Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế trong việc sử dụng kinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh quảng ninh giai đoạn 2017 2019 (Trang 62 - 65)

CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.2. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường của Quảng Ninh gia

3.2.5. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế trong việc sử dụng kinh

phí sự nghiệp môi trường ở Quảng Ninh giai đoạn 2017-2019

3.2.5.1. Kết quả đạt được

Nguồn được bố trí thành khoản mục riêng trong cơ cấu chi NSNN theo quy định của Chính phủ đã là một bước tiến bộ và là yếu tố quan trọng giúp công tác BVMT của Quảng Ninh có những cải thiện và kết quả tích cực trong thời gian qua. Những thành tựu đạt được về công tác BVMT như đã trình bày ở phần trên có sự đóng góp không thể thiếu là các nguồn tài chính đầu tư cho BVMT, trong đó chủ yếu là nguồn NSNN mà ở đây là nguồn KPSNMT được bố trí hàng năm.

Tỉnh đã rất quan tâm, tăng cường bố trí KPSNMT cao hơn mức quy định của Nhà nước. Do có nguồn kinh phí này, các ngành, các địa phương đã chủ động cân đối, bố trí chi cho công tác BVMT. Một số vấn đề lớn, cấp bách về MT của địa phương (công tác truyền thông và giáo dục môi trường; xử lý rác thải sinh hoạt; xử lý ONMT nước; hoạt động quan trắc môi trường;...) đã có nguồn kinh phí để bước đầu chủ động thực hiện và từng bước giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn theo lộ trình thích hợp và đã có những đóng góp nhất định cho công tác BVMT tại địa phương, tạo tiền đề tốt cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội tình trạng suy thoái về môi trường của Tỉnh vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm sức khoẻ và cuộc sống của nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách nên cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân trong toàn Tỉnh. Trong thời gian tới, Tỉnh cần phải giải quyết nhiều vấn đề môi trường để hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang cơ cấu nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nhưng trước hết là cần phải tăng cường công tác quản lý, đề xuất các cơ chế hợp lý, sử dụng hiệu quả KPSNMT, tạo tiềm lực mạnh mẽ, góp phần tích cực cho các hoạt động BVMT của Tỉnh.

3.2.5.2. Những tồn tại, khó khăn

Từ những đánh giá phân tích việc sử dụng KPSNMT của Việt Nam, các Bộ, ngành Trung ương, một số địa phương nói chung và kết quả thực tiễn trong việc quản lý và sử dụng KPSNMT của Quảng Ninh nói riêng như đã nêu trên. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng KPSNMT của Quảng Ninh được khái quát như sau:

(1). Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về TN&MT tại địa phương trong việc xây dựng dự toán, phân bổ và triển khai thực hiện KPSNMT còn rất hạn chế, thiếu chủ động, còn mang tính hành chính đơn thuần. Hiện nay, sự phối hợp giữa Sở Tài chính và Sở TN&MT trong việc xây dựng kế hoạch, tổng hợp và phân bổ nguồn chi cho các nhiệm vụ trọng tâm đã có sự chuyển biến nâng cao nhưng chưa chặt chẽ và chưa được thực hiện theo đúng quy định của TTLT 02.

(2). Vai trò và sự chỉ đạo chuyên môn của cơ quan quản lý TN&MT ở cấp tỉnh và cấp huyện trong việc xây dựng, tổng hợp, trình UBND và HĐND cấp tương đương Kế hoạch BVMT và dự toán ngân sách hàng năm về nguồn KPSNMT còn rất hạn chế, chưa rõ ràng và chưa đảm bảo theo quy định tại TTLT 02.

(3). Sự yếu kém và thiếu hụt kiến thức về quản lý KPSNMT của cán bộ cơ quan TN&MT dẫn đến vai trò mờ nhạt và sự phối hợp yếu hoặc thụ động của cơ quan này trong phối hợp với cơ quan Tài chính vào quá trình tham mưu phân bổ và quản lý KPSNMT.

(4). Chi SNMT đã được duy trì hàng năm và vượt mức 1% theo yêu cầu của Nhà nước, nhưng nhìn chung tổng mức chi còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; thiếu sự phối hợp lồng ghép chi SNMT với các mục chi khác nên dẫn đến tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót, dàn trải, không hiệu quả.

