Công bằng xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 33 - 35)

Trên lý thuyết, chính sách cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ sẽ mang đến lợi ích cho những người, những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu nguồn nhân lực nhưng không thu hút được do nhiều nguyên nhân khách quan. Sự ưu tiên sẽ giúp cho họ có điều

kiện tiếp cận với việc học tập và thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, phục vụ cho người dân tại nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, khi chính sách không được thực hiện đúng thì sẽ tạo điều kiện cho một số đối tượng không thuộc diện ưu tiên nhưng lại lợi dụng chính sách này phục vụ cho lợi ích của mình.

Nếu xét trên phương diện công bằng từ điểm khởi đầu thì chính sách ưu tiên cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa là cần thiết. Do điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, không được thuận lợi trong việc tiếp cận với những văn minh của nhân loại đã làm hạn chế khả năng của người dân những nơi này. Hoạt động đào tạo con người cũng chưa được đầu tư đúng mức, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ cơ sở hạ tầng yếu kém, người dân sống xa xôi, cách biệt với các trung tâm đô thị. Ưu tiên trong đào tạo là chính sách để những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội ngang bằng khi tham gia học tập. Ngoài sự ưu tiên về điều kiện xét tuyển, Nhà nước còn hỗ trợ chi phí, miễn giảm học phí trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, nếu đứng trên phương diện chung xã hội, chính sách ưu tiên có thể tạo ra tâm lý ỷ lại nơi người học. Khi được miễn giảm học phí, chi phí học tập và được cấp học bổng lại có sự đảm bảo việc làm sau khi ra trường, người học sẽ mất đi động cơ cạnh tranh, phấn đấu. Hậu quả là chính sách ưu tiên sẽ tạo ra cho xã hội những con người yếu kém về năng lực. Trong khi những người có nền tảng kiến thức vững chắc là những ứng viên tốt nhất đáng được hưởng sự đầu tư cho đào tạo lại không được hưởng lợi ích từ chính sách này.

Đối với những ngành nghề khác, chính sách ưu tiên vẫn có thể thực hiện và không ảnh hưởng nhiều đến con người và xã hội. Nhưng đào tạo nhân lực y tế là đào tạo ra những con người đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho mọi người trong xã hội. Khi không được sàng lọc và đào tạo kỹ càng, những sản phẩm đào tạo này có thể gây ra hậu quả trực tiếp trên con người. Nếu như đối với đào tạo bác sĩ chính quy, người học phải trải qua sự sàng lọc đầu vào khắt khe thì đào tạo theo địa chỉ là hình thức ưu tiên đầu vào. Những người học y sỹ sau khi ra trường và làm việc một thời gian lại có thể dễ dàng học lên bác sỹ theo hình thức chuyên tu. Do đó, để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong hoạt động đào tạo cán bộ y tế, quá trình tuyển chọn phải được thực hiện một cách cẩn thận, chính xác.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực y tế trình độ trung cấp chuyên nghiệp theo hình thức cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tỉnh cà mau (Trang 33 - 35)