CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Tân Uyên
3.1.4. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội
a. Những thuận lợi, lợi thế
Huyện có vị trí địa lý tiếp giáp với các huyện có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi trong và ngoài tỉnh, tuyến Quốc lộ 32 dài 38km chạy qua trung tâm huyện kết nối với huyện với các tỉnh trong khu vực tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế và hợp tác thương mại; diện tích đất nông lâm nghiệp, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển kinh tế nông lâm nghiệp. Nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm 61% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 39,1%.
Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, huyện đã sớm quy hoạch được hai vùng kinh tế làm cơ sở tập trung nguồn lực để phát triển, tạo đà cho tốc độ phát triển kinh tế vùng của huyện khá và rõ nét, đó là:
+ Vùng I: Nằm dọc theo trục Quốc lộ 32 tập trung xây dựng, phát triển đô thị, đẩy mạnh thương mại, dịch vụ, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung vùng nguyên liệu chè, gắn với các nhà máy chế biến nông, lâm sản, phát triển chăn nuôi gia súc, khoanh nuôi bảo vệ rừng.
+ Vùng II: Quy hoạch phát triển vùng kinh tế rừng, với các loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao như lát, dổi…; phát triển vùng nguyên liệu quế, sơn tra; quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tái sinh, khai thác thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Bản Chát gắn với chăn nuôi đại gia súc.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện có tinh thần đoàn kết, thống nhất, có nền văn hóa đa dạng, đậm bản sắc dân tộc. Các chính sách, dự án đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh như: Di dân tái định cư thủy điện Bản Chát, Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đề án phát triển Chè, Quế, Sơn tra, đầu tư hạ tầng nông nghiệp được quan tâm.
b. Những khó khăn, hạn chế
- Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa có sức hấp dẫn mạnh với các nhà đầu tư. Kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn còn hạn chế.
- Trình độ lao động huyện (nhất là lao động ở khu vực nông thôn) còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện còn thấp so với mức bình quân của vùng. Nếu không có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì nguồn nhân lực của huyện khó có thể đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội to lớn đặt ra trong giai đoạn quy hoạch tới.
- Trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn kể cả năng lực quản lý của lực lượng lao động và đội ngũ cán bộ quản lý trong các thành phần kinh tế và các lĩnh vực khác còn nhiều hạn chế, chưa có các biện pháp mạnh về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực.