Những nghiên cứu về du lịch sinh thái trên thế giới và ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng sinh thái cảnh quan và chất lượng nước đầm ao châu, huyện hạ hòa, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 37)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU

1.4. Những nghiên cứu về du lịch sinh thái trên thế giới và ở Việt Nam

1.4.1. Những nghiên cứu về du lịch sinh thái trên thế giới

Trong những năm qua, du lịch sinh thái đã và đang phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngày càng thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các tầng lớp xã hội, đặc biệt đối với những người có nhu cầu tham quan du lịch và nghỉ ngơi.

Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; sự phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho quốc gia cũng như cộng đồng người dân các địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn. Ngoài ra, du lịch sinh thái còn góp phần vào việc nâng cao dân trí và sức khỏe cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường, văn hóa lịch sử và nghỉ ngơi giải trí. Chính vì vậy ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, bên cạnh các lợi ích về kinh tế, du lịch sinh thái còn được xem như một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái thông qua quá trình làm

giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên phục vụ nhu cầu của khách du lịch, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch.

Trên thế giới, đặc biệt là tại các nước phát triển như Thuỵ Điển, Nhật Bản, Mỹ… các khu bảo tồn được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa bảo tồn và phát triển du lịch, nhiều loại hình du lịch được hình thành như leo núi, thăm động vật hoang dã trong xe bảo vệ, theo dõi cuộc sống của các loài linh trưởng, ngắm nhìn các loại động thực vật biển…Gần đây, một số nước Châu Phi cũng rất chú trọng phát triển loại hình du lịch này, ở một số nước như Uganda, Nigeria… việc phát triển du lịch sinh thái được đưa vào trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Với nền văn hóa đa dạng và độc đáo, trong các thập niên trước đây, Indonesia chủ yếu chỉ phát triển du lịch dựa vào loại hình du lịch văn hóa. Du lịch sinh thái bắt đầu được coi trọng tại Indonesia từ năm 1995. Để tăng cường các phong trào DLST ở Indonesia, tại Hội thảo quốc gia lần thứ hai về DLST được tổ chức tại Bali (7/1996) đã thông qua việc thành lập Hiệp hội Du lịch sinh thái Indonesia (Masyarakat Ekowisata Indonesia), viết tắt là MEI. Phải nói thêm rằng: Indonesia cũng phải đối đầu với các vấn đề về việc phát triển DLST không bền vững như tàn phá môi trường và hệ sinh thái trong một thời gian dài.

Từ năm 1996, các cuộc thảo luận, hội thảo về DLST ở Indonesia đã tăng lên. Việc này đã khuyến khích MEI thực hiện cuộc họp đầu tiên vào năm 1997 tại Flores, năm 1998 tại Tana Toraja, Sulawesi Selatan. Các tổ chức như: Tổng cục Bảo vệ Thiên nhiên và Bảo tồn, Bộ Lâm nghiệp và trồng rừng, Bộ Du lịch và Nghệ thuật, các ban phát triển ở các địa phương, MEI cũng như các tổ chức Phi chính phủ đã và đang tham gia vào việc thiết lập các nguyên tắc cho sự phát triển của DLST ở Indonesia.

Thời gian này, thế giới đang ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể của ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái và bảo tồn do những quan ngại ngày càng lớn về vấn đề môi trường. Du lịch sinh thái không còn chỉ tồn tại như một

khái niệm hay một đề tài để suy ngẫm mà đã trở thành một thực tế trên toàn cầu. Ở rất nhiều nước trên thế giới, vấn đề phát triển du lịch sinh thái rất được chính phủ quan tâm, thường xuất hiện trên các bản tin chính hay các quảng cáo thương mại công cộng. Du lịch sinh thái đã mang lại nhiều lợi ích cụ thể trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển bền vững. Ở Costa Rica và Venezuela, một số chủ trang trại chăn nuôi đã bảo vệ nhiều diện tích rừng nhiệt đới quan trọng, nhờ đó họ đã biến những nơi đó thành điểm du lịch sinh thái hoạt động tốt, giúp bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên đồng thời tạo ra công ăn việc làm mới cho dân địa phương. Ecuador sử dụng khoản thu nhập từ du lịch sinh thái tại đảo Galápagó để giúp duy trì toàn bộ mạng lưới vườn quốc gia. Tại Nam Phi, du lịch sinh thái trở thành một biện pháp hiệu quả để nâng cao mức sống của người da đen ở nông thôn, những người da đen này ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động du lịch sinh thái. Chính phủ Ba lan cũng tích cực khuyến khích du lịch sinh thái và gần đây đã thiết lập một số vùng Thiên nhiên và Du lịch của quốc gia để tăng cường công tác bảo vệ thiên nhiên và phát triển du lịch quốc gia. Tại Úc và Newzeland, phần lớn các hoạt động du lịch đều có thể xếp vào hạng du lịch sinh thái. Ðây là ngành công nghiệp được xếp hạng cao trong nền kinh tế của các nước.

