Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.3. Lịch sử nghiên cứu hồi ký tại Việt Nam
1.3.2. Tình hình nghiên cứu hồi ký sau năm 1975
Sau năm 1975, cùng với sự gia tăng cả về chất lượng và số lượng của hồi ký, nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý hơn đến thể loại này và có những kiến giải xác đáng về đặc trưng nội dung và nghệ thuật của hồi ký ở các tiểu loại khác nhau. Chúng tôi nhận thấy có hai hướng nghiên cứu chính về hồi ký: hướng thứ nhất là phân tích và điểm diện những đặc điểm khái quát của hồi ký cùng một số đặc trưng thể loại nổi bật thông qua những nhận định tổng quan về giá trị nội dung và nghệ thuật; hướng thứ hai là phê bình, nhận xét, phân tích sâu vào những tác giả, tác phẩm hồi ký tiêu biểu từ trước đến nay, đặc biệt là hồi ký của các nhà văn.
1.3.2.1. Thứ nhất là khuynh hướng phân tích và nhận diện những đặc điểm chung của hồi ký.
Theo nhà nghiên cứu Bích Thu, sự xuất hiện của những hồi ký “mang đậm dấu ấn cái tôi của nhà văn, thuật lại lai lịch, đời tư, đời viết, quan hệ chủ thể sáng tạo với đồng nghiệp, bạn văn, người thân và bạn đọc... thu hút sự chú ý của người đọc đã chứng tỏ cái thế mạnh riêng của tác phẩm ký’’ [39, 411]. Nguyễn Phượng khẳng định “Không ngẫu nhiên thể loại hồi ký, tự truyện và tiểu thuyết tự truyện lại gần như chiếm thế thượng phong trong giai đoạn này„ bởi “sự thay đổi nhận thức và quan
niệm về các hệ giá trị’’ cùng “cái nhìn tỉnh táo, duy thực đầy can đảm’’ của nhà văn trong việc “diễn đạt những sự thật từng bị che khuất bởi những chi phối của lịch sử và thời cuộc’’ [136].
Bài viết Hồi ký- Tiềm năng và hạn chế của tác giả Nguyễn Văn Dân đăng trên Báo Văn nghệ tháng 10/2008 đã đưa ra nhiều kiến giải thú vị về thể loại. Trong bài viết, nhà nghiên cứu giúp người đọc truy nguyên nguồn gốc của hồi ký và khẳng định đây chính là một trong những thể loại ra đời sớm nhất. Ông cũng đưa ra một số cách phân loại hồi ký, đề cao yếu tố cốt lõi của hồi ký chính là Sự Thật, từ đó phân tích về tính chân thực của các sự kiện trong một tác phẩm để chúng ta thấy được công việc viết hồi ký không hề đơn giản và dễ dàng: “Người viết hồi ký sẽ có công lớn nếu như anh ta phát hiện ra được những “sự thật nháp chân chính” đang phải chịu sự che đậy để tránh nguy hiểm cho các nhân vật có liên quan; cũng như nếu anh ta phân biệt được “sự thật nháp” với sự thật chân chính để không gây ngộ nhận (…). Nhưng anh ta sẽ “gây thù chuốc oán” nếu như anh ta cứ hồn nhiên công bố mọi “sự thật nháp” của người đời, nhất là có những người viết hồi ký chỉ công bố những “sự thật nháp” này khi tác giả của những sự thật đó đã khuất” [26]. Mặc dù vậy, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Dân mới chỉ tập trung phân tích về mặt nội dung của hồi ký, đề cao yếu tố sự thật mà chưa chú ý đến các phương diện biểu hiện và cách thức phát ngôn những sự thật ấy.
Cùng thời gian này, trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10/2008, Lý Hoài Thu có bài báo Hồi ký và bút ký thời kỳ đổi mới. Bài viết khá dài thâu tóm đặc điểm của thể loại hồi ký ở cả hai khía cạnh nội dung và nghệ thuật. Tác giả đã rất sắc sảo chỉ ra những cái hay, cái đẹp của các tác phẩm hồi ký: “Sức hấp dẫn của tác phẩm hồi ký chính là sự tường minh của hồi ức và sự liền mạch của hồi ức ấy.(…) Những kỉ niệm chung - riêng, xa - gần không rời rạc tản mát mà hòa chảy thành một dòng sông cuồn cuộn đổ về biển cả cảm xúc” [159]. Tác giả cũng nhắc đến một số thủ pháp nổi bật
trong việc thể hiện hồi ký “mặc dù minh bạch, thông suốt về nội dung, sáng tỏ, nhất quán về kết cấu, song hồi ký thời kỳ này lại khá đa dạng về giọng điệu”, “sự phong phú của giọng điệu ấy đã góp phần quan trọng trong sự “phục sinh” hồi ức và “đa dạng hoá” cái kết cấu hồi ức mà các tác giả xây dựng…” [159].