(5). Tình trạng sử dụng nguồn chi SNMT sai mục đích còn khá phổ biến, nên dẫn đến việc ngân sách chi cho SNMT đã ít lại càng ít hơn trên thực tế. Các khoản chi cho thoát nước đô thị, xử lý rác sinh hoạt, xây dựng bãi chôn lấp rác,... chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó, các khoản chi cho hoạt động quản lý như thanh tra, kiểm tra công tác BVMT, điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá chất thải, tình hình ô nhiễm, suy thoái MT chưa được bố trí kinh phí tăng dần để đáp ứng với nhiệm vụ BVMT trong tình hình mới.

(6). Việc lập dự toán, xây dựng mục chi, điều hành phân bổ, kiểm tra, ngân sách sự nghiệp môi trường giữa các ngành, giữa các địa phương vẫn mang tính bình quân, dàn trải chưa xác định rõ mục tiêu, lộ trình chủ yếu để tập trung giải quyết các vấn đề trọng điểm. Vì vậy, chưa giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách, những trọng tâm, trọng điểm và bức xúc về môi trường của địa phương.

(7). Quy định của TTLT 02 có một số điểm không phù hợp (căn cứ lập dự toán, các mức chi thấp không phù hợp với thực tiễn, một số nhiệm vụ chi còn thiếu, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng đề cương nhiệm vụ, một số văn bản viện dẫn hướng dẫn các mức chi đã hết hiệu lực hoặc được thay thế bằng các văn bản mới,...), thêm vào đó Quảng Ninh chưa ban hành quy định về quản lý KPSNMT của Tỉnh nên trong quá trình thực hiện còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác lập dự toán, hạch toán, kế toán, thực hiện công việc chuyên môn chưa kịp thời và chưa phù hợp hoàn toàn với hướng dẫn tại TTLT 02.

(8). Tính chất bức xúc của các vấn đề về MT ngày càng gia tăng, kể cả khi tập trung phần lớn các nguồn lực để giải quyết: Những vấn đề môi trường bức xúc trong nhiều năm qua ở Quảng Ninh có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về đầu tư và hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính cho mục tiêu BVMT còn thấp bởi có quá nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết nhưng nguồn vốn thì hạn chế. Riêng đối với nguồn KPSNMT được quy định chi cho các nhiệm vụ BVMT do NSNN bảo đảm tại TTLT 02 thì nguồn kinh phí hạn hẹp này đã được sử dụng cho khá nhiều nhiệm vụ nên sự phân tán, dàn trải trong sử dụng là không tránh khỏi. Ngay cả khi tập trung phần lớn nguồn KPSNMT cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác thải như đã nêu trên thì kết quả thu được cũng còn hạn chế. Hiện nay việc quản lý và xử lý rác thải vẫn đang là một vấn đề bức xúc không riêng của tỉnh Quảng Ninh mà còn nhiều địa phương khác trong cả nước.

(9). Mức độ đạt các chỉ tiêu về môi trường đã đặt ra là thấp có nguyên nhân về tài chính là mất cân đối về nguồn kinh phí cho thực hiện. Mặc dù ở Quảng Ninh các chỉ tiêu môi trường đã được quan tâm và đề ra trong rất nhiều văn bản chỉ đạo của Tỉnh , tuy nhiên việc tổng hợp kết quả thực hiện chỉ tiêu vẫn mang tính chất định tính, chưa đầy đủ. Mức độ đạt các chỉ tiêu về môi trường thấp như vậy có nhiều nguyên nhân (chỉ tiêu đặt ra quá cao; tổ chức thực hiện yếu kém, không thống kê được số liệu chính xác do thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu,...). Nhìn từ góc độ nguồn tài chính

(KPSNMT) cho thực hiện (các hoạt động SNMT) để xem xét hiệu quả sử dụng thì có thể thấy do nguồn KPSNMT hạn hẹp, không tương xứng nên sử dụng hoặc dàn trải hoặc quá tập trung để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, dẫn tới hệ quả là sự đầu tư (chi phí) không tới ngưỡng không phát huy tốt (hoặc không đầy đủ) tác động và hiệu quả đầu tư.

(10). Cơ chế sử dụng các nguồn thu từ thuế, phí BVMT, tiền phạt vi phạm quy định về BVMT, tài trợ phi Chính phủ cho BVMT chưa được cụ thể hóa, chưa có sự điều hòa, phối hợp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh quảng ninh giai đoạn 2017 2019 (Trang 62 - 65)