4.4.1 Sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Trong hoạt động quản lý đào tạo nhân lực y tế tại Cà Mau hiện nay còn nhiều quy định chưa rõ ràng đã dẫn đến tình trạng có nhiều kẽ hở làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý giáo dục về chương trình, chỉ tiêu đào tạo, cấp phát bằng cấp và giám sát tuyển sinh. Đào tạo cử tuyển do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý theo sự phân công, phân cấp của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau. Trong Hội đồng cử tuyển tỉnh có sự tham gia của một số sở ngành tham dự. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, trong những năm gần đây, thành phần hội đồng cử tuyển không có sự tham gia của Sở Y tế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc bố trí, phân công công việc cho học sinh sau khi tốt nghiệp, ở đây là sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế.
Còn đối với đào tạo theo địa chỉ, quá trình xét tuyển, hợp đồng đào tạo hoàn toàn do Sở Y tế thực hiện. Trong khi quản lý tuyển sinh là trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhưng bộ phận quản lý đào tạo của Sở Giáo dục và Đào tạo lại cho rằng việc quản lý đào tạo theo địa chỉ là việc riêng của ngành y tế. Sự phối hợp không chặt chẽ giữa hai sở trong lĩnh vực này có thể dẫn đến những sai sót và tiêu cực trong quá trình tuyển sinh, thể hiện một khoảng trống trách nhiệm, không có sở ngành nào nhận lãnh.
Quá trình đào tạo đã không có sự phối hợp chặt chẽ, vấn đề sử dụng nguồn lực đào tạo cũng không có quy định, ràng buộc chặt chẽ, rõ ràng. Điều này sẽ làm lãng phí nguồn nhân lực sau khi đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ quản lý và phân bổ nguồn tài chính cho đào tạo. Tuy nhiên, ngành giáo dục không quản lý nhân lực này sau khi tốt nghiệp. Sở Y tế lại cho rằng ngành đang dư thừa nhân lực trung cấp, không thể nhận thêm hoặc bố trí công việc cho đối tượng đào tạo theo địa chỉ. Như vậy, nguồn lực được đào tạo đã không được sử dụng đúng theo mục tiêu, định hướng ban đầu, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
4.4.2 Sự tham gia của các tác nhân khác có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo
Khi thiếu nguồn thông tin cần thiết, người học không thể tham gia và có tiếng nói trong quá trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực y tế. Thông tin về ngành y, về đào tạo và sử dụng nhân lực vẫn còn rất hiếm hoi trên trang thông tin điện tử của ngành Y tế và
ngành Giáo dục. Trong trường hợp này, người học sẽ không có được những quyết định đúng đắn cho việc học tập của mình. Ngoài ra, khi thiếu sự tham gia, giám sát của người học và của xã hội, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thiếu đi động lực thay đổi, hoàn thiện hiệu quả quản lý trong lĩnh vực này.
Trong quá trình đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, tỷ lệ giờ học thực hành và thực tập chiếm từ 50% đến 70% khối lượng chương trình học 17. Đối với nghề y, thời gian thực tập lâm sàng và thực tế ở tuyến cơ sở là điều kiện cần thiết để người học rèn được kỹ năng, tay nghề cũng như tích lũy được những kinh nghiệm thực tế. Do đó, các cơ sở thực hành có một vai trò hết sức quan trọng trong việc phối hợp đào tạo nhân lực y tế. Trong điều kiện Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau chưa có bệnh viện thực hành, các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế là những nơi nhận học sinh thực tập theo hợp đồng hàng năm với trường. Các cơ sở y tế này cũng chính là nơi sẽ tiếp nhận nguồn học sinh sau khi được đào tạo. Tuy nhiên, hiện nay ở Cà Mau, Trường Cao đẳng Y tế trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, còn các cơ sở y tế lại trực thuộc Sở Y tế. Sự phân cấp trong quản lý là trở ngại lớn để cơ sở đào tạo và cơ sở y tế có thể phối hợp chặt chẽ với nhau vì còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý Nhà nước.
CHƯƠNG 5
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