Không lâu sau đó, tác giả Đỗ Hải Ninh với bài viết Những bước chuyển của hồi ký thời kỳ đổi mới (tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 7/2013) đã nghiêm túc nhìn nhận lại quá trình phát triển của hồi ký sau năm 1975, những thành tựu và những hạn chế. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm nổi bật đặc trưng của hồi ký văn học trong sự so sánh với hồi ký giai đoạn trước: “Hồi ký thời kỳ đổi mới là hành trình khám phá những số phận, nhân cách và thế giới tâm hồn con người. Tác giả hồi ký không chỉ trình bày nguyên trạng bức tranh quá khứ mà còn không ngừng suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời, số phận của đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong đó có hình ảnh của người viết” [129]. Tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra “những xu hướng đánh bóng tên tuổi trong các hồi ký, tự truyện hoặc đi vào khai thác những chuyện thóc mách đời tư khiến cho độc giả lo ngại”. Nhưng vượt lên trên những hạn chế này, hồi ký thời kỳ đổi mới đã tiến một bước dài trên hành trình xác lập vị trí thể loại, đặc biệt đã khiến ta “phải thay đổi tư duy về một thể loại vốn được khuôn định rõ ràng trong cái khung sự thật…” [129]. Những luận điểm trên đã gợi ý cho chúng tôi nhìn nhận rõ hơn về sự giao thoa và khuynh hướng biến đổi thể loại của hồi ký thời kỳ đổi mới. Điểm hạn chế là bài viết chỉ tập trung phân tích hồi ký văn học mà chưa chú ý đến hồi ký cách mạng hay hồi ký thế sự- đời tư nên những kết luận đưa ra chưa mang tính bao quát cho toàn bộ hồi ký trong giai đoạn này.
Công trình chuyên biệt đầu tiên nghiên cứu về thể loại hồi ký là luận án của Ngô Thị Ngọc Diệp với đề tài “Hồi ký trong văn học Việt Nam từ sau cách mạng tháng Tám 1945 đến nay„ bảo vệ tại Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội năm 2013. Tác giả luận án đã xác lập hệ thống đặc trưng thể loại hồi ký trong sự phân biệt với các thể loại khác, chỉ ra những giá trị nổi bật của hồi ký nước ta trong hai giai đoạn lớn là 1945- 1975 và 1975 đến nay. Bằng những phân tích tỉ mỉ, nghiêm cẩn về các đặc điểm nội dung và nghệ thuật của hồi ký ở cả ba mảng: hồi ký văn học, hồi ký cách mạng, hồi ký thế sự- đời tư, tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều kiến thức mới mẻ cùng cái nhìn biện giải xác đáng về sự vận động của thể loại trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, luận án nghiêng nhiều hơn về việc khẳng định giá trị văn học sử của hồi ký mà chưa quan tâm đến vai trò của ký ức, sự đa diện của diễn ngôn về sự thật, mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố nội dung và hình thức giúp hồi ký có vị trí nổi bật trong hệ thống thể loại ký sau năm 1975.
1.3.2.2. Thứ hai là khuynh hướng nghiên cứu hồi ký thông qua những tác phẩm cụ thể của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng.
