CHƯƠNG 2 MỘT SỐ GIAO THỨC ĐỊNH TUYẾN TRONG MẠNG MANET
2.1 Phân loại các kỹ thuật định tuyến
2.1.4 Định tuyến nguồn và định tuyến từng chặng
Có một vài giao thức định tuyến đưa thông tin về toàn bộ con đường vào trong header của các gói tin dữ liệu để các nút trung gian có thể chuyển tiếp những gói tin này theo các thông tin định tuyến mà nó đọc được trong phần header. Chiến lược định tuyến này được gọi là định tuyến nguồn. Ưu điểm của chiến lược định tuyến này là các nút trung gian không cần duy trì thông tin định tuyến cập nhật để tìm đường cho các gói tin chúng chuyển tiếp vì chính trong các gói tin dữ liệu đã chứa thông tin phục vụ cho các quyết định định tuyến. Tuy
nhiên, nhược điểm của chiến lược này là làm tăng kích thước của các gói tin dữ liệu, đặc biệt với các con đường dài và trong các mạng có kích thước lớn dẫn đến việc lãng phí băng thông. Giao thức DSR là một trong những giao thức định tuyến nguồn tiêu biểu. Hình 2.3 minh họa cơ chế chuyển tiếp gói tin của giao thức định tuyến nguồn.
Hình 2.3. Truyền dữ liệu theo định tuyến nguồn
Trong chiến lược định tuyến từng chặng, con đường tới một nút đích được phân bố trong các “chặng kế tiếp” của các nút thuộc con đường này. Khi một nút nhận được một gói tin cần truyền tới một đích xác định, nó sẽ chuyển tiếp gói tin này tới chặng kế tiếp tương ứng trên con đường. Vì mỗi nút mạng không có thông tin đầy đủ về toàn bộ các liên kết trong mạng nên thuật toán định tuyến của các giao thức sử dụng chiến lược định tuyến này phải đảm bảo không chọn các con đường gây ra định tuyến lặp. AODV là một trong những giao thức tiêu biểu sử dụng chiến lược định tuyến từng chặng. Hình 2.4 minh họa kỹ thuật chuyển tiếp gói tin của giao thức hoạt động theo chiến lược định tuyến từng chặng.