách quốc phòng

Năm 1397, việc Hồ Quý Ly cho quân lính xây dựng cơ sở tại An Tôn để rồi sau đó là chuyển hẳn kinh thành về nơi đây cho thấy đây là một sự tính toán khôn ngoan, có phần thực dụng về giải pháp chính trị và có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng.

Thứ nhất, việc làm này của Hồ Quý Ly góp phần giúp nhà Hồ tránh xa và để có điều kiện loại bỏ bớt sự phản kháng của tầng lớp quan lại, quý tộc nhà Trần vừa bị lật đổ.

Triều Trần, trải qua hàng trăm năm thống trị, với những chiến công lừng lẫy trong chống giặc ngoại xâm, với chính sách phát triển điền trang thái ấp quý tộc… đã tạo lập được cơ sở kinh tế, xã hội rộng khắp. Mặc dù lúc này triều Trần đã khủng hoảng, vương quyền đã chuyển dần sang tay họ Hồ nhưng lực lượng quan lại, quý tộc phù trần ở Thăng Long vẫn rất lớn. Việc dời kinh đô từ Thăng Long đến Tây Đô đã làm cho các thế lực đó mất đi chỗ dựa vững chắc về nhiều mặt, không còn hoặc khó có khả năng phản kháng nhà Hồ nữa.

Thứ hai, rời đô về Tây Đô còn là biện pháp để phòng bị chống giặc ngoại xâm đến từ phương Bắc mà nguy cơ đó đã hết sức rõ ràng, ngày càng lớn.

Nếu như nói Thăng Long là nơi thích hợp để xây dựng một kinh đô phát triển và mạnh hơn về kinh tế, thì An Tôn là nơi xây dựng một kinh thành cho phép phát huy thế mạnh về quốc phòng. Điều này phù hợp với điều kiện xã hội đang khủng hoảng nghiêm trọng trên cả hai mặt chính trị, quân sự và đặc biệt là đất nước đang đứng trước họa xâm lăng.

Những người chỉ trích việc dời đô từ trước đến nay đồng quan điểm cho rằng thực hiện việc đó nhằm Hồ Quý Ly tiến tới cướp ngôi nhà Trần, đó là sự chuẩn bị cho âm mưu thoán nghịch, cướp ngôi một cách phi nghĩa, thậm chí có người cho đó là một việc làm vừa ngu xuẩn, vừa vô đạo.

Song cũng có ý kiến cho rằng, việc đoạt ngôi vua từ tay họ Trần chuyển sang họ Hồ là một hành động tích cực để gánh vác trách nhiệm trước lịch sử, thì việc dời đô nhằm phục vụ một ý đồ như vậy cũng là một trong những việc làm cần thiết, đáp ứng yêu cầu khách quan lúc bấy giờ… Trong việc chuẩn bị phòng vệ đất nước trước ý đồ xâm lược của phương Bắc ngày càng cấp bách thì vị trí địa lý của Tây Đô có những điều kiện đáp ứng yêu cầu mang tính chiến lược về mặt quân sự. “Vì tính chất chiến lược nên giữ lấy vùng Thanh - Nghệ là một điều hoàn toàn đúng của những nhà quân sự có tài. Thanh Hóa là cái yết hầu. Dùng Thanh Hóa làm bàn đạp tiến ra có thể lấy được Thăng Long, lui về có thể giữ được cái thế cầm cự và có đủ thì giờ chuẩn bị nuôi dưỡng lực lượng. Ở đây ta cũng thấy rõ cái lỗi lạc của viên tướng Hồ Quý Ly” [18, tr.44].

Bàn về đô thành ở nước ta, nhà sử học Đặng Xuân Bảng đã từng nhìn nhận:

Thăng Long tuy là nơi bằng phẳng, mà có núi dựa, có biển ngăn, thực là nơi hình thắng (…). Nhưng đất này lại là nơi đồng bằng nội rộng, không có cái thế hiểm trở, núi cao, sông to, nếu thế ở ngoài ngẫu nhiên không được vững thì kẻ địch thừa thắng tiến vào, không đầy năm sáu ngày đã đến thẳng được dưới thành, trong thành lại không có viện binh tiến không được, lui không giữ được tất phải ngồi mà chịu chết”, “Cho nên nói về mặt đô hội thì Thanh Hóa không rộng bằng Thăng Long, mà nói về mặt hình thế thì Thăng Long không hiểm bằng Thanh Hóa. Cho nên lập đô dựng nước ngoài Thăng Long ra có lẽ không đâu hợp hơn Thanh Hóa[4, tr.42].

