Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở việt nam (Trang 151 - 152)

3. Cơ sở lý thuyết của luận án

2.4. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá

2.4.3. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên, với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên tranh chấp phải thực hiện.

Tranh chấp giữa NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được giải quyết bằng trọng tài khi hai bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. NTD thường rất khó để nắm vững về những trình tự, thủ tục của phương thức trọng tài nên rất dễ bị tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng sự yếu thế nhằm ép buộc NTD phải đồng ý với thỏa thuận trọng tài được soạn thảo sẵn trong hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung khi giao dịch qua phương tiện điện tử. Khi xảy ra tranh chấp, với tâm lý e ngại cộng thêm việc thiếu kiến thức pháp lý đã dẫn đến những thua thiệt cho NTD nếu sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Do đó, để bảo vệ cho NTD, Luật bảo vệ quyền lợi NTD đã quy định, NTD có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác nếu điều khoản trọng tài được tổ chức, cá nhân kinh doanh đưa vào hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Quy định này đảm bảo quyền tự định đoạt phương thức giải quyết tranh chấp của NTD. Nếu NTD vẫn đồng ý với việc giải quyết bằng phương thức trọng tài thì trình tự và thủ tục sẽ được thực hiện theo Luật trọng tài thương mại năm 2010.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài chính là việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh với NTD. Theo Điều 40 của Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010

thì NTD không phải chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Đây là điểm đặc biệt của pháp luật bảo vệ NTD, để NTD chứng minh được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh là việc rất khó khăn do NTD bị hạn chế cả về mặt trình độ lẫn công nghệ, máy móc, trong khi giá trị giao dịch thường nhỏ nên NTD có tâm lý bỏ qua, không muốn tốn kém thêm thời gian và công sức. Do đó, pháp luật bảo vệ NTD đã có quy định đảo ngược nghĩa vụ chứng minh lỗi từ NTD sang phía tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có điều kiện về tiền bạc, công nghệ, trình độ chuyên môn nên phải có trách nhiệm chứng minh mình không có lỗi khi thiệt hại xảy ra. Quy định này góp phần tăng cường lòng tin cho NTD khi tiến hành giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử ở việt nam (Trang 151 - 152)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)