Mảng hồi ký văn học trước năm 1975 đã được nhiều nhà nghiên cứu lật xới, phân định lại giá trị thông qua những bài phân tích, phê bình về hai cây bút hồi ký nổi bật là Nguyên Hồng và Vũ Bằng. Nguyên Hồng đã viết bốn tập hồi ký (Những ngày thơ ấu, Bước đường viết văn, Những nhân vật ấy đã sống với tôi, Một tuổi thơ văn), trong đó hồi ký Những ngày thơ ấu được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Thạch Lam nhìn thấy trong cuốn hồi ký mang dáng dấp tự truyện này là “những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại lạc loài với những lề lối khắc nghiệt của một gia đình sắp tàn„. Nguyễn Đăng Điệp đánh giá hồi ký Nguyên Hồng là hồi ký tâm trạng với “chất thơ, chất trữ tình trội át chất phân tích, tự sự„ [44, 231]. Đoàn Cầm Thi lại coi hồi ký Những ngày thơ ấu là một tự truyện và phân tích tác phẩm này từ góc độ phân tâm học khá táo bạo. Bên cạnh Nguyên Hồng, Vũ Bằng cũng là cây viết tài hoa đã thể hiện “cái tạng„ của mình ngay trong những tác phẩm hồi ký giàu tính tự sự như Cai hay Bốn mươi năm nói láo. Văn Giá nhận định
hồi ký Vũ Bằng là “hồi ký trữ tình, tái hiện tâm trạng, cảm xúc, sự kiện được giảm thiểu tối đa„ [48, 335]. Vũ Xuân Triệu cho rằng cái tôi tác giả Vũ Bằng trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo là cái tôi đa dạng: “cái tôi thành thật’’, “cái tôi hóm hỉnh’’, “cái tôi đầy dũng khí’’ [175].
Sau năm 1975, cây bút hồi ký được các nhà nghiên cứu chú ý hơn cả là Tô Hoài (mặc dù trước đó ông đã trình làng nhiều hồi ký hấp dẫn nhưng phải sau năm 1975, hồi ký Tô Hoài mới thực sự có tiếng vang và gây nên những tranh luận trái chiều vô cùng sôi nổi). Tô Hoài với những cuốn hồi ký mang dáng dấp tự truyện (Cỏ Dại, Tự Truyện, Cát Bụi Chân Ai, Những Gương Mặt, Chiều chiều) trải dài cả chặng đường đời của ông, gây chú ý cho đông đảo độc giả. Nhiều tác giả đã viết về hồi ký Tô Hoài, đặc biệt là hai cuốn hồi ký Cát bụi chân ai và Chiều chiều với sự tri ân và đồng cảm sâu sắc. Xuân Sách cho rằng “Tác phẩm mang đậm phong cách Tô Hoài, từ văn phong đến con người, thâm hậu mà dung dị, thì thầm mà không đơn điệu nhàm chán, lan man tí chút nhưng không kề cà vô vị, một chút u mặc với cái giọng khơi khơi mà nói...„[140]. Đặng Thị Hạnh chú ý đến cấu trúc thời gian và ngôn ngữ hiện đại trong Cát bụi chân ai: “Thời gian hồi tưởng như ngẫu hứng, cũng chạy lông bông theo dòng hoài niệm, móc vào đâu đấy, dừng lại một chút rồi đi’’[54]. Lý Hoài Thu nhận định: “Tô Hoài lại khắc hoạ hình ảnh những người bạn văn chương của mình bằng những nét bút tả thực sống động trên một “hậu cảnh” sáng rõ của hồi ức. Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng… - những “tên tuổi lớn” của nền văn học hiện đại Việt Nam - giống như để nhớ đến vùng kỷ niệm khó mờ phai về một thời đoạn thăng trầm của nền văn học ấy…” [159]. Trên Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số tháng 9/2010, Trần Mai Phương qua bài viết Sự vận động của thể loại hồi ký với Tô Hoài đã có những kết luận xác đáng về sự thay đổi của hồi ký Tô Hoài sau năm 1975 như một điển hình tiêu biểu cho sự vận động của thể loại. Còn ở Diễn đàn văn
nghệ Việt Nam số 12/2011, tác giả Hoàng Mai Hương đặt vấn đề So sánh hồi ký- tự truyện của Ma Văn Kháng với hồi ký- tự truyện của Vũ Bằng và Tô Hoài để xác nhận những điểm đặc sắc của hồi ký Tô Hoài trong xu hướng biến thể, giao thoa thể loại. Những năm qua, hàng loạt luận văn đã chọn hồi ký Tô Hoài làm đề tài nghiên cứu như một sự tri ân, ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của nhà văn.
