Thực trạng biến đổi của quan hệ phân phối

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) biến đổi của quan hệ sản xuất ở việt nam từ năm 1986 đến nay thực trạng và những vẫn đề đặt ra (Trang 119 - 172)

Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

4.1. Thực trạng biến đổi của quan hệ phân phối

Trong nghiên cứu này, chúng tôi xem xét quan hệ phân phối theo nghĩa rộng, tức là bao gồm cả phân phối lần đầu và phân phối lại, không chỉ có phân phối sản phẩm mà cả phân phối các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, phân phối cơ hội phát triển và thành quả phát triển. Với tư cách là một mặt cơ bản của quan hệ sản xuất, quan hệ phân phối là biểu hiện về mặt kinh tế của quan hệ sở hữu và quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất. Vì vậy, những biến đổi của hai mặt quan hệ nêu trên quy định trực tiếp những biến đổi của quan hệ phân phối. Đồng thời, quan hệ phân phối cũng có tác động ngược trở lại, góp phần làm biến đổi quan hệ sản xuất cũng như toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội nói chung. Ở đây, để làm rõ thực trạng biến đổi của quan hệ phân phối ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, chúng tôi phân tích những biến đổi về chủ thể phân phối, khách thể phân phối và hình thức phân phối.

4.1.1. Biến đổi về chủ thể phân phối

Sự đa dạng hóa chủ thể phân phối là tất yếu khách quan nhờ chủ trương đa dạng hóa các hình thức sở hữu và chủ thể tổ chức, quản lý sản xuất. Nếu như trước đổi mới, Nhà nước là chủ thể phân phối duy nhất thì từ năm 1986, các chủ thể kinh tế khác cũng tham gia quan hệ phân phối, hình thành nên cơ cấu đa dạng các chủ thể phân phối. Trong chương trước, chúng tôi đã phân định để làm rõ vai trò của ba chủ thể tổ chức, quản lý sản xuất bao gồm Nhà nước, doanh nghiệp và thị trường. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ phân tích vai trò của hai chủ thể phân phối là nhà nước và thị trường cũng như cơ chế kết hợp giữa hai chủ thể này, mà không phân tích cụ thể vai trò chủ thể phân phối vi mô của các doanh nghiệp. Một cách khái quát, có thể nói từ khi đổi mới, Nhà nước và thị trường là hai chủ thể phân phối chủ yếu. Vai trò của mỗi chủ thể trong quan hệ phân phối đã có sự thay đổi lớn so với trước đổi mới, đồng thời liên tục được điều chỉnh nhằm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh thế giới.

Thứ nhất, vai trò chủ thể phân phối của Nhà nước thay đổi.

Trước đổi mới, Nhà nước vừa là chủ thể quản lý, vừa trực tiếp thực hiện phân phối cả ở phạm vi vĩ mô và vi mô. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, Nhà nước quản lý, điều tiết quan hệ phân phối bằng mệnh lệnh hành chính với những chỉ tiêu, kế hoạch phân phối cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, thậm chí từng doanh nghiệp và hợp tác xã cụ thể. Nguyên tắc thực hiện phân phối thời kỳ này là phải đảm bảo công bằng theo nghĩa cùng vị trí công việc thì mọi người được hưởng kết quả phân phối như nhau tính theo công điểm và bằng tem phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế, nguyên tắc phân phối này thực chất là bình quân, cào bằng nên đã không tạo được động lực kích thích người lao động.

Bước sang thời kỳ đổi mới, với những cải cách về chế độ sở hữu và cơ chế quản lý, quan hệ phân phối đã có nhiều biến chuyển mang tính chất bước ngoặt. Nhà nước vẫn đóng vai trò là chủ thể phân phối quan trọng, nhưng đã có những điều chỉnh tích cực so với trước đổi mới.

