Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với vấn đề tạo việc làm cho người lao động Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa (Trang 25 - 27)

3.1. Đổi mới nội dung, phương pháp quản lý của Nhà nước

- Nhà nước quản lý ở tầm vĩ mô, thống nhất tập trung quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Trung ương đến địa phương cho tới trường học và cơ sở đào tạo. Mở rộng thích đáng quyền hạn và trách nhiệm, tính tự chủ của các trường. Phân định chức năng quản lý Nhà nước giữa Bộ Giáo dục – Đào tạo và các Bộ có liên quan.

- Nhà nước cần tăng cường công tác thông tin, công tác dự báo trong toàn ngành, từng khu vực, từng địa phương để hoàn thiện công tác quy hoạch và lập kế hoạch theo chiến lược phát triển. nghiên cứu, dự báo cầu lao động cả về số lượng, cơ cấu nghành nghề, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề,…để định hướng đào tạo theo nhu cầu.

- Nhà nước tăng cường đầu tư cho giáo dục, hiện đại hóa công tác tổ chức và quản lý thông qua các phương tiện hiện đại như áp dụng sử dụng hệ thống mạng, phần mềm tin học đồng bộ giữa các bộ phận trong tổ chức và quản lý.

3.2. Phát triển các cơ sở dạy nghề.

- Rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu lao động trong doanh nghiệp FDI. Khuyến khích các doanh nghiệp FDI thành lập cơ sở dạy nghề trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô sử dụng vốn lớn. Đồng thời, nâng cấp các cơ sở dạy nghề hiện có hoặc xây mới để hình thành các trường dạy nghề có trình độ cao, quy mô lớn.

- Bổ sung, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo mềm dẻo, linh hoạt, thích ứng được với những thay đổi về kỹ thuật và công nghệ của các doanh nghiệp FDI.

- Đổi mới phương pháp dạy nghề, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào giảng dạy, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, tăng thời gian thực hành, thực tập và tự rèn luyện của học sinh; Liên kết với các doanh nghiệp, kết hợp học với thực hành tại doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giáo viên dạy nghề theo tiêu chuẩn; tổ chức cho giáo viên dạy nghề đi thực tế tại doanh nghiệp để tiếp cận với các kỹ thuật, công nghệ và tổ chức sản xuất hiện đại; xây dựng và hoàn thiện môi trường sư phạm chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề.

- Đầu tư phát triển hệ thống thông tin về dạy nghề - việc làm trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tổ chức, tác phong lao động công nghiệp, kỷ luật lao động, năng lực làm việc theo tổ nhóm và năng lực phân tích, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa trong các doanh nghiệp FDI.

- Triển khai kiểm định dạy nghề nhằm kiểm định cơ sở dạy nghề và chương trình đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất,… để đảm bảo chất lượng dạy nghề.

- Triển khai thí điểm việc đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, hướng tới hội nhập và công nhận chứng chỉ kỹ năng nghề giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài với vấn đề tạo việc làm cho người lao động Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa (Trang 25 - 27)