Tính dự đoán được

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 30 - 35)

4.3.1. Quy định pháp luật

Hình thức đào tạo cử tuyển được quy định rõ ràng trong Nghị định 134 của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Hội đồng cử tuyển các cấp có thể căn cứ vào các văn bản hướng dẫn để xét đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, cũng như công tác bố trí, phân công công việc cho người học sau khi tốt nghiệp.

Riêng đào tạo theo địa chỉ thì, chưa có văn bản quy định và hướng dẫn rõ ràng. Công văn hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định: “đơn vị có nhu cầu sử dụng nhân lực phải cam kết sẽ tiếp nhận học sinh sau khi tốt nghiệp về làm việc tại đơn vị”

15. Còn lại những vấn đề về đối tượng, tiêu chuẩn thì không có quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý khi các bên vi phạm cam kết hoàn toàn không được đề cập đến. Quy định pháp luật không rõ ràng sẽ tạo ra một lỗ hổng trong quản lý, các đơn vị cử người đào tạo theo địa chỉ hoặc người học sẽ không thực hiện cam kết. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng không sử dụng nguồn nhân lực đào tạo theo đúng mục tiêu ban đầu là đào tạo để sử dụng cho những nơi còn thiếu và cần nguồn nhân lực.

Thực tế tại tỉnh Cà Mau, theo cán bộ quản lý đào tạo nhân lực của Sở Y tế, khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đào tạo theo địa chỉ, các thí sinh không bắt buộc phải cam kết sẽ phục vụ cho nơi đăng ký đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Và khi không có bất kỳ sự cam kết nào cũng như không có sự ràng buộc nào để người học quay trở về phục vụ theo mục đích của chính sách đào tạo theo địa chỉ. Về phía Sở Y tế cũng không cam kết sẽ nhận người, phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Những quy định lỏng lẻo trong chính sách đào tạo theo địa chỉ là kẽ hở để cả người học và tổ chức đào tạo theo địa chỉ có thể không thực hiện nghĩa vụ của mình trong khi được hưởng quyền lợi từ chính sách.

4.3.2 Hiệu quả

Khi người học không thực hiện cam kết phục vụ hoặc đơn vị đào tạo theo địa chỉ không sử dụng nguồn nhân lực đã đào tạo, chính sách ưu tiên đào tạo sẽ không đạt được mục tiêu, lãng phí và trở thành áp lực cho xã hội khi một số nơi sẽ thừa và một số nơi vẫn thiếu nhân lực. Chính sách ưu tiên trong đào tạo nhân lực nhằm tạo điều kiện phát triển các vùng khó khăn, thiếu cán bộ. Nếu nguồn nhân lực đào tạo không được sử dụng đúng mục đích ban đầu sẽ làm lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, lượng lao động dư thừa sẽ làm tăng áp lực cho khu vực thành thị, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đã phát triển. Trong khi đó, vùng thiếu cán bộ vẫn không thu hút được con người vì không có sự ràng buộc chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, đào tạo. Đây là sự thất bại của Nhà nước khi can thiệp bằng một chính sách không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Với nguồn ngân sách có hạn, Nhà nước đã cân đối để phân bổ chỉ tiêu đào tạo các ngành cho các cơ sở đào tạo. Hàng năm, ngân sách Nhà nước chi một phần không nhỏ cho hoạt động giáo dục, đào tạo. Để đảm bảo tính hiệu quả khi sử dụng ngân sách, đòi hỏi phải sử dụng nguồn lực chính đáng cho giáo dục và đào tạo, tránh lãng phí nếu đào tạo mà không sử dụng. Sau khi đào tạo, người học ngành y đạt năng lực theo yêu cầu sẽ trở thành những cán bộ y tế giỏi, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Ngược lại, những cán bộ y tế với tay nghề yếu kém sẽ trở thành nguy cơ gây ra những sai sót y tế, gây tổn thất cho con người và xã hội. Khi ưu tiên cho một lượng học sinh vào học các trường công mà không qua xét tuyển, sẽ có một lượng học sinh có nền tảng kiến thức tốt hơn nhưng không được đào tạo, điều này trái với lợi ích của quy luật cạnh tranh.

Do lợi ích từ giáo dục đào tạo mang lại, thêm một người hiểu biết về y học sẽ nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người thân, gia đình, mang đến lợi ích chung cho xã hội khi mọi người đều được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, để thực hiện đúng chức năng của một cán bộ y tế, đòi hỏi người học phải vững lý thuyết, thành thạo về kỹ năng, tay nghề. Một người không đủ tiêu chuẩn yêu cầu được đào tạo sẽ làm mất cơ hội của một người khác. Những thí sinh có nền tảng kiến thức tốt thì bắt buộc phải cạnh tranh, loại trừ nhau, xã hội cũng sẽ mất đi cơ hội có được những cán bộ y tế chất lượng, đảm bảo cho công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Do đó, trong đào tạo y khoa, cạnh tranh là điều kiện cần thiết để lựa chọn những người học có đủ điều kiện, khả năng, góp phần nâng cao chất lượng học tập và làm việc sau khi ra trường.

Chính sách cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ ưu tiên cho một số đối tượng, không phải trải qua quá trình cạnh tranh, sàng lọc. Mặt trái của chính sách này sẽ dẫn đến việc ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho một số đối tượng yếu kém hơn nhưng lại được hưởng nhiều lợi ích hơn. Nền tảng kến thức không vững vàng là một trong những khó khăn cho người học trong quá trình tiếp thu kiến thức mới, cũng như xử trí những tình huống trong y khoa. Người học sẽ khó theo kịp chương trình học. Với nguồn kiến thức không đầy đủ, kỹ năng tay nghề yếu kém, họ sẽ không thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của người cán bộ y tế sau khi ra trường. Từ đây sẽ dẫn tới chất lượng chăm sóc sức khỏe không được đảm bảo khi được thực hiện bởi những cán bộ y tế này. Tình huống xấu hơn là những cán bộ y tế tay nghề kém có thể gây ra tổn hại cho ngành y tế nếu để xảy ra sai sót chuyên môn khi hành nghề.