Một là, Nhà nước không còn can thiệp trực tiếp vào quan hệ phân phối ở

phạm vi các đơn vị sản xuất kinh doanh. Ngay cả đối với các doanh nghiệp nhà

nước, do có sự phân định giữa vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nên với tư cách là chủ thể sở hữu, Nhà nước quyết định chính sách phân phối thông qua việc ban hành hệ thống lương, bao gồm lương tối thiểu, hệ thống thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, cơ chế quản lý lương để các doanh nghiệp áp dụng thống nhất và trở thành căn cứ để doanh nghiệp tính toán đơn giá tiền lương, thuế thu nhập và thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hai là, Nhà nước tăng cường xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, thiết lập hành lang pháp lý quản lý và điều chỉnh các quan hệ phân phối trong xã hội phù hợp với cơ chế thị trường. Có thể nói, đây là vai trò quan trọng nhất của Nhà nước với tư cách là chủ thể phân phối trong bối cảnh hiện nay. Trong nền kinh tế thị trường, mọi chủ thể kinh tế được tự do sản xuất, kinh doanh trong phạm vi pháp luật không cấm. Theo đó, hệ thống các quy định pháp luật của Nhà nước không chỉ là hành

lang pháp lý để dựa vào đó các chủ thể kinh tế hoạt động sản xuất kinh doanh, mà còn là cơ sở để điều chỉnh quan hệ phân phối.

Ba là, Nhà nước tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm luật pháp được tuân thủ trong hoạt động phân phối trong nền kinh tế thị trường. Động lực để các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế trong nền kinh tế thị trường là lợi ích với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Bởi vậy, nhiều cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có thể vì lợi ích kinh tế mà bất chấp pháp luật, thực hiện những hành vi sai phạm, gây ra những bất công, tiêu cực trong quan hệ phân phối. Quan hệ phân phối được xem là hình thức kinh tế của quan hệ sở hữu, là hệ quả trực tiếp của quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, do đó, những tiêu cực trong quan hệ phân phối có thể gây ra những bất ổn trong xã hội. Vì vậy, việc kiểm tra, giám sát hoạt động phân phối của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong duy trì ổn định và phát triển xã hội.

Bốn là, Nhà nước thực hiện điều tiết quan hệ phân phối nhằm duy trì và bảo đảm bình đẳng xã hội thông qua các công cụ quản lý. So với trước năm 1986, Nhà nước không còn trực tiếp can thiệp vào quan hệ phân phối bằng mệnh lệnh hành chính mà sử dụng các công cụ như hệ thống pháp luật liên quan, phân phối qua ngân sách nhà nước, phân phối bằng công cụ thuế, phân phối qua hệ thống tín dụng nhà nước, phân phối qua hệ thống an sinh xã hội, v.v.. Với những công cụ quản lý này, Nhà nước thực hiện hiệu quả hơn vai trò quản lý phân phối vĩ mô của mình nhằm đảm bảo công bằng xã hội, đồng thời tạo điều kiện để mọi chủ thể kinh tế phát huy vai trò chủ động của mình không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà cả trong phân phối các nguồn lực với hiệu quả kinh tế cao và phân phối lợi ích hợp lý.

Nói một cách khái quát, từ khi đổi mới đến nay, thông qua cơ chế, chính sách và công cụ quản lý, Nhà nước thực hiện việc giám sát, điều tiết nhằm duy trì và bảo đảm quan hệ phân phối bình đẳng xã hội đối với các yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của sản xuất kinh doanh, đồng thời tuân thủ nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Trước đổi mới, do nhận thức sai lầm, chủ quan, duy ý chí về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta chủ trương xóa bỏ thị trường tự do và thiết lập “thị trường có tổ chức” với cơ chế quản lý tập trung. Nhưng thực chất đó là thị trường biến dạng, méo mó bởi mọi hoạt động sản xuất, lưu thông và phân phối đều theo chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước, ngay cả giá cả hàng hóa cũng do Nhà nước quy định. Chính thị trường đó đã làm sai lệch các quan hệ kinh tế, gây hậu quả tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, chúng ta đã chủ trương xây dựng kinh tế thị trường. Từ đây, vai trò của thị trường trong quan hệ phân phối được thừa nhận và ngày càng phát huy hiệu quả. Từ năm 1986 đến nay, với ưu thế năng động và hiệu quả, thị trường ngày càng phát huy tốt vai trò trong phân bổ các nguồn lực và tạo cơ hội phát triển kinh tế.

