Chương 1 : TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Tính tất yếu khách quan và sự thể hiện vai trò của Nhà nước trong việc giảm thiểu
việc giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo ở Việt Nam hiện nay
2.2.1. Tính tất yếu và tầm quan trọng của Nhà nước trong việc giảm thiểu sự phân cực - giàu nghèo ở Việt nam hiện nay
Thứ nhất, Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò giảm thiểu sự phân cực giàu -
nghèo xuất phát từ chính bản chất của nhà nướclà giữ cho sự xung đột đó nằm trong
vòng “trật tự” để bảo vệ chế độ kinh tế hiện tồn.
Bởi, nhà nước là sản phẩm của một xã hội đã phát triển tới một giai đoạn nhất định, nó là “sự thú nhận rằng xã hội đó bị lúng túng trong một mối mâu thuẫn với bản thân mà không sao giải quyết được, rằng xã hội đó đã bị phân thành những mặt đối lập không thể điều hòa mà xã hội đó bất lực không sao loại bỏ được. Nhưng muốn cho những mặt đối lập đó, những giai cấp có quyền lợi kinh tế mâu thuẫn nhau đó, không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội trong một cuộc đấu tranh vô ích, thì cần phải có một lực lượng cần thiết, một lực lượng rõ ràng là đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu bớt sự xung đột và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”. Và lực lượng đó, nảy sinh ra từ xã hội, nhưng lại đứng trên xã hội và ngày càng tách rời khỏi xã hội, chính là nhà nước” [81, tr.252-253]. Nói cách khác, sự xuất hiện của nhà nước, “là sự kiến lập một “trật tự”, trật tự này hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức kia bằng cách làm dịu xung đột giai cấp” [69, tr.10].
Bản chất nhà nước là một thể thống nhất bao gồm hai phương diện giai cấp và xã hội. Tính giai cấp của nhà nước thể hiện ở chỗ trước hết nhà nước là bộ máy cưỡng chế đặc biệt của giai cấp thống trị, là công cụ sắc bén nhất để duy trì và bảo vệ quyền lợi cho giai cấp cầm quyền, thiết lập một trật tự xã hội phục vụ cho lợi ích của giai cấp đó.
Trong chế độ chiếm hữu nô lệ, quyền lực chính trị thuộc về giai cấp chủ nô. Trong chế độ phong kiến, địa chủ phong kiến được công nhận là giai cấp thống trị duy nhất. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, quyền lực thực sự nằm trong tay giai cấp tư sản. Các kiểu nhà nước bóc lột có bản chất chung là sử dụng bộ máy để thực hiện nền chuyên chính của giai cấp bóc lột. Các nhà nước này đều duy trì sự thống trị về chính trị, kinh tế, tư tưởng của một thiểu số người bóc lột đối với đa số nhân dân lao động. Trái lại, nhà nước Xã hội chủ nghĩa lại sử dụng bộ máy để bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chiếm đa số trong xã hội, trấn áp những lực lượng thống trị cũ đã bị lật đổ và những phần tử chống đối cách mạng. Quan trọng hơn, nó là bộ máy để tổ chức, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa.
Mặc dù, tính giai cấp là mặt cơ bản thể hiện bản chất của nhà nước, nhưng với tư cách là bộ máy thực thi quyền lực công cộng nhằm duy trì trật tự và sự ổn định của xã hội, nhà nước còn thể hiện rõ nét tính xã hội của nó. Vì thế Ph.Ăngghen viết: “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội đó của nó” [80, tr.253]. Chức năng xã hội của Nhà nước Việt Nam được thể hiện ở chỗ, Nhà nước đóng vai trò là công cụ kết hợp hài hòa các lợi ích chính đáng, xây dựng một hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội hợp lý nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng giữa các tầng lớp dân cư, để mọi người dân đều được cống hiến và hưởng thụ công bằng các nguồn lực và thành quả của phát triển của công cuộc đổi mới.
Thứ hai, Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo còn là do xuất phát từ bản chất là Nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” [49, tr.8].
Nhà nước Việt Nam là nhà nước “do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” [49, tr.8]. Như vậy, tính nhân dân và quyền lực nhân dân là nét cơ bản xuyên suốt, thể hiện bản chất của Nhà nước, nhằm phấn đấu vì một xã hội công bằng, xóa bỏ mọi bất bình đẳng giữa con người với con người trong xã hội, không để diễn ra sự phân cực giàu - nghèo (dù vẫn phải chấp nhận sự phân hóa giàu - nghèo ở mức độ cho phép).
Với bản chất của Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, để thực hiện giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo, Nhà nước phải luôn luôn quán triệt sâu
sắc bài học dân là gốc và lấy dân làm gốc, “Gốc có vững cây mới bền, Xây lầu
thắng lợi trên nền nhân dân” [84, tr.410]. Nhân dân là gốc rễ của sự trường tồn, vừa là điểm khởi phát, vừa là mục đích tối thượng, bất biến của Nhà nước.
