Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu và một số khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) biến đổi của quan hệ sản xuất ở việt nam từ năm 1986 đến nay thực trạng và những vẫn đề đặt ra (Trang 36 - 43)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.5. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu và một số khái niệm cơ bản

bản

1.5.1. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu

Kế thừa thành quả trong những công trình nghiên cứu của các học giả đi trước, luận án tiếp tục nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau:

Thứ nhất, phân tích thực trạng biến đổi của quan hệ sở hữu ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay và các vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi đó. Luận án phải làm nổi bật được thực trạng biến đổi của quan hệ sở hữu với những biểu hiện phong phú và mới mẻ của nó hiện nay. Tuy nhiên, do giới hạn về dung lượng nên luận án phải chọn lọc phân tích thực trạng biến đổi của một số yếu tố cơ bản trong quan hệ sở hữu. Luận án cũng phải lựa chọn, phân tích một vấn đề nổi cộm nhất.

Thứ hai, lý giải thực trạng biến đổi của quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất ở Việt Nam từ góc độ tiếp cận triết học, nêu bật sự gắn kết giữa biến đổi của quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất với biến đổi của quan hệ sở hữu. Luận án cũng phải chỉ ra được vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi của quan hệ này.

Thứ ba, phân tích thực trạng biến đổi của quan hệ phân phối, mối quan hệ biện chứng giữa biến đổi của quan hệ phân phối với biến đổi của quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và vấn đề nổi cộm đặt ra từ thực trạng biến đổi của quan hệ phân phối ở Việt Nam hiện nay.

1.5.2. Một số khái niệm cơ bản Khái niệm quan hệ sản xuất

Trong quá trình sản xuất, con người phải duy trì hai mối quan hệ “song trùng” là quan hệ giữa con người với tự nhiên (được thể hiện bằng lực lượng sản xuất) và quan hệ giữa con người với con người (biểu hiện qua quan hệ sản xuất). Quan hệ sản xuất là quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất (sản xuất và tái sản xuất xã hội). Những quan hệ này mang tính vật chất, tất yếu và khách quan. “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ - tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ” [76, tr. 14-15]. Quan hệ sản xuất là hình thức xã hội của lực lượng sản xuất. Các quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội là cơ ở hạ tầng của xã hội đó.

Kết cấu của quan hệ sản xuất

Các quan hệ sản xuất của một phương thức sản xuất là một hệ thống bao gồm: (1) các quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất, (2) các quan hệ trong tổ chức và quản lý sản xuất, (3) các quan hệ trong phân phối sản phẩm lao động. Ba mặt quan hệ đó trong quá trình sản xuất xã hội luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo thành hệ thống mang tính ổn định tương đối so sự với vận động không ngừng của lực lượng sản xuất.

Các công trình nghiên cứu mà chúng tôi đã tổng quan ở phần trước đều tiếp cận phân tích quan hệ sản xuất ở Việt Nam theo kết cấu bao gồm ba mặt quan hệ cơ bản là quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất, quan hệ phân phối. Nhưng, theo một lát cắt khác (lát cắt dọc theo thời gian – lịch đại), quan hệ sản xuất của một xã hội nhất định luôn bao gồm các quan hệ sản xuất ở nhiều trình độ khác

nhau, trong đó, có quan hệ sản xuất thống trị, có quan hệ sản xuất là tàn dư của phương thức sản xuất cũ và có quan hệ sản xuất là mầm mống cho phương thức sản xuất mới. “Toàn bộ các quan hệ sản xuất ấy họp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó” [76, tr. 15]. Khi khảo cứu về quan hệ sản xuất của xã hội, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không chú ý đến các quan hệ sản xuất ở những trình độ khác nhau đang tồn tại hiện thực trong xã hội đó. Nhưng trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ tập trung phân tích sự biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay theo kết cấu ba mặt cơ bản của quan hệ sản xuất. Mặc dù vậy, chúng tôi luôn ý thức rằng quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay có sự “pha trộn” của nhiều loại quan hệ sản xuất khác nhau, phù hợp với tính chất không đồng đều về trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Theo đó, thực trạng biến đổi của quan hệ sản xuất mà chúng tôi phân tích trong luận án là sự thay đổi trên thực tế của những quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, bao gồm: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và quan hệ phân phối. Mặc dù vậy, thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội được phản ánh qua nhận thức lý luận, vì vậy, trong luận án, chúng tôi cũng đề cập đến quan điểm của Đảng và Nhà nước, cũng như sự khái quát của các nhà nghiên cứu để minh chứng hoặc làm rõ hơn sự biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay. Tất nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào nhận thức lý luận cũng phản ánh đúng bản chất và luôn “theo kịp” thực tiễn.

