Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.4. Sự hỗ trợ của trí tưởng tượng trong quá trình hoài niệm
2.4.1. Vai trò của tưởng tượng và vấn đề hư cấu trong hồi ký
Trong hoạt động sáng tạo văn học, tưởng tượng đóng vai trò quan trọng như một công đoạn cuối cùng của tư duy nghệ thuật. M. Gorki đã nhấn mạnh dấu ấn của tưởng tượng một cách rõ nét: “Tưởng tượng là một trong những biện pháp quan trọng nhất của kỹ thuật văn học trong việc xây dựng hình tượng… Tưởng tượng kết thúc quá trình nghiên cứu, chọn lọc tài liệu và thể hiện các tài liệu thành một điển hình xã hội sinh động có ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực. Chính nhờ có sức mạnh của khả năng tưởng tượng phát triển tốt, một nhà văn có tài nhiều khi đạt được hiệu quả là các nhân vật được nhà văn miêu tả hiện hình trước bạn đọc rõ ràng, sâu sắc, đậm nét, hài hòa về tâm lý và vẹn toàn hơn…” [Dẫn theo Trần Khánh Thành- 153, 55]. Nếu không có trí tưởng tượng, mọi hoạt động
sáng tạo đều sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán, các văn bản sẽ giống như những bản photocopy nhạt nhẽo và vô hồn của đời sống. Trí nhớ chỉ cung cấp cho nhà văn các chất liệu và các biểu tượng còn tưởng tượng sẽ giúp tổng hợp, chọn lọc, tái tạo các hình tượng, nhiều khi còn thêm vào những chất liệu hoàn toàn chưa có trước đó để làm nên một thế giới nghệ thuật sinh động, mới mẻ. Các tác giả đi suốt chiều dài của lịch sử văn học đã chứng kiến và trải nghiệm nhiều cách thức tưởng tượng với những cấp độ và sắc thái khác nhau: tưởng tượng hoang đường, tưởng tượng bằng hình thức nhân hóa, nhập thân và tưởng tượng, tưởng tượng về cái có thật...
Có thể chỉ ra đặc điểm cơ bản của các hình thức tưởng tượng.
Tưởng tượng hoang đường xuất hiện trong giai đoạn sáng tác đầu tiên của lịch sử loài người khi tư duy nghệ thuật còn hết sức thô sơ và đơn giản, con người đặt niềm tin tuyệt đối vào những thế lực siêu nhiên hay những sức mạnh thần bí nhuốm màu tôn giáo. Tưởng tượng có khuynh hướng vươn tới cái kỳ diệu, khác thường, phá vỡ những trật tự logic thông thường để mở rộng các chiều kích giả tưởng đến vô hạn. Tưởng tượng bằng hình thức nhân hóa cũng có khởi nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh” ở thủa sơ khai của nhân loại, dùng những tính cách và tâm trạng của con người để gán cho thế giới tự nhiên từ đó tạo nên sự đồng điệu sâu sắc giữa con người với muôn loài. Cách thức tưởng tượng này vẫn được nhiều nhà văn hiện đại sử dụng như một cách tiếp cận thế giới đầy mới mẻ và sinh động. Nhập thân và tưởng tượng là cách nhà văn nhập thân vào từng nhân vật để tự trải nghiệm, quan sát và miêu tả với một trạng thái tập trung cao độ. Đây là hiện tượng tâm lý phổ biến trong quá trình sáng tạo của các nhà văn nói riêng và các nghệ sĩ nói chung. Tưởng tượng về cái có thật là quá trình nhà văn xây dựng nên một hình tượng nghệ thuật điển hình bằng cách tổ hợp lại từ các chất liệu hiện thực và thêm vào đó tưởng tượng hư cấu làm cho hình tượng này vừa độc đáo lại vừa quen thuộc. Có thể nói, mỗi cấp độ của tưởng tượng lại có những ưu thế
và khó khăn riêng trong quá trình triển khai ở từng tác phẩm, phụ thuộc vào ý đồ và năng lực của mỗi tác giả3
. Một tác phẩm cũng có thể sử dụng nhiều cấp độ tưởng tượng khác nhau.
Quá trình phục dựng ký ức trong hồi ký là một hành trình không hề đơn giản và dễ dàng. Chưa nói đến sự lùi xa của các cột mốc thời gian khiến con người vô cùng khó khăn khi cố gắng tái hiện lại mọi dư ảnh của quá khứ mà ngay trong những sự kiện tưởng chừng như mới xảy ra, mỗi giây mỗi phút trôi qua đã có thể khiến mọi đường nét, âm thanh, màu sắc còn lưu lại trong trí óc ta hoàn toàn không còn nguyên trạng như ta đã từng chứng kiến. Nói như nhà nghiên cứu Đặng Thị Hạnh: “Thực ra ký ức con người rất lạ, trong khi ta nghĩ đã lưu giữ năm này qua năm khác một hình ảnh chính xác, thì nó vẫn đã biến đổi theo cùng với thời gian” [57, 43]. Ý thức nhiều khi không thể phản ánh đầy đủ và kịp thời mọi sự vật trong thế giới vật chất. Dù cốt lõi của hồi ký là tái hiện sự thật thì thế giới mà người nghệ sĩ dựng lên trong tác phẩm vẫn chỉ là “ảnh ảo” của dòng ký ức4, đồng nghĩa với việc họ luôn phải vin nhờ vào đôi cánh của trí tưởng tượng để đắp đầy quá khứ trong giới hạn của sự trung thực.