“Nhà nước của Nhân dân” là nhà nước do nhân dân là chủ và nhân dân làm
chủ. Nhân dân là chủ có nghĩa là xác định vị thế của nhân dân, còn nhân dân làm chủ có nghĩa là xác định quyền, nghĩa vụ của nhân dân. Bằng thiết chế dân chủ, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, để cho nhân dân thực thi quyền làm chủ của mình trong hệ thống quyền lực của xã hội. Như vậy, khi đó quyền lực của nhân dân được đặt ở vị trí tối thượng.
“Nhà nước do Nhân dân” là Nhà nước được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ và đóng góp, chủ yếu là đóng thuế, để nhà nước có điều kiện thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo về thu nhập, về tài sản, về khả năng tiếp cận và chi trả cho các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như kiểm soát các nguồn lực xã hội. Nhà nước đó cũng do nhân dân phê bình, xây dựng và kiểm soát làm cho các thành viên của nhà nước luôn ý thức được trách nhiệm đại diện của mình trước Nhân dân, “nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi” [84, tr.60].
“Nhà nước vì Nhân dân” là một nhà nước lấy lợi ích chính đáng của nhân dân làm mục tiêu, tất cả đều vì lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có bất cứ một lợi ích nào khác. Mọi đường lối, chính sách đều chỉ nhằm đưa lại quyền lợi cho dân, “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” [83, tr.56-57].
Vì vậy, nếu không có Nhà nước để thiết lập công bằng thì xã hội sẽ rất “đơn độc, nghèo nàn, đồi bại, tàn bạo và ngắn ngủi” [33, tr.20] và “ngày nay ổn định hay rối loạn, tăng trưởng hay suy thoái, giàu hay nghèo đều tìm thấy nguyên nhân từ phía Nhà nước” [27, tr.69]. Tuy nhiên, Nhà nước có thể giảm thiểu được sự phân cực giàu - nghèo về thu nhập, về tài sản, về khả năng tiếp cận và chi trả cho các dịch vụ xã hội
cơ bản cũng như kiểm soát các nguồn lực xã hội, thiết lập công bằng xã hội đến đâu, tới mức độ nào, có triệt để hay không, lại phụ thuộc và được quyết định bởi chính bản chất của nhà nước đó.
Thứ ba, Nhà nước Việt Nam thực hiện vai trò giảm thiểu sự phân cực giàu - nghèo là xuất phát từ chính thực trạng sự phân hóa giàu - nghèo ngày càng doãng rộng dẫn đến phân cực giàu - nghèo và gây ra nhiều hệ lụy.
Khi còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, nhiều quan hệ sản xuất thì điều kiện, cơ may đối với mỗi người, mỗi gia đình, mỗi vùng miền sẽ khác nhau, vì thế sự phân hóa giàu - nghèo là khó tránh khỏi. Do đó, “sự phân hóa giàu nghèo ở đây không phải là biểu hiện của sự không công bằng mà lại chính là biểu hiện của sự công bằng: ai làm tốt, làm giỏi, làm nhiều thì được hưởng nhiều, còn ai làm kém, làm dở, làm ít được hưởng ít” [115, tr.56]. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại sự phân hóa giàu - nghèo do sự bất bình đẳng xã hội mang lại, như tham ô, tham nhũng, làm giàu phi pháp. Cho nên, dù “khoảng cách giàu - nghèo là quy luật tất yếu, song tất yếu này, nếu không được điều chỉnh, sẽ đưa đến những mâu thuẫn và xung đột khó lường” [34, tr.47]. Điều này đi ngược lại với bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân Việt Nam đang từng bước xây dựng.
Dưới góc độ kinh tế, sự phân cực giàu - nghèo làm “méo mó” xã hội bằng nhiều cách. Hậu quả mà ai cũng thấy rõ là phần lớn dân cư trong xã hội đang ngày càng gặp khó khăn, chi tiêu vượt quá khả năng thu nhập của họ (ngoại trừ nhóm 20% giàu nhất). Nếu không được giảm thiểu, sẽ gây khó khăn cho Nhà nước trong việc quy hoạch, cân đối, ổn định kinh tế giữa các ngành, các khu vực và các vùng miền khác nhau. Trên thực tế, rất khó xác định được tỷ lệ của những người làm giàu chân chính và làm giàu phi pháp trong nhóm cực giàu. Nhưng, “tốc độ giàu lên một cách quá nhanh của một nhóm nhỏ trong xã hội là một dấu hiệu đáng lo ngại của nền kinh tế và có thể còn là một dấu hiệu đáng lo ngại của thể chế đất nước ấy” [36, tr.54]. Ngược lại, nhóm nghèo bị giảm thu nhập đồng nghĩa với người nghèo bị bần
cùng hóa, ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này dẫn đến hai hệ quả chính: thứ nhất,
bần cùng hóa phát sinh tệ nạn xã hội và các tệ nạn này hạn chế, thậm chí thủ tiêu kết
quả của một giai đoạn tăng trưởng cao; thứ hai, bần cùng hóa thu hẹp khả năng lao
tổng các nhân tố sản xuất, đồng thời tăng thêm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Sự phân cực giàu - nghèo cũng sẽ khiến cho một phần nguồn lực sử dụng trong các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Nhà nước bị giảm đi.
