0
Tải bản đầy đủ (.doc) (92 trang)

Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG TẠI HUYỆN ĐỒNG HỶ TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 38 -42 )

Trong mấy năm gần đây, cùng với những chuyển biến tích cực về KT- XH, mạng lưới đô thị quốc gia mở rộng và phát triền. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Việc phát triển nhanh và mạnh mẽ cùng với việc hệ thống đô thị Việt Nam thực sự là hạt nhân của quá trình phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên quá trình này cũng có tác động không nhỏ tới nguồn tài nguyên và những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Kinh nghiệm phát triển của các đô thị trong nước cùng các biện pháp mà những địa phương khác đang thực hiện khá hiệu quả là những bài học để đảm bảo một sự phát triển bền vững. Hoạt động quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường đã và đang được các địa phương thực hiện dựa trên những đặc điểm từng địa phương. Dưới đây đi sâu vào truyền thống bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường của các cộng đồng tại một số địa phương ở Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển của đất nước, các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam đã có truyền thống lâu đời trong việc sống hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, vừa bảo tồn thiên nhiên vừa khai thác một cách hợp lý. Trong bảo vệ rừng và sử dụng bền vững tài nguyên, cộng đồng đã có nhiều kinh nghiệm, tri thức bản địa và nhiều phương pháp sáng tạo, trong đó có việc quy định các hương ước. Hương ước do nhân dân địa phương tự nguyện quy định và thi hành nhằm bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên một cách hợp lý, giữ gìn đa dạng sinh học cho thế hệ đang sống và thế hệ tương lai. Những quy định về môi trường trong các hương ước đã góp phần

quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương, tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của mọi người dân trong cộng đồng làng xã. Trong quy định của một tổ của bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) thuộc khu đệm của vườn quốc gia Pù Mát, có ghi một điều: “Không bắn vượn khi chúng mang thai, nếu như chúng mắc bẫy thì phải thả ra”. Hay tại làng Peng, làng người Dao ở xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) có quy định trong khi bản bắn được một con nai, người trực tiếp bắn chỉ được hưởng một cái đùi trước của con nai để trả công săn bắn, còn toàn bộ phần còn lại thuộc về cả cộng đồng vì cộng đồng đã góp phần bảo vệ rừng và bảo vệ nai. Số nai bắn được tối đa mỗi năm chỉ là 3 con. Khi con nai thứ 3 bị bắn rồi, cả bản sẽ làm lễ kết thúc mùa bắn nai trong năm đó. Ai vi phạm sẽ bị cả làng phạt rất nặng. Có cộng đồng đã vận dụng hương ước thành quy ước bảo vệ môi trường. Quy ước bảo vệ môi trường quy định cụ thể những gì được làm, những gì không được làm và cách thức cộng đồng xử lý vi phạm. Các quy ước bảo vệ môi trường rất đa dạng và phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Quy ước bảo vệ môi trường còn được sử dụng trong xây dựng làng văn hóa như làng văn hóa bản Chanh xã Phù Nham, huyện Văn Chấn - làng văn hóa của dân tộc Thái, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái). Ở làng văn hóa bản Chanh, trong quy ước cũng có những quy định chặt chẽ trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp. Ngày 27/3/1999 UBND tỉnh Yên Bái đã công nhận bản Chanh là làng văn hóa cấp tỉnh. Sau 10 năm xây dựng làng văn hóa, nhân dân các dân tộc trong thôn đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và giữ vững được danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh. Song song với phát triển kinh tế, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội không ngừng được củng cố và giữ vững. Làng văn hóa được chia làm 4 cụm tự quản và được điều hành theo sự thống nhất của Hội đồng làng. Bên cạnh đó, luôn phát huy tốt những hoạt động của các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... tham gia vào phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ

môi trường sống, nhất là công tác trồng cây ven đường... Bên cạnh các hương ước, nhiều cộng đồng còn áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường như xây dựng mạng lưới của cộng đồng bảo vệ rừng để hỗ trợ các hoạt động của kiểm lâm. Hoạt động chính của mạng lưới là tuyên truyền, giáo dục, phát hiện sự cố, thông tin với các cấp lãnh đạo và các ngành chuyên môn, tham gia giải quyết và xử lý sự cố. Các cộng đồng đã phát huy phong tục tập quán bảo vệ rừng ở địa phương. Ở những nơi miền núi, nơi rừng còn nhiều và gắn bó với người dân thì những sản phầm từ rừng và thiên nhiên đều mang nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Rừng thiêng, các cây gỗ cổ thụ cùng tạo thành văn hóa của dân tộc Ê đê, M’Nông. Các loại cây rừng chuyên được dùng làm tang trống đã tạo nên tiếng trống đặc trưng của dân tộcThái; hay như người dân xã Mường Lùn – Lai Châu trân trọng, giữ gìn và tự hào về khu rừng hiện còn hơn 20 cây gỗ pơ mu cổ thụ đường kính từ 1,5 - 2m, cao từ 30 - 40m. Trong tình hình hiện nay, khi tốc độ phát triển dân số đang tăng lên, sức ép với tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn thì những phong tục tập quán tốt trong việc bảo vệ rừng cần được phát huy và phổ biến rộng rãi. Các cộng đồng rất linh hoạt trong giữ gìn truyền thống của địa phương, từ việc giáo dục cộng đồng, gia đình, tư vấn nội bộ, trao đổi sách, báo về các nội dung liên quan đến bảo vệ rừng, tôn trọng những người thi hành công vụ về bảo vệ rừng ở cộng đồng đến việc tham gia các buổi tập luyện chống cháy rừng. Việc xây dựng và phát triển kinh tế vùng đệm là biện pháp tổng hợp quan trọng để huy động cộng đồng thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế nhằm nâng cao mức sống của họ. Hoạt động kinh tế tại vùng đệm cần được sự hỗ trợ nhiều nguồn vốn. Các dự án xây dựng vùng đệm thường có nguồn vốn từ các quỹ của các tổ chức quốc tế; từ ngân sách nhà nước trong quá trình xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhiều dự án được thực hiện ở vùng đệm thuộc các vườn quốc gia đã và đang có tác dụng phát triển kinh tế xã hội, tạo nên những nhân tố ảnh hưởng tích cực cho

công tác bảo vệ môi trường rừng ở các vườn này. Các dự án phát triển nông lâm nghiệp, chăn nuôi có quản lý đang phát triển và ngày càng giải quyết được nhiều mâu thuẫn giữa phát triển và bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, dự án còn được sự đồng thuận cùng hợp tác, đóng góp ý kiến từ phía người dân địa phương. Như ở vườn quốc gia Pù Mát, đã thiết lập được 2.164ha vườn hộ và vườn rừng. Ở Hà Giang, vườn rừng thường là chè – bạch đàn hoặc chè – mỡ. Ở Bắc Giang, vườn rừng ở trên đỉnh đồi bao gồm các loại cây đa dụng như trạm, dẻ, tre... Ở Lào Cai, vườn rừng thường là các loại cây lấy gỗ, bên dưới thường trồng song, mây và các loại cây làm thuốc như thảo quả, cam thảo... Nhiều vườn cây ăn quả, cây đặc sản cũng được hỗ trợ phát triển để đảm bảo thu nhập bền vững cho các gia đình. Tại bản Hợp Thành, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương (Nghệ An) có hơn 100 hộ người Mông sống du canh du cư trong rừng Pù Mát đã được tập hợp lại, lập bản, khai hoang, xây dựng ruộng lúa nước. Tại vùng đệm của vườn quốc gia Pù Mát, việc chăn thả trâu bò được phát triển có sự quản lý của các dòng họ, đã từng bước giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển đàn gia súc và bảo vệ rừng. Bên cạnh các hoạt động bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, tính cộng đồng trong bảo vệ môi trường thể hiện trong nhiều hình thức hoạt động về môi trường của một số địa phương điển hình. Cộng đồng địa phương rất linh hoạt trong việc khai thác, sử dụng nguồn vốn để bảo vệ môi trường. Thông qua việc huy động vốn từ dân cư, các doanh nghiệp tạo nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường. Đây là biện pháp mang tính thực tiễn, vừa trực tiếp tạo nguồn vốn, vừa nâng cao ý thức người dân thể hiện qua mô hình doanh nghiệp hoạt động công ích chuyên trách thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Một mô hình đã trở thành khá phổ biến là tổ, đội, hợp tác xã hoạt động công ích, chuyên trách thu gom, vận chuyển chất thải. Mô hình này thường do xã, phường khởi xướng, thành lập các tổ đội chuyên làm công tác thu gom chất thải và vận chuyển đến bãi rác. Các tổ, đội này thu phí thu gom từ các hội gia đình theo mức địa phương quy định. Điển

hình là đội chuyên trách vệ sinh môi trường ở xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), được thành lập từ năm 1998, trên cơ sở lấy thu bù chi hay tổ tự quản môi trường ở phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ở Hà Nội có tổ thu gom rác dân lập ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ở phường Đạo Long, thị xã Phan Rang (Ninh Thuận) các tổ vệ sinh thu gom rác thải cũng được thành lập và hoạt động hiệu quả cả về môi trường và về kinh tế [7].

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG TẠI HUYỆN ĐỒNG HỶ TỈNH THÁI NGUYÊN (Trang 38 -42 )

×