Năng lực tự học của họcsinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học theo chủ đề một số kiến thức phần dòng điện trong các môi trường (vật lý 11) theo hướng phát huy năng lực tự học cho học sinh​ (Trang 29 - 33)

7. Đóng góp của đề tài

1.3. Năng lực tự học của họcsinh

1.3.1. Năng lực tự học là gì

Theo từ điển Tiếng Việt thì: “Năng lực là phẩm chất tâm lí và sinh lí tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao” [25].

Năng lực là khả năng thực hiện, có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong các tình huống thay đổi thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động.

Xét theo sự chuyên môn hóa, năng lực gồm hai loại: năng lực chung và năng lực riêng. Năng lực chung là những năng lực cần thiết cho nhiều hoạt động khác nhau; năng lực riêng là những năng lực có tính chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu của một lĩnh vực chuyên biệt nào đó.

Năng lực luôn được xem xét trong mối quan hệ với hoạt động hoặc quan hệ nhất định nào đó. Cấu trúc của năng lực gồm ba bộ phận cơ bản: tri thức về lĩnh vực hoạt động hay quan hệ đó; kĩ năng tiến hành hoạt động hay xúc tiến, ứng xử với quan hệ nào đó; những điều kiện tâm lí để tổ chức và thực hiện tri thức, kĩ năng đó trong một cơ cấu thống nhất và theo một định hướng rõ ràng.

Như vậy, có thể nói năng lực là sự kết hợp linh hoạt, độc đáo của nhiều đặc điểm tâm lí, tạo thành những điều kiện chủ quan thuận lợi, giúp cá nhân tiếp thu dễ dàng, tập dượt nhanh chóng và hoạt động hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó.

Năng lực tự học cũng là một khả năng, một phẩm chất tâm sinh lí của con người, vừa như là cái tự nhiên bẩm sinh “vốn có”, vừa như là sản phẩm của lịch sử, hơn nữa là sản phẩm của lịch sử phát triển xã hội. Năng lực tự học là cái vốn có của

mỗi con người nhưng phải được đào tạo, phải được rèn luyện trong hoạt động thực tiễn mới trở nên một sức mạnh thật sự của người học.

Theo PGS. TS. Lê Công Triêm: Năng lực tự học là khả năng tự mình tìm tòi, nhận thức và vận dụng kiến thức vào tình huống mới hoặc tương tự với chất lượng cao”[30].

Như vậy, năng lực tự học có thể được hiểu là: phẩm chất sinh lí và tâm lí tạo cho con người khả năng hoàn thành hoạt động học tập với chất lượng cao.

Như chúng ta biết, quá trình đào tạo ở trường phổ thông chỉ là sự đào tạo ban đầu, là nền tảng cho những quá trình đào tạo tiếp theo như đào tạo Đại học, Sau đại học… Trong quá trình đào tạo đó thì tự học, kĩ năng tự học và năng lực tự học của mỗi HS sẽ đóng vai trò quyết định đến sự thành đạt của các em trong tương lai. Vì vậy, các kĩ năng tự học, năng lực tự học của HS nếu được hình thành trên cơ sở nắm vững các kiến thức trong chương trình đào tạo ở phổ thông sẽ là tiềm lực để các em tự học suốt đời.

Có nhiều cách tự học khác nhau như [18]:

-Tự học giáp mặt: Những hoạt động học như nghe giảng, ghi chép bài, thảo luận nhóm, làm việc với sách, làm thí nghiệm, quan sát…của HS, được HS thực hiện một cách chủ động, tích cực thì đều được gọi là hoạt động tự học, hoạt động này diễn ra ngay trong quá trình dạy học với sự điều khiển trực tiếp của GV đứng lớp nên gọi là tự học giáp mặt.

