Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong những năm tới chuyển đổi MĐSD ĐNN vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tái cấu trúc ngành nông nghiệp và khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Chuyển đổi MĐSD ĐNN sang các mục đích phi nông nghiệp ở quy mô khá lớn, trong đó tiếp tục mở rộng các khu công nghiêp, đô thị lớn theo quy hoạch. Ngoài ra, để thực thi Chương trình xây dựng nông thôn mới, mở rộng các thị trấn, thị tứ việc chuyển đổi MĐSD ĐNN được coi là trọng tâm của giai đoạn 2012-2020.
Đổi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Bắc Ninh cần có sự rà soát, điều chỉnh theo các chủ trương tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường và hội nhập kinh tế thế giới.
Đối với chuyển đổi MĐSD ĐNN theo hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi: phải áp dụng kỹ thuật canh tác trong chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai của tỉnh. Đặc biệt, đất chuyển sang các cây trồng, vật nuôi mới phải phù hợp nhất với cây trồng vật nuôi đó theo hướng khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai và các điều kiện tự nhiên khác. Nghiên cứu chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, hạn chế sâu bệnh, có năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực hiện mở rộng diện tích ĐNN theo hướng tái cấu trúc ngành nông nghiệp của tỉnh, trong đó có các phương án xây dựng các công trình thuỷ lợi và cứng hoá
hệ thống kênh mương phải coi là giải pháp quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đầu tư cải tạo nâng cao độ phì đất canh tác.
Trong thời kỳ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trường hợp địa phương có nhu cầu sử dụng đất vượt quá chỉ tiêu đất lúa cấp quốc gia phân bổ thì phải có phương án khai thác các quỹ đất khác chuyển sang, nhằm đảm bảo ổn định quỹ đất lúa (35.500 ha) so với chỉ tiêu đất lúa được cấp quốc gia phân bổ cho tỉnh.
Đối với chuyển đổi MĐSD ĐNN sang mục đích phi nông nghiệp: Cần tuân thủ mọi yêu cầu của quy hoạch khi thực thi các phương án chuyển đổi mục đích ĐNN. Đối với các dự án xây dựng các khu, cụm công nghiệp và dịch vụ, chỉ giao đất các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ khi chúng có các phương án xử lý triệt để các chất thải, chống ô nhiễm môi trường.
Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, tổ chức, cá nhân cần đất đến đâu thì Nhà nước thu hồi và giao đất đến đó, tránh tình trạng để các dự án quy hoạch treo, gây lãng phí khi chuyển đổi MĐSD đất. Khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, đất đã được thu hồi nhưng không triển khai dự án theo đúng tiến độ, hoặc chủ đầu tư nhận đất nhưng cũng không triển khai xây dựng dẫn đến dân mất đất không có việc làm, còn doanh nghiệp cũng không thu hút được lao động vào làm việc.
Để giải quyết tình trạng này, cần kiên quyết loại bỏ tình trạng một số người lợi dụng quy hoạch để lấy đất của nông dân để hoặc là bố trí cho các dự án không khả thi, hoặc đầu cơ đất đai bất động sản, dẫn đến ĐNN bị bỏ không, trong khi nông dân không có đất sản xuất. Cần phát triển các khu công nghiệp làng nghề theo hình thức đổi đất. Các địa phương cần quy hoạch khu công nghiệp cho làng nghề nằm trong các khu vực không ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất sau chuyển đổi cần lựa chọn, ưu tiên các doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, đảm bảo tài chính và nhân lực, ít sử dụng đất mà hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường vào đầu tư trong tỉnh.
Bố trí đất cho phát triển công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công trình phúc lợi xã hội và mở rộng khu dân cư theo hướng lựa chọn những khu vực ít đất trồng lúa hoặc những vị trí canh tác gặp nhiều khó khăn; hạn chế quy hoạch ở những vị trí trồng lúa thuận lợi, năng suất cao, chất lượng tốt. Đối với đất ở, khuyến khích những hộ có khuôn viên rộng, còn nhiều đất vườn chuyển nhượng cho nhau để tự giãn. Các khu vực đô thị đấu giá quyền sử dụng đất, quy hoạch các khu nhà cao tầng, sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả.
Chính quyền các cấp phải cùng dân tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi MĐSD ĐNN. Kinh nghiệm thành công của nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Đà Nẵng cho thấy, người lãnh đạo cao nhất của địa phương cần trực tiếp đối thoại để giải quyết những vấn đề gay cấn nhất trong việc thu hồi, đền bù, giải toả, cũng như trong việc giải quyết việc làm, thu nhập và tổ chức đời sống cho người dân thì việc giải phóng mặt bằng sẽ tiến hành thuận lợi.
Trước khi giải phóng mặt bằng, cán bộ Ban đền bù, bồi thường, cán bộ các ban ngành có liên quan của địa phương xuống với dân, động viên, giải thích mọi vướng mắc để người dân chấp thuận nhận tiền đền bù, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng nhanh.
Sau giải phóng mặt bằng, giải toả để thu hồi đất, cán bộ công chức các ngành có liên quan cần tiếp tục đến với dân ở khu tái định cư, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, để có những giải pháp kịp thời phù hợp, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền giải quyết. Từng địa phương trong tỉnh (huyện, xã) chủ động góp sức cùng lãnh đạo tỉnh giải quyết bức xúc về việc làm, thu nhập và đời sống của người dân ở những vùng có đất bị thu hồi thì sẽ đem lại hiệu quả.