5. Ý nghĩa của đề tài
1.3.4. Hoạt động bảo tồn tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam
* Ban hành các chính sách và pháp luật liên quan đến tài nguyên cây thuốc
Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên bằng việc ban hành nhiều luật lệ và chính sách nhằm bảo vệ thiên nhiên và môi trường như sắc lệnh bảo vệ rừng (1972), chiến lược bảo tồn (1985), kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991-2000, gần đây nhất là luật Đa dạng sinh học (2008), và nhiều nghị định, chỉ thị, vv.
Ngay từ khi giành được độc lập, Chính phủ và ngành Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên cây thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, quan tâm đến công tác điều tra cơ bản tài nguyên cây thuốc (chỉ thị 210 Ttg, 1966; 226 TW, 1975) và phát triển thuốc nam tại tuyến y tế xã (chỉ thị 16/BYT-CT năm 1961); công văn số 109/BYT-CT (1967); chỉ thị số 27/BYT-CT (1972); chỉ thị 11/BYT-CT (1990); chỉ thị số 03/BYT-CT (1996) kết quả là đã tạo ra được phong trào phát triển thuốc nam và hoạt động điều tra tài nguyên cây thuốc mạnh mẽ và rộng khắp. Hoạt động điều tra tài nguyên cây thuốc chủ yếu tập trung vào phục vụ công tác khai thác và phát triển dược liệu, phù hợp với điều kiện nguồn tài nguyên cây thuốc còn dồi dào. Phong trào phát triển thuốc nam tại xã phù hợp với điều kiện kinh tế tập trung, bao cấp, nguồn thuốc chủ yếu từ tự túc trong nước.
Từ khi có chủ trương mở cửa và phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, phong trào phát triển thuốc nam gặp khó khăn lớn và đứng trước nguy cơ tan rã. Hơn nữa, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế, tài nguyên cây thuốc bị khai thác quá mức và có nguy cơ bị đe dọa. Tình hình mới đòi hỏi chính phủ và ngành y tế cần thay đổi chiến lược kịp thời. Tuy nhiên chúng ta đang lúng túng trong việc xác định giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, sử dụng và phát triển một cách bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc trong nước.
Trong bối cảnh môi trường và nguồn tài nguyên sinh vật đang bị đe dọa trên khắp thế giới, cần thiết phải xây dựng chiến lược và chương trình hành
động ở mức toàn cầu, định hướng cho các quốc gia xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động riêng của mình. Sau hội nghị của Liên hợp quốc về môi trường và phát triển ở Rio de Janeiro (1992), Nhà nước đã phê chuẩn “Công ước Đa dạng sinh học” (1994), xây dựng “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam” (1995). Trong đó “Bảo vệ nguồn thuốc truyền thống” đã được xác định là một trong những chương trình cấp bách trong Kế hoạch hành động đa dạng sinh vật của Việt Nam.
Năm 1997, Bộ Khoa học công nghệ và môi trường đã ban hành “Quy chế quản lý và bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật”, trong đó nội dung công tác quản lý về bảo tồn, lưu giữ nguồn gen bao gồm: (i) điều tra, khảo sát và thu thập các nguồn gen, (ii) bảo tồn lâu dài và an toàn các nguồn gen đã thu thập được, (iii) đánh giá các nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học cụ thể, (iv) tư liệu hóa nguồn gen (sau khi đã được đánh giá), (v) trao đổi thông tin tư liệu và nguồn gen, đồng thời định hướng “Đối tượng cần được đưa vào bảo tồn” bao gồm: (i) ưu tiên các nguồn gen quí, hiếm, đặc thù của Việt Nam và đang có nguy cơ bị mất, (ii) các nguồn gen đã được đánh giá chỉ tiêu sinh học, (iii) các nguồn gen cần cho công tác nghiên cứu, lai tạo giống phục vụ đào tạo, (iv) các nguồn gen được nhập từ nước ngoài đã được ổn định và thuần hóa ở Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất.
Đã có 138 loài, thuộc 60 họ, 3 ngành thực vật bậc cao đã được xác định thuộc diện quí hiếm hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau (dựa trên bộ tiêu chuẩn phân hạng cũ của IUCN), trong đó có 23 loài thuộc diện nguy cấp (E), 21 loài sắp bị nguy cấp (V), 53 loài thuộc diện hiếm (R), 36 loài thuộc diện bị đe dọa (T) và 5 loài chưa được biết đầy đủ: 102 loài cây thuốc đã được pháp luật bảo vệ bằng cách đưa vào “Sách đỏ Việt Nam” (SĐVN); 60 loài đã được bảo tồn bằng hình thức ex situ tại các VTV, vườn cây thuốc trong nước [2].
Mặc dù vậy, công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn xuất phát từ chính sách và luật pháp. Mối quan hệ quản lý tài nguyên cây thuốc giữa ngành với ngành, với quản lý lãnh thổ
chưa thỏa đáng. Theo các văn bản, việc xác định nhu cầu dược liệu, lập kế hoạch nuôi trồng hàng năm do ngành Y tế chịu trách nhiệm, nhưng công tác điều tra cơ bản, trồng trọt do ngành Nông - Lâm nghiệp thực hiện, cây thuốc tồn tại và phát triển cùng với hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong khi đó rừng, đất rừng, đất nông nghiệp lại thuộc quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, của chính quyền tỉnh, thành phố. Thực tế chưa rõ ai quản lý tài nguyên cây thuốc.