1.4.2. Những nghiên cứu về du lịch sinh thái ở Việt Nam

Từ năm 1983, khái niệm du lịch sinh thái đã đến với Việt Nam, là loại hình khai thác đa hệ sinh thái tự nhiên gồm: Đa hệ sinh thái động vật, thực vật, hệ sinh thái nhân văn, của núi của rừng của hồ, của biển của đồng bằng, của các vùng lãnh thổ. Chúng ta xác định nhiều rừng cấm đó là những vùng di sản thiên nhiên của quốc gia, chứa đầy tiềm năng cho du lịch sinh thái. Chúng ta cũng đã xác định nhiều khu để khai thác du lịch sinh thái: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), hồ Ba Bể (Bắc Cạn), động Phong Nha (Quảng Bình), sông Đanhim, sông Khang Klet (Lâm Đồng), đảo Yến (Khánh Hòa), vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) v.v... có khu vực phát triển theo mục tiêu kinh doanh.

Nhưng dù ở đâu, khu vực nào, loại hệ sinh thái gì cũng phải có chung mục tiêu phát triển để trường tồn, như vậy, khai thác cần phải đi đôi với tái tạo, bảo tồn và phát triển. Ngày nay, người ta không chỉ khai thác hình thức du lịch sinh thái tự nhiên mà còn tái tạo “tự nhiên” để hình thành du lịch sinh thái, tất nhiên hình thức này chỉ phục vụ công tác kinh doanh là chính và nó thường xảy ra ở các vùng gần đô thị, gần các khu trung tâm văn hóa kinh tế của vùng, gần các khu dân cư mới tập trung mà nơi đó có nhu cầu phát triển. Ví dụ: Hà Nội gần đây người ta đã cho nghiên cứu một số vùng nông thôn gần thành phố, vùng bán sơn địa có rừng, có đồi, có đồng bằng, vùng có sẵn một số hệ sinh thái thực vật, động vật để tạo lập các khu nghỉ ngơi du lịch mang tính sinh thái.

Du lịch sinh thái là hoạt động du lịch mới phát triển một vài thập kỷ gần đây và đang trở thành một xu hướng tích cực để đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường, các giá trị nhân văn giàu bản sắc văn hóa của mọi dân tộc, thông qua việc giáo dục nhận thức của xã hội của cộng đồng. Việt Nam là một nước có điều kiện và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái với những ưu thế của thiên nhiên nhiệt đới ẩm, địa hình, cảnh quan đa dạng với nhiều hệ sinh thái điển hình khác nhau từ vùng núi cao nguyên đến vùng đồng bằng ven biển và hải đảo. Trên những khu vực cảnh quan này là địa bàn cư trú của hàng chục các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với những phong tục tập quán, nền văn nghệ dân gian đặc sắc.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế xã hội của nước ta nói chung, du lịch sinh thái là loại hình cần được đẩy mạnh phát triển trên cơ sở khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên du lịch Việt Nam. Để đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối kết hợp đồng bộ thể hiện ở 3 lĩnh vực chủ yếu: chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.

Đối với tỉnh Phú Thọ cũng đã có một số đề tài nghiên cứu về sinh thái cảnh quan và đa dạng sinh học như: Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng Quốc gia Đền Hùng, Điều tra, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lập kế hoạch quản lý khai thác sử dụng hiệu quả, bảo tồn nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học khu vực đất ngập nước đầm Ao Châu; Lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu hiện trạng sinh thái cảnh quan và chất lượng nước đầm ao châu, huyện hạ hòa, tỉnh phú thọ (Trang 32 - 37)