Chúng tôi xác định vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi của quan hệ sản xuất

không phải là những điểm hạn chế, hay là những việc cần làm, mà đó là những bất cập, những vấn đề đang gây tranh luận, những vấn đề chứa đựng nhiều mâu thuẫn hoặc/và có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Khái niệm quan hệ sở hữu

Trong kho tàng lý luận của mình, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin không đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về phạm trù sở hữu. Dựa trên những chỉ

dẫn của các nhà kinh điển, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về sở hữu và các khái niệm liên quan. Ở đây, chúng tôi sử dụng

định nghĩa của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thức: “Sở hữu là quan hệ giữa con

người với con người đối với việc chiếm hữu của cải và thông qua quan hệ ấy, con người thực hiện mục đích thỏa mãn các nhu cầu của mình” [124, tr. 42].

Theo quan điểm mácxít, trong ba mặt của quan hệ sản xuất thì quan hệ giữa người với người trong việc sở hữu tư liệu sản xuất là quan hệ cơ bản nhất, là cơ sở của các quan hệ sản xuất và quyết định các quan hệ xã hội khác. Tính chất của quan hệ sản xuất phụ thuộc vào việc những tư liệu sản xuất cơ bản là sở hữu của ai. Quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất (biểu hiện thành chế độ sở hữu) là đặc trưng cơ bản của mỗi hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Vì vậy, vấn đề quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hệ thống lý luận của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin; đồng thời cũng là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của nhiều công trình khoa học đã công bố ở Việt Nam. Hiện nay, ngoài tư liệu sản xuất truyền thống, còn có thêm nhiều đối tượng sở hữu mới đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung. Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay cho thấy quan hệ sở hữu đã và đang vận động phức tạp. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi hướng đến khái quát thực trạng biến đổi của quan hệ sở hữu ở Việt Nam từ khi đổi mới đến nay với nhiều biểu hiện phong phú. Trong đó, chúng tôi chỉ tập trung khảo cứu sự biến đổi về đối tượng sở hữu, chủ thể sở hữu và cơ cấu sở hữu.

Khái niệm quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất

Quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất thực chất là việc điều khiển và tổ chức cách thức vận động của các nhân tố trong nền sản xuất xác định. Quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất có khả năng quyết định một cách trực tiếp đến quy mô, tốc độ, hiệu quả và xu hướng của mỗi nền sản xuất cụ thể. Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và bị quy định bởi quan hệ sở hữu. Việc sử dụng hợp lý các quan hệ tổ chức và quản lý sản xuất sẽ cho phép toàn bộ hệ thống quan hệ sản xuất có khả năng vươn

tới tối ưu; ngược lại, nếu quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất không phù hợp sẽ làm biến dạng quan hệ sở hữu, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội [46, tr. 442].

Nói đến quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, người ta có thể bàn đến hai cấp độ: một là, trong phạm vi vi mô của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; hai là, ở tầm vĩ mô toàn bộ nền kinh tế. Trong luận án, chúng tôi chủ yếu khảo cứu sự biến đổi quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất vĩ mô, mà không bàn đến quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất của các doanh nghiệp cụ thể từ góc độ chuỗi sản xuất trực tiếp. Theo đó, nội dung chúng tôi đề cập bao gồm một số biểu hiện của sự biến đổi về mô hình tổ chức, quản lý sản xuất xã hội; biến đổi về chủ thể tổ chức, quản lý sản xuất và biến đổi về phương thức tổ chức, quản lý sản xuất.

Khái niệm quan hệ phân phối

Theo chủ nghĩa Mác – Lênin, phân phối là khái niệm rộng, phản ánh nhiều nhóm quan hệ kinh tế - xã hội theo những đối tượng và phạm vi khác nhau. “Các quan hệ phân phối về thực chất cũng đồng nhất với các quan hệ sản xuất ấy, rằng chúng cấu thành mặt sau của các quan hệ sản xuất ấy, thành thử cả hai đều cùng có chung một tính chất lịch sử nhất thời ấy” [79, tr. 634]. Như vậy, quan hệ phân phối phụ thuộc vào quan hệ sở hữu và quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất. Phân phối luôn gắn liền với lợi ích kinh tế, vì vậy có khả năng kích thích trực tiếp vào động lực lợi ích của các chủ thể kinh tế, là “chất xúc tác” các quá trình kinh tế - xã hội hoặc có thể kìm hãm sản xuất, kìm hãm sự phát triển xã hội.

