Để đảm bảo các thông tin định tuyến là luôn “mới (fresh)”, DSDV sử dụng cập nhật thông tin định tuyến theo hai kiểu: định kỳ và trigger. Cập nhật thông tin định tuyến theo kiểu trigger nhằm bổ sung cho trường hợp cập nhật định kỳ, cập nhật các thông tin định tuyến một cách nhanh nhất ngay khi topo của mạng thay đổi. Các gói tin cập nhật chứa địa chỉ nút đích mà mỗi nút có thể truy cập, số chặng để tới được nút đích và số thứ tự của mỗi tuyến đường (do nút đích tạo ra).
Khi nhận được các gói tin cập nhật tuyến đường, mỗi nút so sánh thông tin nhận được với thông tin mà nút đang có về tuyến đường. Các tuyến đường với số thứ tự cũ hơn sẽ bị loại bỏ. Trong trường hợp các tuyến đường có cùng số thứ tự, thông tin định tuyến mới nhận được sẽ thay thế thông tin cũ nếu nó có độ đo (số chặng) tốt hơn (nhỏ hơn). Các tuyến đường mới được cập nhật sẽ ngay lập tức được gửi tới các nút hàng xóm.
Khi một liên kết tới chặng kế tiếp bị phá vỡ, bất cứ tuyến đường nào có chứa chặng đó sẽ được gán một độ đo bằng vô cùng và một số thứ tự mới. Đây là trường hợp duy nhất mà số thứ tự không được gán bởi nút đích. Khi một nút đang có độ đo bằng vô cùng nhận được thông tin cập nhật tuyến đường với độ đo xác định, số thứ tự bằng hoặc lớn hơn số thứ tự cũ, thông tin cập nhật tuyến đường sẽ được phát quảng bá theo kiểu trigger. Nhờ vậy các tuyến đường với độ đo bằng vô cùng sẽ nhanh chóng được thay thế bởi các tuyến đường thực – được truyền đến bởi các nút đích có vị trí mới.
2.7.2 Ad-hoc On-Demand Distance Vector (AODV)
AODV [17] là thuật toán định tuyến distance vector nhưng theo chiến lược reactive. Điều này có nghĩa là AODV chỉ yêu cầu một tuyến đường khi nó thực sự cần và không yêu cầu các nút phải duy trì tuyến đường dẫn tới các nút không tham gia vào quá trình truyền thông. Tương tự như DSDV, AODV sử dụng số thứ tự để tránh định tuyến lặp và chỉ ra tính “mới (fresh)” của một tuyến đường. AODV cũng sử dụng bảng định tuyến, trong đó mỗi dòng trong bảng tương ứng với một nút đích để duy trì thông tin định tuyến. Bất cứ khi nào một nút có nhu cầu tìm đường đi tới một nút khác trong mạng, nó phát quảng bá một thông điệp yêu cầu định tuyến RREQ (route request) tới tất cả các nút hàng xóm. Thông điệp RREQ được gửi đi trong toàn bộ mạng cho đến khi tới được nút đích hoặc nút trung gian trong tuyến đường tới nút đích. Trên đường đi của nó, thông điệp RREQ khởi tạo một bảng định tuyến tạm thời, đánh dấu các nút nó đã đi qua. Nếu tìm thấy nút đích hoặc đường đi tới nút đích, một thông điệp trả lời định tuyến RREP (route reply) được phát unicast gửi trở lại nút nguồn, dọc theo tuyến đường mà thông điệp RREQ đã đi. Trên đường đi đó, thông điệp RREP cũng được khởi tạo tại mỗi nút trung gian, và thêm vào bảng định tuyến tạm của mỗi nút dòng tương ứng với đường đi đó. Các dòng này sẽ được xóa bỏ sau một khoảng thời gian xác định.
2.7.3 Dynamic Source Routing (DSR)
Đặc điểm nổi bật của DSR [29] là sử dụng định tuyến nguồn. Nút nguồn biết được toàn bộ từng chặng định tuyến (hop-by-hop route) tới nút đích. Các chặng này được lưu trong bộ nhớ định tuyến (route cache). Gói dữ liệu (data packet) chứa định tuyến nguồn trong phần tiêu đề của gói tin. Khi một nút trong mạng ad-hoc cố gắng gửi một gói dữ liệu tới nút đích mà nó chưa biết đường đi tới đó, nút nguồn phải tìm kiếm tuyến đường (route discovery) một cách động. Công việc tìm kiếm đường đi được thực hiện bằng cách gửi đi một thông điệp yêu cầu định tuyến RR EQ tới toàn bộ các nút trong mạng. Mỗi nút mạng khi nhận được RREQ sẽ phát quảng bá lại gói tin đó, trừ trường hợp nút đó chính là nút đích hoặc là một nút trung gian trong tuyến đường tới nút đích được lưu trong bộ nhớ định tuyến. Các nút này khi nhận được RREQ sẽ gửi trả lại một thông điệp trả lời định tuyến RREP cho nút nguồn. RREQ và RREP cũng được định tuyến nguồn: RREQ xây dựng đường đi trong mạng; RREP tự quay trở lại nút nguồn bằng cách đi dọc theo tuyến đường này. Tuyến đường mà RREP đã đi sẽ được lưu lại trong bộ nhớ (cache) tại nút nguồn để sử dụng lại sau đó.
Nếu bất cứ liên kết nào trong định tuyến nguồn bị phá vỡ, nút nguồn sẽ nhận được thông báo – gói tin báo lỗi định tuyến RERR (route error). Nút nguồn sẽ loại bỏ tất cả các tuyến đường có sử dụng liên kết này ra khỏi bộ nhớ (cache). Nút nguồn lại khởi tạo một quá trình tìm kiếm đường đi mới khi cần thiết. DSR sử dụng rất nhiều định tuyến nguồn và lưu lại đường đi. Không cần thiết phải sử dụng một kỹ thuật đặc biệt nào để dò tìm định tuyến lặp. Bất cứ nút trung gian nào cũng có thể lưu lại tuyến đường chứa trong gói tin mà nó chuyển tiếp để có thể sử dụng lại về sau.
2.7.4 Zone Routing Protocol (ZRP)
Trong thuật toán định tuyến ZRP [25], mỗi nút có “khu vực định tuyến” riêng của nó (Khu vực định tuyến của một nút chứa các nút có khoảng cách (số chặng) tới nó nhỏ hơn một ngưỡng xác định). Mỗi nút phải biết được topo mạng trong khu vực định tuyến của nó, và việc cập nhật tuyến đường chỉ được lan truyền trong khu vực định tuyến. Một giao thức định tuyến theo kiểu proactive, ví dụ như DSDV được sử dụng trong khu vực định tuyến. Để tìm kiếm đường đi tới một nút ngoài khu vực định tuyến, một giao thức theo kiểu reactive được sử dụng, ví dụ như DSR.