Về hiệu quả kinh tế, nếu đào tạo mà không sử dụng thì sẽ lãng phí nguồn lực của Nhà nước và chính cá nhân người được đào tạo. Đây là một tổn hại cho nền kinh tế và cho chính bản thân người được đào tạo. Nếu xét về góc độ kinh tế học, sẽ tốt hơn khi hàng hóa và dịch vụ sản xuất và cung cấp tuân theo sự điều tiết của thị trường. Tuy nhiên, đào tạo nhân lực y tế là một dịch vụ mang lại giá trị tích cực cho xã hội nhưng chi phí đào tạo lại rất lớn, nếu để vận hành theo thị trường thì lượng cung sẽ không đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, Nhà nước phân bổ nguồn lực tài trợ và ưu tiên cho một số đối tượng trong lĩnh vực này nhằm điều tiết thị trường cũng như đảm bảo công bằng xã hội. Người học cũng phải bỏ ra nhiều thời gian và chi phí để học tập và nghiên cứu. Nếu sau khi ra trường, người học không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đã được học thì sẽ dẫn đến tình trạng đào tạo và sử dụng kém hiệu quả.

Xét về hiệu quả xã hội, chính sách cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ nhằm tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, các dân tộc. Trong sự phát triển chung của xã hội, có một số địa phương còn chịu nhiều thiệt thòi do điều kiện về khoảng cách địa lý xa xôi, không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ của xã hội, trong đó có dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Khi không được chăm sóc sức khỏe tốt, người lao động sẽ không đảm bảo được điều kiện làm việc tốt nhất để phát triển kinh tế, xã hội. Các chính sách ưu tiên trong đào tạo nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ y tế cho những vùng này, góp phần nâng cao chất lượng sống cho con người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, khi nguồn nhân lực đào tạo không được sử dụng đúng mục đích thì mục tiêu ban đầu của chính sách không thể đạt được. Các đối tượng cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ sau khi ra trường, nếu không về phục vụ đúng nơi đang cần người sẽ dẫn đến sự tổn thất cho xã hội khi đầu tư nguồn lực không hiệu quả. Hơn nữa, khi lực lượng này tham gia vào đội ngũ lao động tại những khu vực phát triển, các tỉnh, thành phố lớn, sẽ tạo ra áp lực cho khu vực này, cũng như phá vỡ quy hoạch đào tạo của toàn địa phương.

4.3.3 Công bằng xã hội

Trên lý thuyết, chính sách cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ sẽ mang đến lợi ích cho những người, những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu nguồn nhân lực nhưng không thu hút được do nhiều nguyên nhân khách quan. Sự ưu tiên sẽ giúp cho họ có điều

kiện tiếp cận với việc học tập và thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, phục vụ cho người dân tại nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, khi chính sách không được thực hiện đúng thì sẽ tạo điều kiện cho một số đối tượng không thuộc diện ưu tiên nhưng lại lợi dụng chính sách này phục vụ cho lợi ích của mình.

Nếu xét trên phương diện công bằng từ điểm khởi đầu thì chính sách ưu tiên cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa là cần thiết. Do điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, không được thuận lợi trong việc tiếp cận với những văn minh của nhân loại đã làm hạn chế khả năng của người dân những nơi này. Hoạt động đào tạo con người cũng chưa được đầu tư đúng mức, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng yếu kém, người dân sống xa xôi, cách biệt với các trung tâm đô thị. Ưu tiên trong đào tạo là chính sách để những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội ngang bằng khi tham gia học tập. Ngoài sự ưu tiên về điều kiện xét tuyển, Nhà nước còn hỗ trợ chi phí, miễn giảm học phí trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, nếu đứng trên phương diện chung xã hội, chính sách ưu tiên có thể tạo ra tâm lý ỷ lại nơi người học. Khi được miễn giảm học phí, chi phí học tập và được cấp học bổng lại có sự đảm bảo việc làm sau khi ra trường, người học sẽ mất đi động cơ cạnh tranh, phấn đấu. Hậu quả là chính sách ưu tiên sẽ tạo ra cho xã hội những con người yếu kém về năng lực. Trong khi những người có nền tảng kiến thức vững chắc là những ứng viên tốt nhất đáng được hưởng sự đầu tư cho đào tạo lại không được hưởng lợi ích từ chính sách này.

Đối với những ngành nghề khác, chính sách ưu tiên vẫn có thể thực hiện và không ảnh hưởng nhiều đến con người và xã hội. Nhưng đào tạo nhân lực y tế là đào tạo ra những con người đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mọi người trong xã hội. Khi không được sàng lọc và đào tạo kỹ càng, những sản phẩm đào tạo này có thể gây ra hậu quả trực tiếp trên con người. Nếu như đối với đào tạo bác sĩ chính quy, người học phải trải qua sự sàng lọc đầu vào khắt khe thì đào tạo theo địa chỉ là hình thức ưu tiên đầu vào. Những người học y sỹ sau khi ra trường và làm việc một thời gian lại có thể dễ dàng học lên bác sỹ theo hình thức chuyên tu. Do đó, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong hoạt động đào tạo cán bộ y tế, quá trình tuyển chọn phải được thực hiện một cách cẩn thận, chính xác.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 30 - 35)