Các tập hồi ký của Bùi Ngọc Tấn, Ma Văn Kháng, Duy Khán, Sao Mai... đều tìm được sự đồng vọng sâu sắc. Lê Minh Hà rất tâm đắc với
Rừng xưa xanh lá và Một thời để mất của Bùi Ngọc Tấn (sau này sẽ gộp chung thành quyển Viết về bạn bè): “Rừng xưa xanh lá không phải là giai thoại. Viết về bè bạn không phải là giai thoại, cũng không phải là cuốn sách về chuyện đời, chuyện nghề (...). Với Bùi Ngọc Tấn, ý nghĩa của sự trở lại với chữ là nghĩa đời’’ [50]. Vương Trí Nhàn giới thiệu về Tuổi thơ im lặng của Duy Khán: “Đang từ một người dễ dãi chạy theo các đề tài thời sự, Duy Khán trở lại với phần ký ức tuổi thơ nằm sâu và trở nên bền chặt trong tâm tư„ [123]. Nguyễn Ngọc Thiện nhận xét về Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương của Ma Văn Kháng: “Qua từng trang sách, hiện lên rõ nét bức tranh của đời sống xã hội trải dài trong non một thế kỷ với chân dung phong phú các loại người xuất hiện trong mối quan hệ với tác giả trong sự quan sát chăm chú của ông theo góc nhìn của nghề viết văn„ [156, 20].
Hồi ký của Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Quách Tấn... đều đã trở thành đối tượng phân tích của các bài báo trên tạp chí chuyên ngành hay các luận văn thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo có tiếng. Hồi ký của những cây bút phê bình quen thuộc như Đặng Thai Mai, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Hiến Lê... cũng nhận được nhiều ý kiến tán dương từ phía các đồng nghiệp, học trò và giới truyền thông. Hồ Tấn Nguyên Minh nhận xét Hồi ký Nguyễn Hiến Lê “giúp tôi nhìn ra được tầm vóc, sự uyên bác và đặc biệt là tấm lòng của nhà văn, nhà khảo
cứu Nguyễn Hiến Lê đối với nền văn hóa, văn chương dân tộc” [114]. Lê Thị Kim Liên nhìn ra chất trữ tình thấm đẫm trong hồi ký Cô bé nhìn mưa của Đặng Thị Hạnh “Toàn bộ hồi ký là lịch sử hình thành tư tưởng, nhân cách cá tính của người viết. Đó là lịch sử nhân cách của tâm hồn chứ không phải là lịch sử của sự kiện” [94, 21]. Lê Huy Bắc không ngần ngại xếp hồi ký Tầm xuân của Đặng Anh Đào là “một trong những cuốn hồi ký hay nhất ở Việt Nam từng được viết ra. Không biết bằng cách nào mà cô có thể dung hòa được hai phẩm chất vốn được xem là trái ngược nhau: sự nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác của nhà nghiên cứu và sự lãng mạn, phá cách của nghệ sĩ” [9].
Như vậy, nhìn lại lịch sử nghiên cứu hồi ký, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều hướng tiếp cận và cách khai thác khá hiệu quả về thể hồi ký nói chung cũng như các tác phẩm hồi ký có giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về thể loại còn bỏ ngỏ, chưa được quan tâm, đánh giá đúng.
Tiểu kết chƣơng 1
Trong phần tổng quan của luận án, trên cơ sở khái quát hệ thống lý luận về ký, chúng tôi đã tiến hành xác lập lại khái niệm cùng những thành tố cơ bản tạo nên giá trị của hồi ký. Sự bùng nổ của hồi ký trong thời kỳ đổi mới là xu thế tất yếu, phù hợp với nhu cầu nhận thức của chủ thể sáng tạo cũng như người tiếp nhận. Nhiều bài viết, công trình nghiên cứu trải dài từ trước năm 1975 trở về đây đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của giới phê bình dành cho hồi ký. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề trọng tâm chưa được chú ý như: vai trò của ký ức giúp tạo nên đặc trưng nổi bật, hoàn toàn khác biệt của hồi ký so với các thể ký khác; diễn ngôn về sự thật trong hồi ký với nhiều hình vẻ và cấu trúc phong phú; xu hướng tiếp nhận sự ảnh hưởng, thâm nhập mạnh mẽ của các thể loại gần gũi để tạo nên con đường phát triển mới cho hồi ký. Những khoảng trống trong nghiên cứu nói trên đặt ra yêu cầu trực diện và cấp thiết đối với luận án của chúng tôi.
CHƢƠNG 2
QUÁ TRÌNH PHỤC HIỆN KÝ ỨC TRONG HỒI KÝ SAU 1975
Hồi ký là sản phẩm của cái tôi cá nhân chủ quan với dấu ấn của ký ức không thể lặp lại ở bất kỳ ai khác. Dù cố ý hay không cố ý thì ngay trong sự lựa chọn và phục hiện những mảng hồi ức khác nhau, cái tôi tác giả đã thể hiện rõ vai trò trung tâm và vô cùng quan trọng của mình khi