Một là, thị trường là một kênh phân phối nguồn lực hiệu quả. Với sự hoạt động của các quy luật khách quan vốn có như quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá trị, v.v.. thị trường đóng vai trò là kênh phân phối quan trọng (thậm chí trong những trường hợp nhất định là quan trọng nhất), tối ưu hóa hiệu quả các loại nguồn lực nhằm phát triển kinh tế. Sự mở rộng và liên thông của các loại thị trường giúp cho sự lưu thông và phân bổ nguồn lực diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và hợp lý hơn. Như một tất yếu khách quan, sự hoạt động của thị trường sẽ tự động điều tiết các nguồn lực tập trung về nơi được sử dụng với hiệu suất cao nhất.

Hai là, thị trường là một kênh phân phối thu nhập quan trọng. Yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường là phân phối thu nhập phải tương xứng với hiệu quả đóng góp (về lao động, về vốn, v.v..) vào quá trình sản xuất, đã góp phần tạo ra các hình thức phân phối thu nhập mới có tác dụng kích thích các chủ thể nỗ lực tối ưu hóa hoạt động kinh tế. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp, với tư cách là một chủ thể phân phối cũng được chủ động hơn trong phân phối thu nhập, phân phối lợi nhuận, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu, kế hoạch của Nhà nước như thời kỳ trước đổi mới.

Ba là, thị trường góp phần quan trọng vào phân phối cơ hội phát triển. Cơ chế thị trường tạo ra nhiều cơ hội cho mọi chủ thể kinh tế tự do làm giàu trong lĩnh

vực mà pháp luật không cấm nhằm tối đa hóa lợi ích của riêng mình, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sự mở rộng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo thêm cơ hội việc làm, qua đó tạo cơ hội tăng thu nhập cho nhiều người lao động. Chính điều này góp phần mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho mọi người.

Thứ ba, kết hợp giữa Nhà nước và thị trường trong điều tiết quan hệ phân phối.

Từ khi bước vào công cuộc đổi mới, Việt Nam chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế này thể hiện tính chất quá độ lên chủ nghĩa xã hội với sự đan xen nhiều hình thức sở hữu, phối hợp nhiều chủ thể tổ chức, quản lý sản xuất và chủ thể phân phối. Việc đa dạng hóa chủ thể phân phối đã hình thành nên cơ chế kết hợp giữa các chủ thể trong điều tiết quan hệ phân phối. Trong đó, sự kết hợp giữa chủ thể Nhà nước và thị trường đã giúp cho quan hệ phân phối đạt hiệu quả cao hơn xét cả về phương diện hiệu quả kinh tế và công bằng xã hội.

Cơ chế kết hợp giữa Nhà nước và thị trường trong điều tiết quan hệ phân phối được thể hiện ở hầu khắp các lĩnh vực phân phối từ phân phối thu nhập, đến phân phối nguồn lực, phân phối cơ hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước vẫn là chủ thể chi phối trong quan hệ phân phối. Nội dung này sẽ được chúng tôi phân tích kỹ hơn ở phần vấn đề đặt ra.

4.1.2. Biến đổi về khách thể phân phối

Thời kỳ trước đổi mới, trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, khi bàn đến quan hệ phân phối, người ta chủ yếu bàn đến phân phối thu nhập. Từ khi đổi mới đến nay, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất và phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, khách thể phân phối ngày càng phong phú hơn. Không chỉ có lợi nhuận, mà tất cả nguồn lực có khả năng sinh lời dưới dạng hiện hữu hay tiềm năng, vật thể hay phi vật thể, thậm chí cả cơ hội tiềm năng cũng là đối tượng cần phải phân chia giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Để thấy được thực trạng biến đổi về khách thể phân phối ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay, dưới đây, chúng tôi sẽ tập trung phân tích những biến đổi về

phân phối thu nhập, phân phối nguồn lực phát triển, phân phối cơ hội phát triển và phân phối thành quả phát triển.