-Tự học không giáp mặt: Đó là sự tự học không có sự điều khiển trực tiếp của GV mà do HS tự mình độc lập tiến hành với sự hỗ trợ của các phương tiện học tập để tự mình chiếm lĩnh tri thức và tự mình đạt được các mục đích, nhiệm vụ học tập. Tự học loại này có thể tồn tại ở ba mức:

+Tự học mức cao: Người học tự học qua sách, qua các phương tiện thông tin. Người học tự học tập một cách độc lập hoàn toàn.

+Tự học với sự hướng dẫn (hay điều khiển từ xa): Người học có sách giáo khoa, có các tài liệu hướng dẫn học tập hay có sự hướng dẫn thông qua các phương tiện thông tin như băng ghi hình, ghi tiếng, ti-vi, mạng, các phần mềm dạy học…Sự hướng dẫn tự học chủ yếu là sự hướng dẫn tư duy trong việc chiếm lĩnh tri thức, hướng dẫn phương pháp học tập, hướng dẫn tra cứu, hướng dẫn thí nghiệm. Dưới sự hướng dẫn từ xa ấy, người học tự mình tiến hành các hành động học tập để hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Hiện nay hình thức tự học này rất được khuyến khích nhưng chất lượng của nó là vấn đề cần quan tâm.

+ Tự học có sự hướng dẫn trên lớp của thầy: HS nhận nhiệm vụ và tự học ở nhà để tự mình hoàn thành các nhiệm vụ học tập. Có thể gọi hình thức này là tự học có hướng dẫn hay tự học sau giờ lên lớp.

Đối với người học nói chung và đối với HS nói riêng thì tự học có vai trò rất quan trọng, tự học là chìa khóa tiến vào thế kỉ XXI, một thế kỉ với quan niệm học suốt đời, xã hội học tập [27]. Tự học là phương châm cơ bản, là mục tiêu chiến lược của giáo dục Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung [18]:

1.3.2. Vai trò của năng lực tự học

- Tự học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng kiến thức và hiệu quả học tập.

Khi tự học, người học phải vận dụng các năng lực trí tuệ tới mức tối đa để tự mình giải quyết vấn đề. Điều này đòi hỏi người học tự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, động não…từ đó tạo điều kiện cho việc thấu hiểu kiến thức sâu sắc hơn. Lê-nin đã viết: “Không có sự lao động tự lực thì không thể tìm thấy chân lí trong bất kì vấn đề hệ trọng nào và ai sợ tốn công sức thì không sao tìm ra sự thật được”.

-Tự học là nội lực của người học, đóng vai trò cốt lõi của hoạt động học

Như đã nói, kết quả của tự học bao giờ cũng là sự chiếm lĩnh kiến thức, biến kiến thức chung của nhân loại thành kiến thức riêng của mình. Người biết tự học là người có khả năng thu thập và xử lí thông tin, biết vận dụng thông tin và biết tự kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập của mình. Vì thế, người biết tự học là người có khả năng tự giải quyết vấn đề tốt, có khả năng tự làm giàu kiến thức cho mình.

-Tự học góp phần rèn luyện kĩ năng, cách học

Khi tự học, các thao tác tư duy và thao tác chân tay được lặp đi lặp lại nhiều lần góp phần hình thành kĩ năng, phương pháp học cho người học. Tự học là cốt lõi của cách học. Bác Hồ đã từng nói: “Về cách học phải lấy tự học làm cốt”.

-Tự học có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tư duy

Khi tự học, người học phải sử dụng các thao tác tư duy để giải quyết vấn đề, vì thế tư duy được rèn luyện một cách thường xuyên. Các nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao cùng với lượng kiến thức, kĩ năng, năng lực thu được ngày càng nhiều sẽ góp phần nâng cao dần khả năng tư duy của HS.

-Tự học có vai trò to lớn trong sự sinh tồn của mỗi người

Ngày nay nguồn cung cấp thông tin rất đa dạng và phong phú, từ sách, mạng internet, băng, đĩa CD… nên nếu có kĩ năng tự học tốt thì sẽ tận dụng được nguồn thông tin phong phú, đa dạng đó trong việc thu nhận khiến thức cho mỗi cá nhân. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tự học có vai trò quan trọng hơn bao

giờ hết, tự học là điều kiện quyết định sự thành công của mỗi người. Vì thế con người muốn tồn tại đúng nghĩa thì phải tự học, tự học là tự cứu lấy mình.