Phân phối theo nghĩa rộng phải hiểu là phân phối cả “các yếu tố đầu vào” và “kết quả đầu ra” của sản xuất. Phân phối thể hiện những quan hệ giữa người với người không những đối với các điều kiện của sản xuất, mà còn đối với kết quả của sản xuất, trong đó vai trò quyết định thuộc về phân phối các điều kiện sản xuất. Quan hệ phân phối các điều kiện sản xuất hoàn toàn khác với quan hệ phân phối được hiểu “là những tư cách khác nhau của các cá nhân để được hưởng một phần sản phẩm thuộc về tiêu dùng cá nhân” [79, tr. 635]. Chủ thể nào nắm các điều kiện sản xuất thì quyết định phân phối kết quả sản xuất. Phân phối các điều kiện sản xuất

là tiền đề, là cơ sở của phân phối kết quả sản xuất. C. Mác khẳng định: “Bất kỳ một sự phân phối nào về tư liệu tiêu dùng cũng chỉ là hậu quả của sự phân phối chính ngay những điều kiện sản xuất; nhưng sự phân phối những điều kiện sản xuất lại là một tính chất của chính ngay phương thức sản xuất” [77, tr. 36-37]. Như vậy, quan hệ phân phối bao gồm cả phân phối lần đầu và phân phối lại. Xét trong chu trình tái sản xuất và trong hệ thống quan hệ sản xuất, phân phối chính là việc phân phối các nguồn lực trong xã hội ở các cấp độ, phạm vi khác nhau tùy theo đối tượng và chủ thể khi tham gia phân phối [xem 88, tr. 28]. Bên cạnh phân phối thu nhập và phân phối nguồn lực, ngày nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, còn quan tâm đến phân phối cơ hội phát triển. Trên thực tế, phân phối trên bình diện xã hội đã trở thành yếu tố quyết định sự công bằng và tiến bộ, đảm bảo định hướng phát triển xã hội trong điều kiện tồn tại nhiều loại hình sở hữu và quan hệ sản xuất. Hơn nữa, chính sự phân phối trên bình diện xã hội sẽ điều chỉnh và chi phối sự phân phối trong các đơn vị kinh doanh [101, tr. 40]. Trong luận án, chúng tôi sẽ khảo cứu quan hệ phân phối theo nghĩa rộng, bao gồm một số nội dung cơ bản của sự biến đổi về chủ thể phân phối, biến đổi về khách thể phân phối (không chỉ có phân phối thu nhập mà còn đề cập đến phân phối nguồn lực phát triển, phân phối cơ hội phát triển, phân phối thành quả phát triển) và biến đổi về hình thức phân phối.

Tiểu kết chương 1

Quan hệ sản xuất là đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý thuộc nhiều lĩnh vực với rất nhiều công trình đã được công bố dưới các dạng thức khác nhau. Lựa chọn cách tiếp cận triết học để phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi của quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, chúng tôi đã tổng quan bốn nhóm công trình liên quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm: nhóm những công trình nghiên cứu về biến đổi của quan hệ sản xuất nói chung, nhóm công trình nghiên cứu về biến đổi của quan hệ sở hữu, nhóm công trình nghiên cứu về biến đổi của quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất và nhóm công trình nghiên cứu về biến đổi của quan hệ phân phối. Trên cơ sở nhận

diện và kế thừa thành tựu của các học giả đi trước, chúng tôi xác định các vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu, và đây cũng là các nội dung được triển khai trong các chương tiếp theo. Trong chương 1, chúng tôi còn xác định nội hàm và ngoại diên các khái niệm công cụ của luận án, bao gồm: khái niệm và kết cấu của quan hệ sản xuất, khái niệm quan hệ sở hữu, khái niệm quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, khái niệm quan hệ phân phối. Đây là cơ sở để chúng tôi triển khai phân tích thực trạng biến đổi và các vấn đề đặt ra từ thực trạng biến đổi của ba mặt quan hệ cơ bản của quan hệ sản xuất ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay ở các chương còn lại của luận án.

Chương 2

BIẾN ĐỔI CỦA QUAN HỆ SỞ HỮU Ở VIỆT NAM TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY: THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) biến đổi của quan hệ sản xuất ở việt nam từ năm 1986 đến nay thực trạng và những vẫn đề đặt ra (Trang 36 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)