Biến đổi về phân phối thu nhập

Từ khi đổi mới đến nay, khách thể phân phối thu nhập ở Việt Nam đã có nhiều biến đổi mang tính chất bước ngoặt so với thời kỳ trước đổi mới, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Phần thu nhập mà các chủ thể trong xã hội nhận được không chỉ là tiền công lao động trực tiếp. Với sự đa dạng các hình thức phân phối, thu nhập còn có thể là lợi tức, lợi tức cổ phần, tiền trợ cấp, v.v.. Phương thức phân phối thu nhập chuyển từ phân phối hiện vật theo tem phiếu sang phương thức phân phối giá trị (bằng tiền). Sự chuyển biến này tạo điều kiện mở rộng quan hệ trao đổi, buôn bán, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong cơ chế phân phối mới, thị trường điều tiết phân phối thu nhập quốc dân bằng hệ thống giá cả các yếu tố sản xuất thông qua quan hệ cung – cầu. Đồng thời, nhằm khắc phục những hạn chế của cơ chế thị trường trong phân phối thu nhập, Nhà nước thực hiện điều tiết quan hệ phân phối bằng các công cụ như chính sách quy định mức lương tối thiểu, chính sách tài chính, tín dụng, cơ chế giá cả, thuế thu nhập, v.v.. nhằm thực hiện công bằng xã hội, duy trì ổn định kinh tế - xã hội, tạo điều kiện phát triển bền vững.

Thời kỳ trước đổi mới, với quan niệm chủ nghĩa xã hội là một hệ thống mà trong đó xã hội trực tiếp lo toan cho mọi thành viên của mình bằng những hiện vật cụ thể, theo nhu cầu của họ và tương ứng với trình độ sản xuất, chúng ta đã thiết lập nền kinh tế hiện vật và áp dụng mô hình phân phối theo tem phiếu. Theo nhà nghiên cứu Đặng Phong, lập trường nhân đạo tốt đẹp của các nhà lãnh đạo Đảng thời kỳ này đã vấp phải một thực tế, đó là lợi ích [xem 93, tr. 112-113]. Thời kỳ này tồn tại cách nhìn sai lầm là coi tiền lương chỉ là vấn đề xã hội. Nhưng, đúng như Trường Chinh đã chỉ ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa V (tháng 7 năm 1984), tiền lương chính là một yếu tố quan trọng của bản thân sản xuất, vì vậy, để khắc phục tình trạng trì trệ, rối loạn nền kinh tế thì phải giải quyết đúng đắn vấn đề tiền lương [theo 93, tr. 273]. Có thể nói, đây là một tư tưởng mang tính chất khai phóng, góp

phần đặt nền tảng cho những bước đột phá trong cuộc cải cách giá – lương – tiền năm 1985 và đặc biệt là những tư tưởng đổi mới được đưa ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986).

Từ khi đổi mới, đồng thời với việc đổi mới quan hệ sở hữu và quan hệ tổ chức, quản lý sản xuất, Đảng chủ trương tiếp tục điều chỉnh quan hệ phân phối, trong đó, chính sách tiền lương được đặc biệt chú trọng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI nêu rõ: “Việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính chất bình quân, xoá bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế” [23, tr. 69]. Việc cụ thể hóa và triển khai quan điểm phân phối này trên thực tế không những có tác dụng khắc phục

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) biến đổi của quan hệ sản xuất ở việt nam từ năm 1986 đến nay thực trạng và những vẫn đề đặt ra (Trang 119 - 172)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)