Dưới góc độ chính trị, sự phân cực giàu - nghèo nếu không được giảm thiểu, về lâu dài có thể sẽ dẫn đến nguy cơ phân cực xã hội, khiến cho tính gắn kết xã hội trở nên lỏng lẻo, gia tăng các vụ khiếu kiện gây mất ổn định xã hội. Thậm chí, “nếu cứ diễn ra phân hóa giàu - nghèo như hiện nay, tất yếu sẽ đưa đến phân hóa giai cấp và từ đó quan hệ giữa người với người lại dịch chuyển sang quan hệ bóc lột - bị bóc lột, hiện tượng tha hóa lao động sẽ phát triển dẫn đến tha hóa con người nói chung” [104, tr.12]. Tình hình
đó có thể làm biến dạng sự phát triển, đẩy tới những phản phát triển. Từ đó, làm mất
lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ và nhân cơ hội đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép.
Dưới góc độ xã hội, sự phân cực giàu - nghèo là một trong những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự gia tăng. Vì luôn phải đối đầu với những khó khăn về kinh tế, nên không ít người nghèo lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống của mình bị đe dọa. Cái nghèo, cái đói cũng thường đi liền với sự thất học, đó cũng là một trong những nguyên nhân đẩy một bộ phận người nghèo vào ngõ cụt của cuộc đời. Với quan niệm “không có gì để mất”, kích thích làm giàu bằng mọi giá, sự gia tăng triết lý sống “mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết” và dục vọng chạy theo đồng tiền, họ liều lĩnh làm những việc trái với pháp luật, ngược với đạo đức, như trộm cướp, lừa đảo, làm kẻ trung gian trong những đường dây buôn lậu, vận chuyển ma tuý, bán dâm, v.v.. thậm chí giết người. Nghèo đói cũng khiến nhiều thanh thiếu niên không được học hành đến nơi đến chốn đã tìm đến các đô thị kiếm việc làm, tìm cơ hội đổi đời và chính cuộc mưu sinh đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn khiến không ít người trong số họ rơi vào cảnh túng bấn, quẫn bách không lối thoát và họ trở thành tội phạm.
Dưới góc độ tư tưởng, đạo đức, sự phân cực giàu - nghèo nếu không được giảm thiểu sẽ đưa đến nguy cơ suy thoái về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn (đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân mạnh nhất). Đối với nhóm giàu, bên cạnh những người giàu lên bằng tài năng, công sức
thực sự, tạo tấm gương động viên, khích lệ mọi người vượt khó, vươn lên bằng sức
lao động tài năng, đức độ, thì cũng có không ít “quan tham”, “đại gia” hay “trọc
phú”, giàu lên nhanh chóng do làm ăn phi pháp như buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, v.v.. Số người làm ăn phi pháp thường liên kết với một số cán bộ, công chức có chức, có quyền, tạo điều kiện cho số cán bộ này tham nhũng. Tình trạng này vừa gây hậu quả xấu về kinh tế, vừa làm suy thoái lý tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm cho uy tín của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa bị giảm sút, tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn
định chính trị - xã hội.
Vì nguồn tiền kiếm được do phi lao động là chủ yếu, nên lối sống của không ít
“quan tham”, “đại gia” hay “trọc phú” rất xa hoa, lãng phí, thậm chí hết sức hợm
hĩnh, làm lan rộng lối sống tiêu dùng, gây ảnh hưởng xấu tới các nhóm dân cư khác, nhất là thế hệ trẻ. Đối với nhóm nghèo, trong khi phần đa người nghèo đang cố gắng tìm mọi cách làm ăn lương thiện để thoát nghèo, thì vẫn còn không ít người nghèo do lười biếng, do vướng vào các tệ nạn xã hội mà bị nghèo khổ. Rồi cũng chính nghèo đói, thất học, v.v. đã góp phần khiến cho tình trạng bạo hành trong gia đình có chiều hướng gia tăng, dẫn đến thang giá trị xã hội bị đảo lộn quá sức tưởng tượng của mọi người. Tình trạng người già bị ngược đãi xảy ra ngày càng nhiều. Có những đứa con bất hiếu đã thẳng tay đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà, thậm chí có trường hợp giết cả người đã sinh thành ra chúng mà không một chút động lòng từ bi, vì chúng coi bố mẹ là gánh nặng cho mình. Một số người già không nơi nương tựa, hoặc phải sống lang thang dù họ vẫn có gia đình và con cái. Như vậy, ở hai cực giàu và nghèo đều chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm tàng gây ra những bất ổn về mặt xã hội.
Đành rằng, xã hội muốn phát triển thì phải chấp nhận có một số người giàu trước nhờ trí tuệ, nhờ năng lực và có khi còn nhờ cả may mắn nữa. Song, khoảng cách giàu - nghèo quá lớn sẽ khiến cho một số người nghèo cảm thấy tuyệt vọng. Về điều này, chính nhà triết học cổ điển Đức Lút-vích Phoi-ơ-bắc cũng từng giải