Quan điểm trên có những yếu tố hợp lý nhất định: Vùng An Tôn thuộc xã An Tôn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cách Ly Cung khoảng 70 km theo đường chim bay. Trong thành có điện Hoàng Nguyên (nơi vua ngự triều), cung Diên Thọ (nơi Hồ Quý Ly ở), cung Phù Cực (nơi vợ chồng Hồ Hán Thương ở) và Đông cung có Đông Thái Miếu thờ tông phái họ Hồ, Tây thái miếu thờ họ ngoại của vua Hán Thương (tức vua Trần Minh Tông và Trần Nghệ Tông). Ngoài ra trong thành còn có những nhà kho, nhà ngục, trại gia binh… Xung quanh thành ngoài bức tường thành bằng đá, kế đó là vòng hào vừa rộng, vừa sâu bọc quanh 4 bức tường thành phía ngoài. Bên ngoài cùng là một vòng thành bằng lũy tre gai dày đặc. Nhìn chung thành Tây Đô mang tính chất là một công trình kiến trúc quân sự lớn, ở nơi hiểm địa [20, tr.79-80].

Hơn nữa, “Tây Đô là một vùng trung du lắm sông nhiều núi, được án ngữ bốn mặt bằng bốn quả núi lớn: phía bắc có núi Thổ Tượng, phía đông có núi Hắc Khuyển, phía Tây có núi Ngưu Ngọa và phía nam có núi Đốn Sơn. Ngoài những bức bình phong như như vậy, Tây Đô còn được che chắn bởi những dòng sông. Sông Bưởi từ phía đông chảy tới hội tụ với sông Mã từ phía Tây chảy qua. Nhìn rộng ra mặt Tây và mặt Bắc, Tây Đô là cả một vùng rừng núi rộng mở của xứ Thanh, địa bàn chiến lược cực kỳ quan trọng trong nghệ thuật quân sự của nhiều thời đại trong lịch sử” [28, tr.33].

Bản thân Tây Đô cũng đủ tiêu chuẩn một kinh thành phòng ngự thủ hiểm. “Những vòng đai phòng ngự tự nhiên ở vòng ngoài bằng đồi, núi, sông, kết hợp với La thành bằng tre gai ở giữa và vòng trong là con hào vừa rộng vừa sâu có rải chông, hẳn là những chướng ngại đáng sợ đối với giặc. Đó là chưa kể tới bản thân tường thành có độ dày bề mặt tới 4 – 5m, chân rộng hàng chục mét với hai lớp đá và đất, cao tới 5 – 6m” [20, tr.49].

b. Mặt hạn chế của cải cách quốc phòng

Chính sách và phương pháp thực hiện cải cách quốc phòng của Hồ Quý Ly bộc lộ những hạn chế lớn và đó là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thất bại trong cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Thứ nhất, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế xã hội đang diễn ra, đời sống của các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn, việc xây kinh thành mới ở Thanh hóa với tường cao, hào sâu cùng với việc tháo dỡ các công trình của kinh thành Thăng Long, di chuyển vào Thanh Hóa để xây dựng công trình mới đã tiêu tốn rất nhiều nhân tài, nguồn lực vật chất của đất nước, làm cho sự bất mãn của nhân dân đối với nhà Hồ càng cao hơn.

Hồ Quý Ly chỉ tính đến địa hình, tính kiên cố của công trình quân sự và sức mạnh quân đội mà không biết đến sức mạnh của lòng dân, của chiến tranh nhân dân. Vì vậy ông đã bất chấp mọi sự khuyên can của triều thần để thực hiện xây đô và dời đô, nhưng kết quả cho thấy không gì mạnh bằng một kinh đô trong lòng dân tộc.

Thứ hai, triều Hồ vốn không có được niềm tin của nhân dân nhưng lại không biết dựa vào dân, không thực hiện được sự đoàn kết dân tộc, không tập hợp được sức mạnh cả nước cùng kháng chiến chống giặc như các triều đại trước đó đã từng làm.

Một nhược điểm chủ yếu về quân sự nằm trong tính chất quân đội của Hồ Quý Ly. Quân đội do Hồ Quý Ly xây dựng trước hết nhằm phục vụ tập đoàn quý tộc mới, trấn áp, tiêu diệt thế lực quý tộc Trần. Sau khi đoạt ngôi nhà Trần, Quý Ly tiếp tục dùng quân đội đó để đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân. Vì vậy, càng được tăng cường và củng cố, quân đội của nhà Hồ càng bộc lộ tính chất đối kháng với nhân dân. Câu nói của Hồ Quý Ly: “Làm thế nào có được trăm vạn

quân để đối phó với giặc Bắc” do đó, chỉ là một hoài bão không tưởng về cả hai mặt số lượng và chất lượng. Cuối cùng khi quân Minh kéo vào xâm lược thì tính chất đó càng bộc lộ rõ: Không phối hợp được với dân cùng chiến đấu, chỉ thua vài trận là rã rời, bạc nhược lực lượng tác chiến của nhà Hồ thiếu tinh thần chiến đấu và nhân tâm ly tán, “Quân của họ Hồ trăm vạn người trăm vạn lòng” [28, 130].