* Hoạt động bảo tồn tài nguyên cây thuốc ở Việt Nam - Bảo tồn nguyên vị:
Bảo tồn nguyên vị đã sớm được quan tâm ở Việt Nam bằng việc thành lập khu rừng cấm Cúc Phương từ năm 1962 và chính thức thành lập Vườn quốc gia Cúc Phương vào năm 1966. Đến nay một hệ thống bao gồm 22 Vườn quốc gia (VQG), 54 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), 18 khu rừng bảo vệ cảnh quan đã được thành lập ở các vùng sinh thái khác nhau trên toàn quốc, với diện tích 2.97 triệu ha, chiếm khoảng 9% diện tích lãnh thổ.
Với chức năng bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, cây thuốc trong các VQG có thể an toàn hơn. Tuy nhiên các VQG và KBTTN mới quan tâm bảo vệ tổng thể hệ sinh thái, chú trọng nhiều tới tầng cây gỗ, chưa chú ý đến các sản phẩm rừng phi gỗ, nhiệm vụ bảo tồn cây thuốc chưa được đặt ra cụ thể, tài nguyên cây thuốc chưa được khảo sát, kiểm kê đầy đủ, việc kiểm soát và bảo vệ cây thuốc còn bị xem nhẹ.
Thực hiện “Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam”nhà nước đã phê duyệt đề án “Xây dựng hệ thống quốc gia bảo tồn đa dạng sinh học nguồn cây thuốc cổ truyền”, do Viện Dược liệu chủ trì. Dự án đã được triển khai từ năm 1996 đến nay tại các địa phương là Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn - Sa Pa, Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Cát Tiên với nội dung là: (i) khảo sát, kiểm kê cây làm thuốc, xác định tình trạng quí hiếm và tiến hành bảo tồn in situ, (ii) phối hợp xây dựng VTV trong vườn quốc gia, (iii) khảo sát phương thức vừa bảo tồn vừa khai thác hợp lý và phát triển tài nguyên cây thuốc.
Trong giai đoạn từ 1997-2000, dự án “Bảo tồn nguồn tài nguyên cây có ích ở VQG Tam Đảo (do trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây thuốc Dân tộc cổ truyền (CREDEP), tổ chức các VTV Quốc tế (BGCI) và vườn quốc gia Tam Đảo thực hiện) đã tiến hành kiểm kê cây thuốc, xác định mức bảo tồn, phân bố và điều kiện sinh thái của cây thuốc ở VQG Tam Đảo. Kết quả đã xác định được 361 loài cây thuốc, trong đó có 25 loài ưu tiên bảo tồn. Dự án cũng nghiên cứu phương pháp nhân giống bằng hom của 11 loài cây thuốc.
- Bảo tồn chuyển vị:
So với bảo tồn nguyên vị, bảo tồn chuyển vị được quan tâm và thực hiện muộn hơn. Đề án “Lưu giữ nguồn gen, giống cây thuốc và cây tinh dầu làm thuốc” (do Viện Dược liệu chủ trì) đã phê duyệt và thực hiện từ năm 1988 đến nay với sự tham gia của 14 đơn vị, cơ quan khác nhau trong toàn quốc và xây dựng được mạng lưới các cơ quan bảo vệ nguồn gen và giống cây thuốc ở 11 cơ sở khoa học với 250 loài được trồng bảo tồn, theo dõi, đánh giá, trao đổi, cung cấp giống cho nhu cầu nghiên cứu, sản xuất. Đề án đã đề xuất 500 loài cây thuốc cần ưu tiên bảo tồn trong giai đoạn 2001-2005.
Nhìn chung, công tác bảo tồn tài nguyên cây thuốc đã được quan tâm sớm ở Việt Nam nhưng còn lẻ tẻ ở các cơ quan và đơn vị nghiên cứu khác nhau. Trong công tác quản lý, việc ban hành, triển khai, cụ thể hóa các văn bản còn chậm, kể cả trong việc triển khai các công ước quốc tế đã được ký kết, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và chỉ đạo thống nhất, mối quan hệ giữa các ngành y tế, nông nghiệp và lâm nghiệp mới tồn tại trên văn bản. Về phương pháp luận và cách tiếp cận, hầu hết các hoạt động bảo tồn mới chỉ tập trung vào một số vấn đề của khía cạnh tự nhiên như đa dạng sinh vật, tư liệu hóa.v.v. Trong khi đó còn ít nghiên cứu về điều kiện sinh thái, trữ lượng, khả năng gây trồng, tri thức bản địa, vv. của các loài cây làm thuốc, chưa quan tâm đến các khía cạnh xã hội - nhân văn, chưa huy động được sự tham gia của các cộng đồng. Phương pháp nghiên cứu còn đang được các cơ quan nghiên cứu, trường đại học tìm tòi và thử nghiệm.