Chƣơng 4 SỰ GIAO THOA THỂ LOẠI CỦA HỒI KÝ SAU 1975
4.1. Chất trữ tình trong hồi ký
4.1.2. Sự xuất hiện của thiên nhiên giữa dòng chảy sự kiện
Thiên nhiên là đối tượng lâu đời của nghệ thuật, không chỉ là chất liệu dồi dào cho các hình ảnh, biểu tượng trong tác phẩm mà sự xuất hiện của thiên nhiên ở những vị trí khác nhau có thể tạo nên chất thơ cho bất kỳ trang viết nào. Bởi lẽ, với tất cả sự rực rỡ, phong phú của mình, các hình ảnh thiên nhiên luôn mời mọc, vẫy gọi con người thoát ra mọi mọi ưu tư, phiền muộn để thăng hoa trong những giây phút lãng mạn, thưởng ngoạn bình yên. Đắm mình vào thế giới thiên nhiên muôn màu, nhịp sống dường như cũng chậm lại để mỗi người lắng lòng an nhiên giữa dòng chảy của cuộc đời.
Nhiều hồi ký tái hiện hình ảnh thiên nhiên như một “nhân vật” song hành với các sự kiện chính xảy ra trong quá khứ, vừa khắc nhấn chất trữ tình cho tác phẩm, vừa hỗ trợ đắc lực cho hiệu quả biểu đạt của các thông tin. Thiên nhiên làng quê đặc thù phủ bóng trong những trang hồi ký của Sao Mai từ thủa ấu thơ cơ cực với sự khắc nghiệt của cảnh vật như báo trước một cuộc đời “bão giông”: “Cây đề nghèo lá, gió tạt lại rung
nhiều nhưng tiếng bồm bộm cũng chả được bao nhiêu. Mưa như vả như quất” [109, 19]); sau này khi tác giả trưởng thành, thiên nhiên hiện hình trong “những buổi chiều xám lạnh đầy cảm khái” “những sợi tơ hồng vàng sáng trên hàng dậu cúc tần tái xanh, mấy dẻo trúc xa, lá lăn phăn như đang nhận những giọt mưa hơi bay nghiêng” [109, 118]; và kết thúc tác phẩm, trong những bước độc hành của một nhà văn đã có tuổi, ta lại thấy thiên nhiên của quê hương xứ sở ùa về như chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ xa xôi “Trời im phắc. Buổi trưa như không. Chỉ có sợi cỏ may đồng gờn gợn nghiêng ngả trên đường đê vàng lòa màu nắng, xanh le tiếng gà trưa mơ hồ như từ mãi buổi trưa rất xa nào về sống lại nơi đây” [109, 334]. Dù thiên nhiên trong Sáng tối mặt người luôn được miêu tả trong sự xơ xác, buồn bã từ những cảm nhận thấm thía của cái tôi nội cảm nhưng qua sự có mặt của thiên nhiên ở bất kỳ tình tiết nào, ta vẫn thấy vang vọng chất mơ mộng của một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, đa đoan. Cũng như thế, trong hồi ức của Đặng Thị Hạnh, thiên nhiên xuyên suốt trải bóng từ làng quê yên bình ra phố thị đông đúc, từ biển lạnh thênh thang đến những khu vườn mùa đông lãng đãng, từ “những buổi sáng đầy sương mù” đến những đêm thơm ngát hương hoa, ở góc cảnh nào dường như cũng nhuốm một màu “lục nhạt” mờ buồn như biểu tượng cho những dĩ vãng mơ hồ đã trôi dạt rất xa. Nhờ sự xuất hiện của thiên nhiên giữa dòng chảy hồi ức đứt đoạn, Cô bé nhìn mưa đã được kết nối bằng chất trữ tình đậm đặc và mang đầy chiều sâu tâm trạng.
Ở nhiều hồi ký, mỗi khi thiên nhiên xuất hiện, không gian vật thể lại được mở ra với những chiều kích mới cùng với đó là sự khắc nhấn của không gian tâm tưởng trong những sâu thẳm suy ngẫm: “Tháng hai qua như cuốn đi, đôi lúc nhìn cây cỏ mới nhớ ra. Những cây xoan vẫn khẳng khiu. Cây táo còn sót lại trên cành những quả vàng (…). Tiếng con chim vành khuyên bay trong làn mưa mới nhè nhẹ nửa bụi nửa hạt” [66, 264- 265]- sự bình yên, trong trẻo nơi những cảnh trí đơn sơ này dường như
luôn khiến con người thức ngộ trách nhiệm và nhiệt tâm của mình với đời sống xung quanh. Còn đây là cảnh tượng núi rừng phóng khoáng, chất chứa men say của cảm hứng xê dịch và ước vọng khám phá, chiếm lĩnh “… bốn phương non nước tang bồng như giang tay đón mừng. Hoa lau nở trắng xóa trên mỗi chặng đường, líu lo tiếng chào mào sớm mai. Bên đường, trên những thảm rừng xanh, hoa giềng dại như giấy trắng xé tung rải từng vệt dài” [84, 54]. Chỉ một vài từ láy, từ tượng hình, tượng thanh miêu tả âm thanh, màu sắc, đường nét của thiên nhiên, Ma Văn Kháng đã làm nổi nét trong hình dung của bạn đọc cả một khoảng không gian mênh mang, rực rỡ của núi rừng Tây Bắc. Ngay trong những giờ phút căng thẳng nhất của trận địa ác liệt, không ai có thể ngăn người lính hòa mình vào khung cảnh diễm tuyệt, an lành của thiên nhiên để càng hun đúc thêm quyết tâm chiến đấu, bảo vệ sự thanh bình và vẻ đẹp cho quê hương xứ sở: “Ngồi trên máy bay trinh sát nắm địch, mới thấy được phần nào vẻ đẹp của vùng biển đảo Tây nam Tổ quốc. Trải dưới cánh máy bay, biển xanh biếc, điểm xuyết từng gợn sóng bạc đầu, thuyền buồm đánh cá hàng trăm chiếc như đám lá tre rải trên mặt hồ. Còn đảo lại xanh mướt một màu cây cối. Cảnh quan đất nước thật thanh bình, nếu như không ẩn giấu sau vẻ đẹp cổ điển đó là những bóng ma diệt chủng. Phải chặn đứng bàn tay vấy máu của chúng” [178, 251].
Có thể nói, thiên nhiên, với bản chất thơ mộng vốn có, đã được tái hiện trong hồi ký với nhiều dạng vẻ, không chỉ tạo nên chất thơ cho tác phẩm mà còn có vai trò không thể thay thế trong sự trợ lực cho diễn tiến của dòng ký ức cũng như sự mở rộng các tọa độ không gian.