Sử cũ đã chép về sự kết thúc số phận nhà Hồ qua việc cha con Hồ Quý Ly không được lòng nhân dân, không được nhân dân che chở, bảo bọc: Lúc ấy Hồ Quý Ly vửa chạy đến vùng Kỳ La, định chạy vào Tân Bình. Dân ở đó có một ông lão ra bái yết, thưa rằng: “Xứ này là Ky Lê, trên có núi Thiên Cầm là điều không lành”, rồi ông lão khuyên vua Hồ nên đi nơi khác, chớ lưu lại ở đó. Quý Ly nghe vậy liền rút gươm chém chết ông lão ấy [9, tr. 218-219].

Thứ ba, Hồ Quý Ly đã quá tập trung vào việc xây dựng một kinh đô có ý nghĩa phòng thủ mạnh và quân đội mạnh mà không chú ý đến xây dựng một đội ngũ tưỡng lĩnh tài ba để cùng ông trù định quân mưu, triển khai chiến trận một cách hiệu quả, không bố trí một lực lượng quân sự thích đáng để kìm chân và tiêu hao địch từ khi chúng mới đặt chân vào biên giới cũng như tấn công, tiêu diệt phía sau một khi quân địch tiến sâu được vào nội địa. Bài học lịch sử từ các cuộc kháng chiến quân xâm lược nhà Tống của triều Lý, tiền Lê đã không được ông quan tâm thích đáng.

Trong đội ngũ tướng lĩnh cầm quân chiến đấu ngoan cường lúc ấy chỉ có Hồ Nguyên Trừng nổi lên như một yếu nhân, luôn có mặt ở vị trí chỉ huy trên các chiến trường. Song Hồ Nguyên Trừng lại tỏ ra là một tướng lĩnh không lấy gì làm xuất sắc, ông thất bại trong hàng loạt hoạt động quân sự quan trọng: Ở Lãnh Kinh trong lần chống giặc lần thứ nhất, ông xuýt bị vây hãm, ông mắc kế nghi binh của giặc để phòng tuyến Phú Lương bị phá; bị tan vỡ ở Hoàng Giang; sa vào bẫy giặc ở Hàm Tử.

Trong quá trình chống giặc Minh lần thứ hai, Hồ Quý Ly đã đặt hi vọng vào phòng tuyến Phú Lương, hầu như dốc toàn bộ lực lượng nhằm chặn chân giặc và mong muốn tiêu diệt chúng tại đây. Một số vùng gồm rừng núi hiểm trở và đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc từ biên giới đến bờ Bắc sông Phú Lương (sông Hồng) tuy ông có đặt mai phục, huy động nhân dân sơ tán, làm kế “thanh dã” để chống giặc nhưng lực lượng mỏng manh. Kế hoạch đó không phát huy được tác dụng kìm chân, tiêu hao giặc trên đường tiến quân cũng như tấn công sau lưng địch, không cho chúng rảnh tay tiến quân sâu vào nội địa, áp sát phòng tuyến Phú Lương. Mặt khác, trong khi dốc toàn bộ lực lượng vào phòng tuyến Phú Lương, Hồ Quý Ly đã để lại một hậu phương hầu như trống rỗng đến nỗi Tây Đô vững chắc, có địa thế hiểm trở với vùng Thanh Hóa – Nghệ An đất rộng, người đông là thế mà trở thành vô hiệu khi phòng tuyến Phú Lương bị vỡ.

Trong cải cách an ninh

a. Những giá trị trong cải cách an ninh

Cuối đời Trần tình hình trong nước rối ren, các tệ nạn tiêu cực nổi lên khắp nơi, không chỉ trong nhân dân mà cả trong chính giới và quý tộc Trần. Từ khi nắm quyền cai trị Hồ Quý Ly đã ra sức tổ chức và thiết lập lại an ninh xã hội với nhiều biện pháp cứng rắn, đặt ra nhiều tổ chức có chức năng coi giữ nhiều mặt của đời sống, nhằm ổn định lại tình hình đất nước và thực tế đã có những chuyển biến đáng kể. Mạng lưới an ninh hành chính do ông thành lập có ý nghĩa là hệ thống an ninh có tính chuyên biệt đầu tiên ở nước ta. Điều đó cho thấy Hồ Quý Ly đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh xã hội trong mối quan hệ với việc thực hiện những biện pháp pháp trị nhằm giữ vững trật tự xã hội, củng cố chế độ chính trị.

b. Những hạn chế trong cải cách an ninh

Tuy nhiên, có thể nói rằng, chính những quy định nghiêm ngặt trong việc xây dựng, kiểm soát an ninh, trật tự xã hội đã đẩy Hồ Quý Ly đến những hành động mang tính chất bạo lực, thậm chí tàn bạo, với cách trừng trị những kẻ có tội một cách dã man như: lăng trì, chém giết, đã tạo nên sự căm phẫn trong lòng nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng cải cách hồ quý ly và ý nghĩa lịch sử của nó (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)