Hệ thống văn bia tiến sĩ

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu: Văn miếu quốc tử giám ppt (Trang 27 - 32)

CHƯƠNG 2: VĂN MIẾU QUỐC TỬ GIÁM DƯỚI TRIỀU NGUYỄN Ở HUẾ

2.3 Hệ thống văn bia tiến sĩ

Có thể nói những tấm bia tiến sĩ tại Văn miếu Quốc tử giám là nơi biểu hiện tập trung nhất và rõ nét nhất về tư tưởng Nho học của triều Nguyễn ở cố đô Huế.

32 tấm bia tiến sĩ đứng thành hai hàng song song đối diện nhau, mỗi hàng 16 tấm, ở hai bên sân, cùng hướng với lối đi từ Đại Thành Môn vào Chính điện. Chúng đã được sắp xếp theo trình tự thời gian từ sớm đến muộn. Nếu lấy Chính điện làm chuẩn thì tấm đầu tiên ở hàng bên trái có niên đại sớm nhất và tấm cuối cùng ở hàng bên phải có niên đại muộn nhất.

Nếu sắp xếp theo lịch đại thì 32 tấm bia tiến sĩ ở Văn miếu Huế thuộc các thời vua Nguyễn sau đây:

- Thời Minh Mạng (1820 – 1840): 6 bia, khắc tên 56 người đỗ Tiến sĩ Đệ nhất giáp, Đệ nhị giáp và Đệ Tam giáp (dưới đây gọi tắt là Tiến sĩ) trong 6 khoa thi hội vào các năm 1822, 1826, 1829, 1832, 1835 và 1838. Đó là các bia từ 1 đến 6.

- Thời Thiệu Trị (1841 – 1847): 5 bia, khắc tên 48 người đỗ Tiến sĩ trong 5 khoa thi Hội vào các năm 1841, 1842, 1843, 1844 và 1847. Đó là các bia từ 7 đến 11.

- Thời Tự Đức (1848 – 1883): 10 bia, khắc tên 91 Tiến sĩ của 14 khoa vào các năm 1848, 1849, 1851, 1851, 1853, 1856, 1862, 1865, 1865, 1868, 1869, 1871, 1875 và 1877. Đó là các bia từ 12 đến 21.

- Thời Kiến Phúc (1884): 1 bia khắc chung tên 14 Tiến sĩ của 2 khoa thời Tự Đức và 1 khoa thời Kiến Phúc: 1879, 1880 và 1884. Đó là bia thứ 22.

- Thời Thành Thái (1889 – 1907): 6 bia khắc tên 59 Tiến sĩ của 7 khoa vào các năm 1889, 1892, 1895, 1898, 1901, 1904, 1907 và 1 tấm bia đặc biệt (số 24) dựng năm 1890 dành riêng để khắc một bài dụ cho phép Bùi Ân Niên đã đậu Phó Bảng khoa 1865 nay được đổi ra đậu “Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ Xuất thân”. Đó là các bia từ 23 đến 28.

- Thời Duy Tân (1907 – 1916): 2 bia, khắc tên 10 Tiến sĩ của 2 khoa vào các năm 1910 và 1913. Đó là 2 bia 29 và 30.

- Thời Khải Định (1916 – 1925): 2 bia, khắc tên 14 Tiến sĩ của 2 khoa vào các năm 1916 và 1919. Đó là bia 31 và 32.

Như vậy, trên 32 tấm bia đá ở Văn miếu Huế, triều đình nhà Nguyễn đã từng cho khắc tên tuổi của 293 Tiến sĩ, gồm 292 người đậu hạng Chánh bảng trong 39 khoa thi Hội và một người là Bùi Ân Niên ( tên cũ là Bùi Văn Dị) được đặc ân nâng từ hạng phó bảng của khoa Ất Sửu (1865) lên hạng Chánh bảng vào năm Canh Tý (1890), một mình một bảng.

Về số người đậu Phó bảng, theo ghi chép của Cao Xuân Dục trong Quốc triều Khoa Bảng lục thì có tất cả 269 người nhưng trong số đó có 2 Phó bảng của chính khoa Tân Hợi (1851) là Nguyễn Thái và Vũ Duy Thanh đã đi thi tiếp và đậu Chánh bảng khoa Cát sĩ trong cùng năm ấy; và một trường hợp đặc biệt của Phó bảng Bùi Văn Dị vừa nêu; cho nên con số Phó bảng dưới triều Nguyễn còn lại là 266 người. Nghĩa là tổng số người đậu trong các khoa thi Hội dưới

triều đại này là 559 người, gồm 293 Chánh bảng được khắc tên tuổi lên bia đá và 266 Phó bảng không được khắc.

Xét về hình thức, tất cả 32 tấm bia Tiến sĩ ở Văn miếu Huế đều có rùa đội bia và chỉ khắc và trang trí ở một mặt. Nhưng nếu xét kỹ về chất liệu đá, kích thước và cách trang trí thì các bia có phần khác nhau.

Về đá làm bia thì có 2 loại: đá thanh (thường lấy từ Thanh Hóa) và đá cẩm thạch (có lẽ lấy từ Ngũ Hành Sơn – Quảng Nam). Đại đa số các bia và rùa đều là đá thanh, chỉ có một ít bia và rùa được làm bằng đá cẩm thạch (từ bia số 26 đến 32). Có 2 tấm bia bằng đá thanh nhưng rùa lại bằng đá cẩm thạch (bia 20 và 26). Ngược lại có một bia làm bằng đá cẩm thạch mà rùa lại làm bằng đá thanh (bia 19).

Về kích thước, bia ở Văn miếu Huế không cao lớn bằng bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội nhưng bia ở Văn miếu Huế trông đều đặn hơn chứ không chênh lệch nhau như ở Văn miếu Hà Nội.

Về dạng thức, bia đá ở 2 Văn miếu khác nhau nhiều. Trong khi bia ở Văn miếu Hà Nội đều có đầu tròn và chuốt thẳng một cách đơn giản từ trên đầu bia xuống tận lưng rùa (có một số bia ở dưới rộng hơn phía trên) thì bia ở Văn miếu Huế có nghệ thuật tạo hình phức tạp hơn: trán bia nở rộng hơn thân bia, thân bia có 4 tai bia ở hai bên. Hai tai trên nối liền với trán bia và hai tai dưới tiếp cận với lưng rùa. Kiểu bia này xuất hiện ở từ đầu thế kỷ XVIII mà cụ thể là tấm bia dựng tại chùa Thiên Mụ năm 1715 dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sang thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì dạng bia này trở thành phổ biến ở kinh đô triều Nguyễn và lan tỏa ra các vùng khác trên đất nước. Đây là một trong những nét đặc trưng của mỹ thuật Nguyễn ở Huế so với mỹ thuật Lý, Trần, Lê ở Thăng Long.

Dạng rùa đá đội bia ở hai Văn miếu Hà Nội và Huế cũng có những điểm khác nhau. Ở Hà Nội, rùa bị bia áp đảo nặng nề: bia to và cao, rùa nhỏ và lép. Nhưng ở Huế thì ngược lại: rùa thì lớn (có con cao đến 0,6m) mà bia thì nhỏ.

Ở Văn miếu Huế, tấm bia to nhất cao 1,12m, rộng 0,64m, dày 0,185m (bia 16); tấm có bề rộng lớn nhất là 0,85m và dày nhất là 0,195m (bia 15).

Về rùa, con lớn nhất là ở bia 31: dài 1,3m; rộng 0,77m; cao 0,6m, con nhỏ nhất là ở bia 16: dài 0,68m; rộng 0,50m; cao 0,30m.

Về trang trí mỹ thuật, hình ảnh khắc chạm trên bia và rùa qua các thời điểm cũng không hoàn toàn giống nhau. Ở trán bia, đại đa số đều chạm mặt trời hình tròn ở chính giữa, hai bên là dây leo hoặc vân xoắn nhưng có khi hình mặt trời được thay thế bằng hình lưỡng nghi (âm dương). Đặc biệt ở trán bia 31, hai bên hình tròn có hai con rồng chầu (Lưỡng long triều nguyệt).

Còn diềm bia, diềm đứng (hai bên) cũng như diềm ngang (trên và dưới) chạm nổi hình dây leo cùng hoa lá. Đặc biệt ở diềm trên của tấm bia 31 có thêm một hình tròn lưỡng nghi nữa.

Chữ trong các lòng bia nói chung là đẹp, có một số bia khắc chữ rất sắc sảo và mềm mại.

Về dạng thức của rùa, mỗi con một khác: con hình tròn, con hình thuẫn; con có đế con không; con có đuôi, con không có; chân cũng vậy. Trên mai rùa, con chạm vảy con để trơn. Riêng 6 con rùa thời Minh Mạng, trông có vẻ “đều đặn, thân rùa cân đối, nhưng đầu hơi nhỏ, chân chạm nổi, tư thế vững chải, đường nét mềm mại. Đầu rùa thời Tự Đức đồng nhất 10 con nhưng nghệ thuật điêu khắc không sánh bằng rùa thời Minh Mạng”.

Sự khác nhau trong nghệ thuật tạo hình như trên không có gì đáng ngạc nhiên vì các bia đã từng được tạo tác trong những thời đoạn lịch sử khác nhau với bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau, cách nhau hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm và năng khiếu thẫm mỹ của các thế hệ thực hiện cũng khác nhau cho nên chúng không hoàn toàn giống nhau. Nhưng nhìn chung, tất cả 32 tấm bia Tiến sĩ ở Văn miếu Huế tương đối đều đặn về kích cỡ, dạng thức và phong cách trang trí.

Về nội dung, ở một số bia, tên tuổi và quê quán của không ít người đã bị đục bỏ, chẳng hạn như trường hợp của Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng.

Ngoài ra, còn một số trường hợp bị đục tên tương tự như Đinh Văn Phác (bia 17), Phạm Như Xương, Tống Duy Tân (bia 21) vì chính bản thân họ hoặc con cháu họ bị triều đình Huế khép vào tội “phản quốc” khi chống thực dân để giành lại độc lập cho dân tộc.

Tuy nhiên, có nhiều người đậu Tiến sĩ được khắc tên vào bia đá như Nguyễn Xuân Ôn, Đinh Văn Chất (bia 21), Nguyễn Thượng Hiền (bia 25), Ngô Đức Kế (bia 26), Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng (bia 27), mặc dù đã từng tham gia các phong trào Cần Vương, Văn Thân, Đông Du chống Pháp và triều đình Huế nhưng vẫn không bị đục tên trên bia Tiến sĩ. Tên tuổi của họ vẫn còn ở bia Văn Miếu.

Một phần của tài liệu Đề tài nghiên cứu: Văn miếu quốc tử giám ppt (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(47 trang)
w