1.3.3. Các biểu hiện của năng lực tự học của học sinh trong học tập bộ môn vật lý. [1]

Qua nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển, đối chiếu với yêu cầu và điều kiện giáo dục trong nước những năm sắp tới, các nhà khoa học giáo dục Việt Nam đã đề xuất định hướng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực tự học của chương trình giáo dục trung học phổ thông những năm sắp tới, theo đó năng lực tự học có những biểu hiện như sau:

a) Xác định được nhiệm vụ học tập một cách tự giác, chủ động; tự đặt được mục tiêu học tập để đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu thực hiện.

b) Lập và thực hiện kế hoạch học tập nghiêm túc, nề nếp; thực hiện các cách học: Hình thành cách ghi nhớ của bản thân; phân tích nhiệm vụ học tập để lựa chọn được các nguồn tài liệu đọc phù hợp: các đề mục, các đoạn bài ở sách giáo khoa, sách tham khảo, internet; lưu giữ thông tin có chọn lọc bằng ghi tóm tắt với đề cương chi tiết, bằng bản đồ khái niệm, bảng, các từ khóa; ghi chú bài giảng của GV theo các ý chính; tra cứu tài liệu ở thư viện nhà trường theo yêu cầu của nhiệm vụ học tập. Tự đặt câu hỏi và thiết kế, tiến hành được phương án thí nghiệm để trả lời cho các câu hỏi đó.

c) Nhận ra và điều chỉnh những sai sót, hạn chế của bản thân khi thực hiện các nhiệm vụ học tập thông qua lời góp ý của GV, bạn bè; chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác khi gặp khó khăn trong học tập.

1.3.4. Kiểm tra, đánh giá năng lực tự học của học sinh

Kiểm tra đánh giá có vai trò rất quan trọng trong quá trình tự học của HS. Thông qua việc sử dụng thí nghiệm để kiểm tra, GV sẽ đánh giá được các kĩ năng tự học của HS, kĩ năng quan sát, thiết kế phương án, sử dụng dụng cụ thí nghiệm, đo đạc xác định các đại lượng, lập luận lôgic của HS.

Để việc kiểm tra đánh giá có hiệu quả, GV có thể:

- Chọn những thí nghiệm để HS tự thiết kế phương án thí nghiệm, lựa chọn dụng cụ thí nghiệm thích hợp, đo đạc xác định các đại lượng.

- Yêu cầu HS vận dụng được kiến thức đã học để thiết kế những thí nghiệm đơn giản về một hiện tượng nào đấy, giải thích được những hiện tượng xảy ra trong thực tế.

- Lựa chọn những bài tập, bài tập thí nghiệm cơ bản, tiêu biểu giao cho HS, yêu cầu HS làm tại lớp hoặc ở nhà sau đó nộp bài làm.

GV có thể cho HS hoặc đại diện nhóm HS trình bày các bài làm trước lớp. Cả lớp và GV cùng hoàn thiện lời giải. Qua đó, từng HS tự đánh giá kết quả bài làm của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện các kiến thức vật lí.

1.3.5. Các biện pháp phát huy năng lực tự học của học sinh

- Thường xuyên rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng, thói quen, ý chí tự học.

- Tổ chức các hoạt động học tập của học sinh sao cho học sinh được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt.

- Tổ chức học tập thông qua thảo luận, tranh luận trong tập thể, qua đó ý kiến mỗi cá nhân được bộc lộ, khẳng định hay bác bỏ, qua đó thúc đẩy người học tiếp tục tự tìm tòi kiến thức, nâng cao thêm trình độ mới.

- Thường xuyên quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học theo chủ đề một số kiến thức phần dòng điện trong các môi trường (vật lý 11) theo hướng phát huy năng lực tự học cho học sinh​ (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)